25
tuổi tôi cưới vợ. Ngày cưới của tôi là một ngày hoàng đạo. Các cụ bảo, lấy vợ
xem tuổi đàn bà. Tuổi vợ tôi năm nay đại lợi. Mẹ nuôi tôi tất tả ngược xuôi lo
cho tôi từ cái cà vạt, đôi giày phấn trắng… Mẹ 46 mà trông như mới ngoài 30. Có
lẽ vì mẹ vui, bởi ước mơ cháy bỏng trong đời mẹ là được lo lắng một chuyện gì
đó lớn lao… Tôi đứng ngắm mẹ, thấy mình thật may mắn.
Tôi
là đứa trẻ không có gia tiên. Ngay như khái niệm sinh ra, mãi gần đây mới lõm
bõm, chẳng biết được mấy phần đúng. Nghe nói, tôi là hoang nhi bị một con hổ
rừng tha từ đâu đến bỏ ở gốc đa cuối làng, vì nó nhìn thấy con bò đang cơn vượt
cạn. Về lý thuyết chưa bao giờ hổ muốn ăn thịt người (đây là nhận xét của những
già trưởng). Cắn chết thì thường, còn ăn hy hữu lắm - có thì cũng chỉ là trả
món nợ thù hằn với con người. Nó bỏ tôi để vồ con bò là đáng tin cậy. Có giả
thuyết khác rằng, người đẻ ra tôi - người đàn bà lăng loàn, chí ít thì cũng đần
như đất ấy, khi nhìn thấy con hổ rình con bò thì vứt tôi lại chạy tháo thân…
Cũng không phải vô lý. Dù sao, từ trong huyết bào, tôi vẫn biết ơn người đã
mang nặng đẻ đau, và cũng không quên hàm ơn loài bò. Cả đời tôi vĩnh viễn không
được xúc phạm và ăn thịt ân nhân cứu mạng. Tôi may mắn được các mẹ ở trường
tình thương mang về nuôi dạy. Cứ thế tôi lớn lên trong vòng tay của những người
dưng, nhưng lương tâm còn thắm hơn cả dòng máu đỏ.
Ngày
tôi xuống núi học đại học cũng là ngày cuộc đời tôi bước sang trang khác. Khoản
tiền các mẹ trường giáo dục tình thương góp cho vừa đủ những chi phí ban đầu.
Vào học chính thức, trong túi tôi không còn lấy một đồng xu lẻ. Tôi không nghĩ
một ngày kia, cái bánh mì trắng bỗng trở thành ước mơ xa xỉ. Tôi bắt đầu lang
thang khắp các nẻo thị thành. Mắt găm chặt vào những tờ rơi tìm người làm, đính
trên cột điện hay, ở những bức tường loang lổ màu, xen lẫn những hình thù kỳ
quặc. Tôi tìm đến gõ cửa bất cứ ngôi nhà nào mà tôi có địa chỉ. Chẳng ở đâu
nhận một ô sin nam. Gia sư thì chưa có vốn. Giúp việc vặt dễ tìm nhưng học hành
đã lấy hết thời gian.
Đang
nằm co chịu trận đói lịch sử của đời mình thì thằng Phiên - bạn cùng phòng hỏi
giật:
- Mày sốt?
- Không, là đói.
- Mấy ngày rồi?
- Hai ngày, chỉ nước.
- Mẹ cái kiếp con nhà nghèo. Sao mày không thư về nhà, khoai sắn gì cũng được?
- Có lẽ giờ này mẹ tao đang giống tao.
Tôi
trả lời bừa cho nó buông tha. Tôi không thích bọn bạn biết tôi hoang cư, cực
lắm. Thằng Phiên đi ra, lát sau quay lại đưa tôi gói milikét cởi truồng. Tôi
nghiến bay gói mì tôm sống mà quên cảm ơn nó. Nó ngồi xuống cạnh tôi, bảo:
- Mày thật sự cần sống, cần học?
- Hỏi gì thừa.
- Nếu mày muốn đổi đời, tao giới thiệu một cách, nhưng hơi tởm.
Tôi
ngồi bật dậy. Hai ta ù đặc như bị tát. Chỉ một tia cơ hội cũng khiến tôi khỏe
được thêm mấy ngày. Học sinh tỉnh lẻ, lại “độc thân”, giống sắp chết chìm trên
biển. Trong lúc hấp hối bỗng thấy một chiếc phao lớn, nổi như không gì nhấn chìm
nổi. Mừng ngút. Vực hết sức bình sinh chộp lấy. Vừa gặp bạo lực, nó nổ xèo. Thì
ra là bong bóng nước. Nó không có tác dụng cứu người, nhưng gián tiếp cho kẻ
sắp chết chìm một niềm tin. Một niềm tin nhẹ dạ! Bây giờ cũng thế, cho dù sau
đó đổ vật luôn xuống giường bởi tất cả lại là không thể. Thằng Phiên kéo tôi ra
ngoài. Gói mì tôm giúp chân tôi bớt run hơn. Đến quán internet, nó móc bốn ngàn
ra xin chơi một tiếng. Nó vào google. Nó vào “Rao vặt”. Nó vào “Cần tìm em
nuôi”… Điều kiện của người tìm kiếm là sinh viên nam, nghèo, đẹp trai, khỏe
mạnh, biết phục vụ. Tôi chẳng hiểu gì sất. Nó giải thích: Đây là một dạng tìm
chồng vờ. “Tài nguyên” là các bà, các chị độc thân, hoặc giả vợ các đại gia bị
bỏ bê lâu ngày cần thiết thỏa mãn hay, trả đũa chồng cho vui cửa vui nhà… Có
loại đưa “các em nuôi” về nhà ăn ở cùng, có loại giấu giếm gặp nhau theo lịch.
Trao hàng thu tiền. Kiểu này nguy hiểm. Lỡ các ông thuê thám tử soi ra thì cái
giá phải trả nhiều khi là sự tàn phá nhan sắc, thậm chí là mạng người. Tôi hỏi
sao nó biết. Nó bảo có người anh học năm cuối đại học y đang nhận chị nuôi như
thế. Nhưng để được hưởng cuộc sống công tử, anh nó cũng bị đến sáu, bảy bà cho
ăn quả thủng. Chiều chuộng, hầu hạ các bà một thời gian, chỉ được ăn thôi, tiêu
xài nhỏ giọt bé dần, bé dần… rồi đến một ngày giọt nhỏ xuống đến hai bàn tay
không cũng vừa đủ tan thành hơi. Các bà “nghệ” cũng lắm nghệ lắm. Ngu ngơ như
mình chắc thủng mút mùa.
Chiều
đó anh thằng Phiên đến ký túc xá lớp tôi. Ngồi một lát cho gần nhau hơn, anh
giục hai thằng đi theo. Đến phố P - địa chỉ thằng Phiên tìm thấy trên mạng,
nhưng vẫn phải nhờ ông anh bắt mạch hộ. Chủ nhà là một chị ngoài ba mươi, chết
chồng, có công ty riêng, khá giầu. Hai chúng tôi ngồi ngoài chờ, anh thằng
Phiên vào chừng mươi phút rồi vẫy thằng Phiên. Tôi chờ thêm non tiếng nữa,
thằng Phiên trở ra chìa cho tôi xem một bản hợp đồng siêu ngắn hạn. Mười sáu âm
này nó phải dọn đến nhà chị Q ở. Hợp đồng ghi “thử việc” ba ngày. Đạt yêu cầu
thì ký hợp đồng chính thức hết bốn năm đại học. Lương triệu rưỡi trên tháng, ăn
rồi, sau tăng theo kinh nghiệm. Nó bảo tôi yên tâm, nó và anh nó sẽ tìm cho tôi
một cỗ.
Hơn
tháng sau đó tôi sống nhờ vào tiền thằng Phiên. Nó trụ lại thành công trong
ngôi nhà ấy. Có điều nó gầy rạc đi. Mỗi lần gặp nhau nó than mệt mỏi. Tôi hoang
mang. Chẳng nghĩ rồi mình sẽ thành một “vú ông”, chăm một bà chị nuôi, thậm chí
là mẹ nuôi nào đó suốt bốn năm đại học. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.
Lắm lúc mới nghĩ đã thấy nhục, thấy khinh bạc đời mình. Nhưng rồi nỗi khát khao
được sống, được học, để thay đổi cuộc đời bởi ít nhất, từ tôi đi, sẽ là ông tổ
của lũ hậu sinh tôi sau này, nên cần lắm một sự hy sinh. Theo thằng Phiên thì
đây cũng là một nghề, một nghề sạch sẽ bằng mấy buôn gian bán lận, tham ô, ăn
chặn lưng cật nhau. Bất quá cũng ì xèo tí chút, nhưng độ sôi chỉ là lăn tăn so
với thiên hạ vốn dĩ lắm chuyện mà lại chẳng chuyện nào quan trọng. Tất cả rồi
sẽ qua đi. Nhiều quá khứ còn nhuốc nhơ bằng vạn lần thế, nhưng quy luật vẫn
phải là “lịch sử” mà thôi. Có người bảo sự chung chạ có lợi đôi bên này thuộc
phạm trù đạo đức xã hội. Nhiều người bày tỏ chỉ là một nhân thức mới, cần có để
tròn trịa xã hội. Hỏi đáp mục “Tâm tình”, các chuyên gia tâm sinh lý cũng cho
rằng đây là một trào lưu mới, một cách thức mới, ngoại phận ranh giới đạo đức.
Nó bình thường thôi, không đến nỗi phải rầm rĩ lên đâu. Người này thiếu cái
này, người kia thiếu cái kia, cả hai cái thiếu ấy đều tồn tại một cách danh
chính ngôn thuận. Vấn đề là đẩy nó đến đâu, giao kết và phương thức đối xử với
nhau thế nào cho hợp đạo lẽ. Xã hội có thể chưa ủng hộ, nhưng cũng không có lí
do gì bất thuận. Luật khoản còn vật vã trên hành trình khác, chưa nghĩ tới, và
có thể không bao giờ quan tâm.
Tôi
như trôi biển lần thứ 2. Chẳng hiểu thế nào là đúng, là sai. Bây giờ nhiều khái
niệm xuất hiện khi hành vi đã tìm cách hoàn thiện mình. Nhiều hành vi bỗng dưng
quay ngoắt từ xấu sang… có lý. Chẳng biết nữa. Tôi bất nhẫn đến mức chẳng phải
là tôi. Nhiều đêm mộng du, thấy mình là cái xác ướp, trống rỗng trong lớp xương
da khô quắt và trơ lỳ. Tôi đang phó mặc cho cuộc đời liệm mình vào một trong
những chiếc quan tài mang tên trào lưu mới.
***
Theo
lời giới thiệu của thằng Phiên, chị nuôi tương lai của tôi hơn tôi 21 tuổi,
chưa từng có chồng, giàu có, muốn giải quyết sự cô độc, nếu có con càng tốt.
Anh thằng Phiên bảo, tôi làm được việc ấy, tức là chủ sở hữu một tài sản bạc
tỉ. Không như những tin rao vặt khác, rằng: “Nếu giúp chị thấy thoải mái mỗi
khi về nhà, thỏa mãn tột đỉnh mỗi lần chăn gối thì chị sẽ hậu tạ hậu hĩnh…”,
chị nuôi tôi chỉ vẻn vẹn: “Chị cần một em… để tâm sự, chia sẻ những gì có trong
cuộc sống”. Lần đầu gặp chị, tôi thật sự bất ngờ trước nhan sắc của “một máy
bay bà già”, mà trước đó, tôi tự an ủi mình về một hình nhân dúm dó, tính tình
khô kiệt, bởi căn cứ vào thời gian và số lượng đăng tin mà chị nuôi tôi đã thất
bại quá nhiều. Có lẽ khách hàng nhìn vào tuổi tác và nội dung rao vặt đã chán
chị. Chán đi chán lại. Cái tin đầu tiên xuất hiện cách đây hơn bốn năm, mà đến
nay chị vẫn chưa một lần được kết nghĩa.
Trời
nhá nhem tối, tôi xách chiếc ba lô khép nép bước vào ngôi nhà xây ba tầng trên
mặt đường X. Chị ân cần đặt vào tay tôi một bộ quần áo ngủ mới:
- Tắm luôn đi em.
- Dạ!
Tắm
xong, quay ra phòng khách thì chị đã dọn cơm, úp lồng bàn đợi sẵn. Còn chị,
đang nằm ngả ra phô tơi xem báo ảnh. Vừa ăn, chị vừa hỏi:
- Em biết chị được bao nhiêu?
- Dạ, chưa.
- Vậy à. Chị là Thương, 42 tuổi, yêu hai lần nhưng chưa một lần gần đàn ông.
Chị ở nhà, nguồn sống duy nhất là 5 cổ phần của 5 công ty kinh doanh hạng trung.
Thỉnh thoảng ra ngoài đi họp, ăn chia lợi nhuận, còn lại là đọc báo và xem ti
vi. Mua sắm tất tật nhờ dịch vụ bán hàng tại nhà, kể cả đi chợ. Còn em?
- Dạ.
- Em vâng dạ nhiều quá, chị chóng mặt lắm.
- Vâng. Em là Hoàng. Tên cúng cơm là Hoang, sau thấy xấu thêm dấu huyền vào.
Không có gia đình, đang học Giao thông …
- Đã có người yêu chư a?
- Dạ chưa.
- Đến đây em có biết trước phải làm những gì không? Bạn em bảo em hơi ngố.
- Vâng, em biết.
- Làm gì?
- Làm… em nuôi chị.
- Còn gì nữa không?
- Làm… chồng.
- Nữa?
- Cho chị một đứa con.
- Em nghĩ sao?
- …
- Đừng ngại.
- Dạ. Em thấy không phải... Nhưng… chị tha thứ, em không còn sự lựa chọn.
- Không sao, chị đã phải “rao vặt” là chị có cái khó, em không cần tự vấn.
Tối,
chị bảo tôi nằm vào bên trong cái giường mét hai, còn chị kê ghế gấp nằm đọc
họa báo ngay cạnh, khi nào buồn ngủ sẽ lên sau. Chị mặc đồ ngủ hai dây, váy
ngắn. Thân hình tròn lẳn, mịn màng như con gái mười tám, hiện lên sau lớp vải
mỏng. Tất cả các chi tiết trên khuôn mặt trái xoan, cũng như bàn tay, bàn chân,
chưa có dấu hiệu nào của lão thời gian. Tôi không ngủ. Lo không đáp ứng sẽ bị
mất thu nhập, nhưng cũng lo vì tôi chẳng có bất cứ một kiến thức gì về phụ nữ.
Trước khi đến với chị, tôi được thằng Phiên bổ túc cho vài điều. Nhưng khi gặp
chị, tôi không thấy cái nhận xét của nó về những bà chị nuôi kiểu này là không
đúng: “Các bà ấy cực kỳ hoang dâm. Hình như là bệnh. Chỉ có bệnh mới cần đối
tác trẻ, khỏe và bất chấp như bọn mình. Vừa thỏa mãn, vừa có tiền để sống một
cách đàng hoàng, ít nhất là bốn năm, tội gì”. Tôi chúa ghét hai từ “tội gì” bởi
nó có cái gì đó vừa tham, vừa ích kỉ, vừa đểu và vô lương tâm. Trong bất kỳ
hoàn cảnh nào nó đều khó chơi. Chính thế mà nhiều mối quan hệ, vừa gặp đã thấy
khắc tinh “tội gì” xuất hiện trên môi, tỷ như: “Của Liên Xô (bố mẹ) ấy mà, tội
gì không đập phá” hay, “Nó dâng lên, tội gì không chơi”… đành quay gót từ giã
sớm. Y kì về sau, những con người sống bằng sự vô lương tâm ấy đều phải trả
giá, và những ai kết giao với nó cũng không khỏi liên lụy. Tôi sợ nó không phải
là lo thiệt thòi mình, nhưng khốn thay, sự thiệt thòi ấy của mình lại tất yếu
vương hại tới người thân, sự nghiệp…
Rồi
cũng đến lúc chị leo lên giường nằm xuống cạnh tôi.
- Chị chưa có lần đầu tiên, em nhẹ nhàng kẻo chị sợ.
Tôi
câm lặng như đang ngủ. La đà một chút, chị cũng giả vờ ngủ. Tôi biết chị giả vờ
vì đêm đó tôi thức trắng. Một cảm giác khó tả, thậm chí là khó chịu chạy dọc
khắp sống lưng, lên não. Cảm giác lần đầu tiên của đời người sắp sửa diễn ra,
mặc dù với chị mà rất có thể xấp xỉ tuổi mẹ tôi (nếu có), nhưng bù lại chị vẫn
còn trinh trắng. Hồi hộp, lo lắng và rất đỗi bối rối vì chẳng biết bắt đầu từ
đâu. Tôi có ý chờ chị, nhưng chị không giống như những gì thằng Phiên làm công tác
tư tưởng trước đây. Cơ thể trưởng thành của tôi kêu gọi. Nhưng lại không biết
bắt đầu, nên đành chịu đựng. Cái chịu chuyển sang nỗi đau. Đau mà lại không
được vật vã. Có lẽ vì xấu hổ? Vả lại giả vờ ngủ thì phải im. Nhưng có lẽ hơn
hết, trong tôi không có tên bất nghĩa “tội gì”, nên tôi đè được mình xuống bằng
ý chí…
Sớm
sau, chị rời giường trước tôi nửa tiếng. Làm vệ sinh cá nhân xong, tôi bỏ qua
bát mì chị bày sẵn trên bàn, vớ lấy chiếc ba lô, lí nhí trong cuống họng:
- Em xin lỗi! Chào chị em về trường.
Chị cười phá lên. Hai hàm răng hạt dưa đều tăm tắp, phả ra thứ ánh sáng làm
rạng rỡ thêm khuôn mặt vốn đã rất sáng sủa và duyên nét.
- Em vội gì chứ, hợp đồng thử việc ba ngày cơ mà. Còn hai ngày nữa, gắng mà
hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi
im lặng. Có lẽ, cái gì thuộc về bản chất bao giờ cũng bền vững. Tôi đã hoàn
toàn thất bại, cho dù cái nỗi khổ sinh lý dày vò tôi từng giây, từng phút khi
nằm bên chị. Mùi con gái thơm nức tỏa ra từ chị kêu gọi tôi, khuyến khích tôi
liều lĩnh cả ngàn lần mà không thể. Kết thúc đêm thứ 3, bằng nỗi thất vọng
giống như đêm đầu tiên, mặc dù chị vẫn ân cần chăm chút tôi từng li từng tí,
nhưng tôi chỉ còn nước ra đi. Sự học có thể do quyết định này của tôi mà chấm
dứt. Tôi thua cả giấc mơ sở hữu một cơ ngơi bạc tỉ.
Chị vẫn không có vẻ gì vội vã:
- Em có thể ở lại không?
- Nhưng em đâu có làm chị vui?
- Chị đã rất vui, có điều em phải chấp nhận một thân phận.
- Em không thể là một kẻ… tội gì!
- Nhưng chị thì tội gì không giữ chặt em…
Chị
Thương nói rồi lôi tuột tôi vào buồng. Chị bật chiếc băng VCD mà chị ghi lại từ
cái mắt Camera nhỏ xíu gắn ở góc tường, mà tôi không biết. Chiếc băng quay 6
cậu em nuôi lần lượt nằm cùng giường với chị, giống như tôi. Tất tật bọn kia
đều vồ vập vào chị. Lập tức chị vùng dậy, một xấp tiền quăng ra, bản hợp đồng
được thanh lí có khi vừa mới giao kết xong, chưa ráo mực.
Chị
lại lôi tôi xềnh xệch đế bên bàn thờ gia tiên, thắp ba nén nhang rồi đột ngột
quay sang tôi:
- Em quỳ xuống đi.
Tôi
như người bị thôi miên, lặng lẽ làm theo những gì chị lệnh. Rồi chị cũng quì
xuống bên tôi:
- Con lạy Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân… Con lạy gia tiên dòng họ… mà con
kém duyên kém phận nên không được biết, cho phép con nhận Hoàng Văn Hoàng về
làm con.
Khấn
xong, chị nhìn tôi chờ đợi. Hai nhãn tròng như bị hun khói, nước mắt tôi trào
ra ướt đẫm má. Chẳng kịp nghĩ, tôi bất thần cất tiếng vì hình như đấy chính là
tiếng thủ thỉ suốt 72 giờ bên chị:
- Em cảm ơn, vì chị là… mẹ!
Điện Biên,
17.2.2009
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét