1 tháng 2, 2013

NGÔI NHÀ THÁC LOẠN

M

ọi người gọi y là thằng thần kinh. Thằng chập mạch. Thằng quỷ người… Duy gã Khươn điên, vào lúc mười lăm phút tỉnh trong ngày gọi y là người gánh tội cho xã hội. Cái gã dành cả một đời phấn đấu cho mỗi việc lang thang, nhặt nhạnh những thứ bẩn thỉu người ta vứt đi rồi dồi cho đầy cái dạ dày, luôn có cách nhìn đời quai quái.
Gã Khươn phân tích theo kiểu tư duy trong suốt (có người bảo là trường phái điên học) rằng, nếu không có những người đứng ra gánh tội cho xã hội, tức là không bao giờ được hưởng cái phúc làm “người bình thường” như gã và y thì xã hội này sẽ chìm trong sự đen tối ghê rợn và mất mát. Những người ấy, gánh cho tất cả những người bình thường mọi sự bất bình thường, và, vì thế phải hàm ơn họ. Gã đòi hỏi: “Tối thiểu cho chúng ta được cái quyền nói phải có kẻ nghe. Nhìn ở góc độ nào đó, chúng ta (gã và y) chính là lương tâm của xã hội”...
Có người, tỉnh táo hẳn hoi, công nhận rằng, giống như hạt cát giữa sa mạc mênh mông, phải biến dị một tí, mai một một tí mới sắc màu, mới muôn vẻ. Đa dạng, mâu thuẫn, hỗn độn, bình yên chính là yếu tố cấu thành và quyết định sự tồn tại vĩnh hằng của xã hội. Sinh diệt hiện hữu song song, không ai đứng ra sắp đặt được. Nếu cố tình coi mình là tạo vật thì chỉ làm tăng thêm những cá thể hoang dã, chưa, thậm chí là không bao giờ cải tạo nổi. Y dường như ngã ngũ cái lý của người điên nên vống lên: Vậy thì cớ gì cứ vặn tại sao. Không nhẽ lại thòi cái lý cùn ra là kệ tôi! Có chết ai không? Sao không việc ai nấy biết?... Thế đấy!
Và thế là, y bóc tách ra, cắt chặt lìa lõi ra khỏi xã hội, giống như một đứa con trai lấy vợ ra riêng và ngầm cắt đứt mọi sự liên hệ với thân mẫu túc thủ, rồi tự do đấu tranh, tự do sinh tồn, không theo một thứ lệ tục gia phong nào cả - một kiểu lai căng thịnh hành và mốt. Sống vung vít và sổ thả, ngang ngược và thỏa mãn. Y bảo cái đạo lẽ ấy được sinh ra từ khi đời mất dạy với y, chống lại cái lý sống của y. Lạ kỳ, ở đời chỉ có con mất dạy với bố (mà chửi thế là đang chửi ráo cả bố (mẹ) đấy chứ. Đứa con mất dạy là đứa không có bố, hoặc giả có cũng như không). Cái xã hội này làm gì có ai chiếu dưới y mà cãi y - y là kịch bậc thấp hèn cơ mà. Họ chửi y cơ mà. Chửi, ít nhất cũng là ngang hàng, còn thì là trên chửi dưới (bây giờ, đôi khi lệnh trên tức là chửi). Y to cái nhầm rồi…
Y ngồi chênh hếch góc sàn, nhìn phọt ra phía nhấp nhô bê tông cốt thép mà chửi. Y không chửi thẳng vào danh diện ai. Không chửi vỗ vào khứu giác đứa nào. Mà cứ chửi như chó sủa giăng thôi, chẳng quy kết tội gì được:  
   - Mả mẹ cái cuộc đời này! Đứa nào cũng rêu rao nhân, tín, nghĩa - đức, phúc, phần. Có mà quân, bất, nghĩa - chó, giữ, phần thì có. Đồ đàn người! Đồ bọn người! Đồ rác rưởi người...!
Chẳng một tiếng cóc nhái nào bắt nhời. Y đang cơn đốt não, quay vào trong buồng, hậm họe cô con gái, và cũng là con người thứ hai duy nhất, tính cả y, ở cái thế gian này, y nghĩ và vẫn nói thế:
   - Sao không cất lên mấy cái gầm gừ cho nó có chủ quyền. Hợp tác xã ngày xưa hay nói, thà mất mạng chứ không để mất chủ quyền đâu!
   - Gầm gừ cũng có cắn được ai?
   - Không cắn được nhưng làm chúng nó đau được. Chúng nó vốn không phải giống nòi như cô và tôi nên lắm lý luật, lắm văn hóa. Bị xúc phạm là đau ngay, mặc dù vẫn chỉ là lũ ngu ngơ, vớ vẩn, độc địa và cực kỳ láo toét. Đúng là đồ...
    Nói đến đấy, y khựng họng lại. Như thỏa cơn ngứa lưỡi, y thấy mát nghĩ nên kịp ngưng chặn dòng chửi, nếu không sẽ mất quan điểm từ trong nhà mà ra ngay. Y định nói đồ bảo sao biết vậy đấy. Kể ra, cái nhận xét ấy trúng bất kể ai trên đời này, bất quá cũng thấy ưng ức, thật rõ chẳng hiểu gì mà nói, vậy thôi. Nhưng với Loan thì khác. Xưa rày Loan chỉ nghe một mình y, chỉ tin một mình y, và chỉ có y bảo sao cô mới biết vậy, nếu y không kịp phanh lại cái thói ăn nói như đá lăn cây đổ ấy, thì ắt có cây đổ đá lăn trong lòng.
   - Ai giả nhời thử xem, nguồn cội là cái đếch gì? Bọn người hỗn chiến ngoài kia là cái đếch gì? Cả cái thứ luật mà chúng nó văng ra nữa… Đứa đẻ ra thì quăng như vứt bỏ hòn phân ngoài đường, may mà sư sãi chùa Cả nhặt được. Họ nói là nhờ có Chúa tôi mới được làm người. Còn cô làm người được là do tôi, tôi không nhận mình là tổ tiên cội gốc của cô thì đứa nào bắt được, trừ Chúa, mà Chúa thì lại đếch có thật, ít nhất là kể từ khi tạo ra tôi rồi thôi. Thôi luôn!
   - Liệu mình có loạn luân không?
   - Vớ vẩn. Loạn luân là cái gì? Mặt mũi nó như thế nào? Ai bảo nó là thứ không được sạch đẹp?
    Y gay gắt như thế đích thị Loan là cái đồ bảo sao biết vậy, nếu không Loan chả nhuộm cái lối sống ngoài ngõ gạch kia từ lâu rồi. Nhưng y bảo, a dua theo đàn, bọn ấy chỉ chuốc về sự buồn muôn ngả. Y khoe với cô con gái duy nhất thần tượng y là y đã từng làm cán bộ, từng chỉ huy hơn trăm con người thuộc một đội trồng trọt bông vải, của nông trường Sông La, đóng chân ngang lưng đèo Đá Hồng, ven quốc lộ Sáu. Cái nông trường thành lập theo mơ ước chủ quan của một bà mẹ lòa, quê Thái Bình. Theo nhiều người thì nguyên do bởi bà mẹ ấy, mắt không nhìn thấy nữa nhưng vẫn ngồi vá áo gửi ra chiến trường cho con, nên mới ước mai sau con mình, cháu mình không phải mặc áo vá nữa. Thế là, anh thương binh (con trai bà) sau khi xuất ngũ về, mẹ anh không còn nhưng nghe xóm láng kể lại, anh liền xung phong lên Tây Bắc tham gia thành lập nông trường trồng bông dệt vải, nhằm thỏa nguyện di ước của mẹ, làm cho đất nước này thật lành, thật ấm.
Quái gở. Y nghĩ vậy và bật dậy. Theo cái gọi là quan điểm, y lễ phép đến khẩn khoản xin được phát biểu mỗi hai chữ: “Láo toét!”. Y nói chuyện ngoài chấn song là, muốn lành muốn ấm tập thể, lành ấm cái số đông bầy đàn thì mỗi cá thể hãy chủ động làm lành ấm mình, đừng có ngáng đường, cùm kẹp, chèn ép, lường gạt và cướp giật của nhau, ắt sẽ lành ấm muôn sau. Đằng này, nhờ có cái quan điểm “kinh tế tập thể”; “tài sản tập thể” để được làm lãnh đạo, để được ăn chặn công nhân từng đồng phụ cấp, từng một phần tư công điểm. Tư túi, báo cáo láo, khai khống ngân sách, rút ruột nhà máy và cắt xén thành phẩm... để làm lành cho mình, cho vợ con họ hàng nhà mình. Và khi đã lành ấm rồi thì cái tật ăn cắp được nâng lên hàng nghệ thuật ăn cắp. Rồi cứ thế, cái nền lành ấm tiến lên nóc mái của sự ăn ngon, mặc đẹp. “Mặc đẹp” cho cả cái cuộc ở. Nhìn kìa, nó cực kỳ hoành tráng và lộng lẫy... Ôi thôi, cái quan điểm ấy, xin nhờ giời không bao giờ có thật xuống mà làm lành cho những dưới cùng xã hội, làm ấm cho những út ít bầy đàn(?)
    Mà lạ. Cả một năm trời người ta mới sơ, tổng kết hai lần nhưng là tổng kết cho sự làm ăn thua lỗ, nợ lương công nhân... vậy mà người ta lại có thể họp khẩn cấp tuần một lần để phê đấu cô A chửa hoang, cậu B nói năng mất quan điểm, anh C là đảng viên mà để vợ con làm kinh tế, ăn thịt gà trong khi cả nông trường phải ăn ngô, ăn sắn... Y vỗ vào cái phán xét thủ cựu, cá nhân và quá đát hóa ấy. Sau đấy, người ta dự báo về một cơn bão tàn sát uy tín và danh vọng sẽ chóng vánh xảy ra giữa hai con người của tự do hạnh phúc, một là đại diện cho tầng lớp lãnh đạo đáng kính, một là gã công nhân quèn sáng chắc tay cuốc, chiều chắc tay cuốc và tối vẫn còn ám ảnh tay cuốc. Cuộc chiến ấy diễn biến thế nào chẳng ai biết, chỉ thấy hệ quả xảy ra không lâu sau, y được bổ nhiệm làm đội trưởng. Có người nói “khẩu phần ấy” là để bịt cái mồm rộng sự lăng loàn của y. Có người lại bảo, nó chỉ là bữa cơm nhân đạo cuối cùng(!)
Quả vốn sống quan trường tiên đoán không sai. Y bị chụp sau vụ cháy kho hàng hoá, và bị ngồi tù. Khi ra tù, y quay về nông trường thì vợ y đã bỏ đi sau khi bị tay giám đốc làm nhục. Y tìm tay giám đốc. Bảo vệ đập cho y một trận nhừ tử. Y bắt đầu lang thang khắp các bản người dân tộc vùng cao để mua bạc vụn đem về quê đổi lấy bạc trang sức như xà tích, trâm cài đầu, cúc bướm, khuyên tai, vòng tay, nhẫn... mà người dân tộc rất chuộng dùng trong lễ xin cưới, làm của hồi môn... rồi lại mang lên đổi lấy nông phẩm, gia súc gia cầm, thậm chí đồ gia dụng mà theo nghề thì không ít là đồ cổ. Trong những chuyến lang thang ấy, y gặp một cô giáo dạy học ở vùng cao và cưới làm vợ. Vợ hai y khá xinh xắn, nhưng đã luống tuổi do dạy ở vùng cao không gặp được đàn ông. Nếu không gặp y, có thể cô sẽ phải lấy một người Mông làm chồng, và trọn kiếp này trói chân trên đỉnh núi. Y bảo lãnh cho vợ một cuộc sống sung túc, vậy là vợ y chuyển vùng theo chồng về thị trấn Đá Hồng, vừa dạy học vừa mở hiệu kim hoàn. Công việc ngày càng phát đạt, năm Loan - con gái y -  học đến lớp bốn, y tha về một đại gia trong ngành vàng bạc Sài Gòn tên Thâm, đã ngoài sáu mươi và nhận làm bố nuôi.
Vợ chồng y có thêm ông quân sư này, y mạnh dạn chuyển hướng sang “ăn đầu” những đại ca các bãi vàng - đám người mà ngót chục năm trời y không dám vác cái mon men tới. Sự phóng túng, tính chơi ngông, và cả đức quân tử của y không một kẻ phu vàng nào không biết. Có khi y đi nửa năm mới về với một ruột tượng vàng quặng, chất lặc lè trên lưng ngựa. Y nổi tiếng còn nhờ những ngón võ sơn cước học lóm được từ những bản làng người dân tộc vùng cao. Nhiều băng cướp đã từng phơi áo trước cú tàng thân móc mắt, và luôn chừa cho riêng y một con đường ăn vàng vô sự.
    Có người tiên nhắc, sự bình an ấy là vở của bọn lục lâm thảo khấu. Chúng thực hiện phương châm nuôi béo rồi mới thịt. Và có đúng như vậy. Chuyện xảy ra vào cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước. Một hôm, nghe được mật tin có một mỏ vàng mới phát lộ bên kia biên giới Việt - Lào, y mở tiệc dặn dò vợ kỹ lưỡng và giao việc cho ông bố nuôi quay trở lại Sài Gòn kiếm chiếc máy thăm dò địa chất. Còn y, một mình vượt biên sang Lào xem thực hư và đoán liệu trước việc. Trong chén rượu ký thác, y lễ phép nâng lên ngang mặt bố nuôi:
   - Cha cố gắng ra sớm, kẻo thằng hiệu trưởng nó mò vợ con thì con chết mất. Lấy vợ đẹp, sướng thì sướng tới trời mà lo cũng lo lụt đất.
   - Ừ, con cứ yên tâm mà đi tìm cho ra lộc ra oản. Vợ con là con dâu bố, để nó hư, nhục bố trước.
    Y yên trí tay nải, kiếm quyền ra đi. Ròng rã hai tháng trời, lật từng vuông đất bên Lào mà chẳng thấy vàng đâu, đành thất thểu quay về. Vừa tới đầu dốc Đá Hồng, một người quen đã cho y biết, con vợ chim sa cá lặn của y đã cuỗm ngót trăm cây vàng chạy theo thằng bố đểu vào Nam. Thì ra, đã lâu lắm rồi, ngay trong túp lều tranh này, ngay trên chiếc giường hạnh phúc này, nửa trái tim vàng của y đã dâng lên mõm con chó già mà y một hai tôn cha, kính thầy ấy. Đồ chó đểu. Đồ quỷ người.
    Lại còn cả cái thằng hiệu trưởng khốn nạn nữa. Hắn dùng trình độ chữ nghĩa để chui sâu vào nhà y chỉ với một rắp tâm chiếm đoạt Thao. Nhưng rồi một lần, nhân lúc y đi ăn vàng dài ngày, hắn định sang giở trò và vô cùng thất vọng khi bước chân tới đầu nhà đã nghe bên trong tiếng rên siết của Thao, bện chặt lấy tiếng thở rơi rụng giữa đường của lão bố già chết tiệt. Tự dưng thằng hiệu trưởng thấy phải nhổ phỉ vào sự ham thèm dớ dẩn cái con đàn bà mà hắn từng yêu điên đảo. Thật không xứng với những gì mà hắn thờ vọng. Nhưng hắn uất lắm. Vì con đàn bà ấy mà hắn đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đánh mất hàng chục cô gái xinh xắn khác, mà hắn chiếm đoạt xong rồi bỏ. Về bề bậc và trình độ, hắn ngồi đầu bọn ngu độn ở đây. Hắn vừa được bổ nhiệm làm trưởng phòng, kiêm bí thư chi bộ. Hắn là vua của cái vùng đất trắng chữ xanh cây này. Nhưng hắn sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ để có Thao - một mụ nạ dòng có gã chồng giàu nhưng mà ngu và một đứa con gái xem ra còn đẹp hơn cả mẹ. Vậy mà... Điên tiết.
    Hắn thầm nghĩ, hắn phải làm gì để cho cái lão già bố nuôi thằng ngu kia nhanh xuống lỗ. Hắn đã từng gặp và tỏ rõ quan điểm với Thao. Thao khóc lóc van lơn hắn. Thậm chí cô ta còn lôi hắn vào giường, lột truồng mình và hắn ra, hứa sẽ hầu hạ hắn như ý, nhưng cứ thế là hắn lại thấy tởm và cả nhục. Lần nào hắn cũng bỏ mặc Thao trong tư thế ấy, mặc dù sau đó hắn lại tiếc. Giá như hắn cứ chiếm đoạt, cứ hành hạ cái thể xác nhớp nhơ, một thời như miếng mật thơm trước mũi hắn. Nhưng cứ khi mang cả quyết tâm, niềm khao khát và nỗi tiếc rẻ đến bên Thao là dục vọng của hắn lại bị thân thể nhớp nháp của Thao xúc phạm. Hắn dừng lại. Ngay trước ngưỡng thèm thuồng.
    Chuyện chỉ có thế và, cũng chỉ hắn với Thao biết thế. Hắn vẫn đóng kịch trước y và trước cả gã bố nuôi của y mà đã từ lâu, thành bố nuôi của cả hắn. Một hôm, trong giờ dạy toán cho Loan, hắn bỗng thấy Thao hiện thân từ đôi mắt, cặp môi, giọng nói ẫm ờ và, cả nét cười khiến hoa rừng rũ cánh của cô học trò bé nhỏ. Hắn như đấm vào mặt Thao rằng: “Tôi sẽ chiếm đoạt Loan của em!”
     Thao chỉ còn biết quỳ xuống mà van xin hắn. Nhưng rồi cũng đến một ngày, hắn bắt Thao đứng trong buồng nghe hắn cướp đoạt Loan.
    Con bé mới mười ba tuổi...

***

    Lão Dạo vẫn ngồi ở đầu sàn, chõ miệng vào thinh không be lên những gì lão sướng. Trong nhà, tiếng khua nồi, tiếng vét bát, tiếng khóc nhong nhóc, giằng xé nát lòng của ba thằng con trai, họa theo lão, tạo nên một thứ hỗn âm cực kỳ rách nát. Thằng đầu năm nay 10 tuổi, khoác một lớp da như da báo. Thằng thứ 7 tuổi, đầu phù như quả bí, to nặng hơn người, mắt, mũi, tai, mồm đỏ loen loẻn, nước dãi rỉ rách ướt đẫm cả ngực áo. Thằng út mới đẻ cuối năm ngoái tưởng khá hơn, nhưng lại mang khuôn mặt siêu phẳng, không mũi, không mắt. Cả ba đều liệt vị, ăn tại chỗ, đại tiểu tiện tại chỗ. Loan đang mang thai đứa thứ tư. Đứa này, lão Dạo xin trên chùa về, chắc được. Hôm rằm tháng giêng, hai người lên chùa Vừng. Sãi cả bảo lão Dạo lắc ống quẻ. Chiếc thẻ mệnh văng ra đất. Sãi nhặt lên bảo: “Năm nay vợ chồng thí chủ sinh quỷ tử”. Ra đầu chùa, lão Dạo giảng giải: “Sãi người Thanh nên nói dấu sắc ra dấu hỏi. Quỷ là quý đấy”.
    Đêm. Gió bấc lùa vào lều thông thống. Loan kéo tấm mền cũ phủ lên mặt chiếc cũi đóng bằng tre, để nhốt ba đứa con như ba hòn thịt đặt đâu bẹp đấy. Vui thì chúng khóc, buồn quay ra cấu xé nhau, rồi lại khóc lóc, lại gầm gào bằng thứ tiếng của loài ma quái, người trần không ai hiểu được. Chỉ biết, mỗi lần chúng cắn xé nhau, Loan nghe thấy bằng cảm giác nhói đau trong ngực. Khó thở. Khó nuốt. Khó ngủ… Vỗ về cho chúng nó yên, vừa ngồi xuống giường, lão Dạo đã trèo lên:
   - Cố đứa này nữa, chắc chắn thành. Bọn người kia rồi sẽ không còn gọi nổi mình là quỷ, là ma nữa. Và như thế, ở đời sẽ có thêm khái niệm mới, lấn át, đè nghẹt cái khái niệm loạn luân vớ vẩn và phi lý!
   Loan không giãy. Sau ngày bị tay hiệu trưởng chiếm đoạt, Loan không giãy. Cả cái lần đầu tiên lão Dạo - bố đẻ Loan - say dặt say dẹo trèo lên bụng, Loan đã không giãy. Nhưng lần này khác, máu ở trong mắt trào ra, rớt xuống miệng sàn sạn và mặn ngắt. Sự ham thèm nhục dục trong Loan có đôi lần trỗi lên, nhưng là khi không bị ai đè. Ngồi một mình, Loan thường mơ thấy bóng một người đàn ông điển trai, vạm vỡ. Mười năm “có chồng” với ba mặt con, Loan cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Cái tuổi của khát khao, của mơ ước, hơn nữa là của sai lầm. Người ta có thể thông cảm cho những sai lầm tuổi đôi mươi chứ không ai tha thứ cho sự sai lầm năm mươi. Nhiều khi ngồi ngơ ngẩn, lòng truy thèm cái lần bị chà đạp thuở 13. Lúc ấy đau, sợ và nhục nhưng còn có tý phần thưởng của đời con gái. Tất tật những lần sau này, như một sự trả thù đời, quay quắt, thô cứng và độc địa. Mỗi lần, là mỗi cam chịu, lồng ghép vào không gian căm phẫn chót đỉnh. Khoái chí theo kiểu thú. Rên rỉ theo kiểu thú. Xong cũng theo kiểu thú. Cuộc hoan lạc bao giờ cũng chìm trong sự chửi rủa ngoa ngoắt, và ráo cạn của lão Dạo. Hình như phải căm phẫn tột độ lão ta mới có thể giao hoan cùng con gái. Dần dà cái hương vị tình yêu được căn bởi độ tục, độ căm và độ sừng sộ.
Khác với Loan, lão Dạo càng khoái càng chửi. Rên cũng là chửi. Xong cũng là chửi. Chửi như thể món ăn tinh thần không thể thiếu lúc thác loạn, dâm đàng. Sau này, lão ta còn có thói quen ngồi ngắm đàn con dị dạng, hễ phát hiện ra nỗi đau nào trên cơ thể chúng là lão đằn Loan ra. Vừa chửi. Vừa dày vò Loan, ngắm nghía Loan, và nhâm nhi nỗi đau cắn xé lũ con trong cũi. Những lúc khoái cảm nhất, lão Dạo xách Loan trần truồng thả vào cũi cho lũ con ngắm vuốt. Loan trơ khấc như một bức tượng dã nhân. Không cảm xúc. Hay nói đúng hơn, cảm xúc làm mắt Loan thường mờ đi. Hình ảnh xô vào lòng cô luôn chỉ là một chàng trai hào hoa, lịch thiệp. Sự câm lặng đến bất ngờ. Loan thường câm lặng như thế, đến nỗi môi xuất hiện những lớp vẩy sừng, màu trắng bạc và cứng, tựa như lớp vỏ cây khô nỏ, bong lên cong sắc. Có lẽ do môi ít cử động. Câm lặng đến nỗi nghe thấy cả tiếng những tế bào máu cùng nhóm cắn xé nhau trong huyết mạch...
Khi lũ con biết cấu, véo, móc, chọc vào những chỗ nhạy cảm của Loan và thích thú cười như ma cười, thì lão Dạo càng thích thả Loan vào với chúng nhiều hơn. Có ngày vài lần, để rồi ngồi ngoài chửi. Hết chửi đời, chửi người, chửi mình, chửi tổ tiên mình, chửi Loan, chửi lũ con ma quái... thì đến chửi cái nhà, chửi cả cái cũi… Đáng lẽ ra, mà không, công bằng ra, nó (cái cũi ấy) không được nộp mặt vào cái nhà này. Nó là của bọn chó. Của cả bọn trẻ con ở mầm non, mẫu giáo. Nhà này chỉ cần tiền, cần người lành lặn, biết gột vạt, biết tranh cướp ở giữa đời, và hơn nữa là biết nghe và chia sẻ mỗi lần lão chửi. Nhưng cũng có lúc lão yêu cái cũi. Nó như phép tiên, khiến lão quên buồn vào những thời khắc ngắn ngủi trong ngày, đó là lúc lão thả Loan vào cho đàn con vầy. Lão yêu nó vì nó đồng lõa với lão về cái thuyết “bất đồng huyết” trên cái cõi đời này. Nam là nam mà nữ là nữ. Có chỗ nào khác loài vật? Đực cái là gặp nhau được ráo. Chỉ đừng có đực gặp đực, cái gặp cái thôi. Mà cho tiền cũng chẳng ai cùng vũ khí đến với nhau kiểu ấy. Làm gì có cảm giác. Lão đã từng tranh luận với một gã hàng xóm, gã kia phản đối và chê rằng là, lão Dạo kiến thức xã hội yếu. Bọn “cùng điện” ấy nó đến với nhau một cách khoái chí từ bao đời rồi. Tất nhiên chỉ để thích thôi, đẻ đái nào được. Lão Dạo bảo cho tiền cũng không thèm. Xin lỗi, bây giờ nó mất tiền để được lao vào nhau nhé. Gã hàng xóm bảo thế. Lão Dạo im.

***

Loan vẫn ngoan ngoãn nằm trong cũi hết ngày này sang ngày khác. Mỗi lần như vậy, phải đến khi lũ con nghịch tàn bạo quá thì lão Dạo mới lên cơn ghen. Lão nhẩy bổ vào đập cho lũ ma quái ấy te tua, rồi bế thốc Loan ra, đè ngửa xuống sàn. Loan tồn tại như một đồ vật. Thỏa mãn sự điên rồ của ông bố và lũ con đẻ. Đi kiếm cơm thì thôi, về đến nhà là ông ta lại chơi trò ba đời ấy. Không biết Loan có quen chơi trò với lão Dạo không nhưng có những lúc, cô mong mẹ mình được chứng kiến cảnh mình ngủ với bố, sinh ra một đàn con quái đản, để rồi chúng lại mon men vào cõi thiêng liêng của cô. Con người khác con vật ở chỗ ấy đấy, Loan tự nhủ bởi với kiến thức bó buộc trong hai gian nhà rách, mà người thầy là ông bố ấy, Loan chỉ biết được có thế. Nhưng Loan cũng chưa bao giờ ước, giá như mẹ đừng bỏ đi theo gã bố nuôi…
Căn nhà tiêu điều của lão Dạo nằm trong đoạn ngõ cụt của thị trấn. Nhìn vào trong chật mắt núi đá, nhìn ra ngoài đầy ắp những biệt thự ba, bốn tầng của dân buôn chuyến. Dãy mặt và dãy hai tách ra như một sự phân biệt đối xử. Bên ngoài long lanh đồ sộ, khuất lấp bên trong lụp sụp, tồi tàn. Hai đời sống tạo nên một sự phản biện không lời... Bên cạnh nhà lão Dạo có tay hàng xóm khá giả, nhưng vợ mù, lại “điếc”, không biết đẻ. Nghe nói hình như tay hàng xóm tham giàu mới lấy. Bọn đàn ông là thế, được rồi thường bạc. Hắn bỏ nhà đi đẻ hoang quá xá. Nhưng thấy đồn sáu, bảy đứa toàn gái. Hắn vẫn săn một thằng con trai, để cho nó thừa kế cái gia sản khổng lồ mà bố vợ hắn để lại cho vợ hắn, vợ hắn chết để lại cho hắn. Hắn rút kinh nghiệm không để cho con gái, gặp loại rể như hắn thì mất lộc. Lần nào đi làm qua ngõ, hắn cũng hấp háy về phía Loan, ra chiều nói chuyện bằng mắt. Một bữa giông tố, lão Dạo đi vắng, mái tranh mủn bị gió bốc đi. Tay hàng xóm bỏ vợ mù ở nhà một mình, chạy sang cứu giúp mẹ con Loan. Lúc loạng quạng hắn giả vờ vấp, vồ tay vào ngực Loan. Loan không nói. Hôm sau, hắn đưa cho Loan 10 cây vàng, rồi rủ chạy trốn. Loan ra điều kiện, phải mang ba đứa con của Loan và bà vợ mù của hắn đi. Hắn giật lại 10 cây vàng và lụt cụt bỏ về. Từ đấy, mỗi lần qua ngõ, mắt hắn như ném đá chứ chẳng muốn nói, hát gì sất nữa. Lão Dạo không biết thằng hàng xóm có ý chim chuột Loan, mỗi lần đi xa vẫn sang dặn dò xem nom hộ. Đầu tuần, bỗng dưng bà vợ già mù nhà tay hàng xóm lăn ra chết. Có người bảo bà ấy tự tử. Lo xong ba ngày cho vợ, tay hàng xóm sang nhà Loan bảo: “Em không biết làm thế nào để cho ba đứa con em chết sớm à?” Loan lấy chổi xua hắn ra khỏi nhà, đến ngõ hắn còn ngoái lời lại: “Anh đợi em đấy!”

***

Từ ngày Loan có thai đứa thứ 4, lão Dạo bớt chửi đi. Hôm Loan đẻ, lão còn mời ni cô trên chùa về nhà đỡ cho lành. Mà đúng là lành thật. Một cậu con trai kháu khỉnh, không sứt mẻ, dị tật chỗ nào. Lão Dạo sung sướng chạy sang nhà tay hàng xóm gào lên:
   - Từ nay tao được làm người rồi!
    Chẳng đợi hết cữ, tay hàng xóm mon men sang. Hắn nhón tấm khăn đắp mặt thằng bé để ngăn cứt mọt lên, rồi hắn lại lần tay sờ xuống bẹn thằng bé. Mắt hắn lấp lóa. Hắn móc trong vạt áo ra 10 cây vàng dúi vào tay Loan, rồi vội vã ra về...

Sơn Quai, 2.1.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét