1 tháng 2, 2013

ÂM LỊCH


“...L
à đại diện duy nhất của tòa soạn mang hơi hướng văn học, khi dựng nó ai cũng lo; giờ thì tuyệt vời. Nó làm cho những thông tư, nghị quyết mềm mại hơn, đi vào cuộc sống sâu hơn, rộng hơn. Tựu trung nó là thành công mĩ mãn nhất trong lịch sử tuyên truyền của tỉnh, kể cả số lượng phát hành lẫn doanh thu.
Tôi nhiệt liệt biểu dương các đồng chí phóng viên ngoài tòa soạn. Theo Ban biên tập thì có tới bảy mươi phần trăm là bài của các đồng chí. Chủ trương thu hút nhân tài đã đạt nhiều kết quả và, ít nhất khuyến khích, làm sống những cây bút xông xáo cho bài loại có hơi thở văn học, phù hợp với nhu cầu đọc nghỉ của độc giả cuối tuần. Xin tuyên dương và tuyên bố, các đồng chí có mặt hôm nay sẽ mãi là người nhà của báo!”.
    Tiếng vỗ tay rộn rã hơn khi những lời lẽ như có cánh được thốt từ miệng vị đại diện tỉnh ủy:
   “- Vâng! Các đồng chí đã làm xúc động tỉnh bởi những bài viết vô giá. Cầm tờ báo là thấy ngay một địa phương sôi động, thành công và xán lạn. Những người con xa xứ sẽ dễ dàng hình dung ra diện mạo quê hương đang lớn mạnh, ngang bằng với các địa phương phát triển mà họ sinh sống… Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, tờ báo còn quá yếu về mảng điều tra. Thiếu những phóng sự nóng về an ninh, về tham nhũng, về tình hình mua điểm, mua việc làm trong ngành giáo dục. Xây dựng thì rút ruột công trình. Pháp luật thì chạy án. Cán bộ thì chạy chức, chạy quyền để cùng hào sảng, để hùa nhau tắm gội trong cái xã hội đầy mồi nhắm… Tôi đặc biệt thông cảm với đội ngũ phóng viên hiện các đồng chí có, nhưng ta phải biết vượt khó. Sao không đào tạo? Chỉ đào tạo gấp mới hòng cứu hộ tình hình hạn chế những bài lật tẩy hiện nay. Tỉnh cũng sẽ không còn phải chịu thiệt thòi khi trong bụng, trên lưng còn có những con sâu chức vụ và tiền bạc!”
    Cuộc gặp mặt lên đến chót trào. Sơn như tỉnh ngủ dưới hàng ghế cuối. Sau lời định hướng sáng lóa là một đề án ngời tính đấu tranh, của một cây bút, ít nhất cũng đã đấu tranh. Biết đâu, không những, còn có thể sống sung túc bằng nghề cũng nên ấy chứ. Trên bục phát ngôn, những lời lẽ mở đường vẫn vang lên, như mời văn gọi võ.
   “- Theo tôi, Tổng biên tập ạ. Anh cho đăng ký đi, đánh vào thi đua ấy, mỗi phóng viên một tháng phải có một phóng sự điều tra. Không in trên báo hàng ngày thì in phụ san. Còn các phóng viên ngoài tòa soạn đây nữa. Trả một, hai triệu một bài vào...”
   “- Thưa anh, xin giới thiệu anh luôn”
    Hội trường ngừng vỗ tay, dồn nhìn cả về phía Sơn khi Tổng biên tập lên tiếng:
   “- Ra mắt anh là ra mắt tỉnh. Nhà báo Phi Sơn mới từ tỉnh bạn chuyển về. Đúng hơn là sự lại nhà của một tài năng thiên bẩm, một chuyên gia viết điều tra. Có lẽ do nhà báo ưu ái quý tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mà anh biết đấy, tỉnh phát triển luôn là mảnh đất màu mỡ để vô số các loại tiêu cực, bang hoại sinh sôi. Có một nhà phóng sự âu cũng thật cần thiết cho báo, và cũng là cho tỉnh lúc này. Biết đâu năm nay, sang năm, sang năm nữa nhờ có cậu ấy, tỉnh ta có dăm, bảy thậm chí hàng chục nhà phóng sự điều tra nữa, và nhờ đó phát triển giàu có hơn cũng nên...”
    Những cái bắt tay, độn đầy ánh mắt ngưỡng mộ của những người cùng ngồi phía dưới khiến Sơn vừa ngại lại vừa thấy oai. Chẳng bù cho cái nơi ở cũ, họ nhìn thấy Sơn là lại hỏi nhau: “Đã cất kỹ chưa?” hay “Đừng để thằng cha ấy để mắt tới”. Như vậy là đồng nghĩa với việc luôn phải sống chung với một xã hội bưng kín bít chặt. Mà đã là giấu giấu đút đút thì chẳng có gì sạch sẽ cả. Họ càng không sạch, họ càng ghét Sơn, đến nỗi vợ Sơn phải gào lên: “Anh ra đường mà nghe họ trịnh trọng gọi anh là nó, thậm chí là thằng chó kia kìa.” Những lúc như thế Sơn thấy tủi cho vợ quá, nhưng rồi cũng đành cười trừ bằng một câu động viên: “Thì em biết cái giá khi lấy phải chồng chuyên viết phóng sự rồi còn gì?”
    Bữa cơm gặp mặt như món nợ. Những bài điều tra cứ lạn sạn trong miệng với những nhễu nhão thịt hoẵng, thịt lợn rừng, thịt gấu không sao nuốt nổi. Men rượu Mông Pê hôm nay sao không say mà chỉ có chức năng tiếp thêm phần tươm tất. Đêm đã khuya lắm, căn gác trọ cũ kỹ, nằm áp mái ngói xi măng, khiến chiếc giường chỉ vừa đủ len mình vào nằm, chứ mỏi lưng thì chỉ có lăn xuống sàn mà ngồi, nếu không muốn biêu đầu bởi những chiếc đinh rui thợ mộc không đóng quặp lại. Trong tiếng côn trùng phát thốt từ cống rãnh đô thị, thi thoảng, câu nói lúc chia tay của vị lãnh đạo tỉnh như một liều thuốc chích, kích thích vang lên trong tai:
   “- Cậu nổ ngay cho một phát đi. Trúng vào. Vang vào. Nhé!”
    Ba ngày sau, Sơn mang bản thảo bài điều tra về một hợp tác xã bán hàng trăm suất đất nông nghiệp cho dân đầu cơ, chạy chọt chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư. Sự thể là, có một vị nằm trong ban Dự án quy hoạch đô thị, đã tiết lộ điều cơ mật vàng ấy với người nhà. Ông ta cũng kịp vay ngân hàng mua như được cho không đến hơn mười suất.
   - Cậu thần tình thật, chuyện kín như trong két mà cậu móc được ra thế này thì của là độc. Ngay ngày mai, trái bom này sẽ được nổ ở góc trái trang nhất. Có thể chỉ cuối tuần, một cuộc thanh trừng sẽ diễn ra, trật tự và mọi lý lẽ công bằng sẽ được lập lại. Cậu yên tâm về đi, cứ tin ở tớ, nhé.
    Đút chiếc xe máy vào gầm cầu thang nhà chủ, Sơn bò lên gác xép, vật tấm lưng mệt mỏi sau ba đêm thức trắng vì bài “Đất 5% bị làm phép”, với một cái lắc vai nhẹ nhõm. Dự kiến ngủ một mạch từ chiều nay tới chiều thứ hai thức dậy, ra sạp mua tờ báo là chẳng cần ăn. Nói thật, tiền nhà, tiền điện nước, tiền đầu tư đi lấy tư liệu đã khiến những bữa cơm bụi của Sơn vơi dần, đến mức chủ quán không còn bán nổi nữa vì không thể làm suất cơm hai ngàn rưởi. Bài điều tra mà được in là có thể tạm ứng báo vài trăm, lúc đó đánh một bữa thỏa thê. Sớm nay, đứa con gái học lớp một gọi điện xuống hỏi bố có khỏe không? Có béo không? Viết được nhiều không mà không thấy gửi tiền về cho mẹ? Sơn đã hứa cuối tuần sau gửi về ba trăm cho nó đóng học, hai trăm nữa làm quà sinh nhật, nhân chín năm ngày cưới, mà có lẽ Sơn cáo việc không về.
    Chiều thứ hai. Chiều thứ tư. Chiều thứ sáu. Ba tờ báo thơm phức mùi giấy ngoại lần lượt được bày ra quầy đăng ký bắt buộc mua báo tỉnh, với rất nhiều cái tít được giật như: “Bừng sáng...”; “Khởi sắc...”; “Rộn ràng...”; “Ngọt ngào...”; “Nhịp sống... tăng tốc”... Tất cả rặt một gam ngọt mềm, tươi sáng mà đọc lên, ở đó tràn ngập vị mùi yên bình và no đủ. Làm gì nhìn thấy những “Chạnh lòng...”; “Khắc khoải...”; “Nhức nhối...”; “Thảm họa...”; “Quặn đau...”; “Đói quá...” mà Sơn vẫn gửi cho những báo Trung ương, nhằm phản ánh một thực tế còn nhiều bức xúc và đau lòng.
    Sơn chìa mảnh giấy giới thiệu “Cộng tác viên đặc biệt” trình ra cho bác bảo vệ tòa soạn xem, rồi bước lên phòng Tổng biên tập:
   - Đưa ra hội đồng thẩm định, nhiều ý kiến cho bài của cậu còn thiếu một cái gì đó (dạng an toàn cho cả người viết lẫn người dùng). Ví thử như chứng cứ và tên của vị mà cậu gọi là “ông Cái”, đứng sau nhân vật Dan dự án. Hay, ngay như tội cứ của nhân vật Dan dự án đã được cấp, ngành nào xử lý đâu, mặc dù đã chứng minh anh ta mua tới hơn mười lô đất với vài chục lô nữa của người nhà, bạn bè anh ta ở những nơi sau này là trung tâm hành chính, kinh tế đô thị mới. Nhưng, đọc cả bài điều tra chẳng thấy lô nào đứng tên anh ta và vị “ông Cái” kia cả. Một bài viết chưa ai xử lý, chưa ai bị xử lý. Cậu bảo tôi phải dùng làm sao đây?(!)
    Sơn thất vọng ra về, mặc dù đã phân tích cho Tổng biên tập biết rằng đây là vụ kín, nếu không có tiếng sét dư luận, nội sự sẽ vĩnh viễn chôn vùi. Người nghèo thì mất đất canh tác, kẻ làm quan sẽ giàu lên bất ngờ nhờ những mánh khóe bất chính (loại ngu ngơ như Sơn, không bậc ngạch công chức, không lương lậu, không mưu cầu chức vị, sự sang giàu, thì làm sao mà biết: Biết rồi khổ lắm (nhưng)... kệ người ta!). Nhưng (lại nhưng), nếu cứ chỉ chăm chăm viết những vụ vỡ vọt ra thì còn gì gọi là phát hiện, và nghĩa vụ ngăn chặn của nhà báo chỉ còn là chạy tin vuốt đuôi, nhằm thông báo cho một bộ phận tò mò biết về một việc, đơn giản như hôm qua, lúc... tại... đối tượng... giết chủ tiệm vàng và cướp đi..., chấm hết! Vẫn biết Sơn chịu hoàn toàn trách nhiệm về nhận định của mình, và, về nội dung bài báo, Tổng biên tập vẫn tóm lại hai chữ: “Về đi!”
    Lại một đêm nữa cũ kỹ và nặng nề ập xuống căn gác trọ. Sơn với nửa gói mì tôm còn sót, cất trên kệ sách xuống uể oải nhai để xua đi cái đói đang lên tiếng phẫn uất trong dạ dày. Sinh ra trong một gia đình có tới chín chị em. Hồi Sơn còn bé, nhà vẫn còn ở thị xã. Ngay bên kia đường, nơi mỗi lúc buồn Sơn vẫn nhìn sang để mong tìm thấy một nét thân quen giữa thị phường xa lạ, mặc dù, có thể, nét thân quen chỉ còn vương lại như một hạt quặng nhỏ xíu người ta đã lọc lấy vàng và quăng đi.
    Sáng sáng, cả nhà nhìn cảnh bố nhảy lên chiếc xe phượng hoàng nam, vành bánh quay sáng lóa, hối hảo lao về phía Ty xăng dầu mà thấy hoàn cảnh gia đình mình bình yên quá. Lương trưởng phòng kinh doanh của bố cộng thêm vài đồng trông trẻ của mẹ, và toàn bộ tem phiếu của chín chị em thời bao cấp, đủ cho một cuộc sống hạng trung, mặc kệ một tuần vài lần phải đi sơ tán bom Mĩ. Thế rồi đùng một cái cuộc sống thay đổi hoàn toàn, kể từ khi bố được lãnh đạo tỉnh gọi lên, động viên vào vùng sâu tiên phong thành lập một nông trường bán chăn nuôi, bán trồng trọt.
   “- Tỉnh đã xem xét kỹ rồi, chỉ có anh mới giải quyết được sự kỳ vọng lớn lao vào một nền kinh tế quốc doanh của cụ (cách gọi thâm mật dành cho ông bí thư tỉnh ủy)”.
    Buổi đầu, cả nhà bồng bế, ôm đồm bao, bọc, luồn rừng đi bộ miết hai ngày mới vào tới trung tâm xã, thuộc một huyện vùng sâu, xe cộ thất thường, có khi một tuần một chuyến. Rồi bắt đầu từ đây, đi bộ thêm một ngày nữa mới đến được địa điểm cần khai lập. Mặc dù đã được chuyển sang vai một thanh niên dân tộc Thái, bớt hẳn cảnh sóc ngằn ngặt từng nấc, từng nấc trên lưng mẹ nhưng cái thứ xúc giác của một cậu nhỏ lên năm vẫn giúp Sơn cảm nhận được tuổi thơ thâm u và sờ sợ lạ lùng. Tiếng còi xe được thay bằng tiếng sói tru. Những chiếc cầu bập bênh, những chiếc xích đu, những chuyến tàu bay nhờ chiếc vòng quay tốc độ lớn, được thay thế bằng những sợi dây rừng đong đưa trên những cành cây cao thẳm. Đang ở nhà lầu, ăn nước máy tại bếp thì nay chị em Sơn phải vác từng ống nước, đi bộ ngót nửa tiếng từ dưới chân núi. Đêm, thay vì ôm con thỏ bông mơ những tấm bánh rán thơm lựng, mỗi khi mẹ về chợ, thì ở rừng thường xuyên đứng tim vì một con rắn bắt chuột, hay con cạp nong bò qua người nằm để tìm mồi mỗi đêm. Giấc mơ bánh rán ở thị xã được thay thế bằng những chiếc bánh ngô, bánh sắn, bánh khoai… nhai vẹo răng hết tháng năm này đến tháng năm khác. Sơn nói tiếng dân tộc nhiều và thạo hơn tiếng phổ thông. Những trò chơi theo lời đồng dao quen thuộc, dần dần rơi ngược về thị xã. Ở rừng chỉ tồn tại những thú vui thực tế và hữu ích, thậm chí, còn là nhiệm vụ “chơi” nặng nề theo kiểu người nhỏ làm việc nhỏ. Chơi gì thì chơi, khi về phải xách theo con dúi, con chồn hay mớ rau, củ măng từ trong “chợ rừng”. Mà ở đây cũng chỉ có thể tự tìm lấy mà ăn. Làm gì có ai bán thứ gì đâu. Không bẫy được thú thì vĩnh viễn chẳng bao giờ có chất tanh, ngoài một ống bương mỡ lợn, ông trưởng bản người Mông cho, nhưng do dự trữ từ tết Nguyên đán nên đã có mùi thum thủm; và, vài quả trứng gà mấy bà, mấy chị biếu để thi thoảng cải thiện với nắm rau ngót rừng.
    Tương lai của chị em Sơn hầu hết dừng lại ở trình độ lớp bốn (lớp do công nhân của đội sản xuất dạy) và một suất công nhân chăn bò. Một đàn bò sơn dã và hung hãn, được chính bố Sơn đi lùa hàng tuần ở Mộc Châu về, nhốt vào trong một khoảnh núi rừng vài chục cây số vuông, bằng những thân gỗ hạ ngay tại chỗ. Hằng ngày, công nhân thả đàn bò ra, mạnh chúng chúng chạy, công nhân hộc tốc bán theo đít. Con đầu đàn lần lượt dẫn đàn bò đi hết mười năm cánh rừng, vì ở đó có những bãi chăn thả đã được đánh sạch gốc cây, rồi trồng những loại cỏ ngoại mà chúng ưa thích. Nói chung, chăn bò ở đâu chứ chăn bò ở đây thường là một nhiệm vụ bất khả thi với tất cả mọi người. Vì thế mà nó chính là nơi “cải tạo” những công nhân bất kham, hay vi phạm kỷ luật, và, cũng là nơi thử thách của đàn con cán bộ. Thực ra, đấy chính là chiến lược lấy sự hy sinh của các con, làm mẫu cho anh chị em công nhân vốn quen lên xe xuống thuyền ở các miền quê đồng bằng yên ả và, coi nhiệm vụ khai lập nông trường như một hình cực.
    Nhà Sơn chỉ có hai người anh là vượt qua được những bữa cơm độn ngô, độn sắn và quãng đường dài cả chục cây số để học lên cấp hai, rồi thoát ly thành công với một suất giáo viên tiểu học và một bộ đội chuyên nghiệp (tất nhiên là tiến vinh theo kinh nghiệm của bố là: vươn lên từ cấp bậc binh nhì). Thế thôi, mà mỗi khi về thăm nhà oai kinh khủng. Cả bản vây lấy hai cán bộ, vân vê trên tay suốt buổi viên kẹo lạc nu-ga được làm từ cái nhà máy kẹo vốn sinh ra như một chiếc phao cứu sinh cho xưởng đường đen chẳng bao giờ bán nổi một cân của tỉnh, mà hai anh dành dụm cả tháng phụ cấp, rồi xếp hàng suốt buổi mới mua nổi, để làm quà. Hai vị khách quý về là y thường nhà có tí tươi, mặc kệ đấy có là con gà mái đẻ duy nhất. Sơn là con út, thường được bố mẹ lấy hai tấm gương lớn ấy ra để làm sức bật tương lai.
    Sơn là người thứ hai trong nhà theo hết được cấp ba, nhưng học tiếp lại là điều không thể, bởi hai suất lương hưu của bố mẹ chỉ có thể đủ sống theo kiểu thêm bát thêm đũa. Lấy đâu ra mà chia bếp, chia nồi, lại còn tiền tàu xe, nhà trọ và học phí. Sự cố của một chàng công nhân chăn bò đang chuẩn bị nhập vào, thì bỗng dưng Sơn nẩy nòi viết văn, làm báo. (Vẫn thường, ông già nói “chập như bọn viết văn”, và, đời cũng đã chứng minh thế. “Chập” mà ông già gọi chính là nghèo - nghèo đến khốn nạn, vậy thì chỉ có thằng điên mới đi chọn cái sự nghèo làm chân lý sống).
    Cái tiếng sét cảnh báo ấy đến đâu chưa biết, chỉ biết sự đam mê viết văn của Sơn là không gì cản chặn. Vào một dịp vinh danh sự thành công của nông trường quốc doanh, mà giờ đã là Công ty cổ phần ngô giống lai cực kỳ hưng thịnh. Nhà báo, nhà đài Trung ương, địa phương đổ về nông trường, nay đã đường nhựa phẳng lì, che lấp đi con đường mòn chông gai và ì ạch, đeo đẳng công nhân suốt một thời kì dài. Bố Sơn là nhân vật chính trong dịp quan trọng ấy. Ông được người ta vinh ơn, tặng cho một chiếc ti vi đen trắng. Biết con mình không thoát nổi cái nghiệp chướng đời nó, ông đã nhờ một nhà báo danh tiếng. Sau khi kiểm định tài năng của Sơn, ông nhà báo bảo lãnh Sơn lên một tỉnh xa, làm hợp đồng cho một toàn soạn báo địa phương ở đó. Nhưng rồi chỉ nửa năm sau, ngay khi nghe tin vị nhà báo danh tiếng nghỉ hưu, thì Sơn cũng lập tức bị đẩy ra khỏi tòa soạn với lý do không có bằng đại học. Cuộc sống dựa vào ngòi bút tự do, khiêm tốn và tạm ổn, cứ lặng lẽ trôi đi bằng một tháng nhận dăm bảy tờ giấy mời lĩnh tiền của các tòa soạn báo, ở hòm thư lưu ký.

***

    Trời tạnh mưa đã mấy ngày nay, nhưng những cơn gió bấc vẫn làm cho không khí ẩm nặng. Chiếc xe hiệu honda sớm tinh sương đã được khởi động kỹ, chuẩn bị cho một cuộc đèo dốc dị thường. Địa chỉ Sơn cần đến là nơi đang diễn ra một công trình vĩ đại vào loại bậc nhất nước. Nó quan trọng đến nỗi, ít nhất sẽ có khoảng hai mươi triệu người, có ảnh hưởng tích cực khi công trình hoàn thành. Khi công trình hoàn thành cũng sẽ mang về cho Nhà nước mỗi năm gần ba trăm tỉ đồng tiền cắt lũ và cấp nước, đồng thời còn giúp ăn gia ngót ngàn triệu đô la năng lượng tiết kiệm và hàng triệu tấn than đá đang phải đốt mỗi năm. Để thực hiện nó, gần một vạn người thay phiên nhau vật lộn tới chục năm ròng, trên va dưới đập. Để nhường chỗ cho nó, còn có hai mươi ngàn hộ dân, ở gần hai trăm bản, của hơn ba mươi xã, thuộc mười huyện thị, khắp ba tỉnh, hy sinh đời sống văn hóa quen thuộc để đi đến một nơi xa. Cái giá phải trả đau đầu.
    Hôm qua, nhờ cái di động chỉ dám nghe chứ chưa bao giờ dám gọi, Sơn biết, hiện trên công trường đang xảy ra hai vụ tai nạn lớn, có mất mát về người, nhiều khả năng do chủ quan trong phương pháp thi công của lãnh đạo dự án. Cũng tốt, nhân tiện làm luôn cái sự học của con em công nhân, cái nạn tham lãi cung cấp thức ăn bằng gia cầm nhiễm H5N1 trên công trường. Rồi lý do chậm đưa dân ra khỏi vùng giải tỏa. Rồi... trăm thứ ăn theo công trình.
    Con dốc có cái tên tục là dốc Cạo Lợn, tai nạn được người dân ở đây xem như chuyện thường ngày bản, đã được đầu tư một con đường tránh khác, thuỗn thàng, tha thướt. Chiếc honda cứ thướt tha lướt đi. Sơn tự hỏi, không biết vào đến nơi, cái đám người to đùng cách mạng ấy, chuyên gặp gỡ tiếp đón các lãnh đạo cao cấp, và các đài báo danh giá Trung ương. Nay có một gã phóng viên ngoài tòa soạn, phụ trách chuyên mục con con của một tờ báo con con bằng một hợp đồng miệng, không tiền phụ cấp, không hỗ trợ phương tiện hành nghề, tư cách pháp nhân được che chở dưới tấm giấy giới thiệu cộng tác viên đặc biệt... xin làm việc thì họ sẽ tỏ thái độ ra sao nhỉ. Muốn thuận lợi, nhất định phải có lợi thế. Phải bắt bài. Phải lục lọi thông tin của họ trước khi...
    Chiếc xe trượt theo dòng suy nghĩ, như bay trên đệm không khí mặt đường. Hai mắt đóng sập lại, đen thẳm. Đầu óc long xóc. Trước khi bất tỉnh, chỉ kịp nghe ai đó gào như hét vào mặt rằng đi xe mà để mắt lên mây (có phải để mắt lên mây đâu, Sơn để mắt, để cả tâm tới mấy mạng người đang vô tình bị cướp đi bởi cái công trình hoành tráng kia ấy chứ!). Rồi một giọng nữ phu tiếc rẻ:
   - Chắc là nhà báo. Như thế, con đường đẹp vẫn còn thiếu một mạng nữa, mới tròn chục!
    Hé mắt ra, Sơn thấy lốc nhốc tới bảy tám người, máu me bê bết, xâu quanh. Người đi tìm nhặt hộ cái máy ảnh văng dưới vực. Người dựng xe. Người đỡ Sơn ngồi dậy. Sơn co rúm vì sợ và nghĩ, hẳn do mình nên chiếc xe khách nào đó mới bị nạn. Chống hai tròng mắt đờ đạc lên, nhưng chẳng thấy gì ngoài đoạn đường nghiêng ra vực như một cái bẫy. Sơn lại nghĩ chiếc xe tránh mình nên có lẽ đã nằm im dưới chân núi. Vậy thì những người này tốt quá, họ không hề oán vạ, mà còn động viên Sơn nhanh chóng đứng lên. May mà cái xe chỉ bị trầy sơ, đề lại nổ ngay. Sơn tập tễnh trèo lên, rồ ga lao đi, mà miệng vẫn lẩm nhẩm: “Mình phải có chứng cứ quan trọng trước khi xin làm việc. Mình sẽ không ăn, không nghỉ bằng tiền của họ. Ăn vào, nghỉ vào phải viết theo định hướng, là đánh mất mình”
     Văng vẳng sau lưng, tiếng ai đó kêu lên thất kinh:
- Kìa! Khéo nó đâm. Nó nhắm mắt như ma đi xe máy... Kìa!


***

    Sơn bừng tỉnh bởi tiếng đập cửa quen thuộc. Chị hàng xóm mang về năm ngàn cơm bụi đựng trong túi nilon. Chiếc bút máy tuột tay lao thẳng xuống nền gạch, ngòi tòe ra như chiếc chĩa đôi. Chuyến đi mệt mỏi tả tơi, rồi cũng phải khép lại bằng một loạt bài viết. Trong đó, Sơn đặc biệt ưu tiên bài viết về thảm cảnh tai nạn giao thông xảy ra dọc khắp đoạn đường từ thị xã vào chân công trình. Vậy mà mặc nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương không hề có lấy một mẩu tin về những điều đó. Kể cả nơi đã có tới tám mạng người, bị sự thiết kế vô lương tâm nào đó cướp đi, nhưng không hề có lấy một tấm biển cảnh báo, ngoại trừ những tấm bia, những bát hương, ngày một thêm đông đúc. Người thấy ốm nhệu. Ăn uống thất bữa đã mấy tháng nay, có thể cũng khiến cho người bấy oặt ra. Da mắt, da môi cớm ởn như người thiếu máu. Ngày hai bữa ăn, cố gắng mỗi bữa năm ngàn, chủ yếu là rau. Không có chất tanh, không hoa quả tươi, không trà, không sữa như những ngày viết văn ở nhà với vợ. Ở đây mất hẳn cái cữ ăn tiệc thoảng thì trong tuần, của một vài nhân vật, lúc thì của phóng sự này, khi của bút ký kia. Có bận có cả một nhân dân trùng tên với cái ông người chữ, vừa anh hùng vừa hữu thiệp trong truyện ngắn; vì cứ tưởng là mình nên đến xin làm quen và xin được chiêu đãi. Ông ta khoái cái thằng mình hồi sinh qua ngòi bút của Sơn, nên nguyện kết nghĩa anh em, để còn sống tết, chết thờ. Chưa hết, ông ta còn hẹn về sau nhất định phải thù lao tươi tốt, để nhờ Sơn xây cất cho một bộ tiểu thuyết hoành tráng, để ông ta gửi về cho người ở quê, bổ sung tên tuổi và công kênh vào gia phả.
    Đầu giờ chiều, gạt mọi sự mệt mỏi ra khỏi thân xác. Túi nilon cơm chị hàng xóm cắm chiếc thìa cho mượn vẫn nguyên xi, chờ tối chị đến mang về cho lợn. Sơn ôm tập bản thảo viết về sự bàng quan của một số cơ quan chức năng trước thực trạng tai nạn giao thông trên đường Đ đến tòa soạn. Lạy giời, cả một quãn thời gian dài nhờ có liều thuốc bổ là những bài điều tra nên Sơn chưa từng ốm, mặc dù nhiều khi gục ngay trên bàn viết do áp lực công việc và cũng do nhu cầu thu nhập gấp, để thỏa mãn kế hoạch mừng đám cưới một đồng nghiệp. Bằng không, giữa cái nơi lạ người lạ vật, lại lạ cả tiền này mà ốm xuống thì khốn nạn.
   - Cậu quan liêu quá. Cậu về tỉnh này nhằm mục đích gì? Bôi nhọ tỉnh à? Cậu có biết năm rồi tỉnh ta xếp thứ hai trong cả nước về thành tích giữ gìn trật tự an toàn gia thông không? Tôi đã từng kỳ vọng ở cậu, kỳ vọng vào một suất biên chế chính thức lịch sử. Không cần bằng cấp. Vậy mà cậu đã làm gì thế này? Đây, đây, đây nữa, kia nữa... có phải sản phẩm của cậu không, hả?
    Sơn đánh mắt vào những tờ báo Tổng biên tập đã bày sẵn ra bàn, phóng sự “Đói quá Na Thu” trên báo X; “Nhức nhối quản lý hành chính xã” trên báo K; “Mua điểm trả bằng... Bằng” trên báo I; “Bán rừng không văn tự” trên báo Z... danh xưng lồ lộ ra đấy, cãi làm sao được.
   - Tôi đang chết vì giới thiệu cậu với tỉnh. Hết Tuyên giáo, đến Sở Truyền thông, giờ đã có cả An ninh văn hóa tra hỏi tôi rồi, cậu bằng lòng chưa. Thôi, từ nay đường cậu cậu đi, đường tôi tôi đi, nhé!


***

    Có tiếng gõ cửa. Lạ. Mở ra, trước mắt Sơn là một người đàn bà trạc ngũ tuần. Theo bà ta giới thiệu thì, vì đi xem công trình vĩ đại ấy khởi công, con trai bà đã bị chết ở cua vách Cạo Lợn. Bà vội vã lên xe, vội vã bẻ cua để mong sớm tìm được con. Và đã gặp nó đói rét thảm thiết, ngày ngày ra ngồi trên tảng đá ngay bên đường để đón người. Bà ta khẩn thị Sơn làm một cái gì đó cho con trai bà ta.
    Mới đây, Sơn vừa bị gọi lên phường. Ở đó họ hỏi Sơn học trường nào ra, tại sao lại đi viết báo, và viết để làm gì, viết cho ai, hay đơn thuần chỉ để kiếm sống? Sơn trả lời những câu hỏi ấy trơn tru như đã được tập huấn (sự tự vệ cần thiết của một phóng viên tự do, tất nhiên là tự học được sau khi đã tự vấp ngã nhiều lần). Người ta yêu cầu Sơn nộp bài cho người ta kiểm duyệt trước khi gửi đi đăng báo. Sơn không nói gì, chỉ nở nụ cười trốn tránh rồi ra về. Dĩ nhiên là Sơn đã được cảnh báo đến một sự vi phạm, mà mức độ hình chịu khi vi phạm, có thể là rất nặng nề.
    Sau năm lần gõ cửa, Sơn đi theo người đàn bà ấy. Cũng như lần quay lại điểm mà người dân vẫn gọi là “đoạn đường chết trên con đường đẹp”, Sơn vô tình gặp vị chủ tịch ủy ban xã có con đường đi qua. Ông này lập tức đưa Sơn về nhà riêng. Một bữa tiệc đúng nghĩa đặc sản miền rừng được bày ra cho hai người. Đúng, chỉ có hai người ngồi trên một cái lán canh ao. Cảnh trên mâm dưới cá, thật thú nhãn. Khi đã ngà say (chỉ là Sơn say chứ người kia rất tỉnh, tỉnh như thể một cuộc chuẩn bị cho một sứ mạng quan trọng), vị chủ tịch dúi vào tay Sơn nguyên cả một chiếc mật gấu khô rồi nói: “Anh hãy nhìn sự việc như là các thanh niên phóng nhanh, vượt ẩu!” Sơn chẳng hiểu gì sất (đã nói rồi, tạng Sơn làm gì hiểu được điều gì). Cuối cùng, vị chủ tịch xã cất chiếc mật gấu lại tủ, thủng thẳng: “Tôi đành báo cáo sự việc này lên cấp trên vậy”.
    Hôm đó, Sơn gặp một bọn đầu gấu, chúng cướp sạch của Sơn, kể cả đôi pin tiểu chuyên dùng cho chiếc đèn láp. Còn hôm nay, chỉ với hai bàn tay trắng và cây bút mới thay thế cho chiếc bút tòe ngòi, Sơn đi miết theo gót chân người đàn bà, luôn xuất hiện trước cửa phòng Sơn với bộ mặt tím mọng. Hình như đã dăm bảy lần gặp, bà ta vẫn mang nguyên bộ quần áo nhàu bẩn, rách nát, và dường như còn tanh những giọt máu khô. Bà ta như cơn gió mang Sơn đi trong lững lờ sương khói mà trời đêm ban phát cho con dốc Cạo Lợn. Nhiều đêm nằm mông lung không ngủ, Sơn tưởng tượng ra người đàn bà ấy như một miếng vá, vá vào đời Sơn; bởi mỗi buổi mai ra, không nghe tiếng gõ cửa của bà, Sơn thấy đời mình ranh rách.
    Hôm qua, Sơn được một nhân vật bí danh mời như bắt buộc đến khách sạn Mây Xanh. Bước chân vào phòng, đã thấy hai vị quen quen ngồi trùng về một phía như thể đợi ai, bên cạnh nồi yến lẩu đang bốc khói nghi ngút. Chai rượu đại bổ quy dương được khui ra. Đứng nép bốn góc tường là bốn nữ tiếp viên hở hang đến nỗi, với Sơn, cứ tưởng tượng đồ đạc phơi ra chắc ghê không nuốt nổi cái gì qua họng. Sau khi làm động tác trịnh trọng mời ngồi, một vị lên tiếng vừa đủ cho mấy người nghe:
  - Tớ trân trọng tài năng của cậu, chỉ có điều cậu được đặt chưa đúng chỗ mà thôi. Hôm nay, bọn tớ mời cậu đến đây là để chỉ cách cho cậu phát huy tài năng ấy. Một chân biên tập với đồng lương tháng gấp đôi biên chế, cậu nghĩ thế nào?
    Đang ngập ngụa trong cơn cân đong đo đếm, con số vị nọ đưa ra sao mà ý nghĩa đến thế. Chưa uống được bao nhiêu rượu mà mắt Sơn đã loạn lên. Đôi vòng tay mềm mại của nữ tiếp viên cứ như chịt cuống tim, cuống phổi lại khiến cho Sơn không còn tự chủ. Lần đầu tiên được nâng niu dưới đôi cánh tay mềm như ngọn hóp của cô gái chỉ đáng tuổi cháu, được lệnh tha Sơn vào một gian phòng tiện nghi, khép kín. Mặc kệ cô gái ngồi đánh đôi mắt câu kéo trên giường, Sơn vật vã lần vào toa-lét. Sơn móc họng cho mọi thứ tuôn xuống bệ xí. Trăm thứ bà dằn người ta nhồi cho cứ cuồn cuộn nhả ra (Sơn đã ngợ ra chẳng có thứ gì nuốt trơn tuột cả). Mà cũng lạ. Nào thịt kỳ đà, nào gà đen da, nào ba ba, báo đốm rói tươi màu máu, vậy mà cứ thum thủm như ống mỡ dự trữ của nhà Sơn hồi còn ở một mình giữa rừng. Ai chẳng biết là đại quý, đại hiếm, nhưng ăn cái thứ này vào hình như thấy mình muốn đi bò như ba ba, kỳ đà? Bỗng! Giọng bố vang lên đâu đó, trong tai: “Làm nhà văn phải có ít nhất ba thứ, đó là: kiến thức, sự trải nghiệm (trong đó có thử thách) và nhân cách. Vậy ở giữa cái giếng rừng này, con làm gì để có ba thứ ấy. Hãy tỉnh ngộ lại và bằng lòng với nghề chăn bò, con ạ!”
    Sơn loạng choạng bước ra đường phố. Một tay xe ôm nhanh chân bế thốc lên xe, móc nốt những đồng xu cuối cùng trong chót túi, rồi đưa Sơn về căn gác trọ rêu thảo. Chiếc giường như giãy lên khe khẽ bởi tiếng thạch thùng nhắc vào bức vách. Sơn thao láo, cắm phập mắt vào đêm, và mơ hồ ở đó có viên ngói xi măng đang mủn cùng năm tháng. Cứ như thế, Sơn đấu tranh với giấc ngủ vật vã, cho tới khi người đàn bà lạ xuất hiện và lôi đi.
    Trời vẫn còn quá nặng. Những đám mây như muốn sập xuống chân người. Con dốc bị sương lam ú tim, nửa mờ nửa tỏ, hiện dần ra trước mắt. Nhưng không có một tấm bia, hay một bát hương nào. Hình như không phải dốc Cạo Lợn? Đúng rồi, đây là dốc cổng trời, đường về cái giếng rừng, có bố, có mẹ và đàn bò hung hãn. Sơn gióng giả gọi người đàn bà dẫn đường. Mà bà ta tên gì vậy nhỉ? Sao mình tin người dữ dội thế không biết. Đã từng bị đầu gấu đập máy ảnh, cướp tư liệu, cướp đồ. Đã từng bị nặc danh lừa vào nhà thổ, lừa vào ổ ma túy rồi vu vạ... Vậy mà nay lại đi theo một người lạ, đến nỗi chẳng biết mình đang đi đâu(?)
    Sương mù vẫn phủ kín các lùm cây hai bên đường. Những chiếc bóng đen, mờ nhỏ, bỗng to uỳnh ra, rồi hiện rõ dần màu lam lục, hết chiếc này đến chiếc khác làm Sơn bừng tỉnh. Thì ra là những tán cây do ảo giác sương mù cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, vừa rõ rệt tụt lại phía sau đã vù vù xa xăm phía trước, mà Sơn cứ ngỡ là người đàn bà cõi âm tìm con bị lật xe, rồi bỏ mạng theo con ở dốc Cạo Lợn, vẫn đang uốn éo dẫn đường. Ngoái lại sau xem cái vật nặng Sơn vẫn đèo có phải là một người quen đã nhặt hộ chiếc máy ảnh rơi dưới vực hôm nào không, lại té ra là túi hành trang đơn sơ, vốn theo Sơn đi trên tầng cây số. Thở một hơi dài giải thoát, Sơn thấy mình trùng khớp với lời cô gái, cáu cẳn và kinh ngạc nhổ vào lưng Sơn, khi bị Sơn bỏ rơi hôm qua trong nhà nghỉ Mây Xanh:
   - Đồ âm lịch!   
    Thị xã quê, 3.2006 -  4.8.2007

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét