Trương
Hữu Thiêm
Tiết dạy cuối cùng
Các em gấp sách vào đi
Một đời bể rộng sông sâu
Bây giờ tay vịn nhịp cầu chông chênh
Bao nhiêu câu chữ nổi nênh
Bấy nhiêu tâm sự bồng bềnh ruột gan.
Về hưu cuộc sống thanh nhàn
Câu thơ gieo giữa tiếng đàn thảnh thơi
Oán ân trả hết cho đời
Một mình với một góc trời con con
Dẫu không gác tía lầu son
Dẫu không của lạ vật ngon dư thừa
Nhưng mà khỏi nắng khỏi mưa
Khỏi câu uốn lưỡi cho vừa cuộc chơi
Đã qua gần một chân trời
Mà chưa hiểu hết lẽ đời phù hoa.
Ngày mai, thầy nghỉ ở nhà
Nhớ trường, nhớ lớp, hết ra lại vào
Các em… tạm biệt… thôi nào…
Mấy mươi cặp mắt lệ trào: “Thầy ơi!...”
Lời bình của Nguyễn Đức Lợi
Oán ân trả hết cho đời
Trong
suốt cuộc đời học trò, tôi không may mắn được chia tay thầy (cô) giáo về hưu,
nên phải đến khi đọc bài thơ “Tiết dạy cuối cùng” của Trương Hữu Thiêm, in trên
Bán nguyệt san Điện Biên Phủ, số 70, ra ngày
15.9.2008 mới thấy trỗi lên niềm xúc động mạnh mẽ. Dù ở góc nhìn nào cũng thấy
cuộc chia tay thật cảm động. Và cảm động nhất, lưu luyến nhất vẫn là người
thầy. Một đời học trò nhiều nhất cũng chỉ gắn với các thầy (cô) mười mấy năm.
Còn thầy thì kèm sát bên trò có thể là 30 năm, 35 năm và hơn nữa. Ngay từ câu
thơ đầu đã có sự bất thường, thầy giáo giục các em gấp sách lại, vì thầy “chẳng
dạy gì được đâu”. Thầy không xúc động cao độ trước một cuộc chia xa vĩnh viễn,
thì không dễ gì “vi phạm quy chế dạy và học” như thế. Có lẽ vì thầy biết, thiếu
một tiết dạy cuối cùng ấy của thầy, các em cũng chỉ mất thêm một chút thời gian
để hỏi lại bài thầy (cô) khác - người ngay tiết dạy sau thôi sẽ thay thế thầy!
Nhưng đổi lại, thầy đã khơi dậy trong các em lòng trắc ẩn, tấm chân tình và sự
kính trọng. Một thứ “đạo” mà đã là trò, cần có và phải có.
Sau
cặp thơ “khai tứ”, là bắt đầu quá trình tâm sự, tự vấn mà người thầy muốn
“truyền” lại cho học trò ngoài chương trình giáo dục (ngoài sách giáo khoa).
Bất cứ ai làm nghề bảo học đều thế, một đời cứng cỏi chèo lái, gột vạt, rồi
cũng phải về “vịn” vào cái “chông chênh” cuối đời. Ngần ấy năm dạy dỗ các em,
cũng như ngần ấy năm thầy sống, ăn mỗi hạt cơm là dạy trò một chữ; và mỗi một
chữ lại là một tâm sự. Đã là tâm sự thì vui có, buồn có. Cái buồn có lẽ chỉ đến
khi một trò nào đấy chưa ngoan, chưa nên người. Còn cái vui thì bất tận. Có trò
bây giờ đã là đồng nghiệp của thầy. Có trò bây giờ là thủ trưởng của thầy. Có
trò bây giờ là chủ một tập đoàn kinh tế lớn. Có trò bây giờ làm lãnh đạo cả một
tỉnh… Còn thầy vẫn thế thôi. Vẫn đứng trên bục giảng ấy, vẫn dưới mái trường
này, vẫn là người thầy ngày đêm vun đắp sát sao, lo lắng đẫy giấc cho các trò;
tiếp thêm cho các em những kiến thức tự nhiên, kiến thức xã hội… Mặc dù thầy
biết việc về hưu là một quy luật bất khả kháng, nhưng thầy vẫn tiếc là còn trò
chưa hiểu thầy, còn trò không cảm thông nghề thầy sau mỗi lần thầy nghiêm khắc.
Thầy tiếc lắm, giá như… tiếc đến “bồng bềnh ruột gan”.
Thầy
về nghỉ là về hưởng cái an nhàn tĩnh tại, không vương vấn công danh, cũng chẳng
màng oán ân thế thái. Một mình thầy một góc trời con, sống yên hàn, đạm bạc.
Mặc kệ những gì mà ngần ấy tuổi đời vẫn không hiểu nổi. Mặc kệ luôn cả “cuộc
chơi” mà chưa bao giờ thầy thích chơi, nhưng vẫn phải chơi cho nó ấm, cho nó
lành. Thầy về quan tâm hơn tới những gì thầy đã thiếu quan tâm, lưu ý hơn những
gì thầy trót thiếu lưu ý suốt mấy chục năm qua. Giấc ngủ ngắn ngủi và mộng mị
của cô, sự nghiệp truân chuyên của các con, mái tranh lỗ rỗ vết mưa, hay cả cái
bàn viết thiếu đôi tay đàn ông đã trở nên ọp ẹp. Chẳng ai bảo nghề thầy giầu,
nhất lại là khi đã về hưu. Cho dù không giầu thì cũng sang, không thừa nhưng mà
đủ. Thảnh thơi, tao nhã. Khoảng thời gian nhàn trống nhớ trường, nhớ lớp, nhớ
các em, nhớ trang giáo án… thầy chỉ còn biết thả câu thơ vào tiếng đàn réo rắt
như thể tự động viên mình, tự vui vầy mình, thế thôi.
Vì vậy nên các em ơi! Tạm biệt nhé! Thôi nào, đừng khóc
nữa! Thương thầy, nhớ thầy hãy chăm chỉ học, siêng năng rèn để mai này, tiếp
bước thế hệ các thầy, làm chủ vững vàng xã hội, làm chủ vững vàng đất nước.
Một
bài thơ cảm động! Với bút pháp giản dị, Trương Hữu Thiêm đem đến cho người đọc
một “cuộc nói chuyện” giữa hai đối tượng già và trẻ; giữa hai thế hệ quá khứ và
tương lai; giữa hai mối quan hệ thầy và trò; giữa hai ngả của một cuộc chia xa
đi và ở… hết sức chí lí, chí tình, chí tôn và chí ích. Hình ảnh người thầy
thanh liêm, mẫn tiệp và hết đỗi mến thương trò hiện lên như một thước phim dài
kì, mặc dù không gian bài thơ chỉ thể hiện trong khoảng thời gian của một tiết
học (45 phút). Trong hoàn cảnh này, cái người đọc cần nhất ở người viết đó là
nước mắt. Đã có nước mắt của những “mấy mươi cặp mắt”. Nước mắt ở đây không có
nghĩa để tải buồn, hay thủ thuật làm “cảm động” độc giả, mà nó khẳng định là đã
“có đức” của trò. Những giọt nước mắt biết ơn sâu sắc bởi tinh thần “Thầy như
cha”, hay “Một chữ là thầy, nửa chữ là thầy”…
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét