1 tháng 2, 2013

SÓNG ĐẤT

S

óng đánh sầm sập vào đêm.
Con thuyền độc mộc oằn mình lên theo từng ngọn nước. Mây đen úp kín dòng sông. Gió thốc khan dữ dội. Đà giang tháng 4 nghịch nết như một đứa trẻ cá biệt. Vừa vạng tối, trời vẫn xanh ngắt màu da bòng, vậy mà mươi phút sau, mây đen thộc về, đảo lộn lòng sông lên như người ta đảo rơm. Nước ròng và trong như mới cất bỗng bị khùa lên đỏ ối. Những thợ câu cá nheo lành nghề như Tao luôn biết trước sự xuất hiện của con thiên quái ấy. Ngay từ chiều, những đụn ráng vàng đùn kín phía tây trời là các tay câu đêm rủ nhau trốn vào một ngôi nhà dựa núi uống rượu, tán phiến và tưởng tượng ra ngàn cái khoái.
Ngần Tao không bao giờ tham gia cuộc trốn ấy. Tao bị hẹp khoang xoang trán, hít phải hơi men là khó thở. Vả lại, Tao là cây cơm, cây áo duy nhất của nhà, nên chẳng có lựa chọn nào khác. Ăn sông lúc dữ, nguy hiểm nhưng sai cá. Thiên hạ nghỉ, cơ hội của Tao cũng nhiều lên. Tao luôn chấp nhận việc những con thiên quái hiểm ác nuốt gọn mình vào bụng như thế. Cho đến nay, khi mà tuổi đã xấp xỉ 40 Tao chưa thua lần nào. Mà cần gì phải thua nhiều, một lần thôi cũng đủ biến đổi số phận của mấy con người rồi. Những lúc như thế, Tao tự thấy mình là nhân vật có ích nhất gầm trời này. Tao mà ốm là cả nhà ốm lép cả bụng, cạn cả máu. Mỗi sáng Tao về đều thấy vợ tha hai đứa con nhỏ như hai con chuột lết ra tận cổng, chờ hóng sự sung túc của ngày.

***
Tao hì hục gắn cái hình nộm bằng rơm vào bè chuối để lát nữa cha đặt lễ lên, thắp hương khấn tạ thần sông rồi thả trôi, thì nghe tiếng Pà Di gọi:
   - Về nhà nhanh đi, bố mày chết rồi.
    Trong ngôi lều bán thuỷ bán địa, ông Ngần Mày nằm bật ngửa ra đất, máu miệng tuôn ướt đẫm ngực. Tao lay gọi, ông thều thào được mấy lời:
   - Thần không cho ăn sông nữa, mày đi làm con thuê cho nhà nào đấy mà sống tiếp...
    Tao lặng lẽ vùi cha xuống lớp bùn đen sực cạnh cửa suối Pá Khinh, sát mé sông Đà. Nước mắt của đứa bé 11 nhỏ xuống bùn, tạo ra những lỗ đất rỗ sẹo. Cái lễ chín món thuỷ sản, ông Ngần Mày chuẩn bị dâng thần sông, giờ thành chuẩn bị cho mình.
Tao không nghe lời cha dẩy đổ túp lều, mà vẫn bám vào đấy học nghề câu cá nheo bằng chính sự hồi tưởng mỗi lần theo cha trước đây. Nhỏ người, nhỏ tuổi, nhỏ cả ăn, mặc, ốm, khỏe... thì sợ gì không lớn. Và Tao cũng lớn bằng cái khái niệm ấy thật. Một ngày đỏ lửa một lần, ăn bằng một phần ba nhà có bố có mẹ mà ngoảnh đi ngoảnh lại cũng lớn ngồng lớn nghều. Năm Tao 26 tuổi, một ông cũng họ Ngần tìm đến căn lều lợp bằng vỏ nứa, rủ Tao làm con rể. Tao bảo ông cứ để lại địa chỉ. Thực ra Tao đã có người trong tim rồi. Vi Hoa, cô gái vừa xinh vừa giỏi giang nhất bản Dạng, đã 3 năm liền giành giải nhất trong các hội thi hát chèo thuyền (long té) và thi thêu thổ cẩm... Cũng như Hoa, 3 năm liền Tao đoạt chức vô địch các cuộc thi bơi vượt sông Đà. Đứng trước Tao, lần nào Hoa cũng bảo: “Anh không biết nói à?”. Và lần nào Tao cũng gãi tai, gượng cười. Dòng sông vẫn tủm tỉm xuôi dòng êm ả. Hoa không giận, không chê. Mỗi lần có dịp ghé qua bản Toòng là Hoa lại chuẩn bị cho Tao nhiều thứ: Khăn piêu để cái cổ Tao không lệch giọng con họa mi. Áo thêu truyền thống để Tao không còn đứng từ xa nhìn lễ hội. Còn như chẳng có gì thì cũng là cặp bánh gù làm ấm lòng chàng trai sống dưới nước nhiều hơn trên cạn…
Nhưng rồi một hôm, Tao đi câu về thấy túp lều của mình bị đạp đổ. Mấy chiếc nồi cũ dẹp lép và thủng vỡ nham nhở. Tao lững thững quay trở lại bờ sông. Từ trong rừng, hơn chục gã thanh niên lạ hoắc, tay dao tay gậy xồ ra:
   - Ngần Văn Tao là mày?
   - Vâng!
   - Hãy quên Vi Thanh Hoa, nếu vẫn muốn sống!
    Khi bỏ đi, chúng còn ngoái cổ lại:
   - Vùi xương bố mày xuống kẻo chó tha.
    Tao nhặt nhạnh những mẩu xương sườn đen trũi của cha vùi sâu lại lòng suối bốc mùi khăn khẳn. Nước mắt chọc lỗ xuống mặt bùn.
Ngồi nhìn thẳm vào lòng sông ngẫm ngợi. Người ta bảo, muốn không bị bắt nạt thì đẻ nhiều con trai. Tao một mình, đến người gọi cứu cũng chỉ là mơ ước. Từ bé tới lớn, mỗi lần có chuyện với Tao, thiên hạ chỉ chống mắt lên nhìn. Kẻ có lương tâm thì cố ban ra lời thương xót nào đó, rồi bỏ lại một không gian hậu chiến bươm nát và thê thảm. Tao đau đớn thả chiếc áo thêu và cái khăn piêu xuống mồm lũ, rồi vượt sang bờ bên kia, đi tìm nhà Ngần Mí. Quá trưa, Tao đến trước một ngôi nhà xiêu vẹo chẳng khác gì nhà Tao lúc chưa bị phá. Ngoài bậu cửa, một cô gái gần như chỉ có từ mông trở lên ngồi khụt khịt bên mảnh xô trắng.
   - Ngần Mí đâu?
   - Trong nhà.
    Tao bước vào lều. Ngần Mí đã bắt đầu trương, mùi phả ra ươn lợm.
   - Ngần Mí không nói được nữa thật à?
   - Không.
   - Vì sao?
   - Chỉ thấy bảo đi tìm con rể, rồi bị như thế.
   - Con gái Ngần Mí về chưa?
   - Mắt anh có buộc vải đâu mà không thấy?
    Tao vác xác ông già mới gặp một lần đi về phía bãi sình, sát mép con sông đang hồng hộc phóng. Chiều chưa xuống hết, Tao cõng người con gái bị teo cả hai chân vượt sông, vượt núi về bản Toòng lúc trời vừa vạng sáng. Tao khom người đặt cô gái chưa biết tên vào lòng chiếc thuyền độc mộc được lắp vòm khúc giữa.
  - Từ nay cô là em gái Ngần Tao này!
  - Sao cha bảo làm vợ?
  - Vợ con gì, tôi cần đẻ nhiều con trai.
  - Anh thử đi.
  - Nhìn cũng biết không được, mà anh trai không làm việc ấy với em gái.
    Bun Ban ngồi như dán vào vách thuyền chật chội. Khoảng không của con thuyền muốn qua nhau để sang mũi bên kia thì phải lên bờ, hoặc xuống nước. Nhưng vẫn còn một cách nữa là đi trên nhau. Cứ mỗi chiều tà, Bun Ban lại ra đầu thuyền bên mình, vớt nước sông lên tắm gội. Tao ở mũi thuyền bên kia đuổi ánh mắt đàn ông về phương trời xa. Đêm đến, hai người nằm nối chân nhau, đầu người nào quay về phía mũi thuyền người ấy. Chiếc thuyền một thân dù được cột chặt vào bờ sông, nhưng vẫn không ngớt chòng chành bởi những giấc mơ thần tiên, và những tiếng thở dài não nuột.
Chiều ấy, nắng vãi hoa cải trên khắp mặt sông. Bun lại lết ra đầu thuyền. Áo váy xếp gọn trên đầu. Nàng thong thả vớt nước lên rửa mặt. Những giọt nước sông trong vắt lăn tròn xuống ngực. Cặp vú con gái căng lẳn phập phồng, làm những giọt nước không có cơ hội lăn dài xuống dưới. Trừ đôi chân, còn lại tất cả từ cặp mắt, làn môi, nước da, vòm ngực... được ví như công chúa Hà Bá - một truyền thuyết mà ông bà vẫn kể. Tao vô cảm để cái nhìn lang thang theo đám mây ven núi. Nhưng chiều nay nắng đổi hướng. Nắng chiếu dọc theo con sông, làm cả một dải dài ánh lên sắc vàng rực rỡ. Dưới màn nước lung linh, bóng một cô gái trần truồng hiện ra, lúc mịt mờ khi lại rõ mồn một. Tao khỏa chân mong chạm được làn da con gái. Một cơn sóng ào đến, cô gái vỡ tan. Tao tiếc nuối đứng bật dậy ngó nghiêng. Chiếc thuyền vặn mình đột ngột sau động tác giật thót. Tiếng Bun Ban bắc cầu lên, Tao mới dứt khỏi cơn mê ngây dại.
   - Cứu em!
   Tao nhẩy tùm xuống, dìu cơ thể nguyên sơ của Bun lên thuyền. Từ ngày ở chung đến nay đã hơn 6 tháng, chưa một lần Tao nhìn thẳng vào cặp mắt ướt, đen lay láy, và khuôn mặt đẹp rạng rỡ như đoá ban rừng của cô em kết nghĩa. Tao ấp úng:
   - Lúc nãy... em... ở dưới kia?
   - Không, là bóng.
    Khi lên vội, Tao sơ ý để Bun Ban ở phía thuyền bên mình nên không vượt sang được. Định nhảy xuống sông để “về”, thì lại sợ thuyền lệch trọng, hất Bun Ban xuống sông lần nữa, đành ngồi đấy chờ Bun chậm rãi luồn tay vào chiếc áo cóm chật chội. Không như mọi ngày, Tao cố đuổi cái nhìn về phía núi mà không được. Đôi mắt trưởng thành cứ dán vào cổ, vào ngực Bun như thể tất cả đang trên người mình.
   - Mình chưa thề anh em phải không? Tao đột ngột lên tiếng.
   - Chưa! Nhưng…? Bun Ban e thẹn.
   - Anh muốn đẻ nhiều con trai. Được không?
   - ...

***

Tao được người đời gắn cho cái phụ danh Thủy Quái sông Đà, bởi cái vóc dáng thiên phú của một người nước. Ngực nở, xương dài. Bàn tay, bàn chân lớn dị thường. Nghe nói họ Ngần trước kia có phong tục, ngay từ lúc lọt lòng, hài nhi đã bị dìm xuống sông, nam bảy lần, nữ chín lần rồi cầm chân dốc ngược cho nước trong mũi, trong miệng chảy ra; với mong muốn lớn lên sẽ là chủ nhân thực sự của con sông đầy ắp của cải và hiểm ác này...
Con thiên quái gầm lên một hồi rồi bỏ đi. Tao ngả lưng vào mạn thuyền để lấy năng lượng từ không khí. Mây đen trả lại cho bầu trời màu xanh thăm thẳm. Đêm cuối tháng, sao phản rạng đáy thuyền. Sóng lặng hồi lâu, màu đọng thành từng vệt thâm xì. Những vệt thâm chạy ngoằn ngoèo từ mắt ra mênh mông đen kịt. Nước bắt đầu động. Loáng thoáng vài chỗ, những vệt thâm đột ngột đứt gãy. Tao nhẹ nhàng khua chèo tiến lên. Chiếc cần câu được làm nguyên một thân song từ từ vươn dài ra phía trước. Phao câu nhấp nhổm. Những vì sao trôi dần về khung trời xa. Chiếc thuyền độc mộc mòn nhẵn lớp nước mài, nằm nín thở trên mặt sông Đà đang trải sự mênh mông, hùng vĩ vào vũ trụ. Tao như một pho tượng, được tay thợ giỏi sàm chặt vào mũi thuyền. Sao Hôm đang dần đổi tên. Chiếc phao bỗng dưng vụt mất. Tao lấy hết sức bình sinh.. ầm! Con nheo té nước vào mặt Tao rồi phóng hút xuống đáy vực. Mẹ kiếp! Lũ khốn nạn. Tao nện mông xuống sàn thuyền. Sau tiếng mìn, mặt sông trắng màu xác cá...
Tao nhẫn nại quăng lưỡi câu vào đêm. Trên bờ, tiếng gió hú vào mênh mong diệu vợi. Tao lim dim ngủ. Hai bàn tay nới lỏng chiếc cần - bản năng ngủ câu của một tay thợ chuyên nghiệp giúp kéo thời gian ngắn lại. Những thấp thỏm sâu hút dưới lòng sông đen ngòm cũng bị mơ màng vơi bớt đi. Nếu thực sự mắc mồi, xúc giác sẽ chạy từ gan bàn tay lên não và đánh thức tất cả mọi ý chí sinh tồn. Tỉnh táo ập đến, đồng nghĩa với sự mất đi vĩnh viễn của một thủy sinh xấu số. Tao thở dài thượt. Con nheo biến mất dễ đến vài yến. Nó sợ tiếng động dữ dội của nước. Mà cứ là thiên nhiên thì chẳng bao giờ có cái thứ tiếng như bị đập đá vào não ấy. Tao yên chí ngủ. Tiếng xe vận tải vạch đêm chạy ù ù trên đèo Cổ Yểng. Con đèo mới được mở để di dân thủy điện sông Đà. Não Tao chợt lóe lên. Hai bàn tay khóa cứng chiếc cần. Dưới sông, tiếng quẫy sôi lên ùng ục. Con nheo lồng lộn quật vào mạn thuyền. Nó đã quay lại và sai lầm. Nó thổi phì phì như một con lợn lòi trúng thòng lọng. Tao vừa kéo, vừa dùng chân chèo thuyền ép vào gần bờ. Ba mươi phút trôi qua, mũi thuyền kịch vào địa tầng. Tao chộp lấy đuôi con nheo rồi dùng hết sức bình sinh quăng nó vào lòng thuyền. Con nheo không hộc lên như lúc mới mắc câu nữa, mà nằm thiêm thiếp dưới chân Tao. Nó dài ngót hai mét, Tao ước khoảng mười sáu, mười bảy ký. Tao lần vào cái miệng ráp ớn gáy, gỡ chiếc lưỡi câu được rèn bằng thép sáu, xuyên thủng cả ra ngoài hàm.
Dòng sông chìm vào phút mặc niệm; rồi sóng lại kể chuyện rì rào. Tao bất ngờ đứng lên một bên thành, chiếc thuyền độc mộc trằn mình, hất Tao và con nheo nằm giả chết xuống sông. Mặc cho chiếc thuyền và bộ lưỡi câu lặng lờ trôi, Tao mau mải sải cánh vào bờ. Hừng đông nhen lên một vệt sáng phía chân trời.
Ngần Tao tha bộ dạng ướt sũng về nhà. Bun Ban nhúc nhắc trên đôi chân teo tóp lết ra khỏi lán. Căn nhà ọp ẹp Tao nỗ lực làm, sau khi thằng con thứ 2 ra đời giống như một chiếc nêm, nêm vào cõi độc mộc chặt cứng, đã được dỡ từ chiều hôm trước:
   - Cá đâu?
   Tao thinh lặng, bước qua sự mong mỏi của vợ vào trong lán tạm.
   - Không có cá, lấy gì cúng ma Mường và tạ ơn Thần sông?
   - Sông ăn cá rồi, còn ma Mường thì đợi về đất mới.
   - Như thế là phạm luật họ Ngần.
   - Ma họ Ngần bắt tôi thôi, không để ý bà.
   - Họ bảo mang thuyền về để làm thủ tục đền bù, mua được con bò đấy.
   - …  
Chiếc xe tải mui kính trát một lớp bùn đỏ quặn, ga ngằn ngặt lên dốc họ Ngần. Bun Ban bỏ vào trong lán, chắp tay vái lạy tám phương bốn hướng, rồi lùa hai thằng con chạy như vịt chạy sông. Trên nền cũ, tre nứa lần lượt lên xe về nơi tái thiết. Tao nhìn đăm đắm theo hướng sóng âu yếm đều đặn vào hai bờ đất. Con tim run run áp chặt vào tiếng vỗ. Hơi thở phóng trúng khóe mắt cay xè. Con nheo thoát chết vọt đi như một sự đánh thức giác quan mưu sinh mới!

***

   Tao ngồi lịm trên đỉnh cao nhất của mảnh đất mới được chia, nhìn từng con sóng tóe ra từ đất, từ nắng, từ đá và, từ lòng người đang chênh vênh, gập ghềnh theo từng bậc dốc. Chiếc cuốc lật ngửa lưỡi lên trời như biểu trưng cho một sự khắc khoải, chơi vơi. Tao đi họp nhiều, nghe cũng nhiều nhưng trí chẳng khôn lên là mấy. Nước còn có cá, đất có cái gì để mình sống? Học câu cá nheo mất 15 năm, giờ phải học nhiều việc khác mà mỗi việc rồi cũng sẽ mất 15 năm nữa thì bao giờ mới sống tốt? Con sóng trong mắt phè ra, vãi hoa lên đỉnh nắng.
Nhiều thứ Nhà nước cho quá, chẳng nhớ hết tên: Những phên gianh được sản xuất bằng máy. Một cái hòm sắt con con mà chứa bên trong mấy vạn người. Một ít thì tranh nhau quả bóng, số còn lại ngồi trên kích động, chạy ra đằng sau xem người đứng ở đâu thì chỉ thấy bụi. Cái đĩa lắp ở đầu nhà, thấy giống cái vung chảo, lấy tạm vào đậy nồi cám cho nhanh sôi thì tự nhiên cái hòm sắt mất cắp hết người. Cán bộ Nhà nước vào chữa mới biết, đấy là giao thông, dẫn đường cho nhiều người đến cái hòm sắt nhà mình... Dạy mãi, nhớ mãi, rồi cuối cùng cũng gọi được đúng tên cái ti vi và chảo thu phát sóng... Cuộc sống mới tốt quá. Có nhiều thứ đến đây, đời Tao mới được nhìn thấy đầu tiên: Nhà bên cạnh có con ngựa sắt, chẳng thấy bố mẹ nó đâu, chỉ biết  mỗi khi bị đạp, bị đánh là nó lại hí ầm ầm. Nhưng ác cái là mỗi lần hí để đưa người đi xa thì lại uống rất nhiều nước, mất rất nhiều tiền. Nhà Tao không phải trồng gạo, Nhà nước cho mỗi người 20 cân một tháng, và được như thế hai mùa hoa ban. Từ mùa thứ ba trở đi, phải tự tìm gạo và mọi thứ trong đất. Nhà Tao có bốn khẩu, 80 cân gạo ăn không hết, Bun Ban gửi vào bụng người ta để khi nào hết chế độ thì lấy về. Tao lạ lắm, người ta nuốt đi rồi, làm sao mà lấy về được? Bun Ban bảo chẳng hiểu gì, là kinh doanh đấy. Thì ra Bun Ban đã được học hết cấp 1 xóa mù. Hồi ở trên sông, không cần đến nên Bun không có ích. Buồn, ngồi đếm rồi cộng, trừ tăm cá sủi lên từ đáy sông thôi. Nay lên bờ, Bun Ban bung phơi kiến thức trước một Ngần Tao mù chữ. Cô mở ngay một cái quán ở cổng bán mắm, muối, cá khô, thuốc lào… và các loại bánh kẹo phục vụ bà con trong bản. Cái gì bản thiếu thì Bun thuê xe máy nhà bên chở ra chợ, mua về. Cái gì nhà thừa Bun đem ra quán bán hoặc cho vay lấy lãi. Trước đây, Tao là lao động chính. Đói, no, lành, rách đều chui ra từ bàn tay Tao. Nhiều khi Tao đã dốc cạn sức lực mà vợ con vẫn đói khổ, Tao chỉ muốn chìm sông mãi mãi. Giờ thì Tao chẳng làm gì được, cái no, cái ấm là do Bun Ban hết. Một hôm Bun bảo:
   - Mai mình cõng em ra nương, nghe người ta nói nhà mình sắp được mùa cỏ?
   - Thế còn cái quán, định để nói tự bán à?
   - Thằng Lập và thằng Dựng nó biết chữ, nó bán được hàng rồi.
   - Lập, Dựng là thằng nào?
   - Hai thằng con mình mà.
   - Thằng Chí và thằng Tớ chứ?
   - Đi học nên đổi tên. Để tên cũ chúng nó bị chửi một phát cả nhà nên ngại không đến lớp. Mà cả tên mình em cũng thêm nặng vào rồi.
   - Nặng nhẹ là cái gì?
   - Nặng là một dấu chấm, thêm vào đít con a, thế là mình không Tao nữa mà Tạo. Tạo Lập, Tạo Dựng… đấy.
   - Không hiểu?
   - Nghĩa là phải làm hết cỏ trên nương, hiểu chưa?
   - Thế à! Nhưng khó lắm, nó còn lên nhanh hơn cả sóng sông Đà…
    Ngần Tạo đặt Bun Ban lên tảng đá đầu nương. Trên mặt những băng đồng mức được Dự án tái định cư phối hợp với Dự án trồng cây cao su san thành từng đường giống như ruộng bậc thang để chống xói mòn, cây cao su bị cỏ nuốt đi đâu, không nhìn thấy nữa. Tạo cần cái cuốc gõ bì bụp xuống thảm cỏ dai ngoách. Bun cười. Làm thế thì chết đói chắc rồi. Cỏ cao thì phải phát đi trước, còn cái gốc mới cuốc nổi. Bun lê cái thân què đi trước phát cỏ để Tạo giẫy, thì nghe giọng 2 thằng con vạng vào đất. Tạo quát:
   - Chúng mày bỏ quán đi thì bữa ăn đầy làm sao được?
   - Không sao đâu bố. Tối mới có người mua.
    Sau khi có học, Lập và Dựng đã nghĩ ra cách, treo biển đề giờ mở cửa quán để có thời gian giúp bố mẹ ngoài đồng. Nhìn vào đấy, khách hàng đều biết là từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều sẽ không mở quán, muốn mua gì tối đến, mua luôn cả thứ hôm sau cần. Nhu cầu của Nà Phiêng chỉ có thế, cho dù có ngồi cả ngày hay mở một tiếng vẫn bán được có thế. Tao không khen hai đứa, vì nghe nói mẹ mềm thì bố phải cứng. Biết để cái thương con trong tim, trong gan thì cái tính tốt của chúng mới không bị thiu, không bị hỏng.
    Chưa đầy tháng, hơn một héc ta cao su đã phơi ra màu đất vàng tươi mới. Những thân cao su cao ngang gối đã ló lộ trước tia nắng sớm, lên nước lá non, xanh thẫm. Ngần Tạo đang chờ cơn mưa đầu mừa trút xuống để gieo xen vào giữa hai hàng cao su những vạt lúa, ngô, đậu, lạc… Mới một năm kể từ ngày đến Nà Phiêng mà nhà Ngần Tạo đã không phải ăn đến khoản 80 cân gạo một tháng Nhà nước cho nữa. Tất cả được Bun Ban mang ra giúp cho người mới đến, người trẻ tách nhà, người già không có nhân công lao động. Chẳng cần tới 15 năm học nghề mà Ngần Tạo đã biết trồng cỏ nuôi bò, trồng xen lương thực vào hàng cao su, đào ao thả cá theo kỹ thuật “đầu đội nón, thân mặc áo, chân đi ủng”… Nếu tất cả đúng như các nhà khoa học nói, 7 năm sau, cây cao su sẽ mang vàng vào hòm, vào nồi cơm, giấc ngủ nhà Tạo thì việc rời xa sông Đà để nhường cho dòng điện chảy về xuôi, chảy sang giúp các nước bạn Đông Dương cũng bõ lắm.
Đứng từ đỉnh cao nhất của mảnh đất nhìn xuống, Tạo bật cười khi nghĩ đến cái nản chí ngày mới đến. Nắng trên đầu đang hong mình ra khắp thảm xanh bất tận của cả trăm hộ dân Nà Phiêng. Từng đợt sóng lúa, sóng ngô… chạy rùng rùng như mang của đổ đều cho mọi nhà. Tạo chợt nhớ đến con nheo mà Tạo quyết định phá luật họ Ngần, phóng sinh ngay trước ngày lên đường đến quê mới. Nó chắc cũng giống Tạo bây giờ, đang tung tăng theo từng con sóng; chỉ khác là nó làm chủ những con sóng sông Đà lúc giữ lúc lành, còn Tạo làm chủ những con sóng đất, có lẽ chỉ lành chứ không dữ./

Trại sáng tác Sơn La, 4.2009

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét