15 tháng 3, 2013

CHA KHÔNG CÓ LỖI NẾU CON TỪ TỐN SỐNG


Văn Chinh
   
Tạ lỗi

Ngày con sinh có ngôi sao xanh như múa
Cha mượn tên sao cho con đăng ký làm người


Nhưng mẹ suốt ngày chỉ gọi Nhiu thôi
Và như thế cha đã thả con lẫm chẫm trên đường đời khó nhọc
Hạnh phúc cách con một đường chùng dây thép
Đến quãng đôi mươi cha đã bảy mươi ngoài
Sao xanh ơi làm thế nào để Nhiu của chúng ta khỏi ngã
Bố con mình tốt đen tốt đỏ
Trận cờ người lắm nước khôn cùng
Chỉ sao xanh là biết rõ
Chỉ sao xanh đêm đêm nhắc nhở 
Xem con từ tốn làm người


Lời bình của Nguyễn Đức Lợi

Cha không có lỗi nếu con từ tốn sống


Tôi chưa đọc thơ Văn Chinh bao giờ. Đến khi gặp Tạ lỗi trên Văn nghệ Quân đội Online, ra ngày 6.2.2009 thì cóp lại định bụng khi nào rỗi đem ra đọc. Rồi cũng đến lúc nằm một chỗ. Đọc xong 1 lần và cho qua đến hơn 3 tháng. Thơ bình thường. Hôm nay, có việc cần nói về thơ với 1 bạn trẻ, đọc lại Tạ lỗi, vẫn không thấy có chuyện gì. Thế nhưng tối đi nằm cứ thấp thoáng trong lòng một ngôi chùa đầy ắp kinh thư và sám hối!
Thường thì, ít bố mẹ nào sinh con ra mà không “tạ lỗi” điều gì. Chính thế mới thấy Tạ lỗi của Văn Chinh thường. Kể cả khi Hạnh phúc cách con một đường chùng dây thép; hay, Bố con mình tốt đen tốt đỏ. Âu cũng là dằn hắt đời, dằn hắt mình như bao người sống lâu, biết lắm. Nhưng chuyện gì của Văn Chinh mà Chỉ sao xanh là biết rõ thế nhỉ? Không lẽ là Xem con từ tốn làm người. Mà đúng rồi còn gì nữa! ám ảnh là ở đây chứ đâu. Có trời mới biết con cái mình sau này ra sao, mặc dù người cha đã làm tất cả những gì có thể. Kể cả chuyện khuất nẻo tâm linh: Cha mượn tên sao cho con đăng ký làm người rồi cơ mà? Nhưng khổ lắm, trời sinh tính!
Nơi tôi ở có ông đặt tên 4 thằng con là Tính, Toán, Toàn, Diện nhưng rồi thì tính toán sai bét cả. Hai thằng nghiện thuốc phiện đã chết. Một thằng nghiện cờ bạc bán cả nhà, mất cả vợ. Còn lại thằng “diện” hơn cả thì lại coi bố mẹ chẳng bằng hàng xóm. Lại một ông chữ nghĩa đặt tên hai thằng con là Phạm Ngọc Hoàng và Phạm Học Đường cũng bởi cái ước mong con cái học hành đỗ đạt, chức việc cao sang. Nhưng đáp án là thằng Học Đường thì thất học, lêu lổng nghiện hút; thằng Ngọc Hoàng cũng chẳng bằng cấp gì, cả đời đi làm bảo vệ cho một cơ quan… toàn nữ.
            Người mẹ trong Tạ lỗi có vẻ thực tế hơn. Thường thì phụ nữ có linh cảm đặc biệt. Họ không bao giờ nói trước điều gì, vì sợ cả đời bước không qua câu nói ấy. Họ chỉ gọi con là Nhiu, là Mèo con, là Cái Kẹo… chứ không bốc đồng như cánh đàn ông, nào là Thành Đạt với chả Quang Vinh… Nhưng thích thú nhất là cuối cùng, cái ông bố “viển vông và tưởng bở” ấy cũng giật mình thực tế lại: Sao xanh ơi làm thế nào để cho Nhiu của chúng ta khỏi ngã. Làm cha mẹ nặng nề trách nhiệm với con cái thì mới phát hiện ra mình bất lực với con sớm hơn người khác. Một sự “cầu cứu” xuất phát từ chính trải nghiệm và lòng thương yêu con cao cả! Đã phải cầu cứu là tuyệt vọng rồi. Những bài học từ Trận cờ người lắm nước khôn cùng là cứ nói ra thế thôi, chắc gì chúng đã chịu nghe cho. Vì nếu nghe thì việc tham khảo sao xanh bằng thừa...? Hạnh phúc nào có xa xôi gì, chỉ bên kia sợi dây thép căng chùng thôi, mà có cấm cản gì cho cam(Một sợ giây thép hờ hững, không có nhiều ý nghĩa chặn cản, nhưng nó lại được chấp lệnh bằng một pháp chế đạo lý - một sự chia cách giữa tự do hạnh phúc với lệ thuộc đớn đau). Nhưng hạnh phúc lại không phải của ban, tặng. Nó là thành quả của một sự phấn đấu trường kỳ, sự trả giá đúng mực; nhưng cũng lại phải biết cảm nhận và gìn giữ.
Tôi biết một câu nói thú vị, đó là của chú ruột tôi: “Bố chúng mày dạy chúng mày nhưng con hàng xóm khôn” (ngay bản thân tôi, một số cái “khôn” nhờ hàng xóm dạy!) Chí lí thật. Hay là tại gien? Bố dạy, con không khôn thì chỉ tại gien chứ tại gì? Nhưng nhiều nhà, bố làm khoa học, giáo sư, chính trị gia… nổi tiếng nhưng con lại thiểu năng… văn hóa! Vậy thì không phải tại gien rồi. Thế phải tại cái gì? Văn Chinh chịu. Tôi chịu. Đời chịu. May ra chỉ có sao xanh mới biết. Nhưng thật tiếc là, “sao xanh” lại đang nhắc nhở chúng ta - những người làm cha, làm mẹ bằng thứ ngôn ngữ… thiên hà, nên ít người hiểu, dù rằng đã cần cù chịu hiểu. Chính vì thế, chỉ còn cách đứng mà chiêm ngưỡng từ xa, với một hy vọng cháy bỏng: Xem con từ tốn làm người… và, quả tình nếu con cái biết từ tốn sống, từ tốn làm người thì chẳng có người cha, người mẹ nào lại phải tạ lỗi cả!
Theo thiển ý, thơ hay (trước cả nghệ thuật) phải là… đời, là máu thịt, bì cốt. Văn Chinh có bài thơ hay vì đã mang máu thịt của mình… ra “chợ”!

Điện Biên Phủ 21.5.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét