16 tháng 3, 2013

CÂU THƠ LẮNG VÀO CON CHỮ


     Cảm nhận đầu tiên khi đọc tập thơ Mái trường tôi yêu (Chi hội VHNT trường CĐSP Điện Biên) là màu sắc - một thứ màu sắc đa chiều, đa diện. Thiết tưởng, sau bao nhiêu bộn bề bút sách, nay nhập ngôn thơ không gì ngoài vấn đề dạy và học.
Thế nhưng, trong 61 bài thơ của 24 tác giả là giảng viên, học viên, có người còn đeo đuổi nghề, có người đã nghỉ hưu, có người chuyển công tác, bên cạnh những “mượn ý thơ gửi tâm tình vào con chữ”, vẫn thấy trội lên muôn màu cuộc sống vui, buồn, yêu, thương thường tình, rung động. Trong gian nan nghề, từ thời chiến tranh, đến giai đoạn kiến thiết đất nước và bây giờ là đổi mới, không khi nào nghề giáo được an nhàn, trừ khi đã về hưu. Nỗi chữ, niềm trò ấy dường như được chắt tiết từ thô sang tinh, từ nguyên liệu đến máu, và cuối cùng vụt cháy thành thơ để động viên mình, khích lệ trò và ủng hộ xã hội: “Chính nơi này thầy đã dạy cho tôi / Hãy nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương với những nụ cười / Đừng bao giờ ngắm nhau qua đầu ruồi nòng súng…” (Về trường xưa – Nguyễn Hữu Được). Nếu đặt lại mình lên chiếc ghế nhà trường, điều đầu tiên tôi vẫn sẽ nói: “Thầy cô ơi! Nghiêm khắc quá”. Cũng có thể, nhờ cái tình như cha, nghĩa như mẹ không nuông hư ấy mà tôi có ngày hôm nay chăng? Thú vị hơn, phải đến bây giờ, nếu theo nghề thầy thì tôi cũng có ngót 20 năm đứng lớp, tôi mới hiểu các thầy các cô cũng luôn “mềm lòng” trước những cá biệt.
       Không ai làm thơ về các thầy cô hay hơn các thầy cô: “Bạn về kể anh những chuyến xa / Ba lô mỏng trên vai còn thấy nặng / Cơn sốt nghiêng rừng muốn bứt bao điều anh ôm ấp / Tiếng chim chuyền trong lá lao xao… / Yêu nét chữ còn non lớp học vùng cao / Mê chiếc ống bơ cô giáo gom về làm đồ dùng dạy học / Chắt chiu hương con ong xây mật / Cho đời, cho em, cho thơ.”(Người thầy giáo làm thơ tôi yêu – Phương Liên). Ngay cả cái khoảnh khắc mà học trò sợ nhất trong đời, đó là các kỳ thi. Vì, ở đó có quy chế, có kỷ luật, có sự nghiêm nghị “chết người”, mà không có khen thưởng, nhưng các trò ơi hãy thông cảm cho cô, bởi cô là cô giáo: “Ngày mai em ra trường / Em thành cô giáo / Biết em có buồn và trách tôi không?” (Tâm tư mùa thi mãn khoá - Nguyễn Hồng Miên). Rồi còn nhiều lắm, chia sẻ cảm thông khi có vợ là cô giáo, gửi hy vọng vào những chuyến đò “thầy”, hoà niệm về một thời gian khổ, vượt núi băng rừng làm thầy giáo vùng cao…
      Bên cạnh những tâm tình bảng, phấn, thầy, trò, nghề… được ký thác, cậy nhờ trong những: Nghề đẹp nhất (Nguyễn Hữu Được), Hạt giống đỏ (Lê Mạnh Huyền), Buổi học cuối cùng (Hoàng Công Mai), Thư gửi cô giáo cũ (Lê Quang Vinh), Lời thầy dạy (Đặng Thị Oanh), Ơn thầy cô (Phùng Thị Thanh), Thầy giáo tôi (Công Thành)… Nghề thầy cô giáo cũng giống như bất kỳ nghề nào trong xã hội, phấn đấu vì lý tưởng cách mạng. Các thầy cô vốn cũng lo toan tám hướng đời thường như bất kỳ ai: “Kẻng hết giờ nhanh đi đón con / Nấu xoong cơm, tưới luống rau, bổ củi / Vợ nằm viện: “Chủ nhật này tớ lên rừng vác chuối” ”(Phương Liên) hay vui vì được vất vả, được lo toan khi “Cha nghỉ hưu rồi con mới vào đại học”, và để được hy vọng “Nhớ lại thủa xưa cha đã từng thất học”(Nguyễn Duy Tiến). Ngoài phút mệt toài bên trang giáo án, những tiết nóng ran người trên lớp với các em, dường như các thầy cô đã bứt ra, tách ra để được hít thứ không khí không bị trói buộc bởi gương cô, nếp trò. Tác giả Trần Thành lắng lòng lại để mà mơ về “Tháng tư / Tưng bừng làng mở hội / Rực sắc màu áo mớ bẩy, mớ ba / Hoa xoan tím đậu trên vành khăn xếp / Những gái làng bỗng chốc hoá tiên sa”. Còn Bùi Quang Huy thì chợt thấy mình đáng yêu, và yêu đến… vỗ, xô, cồn cào để rồi, bình tâm lại vẫn còn yêu “Mãi đắm chìm trong nỗi nhớ, niềm yêu”
      Trường CĐSP Điện Biên, tiền thân là trường Trung học sư phạm Lai Châu, sau ngót 50 năm thành lập đã có không ít người làm thơ và thành danh, nhưng phải đến hôm nay, 5 tháng sau kể từ khi Chi hội VHNT thành lập, tập thơ đầu tay Mái trường tôi yêu mới được ra đời. Đúng như lời đề tựa, “Những thầy cô giáo sau những giờ lên lớp, những đêm thâu miệt mài bên trang giáo án, họ lại tìm đến với thơ để giãi bày tâm sự, để tìm mình trong chính mình” nhưng có lẽ sâu xa hơn vẫn là “để ngày mai bài giảng của họ sẽ diết da và thấm đượm hơn vị mặn nồng của cuộc sống”… ĐọcMái trường tôi yêu để cảm thông, chia sẻ và thêm yêu nghề giáo; nhưng cũng đọc để cho thơ chắp cánh bay cao, nhất là vào dịp thu này./ 
Điện Biên 5.9.2008

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét