Bấc về.
Sương mù như băng lấy mắt. Người đàn bà lần
đất đi cho kịp phiên chợ sáng. Gánh rau cải chồi đã úa vàng vì thiếu nước và vì
sương muối. Chẳng ai bu quanh như cảnh chợ xưa.
Là vùng đất vắng,
hàng chục cây số vuông chẳng có người ở. Từ ngày có quyết định tách huyện Lâm,
thành lập huyện mới, người ta đổ về, những miếng đất nông nghiệp, lâm nghiệp
nhanh chóng đổi màu bìa thành đất thổ cư. Khu trung tâm là sự chen chúc của
những ngôi nhà vuông vức như những chiếc hộp mì tôm, quăng trên những miếng đất
cũng được xắt khúc vuông vức. Hai cái vuông chằn chặn tạo thành một cái chướng.
Cái chướng ấy đập quất vào nền kiến trúc chỉ thực sự phát huy khi được trả
công. Tất tật đều là dãy một. Đằng sau mênh mông chó ỉa và cỏ dại. Một sự hỗn
mang khó bảo. Người ta cho nhau những cái địa chỉ mới toe: Khu văn hóa trung
tâm huyện lị E o! Cái khu trung tâm chồng đống chồng khê những người là người.
Nhà bên này bán hàng bên này cho nhà bên kia. Nhà bên kia lại bán hàng bên kia
cho nhà bên này. Sự sầm uất kéo dài khoảng chừng một tiếng hú rồi tắt ngấm bởi
một cánh rừng hoang, thâm u, trù mật. Thứ bảy, chủ nhật, trừ vài ngôi trường
đang kỳ chạy đua phổ cập, toàn khu trung tâm còn lại những xác nhà khóa trái,
chẳng có giá trị gì. Người ta vào những ngày hành chính, rồi ra để hít thứ không
khí đầy đủ, xô bồ. Tạm trả thị trấn lại cho hoang vu và tiếng lũ côn trùng kêu
cóc cáy.
Người đàn bà chống
cằm, ngồi lên chiếc đòn gánh cong như tấm lưng còng, nhẵn thín, nhìn trân trối
vào những bước chân lạnh lùng bước qua ánh mắt mời gọi. Lâu lâu, một vài người
đến xới tung gánh rau già lên rồi bỏ đi. Người đàn bà không nói một lời. Từ
ngày bà xuất hiện ở chợ này, không ai thấy bà nói một lời. Bán gì, trả giá bao
nhiêu tự người mua trước sau định liệu. Có tiếng xe u oát gầm sòng sọc dưới
chân dốc Mèo. Ai đó thốt lên: “Phệ vào các bác ơi”. Đúng rồi, lão Phệ vào. Lão
Phệ làm nghề đồ tể ở thị trấn huyện Lâm. Tách huyện, lão bán đàn bò sắm chiếc u
oát hai cầu, hằng ngày chở rau quả, mắm muối, xăng dầu, kim chỉ… vào E o bán.
Chưa kịp dừng bánh, người ta đã nhảy ào lên thùng xe không mui, không cửa, vần
những bao tải rau cải bắp dập nát xuống đất để nhận phần. Các thứ tạp hoá khác,
quán nào cần thì đặt, còn rau mang vô tư, không bao giờ ế. Họ phòng mưa. Chỉ
cần một trận mưa nhỏ là cả tuần nắng xe mới đi lại được. Ở đây toàn
viên chức, không ai tăng gia ngoài người đàn bà câm. Lão Phệ mà ốm là cả huyện
ốm lơ ốm lửng. Người ta mong lão như mong một thứ bùa. Lão vừa bán hàng, nói
năng văng mạng: “Không mua thì ra chợ Lâm, từ giờ cấm mày lại gần”. “Thôi mà
bác, em lỡ lời mặc cả. Em xin lỗi!”. Lão thách những thứ bất khả kháng. Đắt gấp
rưỡi, chứ gấp đôi gấp ba cũng còn lãi hơn vượt sáu, bảy chục cây số ra
Lâm.
Quăng chiếc xe lem
luốc ngang đường, lão Phệ leo vào một quán phở bò nước lợn chênh vênh trên ta
luy, nhưng lại đề là phở bò Nam Định. Lão chửi chủ quán leo lẻo: “Phở mới phọt,
chẳng ra cái đéo gì nhưng thích chơi sang. Cho một tô gấp đôi để lấy tí ca-lo
đánh nhau với đường”. Mẹ chủ quán trăm sự nhờ cả vào lão Phệ nên vâng dạ tíu
tít. Ở đây chưa có ba toa. Vài người làm nhưng rồi dẹp vì không bao
giờ bán hết một con lợn. Người dân quen ăn cá khô và mắm tôm bánh. Họ đi bộ nửa
ngày đường xuống mua cuộn chỉ về thêu chứ không ai xuống để mua cân thịt. Ăn
sáng xong, lão sà vào quán gội thư giãn vắng như có dịch. Cô chủ trẻ, mới đến
từ một phương nào xa lắc, thủng thẳng xách xô ra suối. Một lớp băng mỏng bám
vào những bụi cỏ quanh bờ. Lão phệ chửi kiểu làm ăn thời tiết nửa mùa, cô chỉ
cười. Để có mươi ngàn ăn qua ngày, cô phải cười với cái đầu lần nào cũng bê bết
bùn đất, bã rau cải thối và nước làm lông lợn. Cười cả với cái ánh mắt vuốt ve,
mơn trớn và láo xược nữa.
Cận trưa, xe lão Phệ
hú một hồi còi dài. Lũ lượt xách ra những măng khô, mộc nhĩ, da báo, thóc thơm,
mật ong rừng... Có thứ bán thẳng cho lão Phệ. Có thứ gửi ra Lâm, ra thành phố
bán được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, vì ở đây cũng mua rẻ như xin. Tiếng xe của
lão lại tắt ngấm phía bên kia chân dốc Mèo. Bà câm vẫn bó gối ngồi nhìn mặt
trời không đủ sức vạch đám mây mù đặc quánh. Thi thoảng bắt gặp luồng gió đưa
mùi bánh rán từ góc chợ thoảng lên, thơm rợn. Cuối cùng cũng có bà hàng đậu
đến, bỏ lời thanh minh vào gió: “Lợn hôm nay chẳng có gì ăn” rồi mang cả gánh
rau và người đàn bà đi. Gió bấc quật từng cơn vào lưng áo rách. Bên kia biên
giới có tiếng súng, nước bạn không cấm săn bắt thú rừng.
***
Cô gái trẻ nằm bẹp
trên chiếc sạp tre cuối lều. Sắp đến ngày vượt cạn, bụng cô trồi lên những cú
đạp mạnh mẽ. Nhờ trời, cái thai khỏe vì rau cỏ và vì sự im lặng. Người đàn bà
mang về một gói mì tôm “cởi truồng”. Cô gái uể oải nhóm bếp. Cái bếp lạnh khó
bắt lửa. Bát mì rẻ tiền bốc mùi ngai ngái. Không còn nghén nữa nên cố nuốt cũng
vào. Ăn xong, cô gái vác cuốc lên vai. Người đàn bà giằng lại.
Năm cô học lớp 10,
hắn đến. Bao nhiêu viện phí của cha cô, hắn chi trả hết. Thế rồi cha cô vẫn
chết. Cô vẫn ngã vào vòng tay hắn để trả ơn. Trước đó, Hải đã đến, mãi mới nói
được mấy lời: “Đừng! Hãy để trời định… Như thế là tự giết mình”. Cô gái lắc
đầu. Hải bỏ chạy, ra tới ngõ còn ngoảnh tiếng lại: “Em giết cả tôi!”. Rồi Hải
mất tích. Bố đứa bé cũng mất. Cô gái đi bộ nửa ngày ra để tang. Bố mẹ, họ hàng
hắn giật tấm áo sô và vành khăn trắng trên đầu cô xuống: “Đợi đến khi mày sinh
được thằng con trai lành lặn, ra để tang nó chưa muộn”. Cô là người thứ sáu.
Năm người đàn bà kia đều đã chết, để lại cho xã hội năm đứa bé gái không một
mảnh tương lai... Lành lặn ư? Khó hiểu! Cô cũng nào có được lành lặn mà sống...
***
Bố phát bệnh, biết
chuyện hắn, mẹ đã cầu xin cô hãy vì bà, vì bố… Có lúc bà tru tréo là cô bất
hiếu. Bà khóc giá như bố cô không ra chiến trường, không bị tàn phế thì bà đẻ
thêm vài đứa nữa để cậy: “Nuôi khổ nuôi sở để rồi nó mặc cho chết”. Mẹ cô quấn
lấy hắn. Bà mở đường cho hắn đến cô. Gã “con rể miệng”, gọi mẹ ngọt như cắt.
Hắn con một. Bố hắn
là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân giàu có. Hắn vào huyện biên giới này là vì
bố hắn trúng thầu một dự án tái định cư đồ sộ. Cô là hoa khôi thanh lịch, ba
năm liền do Đoàn trường liên cấp 2 - 3 tổ chức. Cô đẹp. Nét đẹp nền nã, dìu
dịu. Cặp mắt như hồ nước, đắm đuối trong đó bao xác bì hồn cốt. Bố cô giáo dục
bằng “quân lệnh” nên hầu như cô không kết bạn trai. Học xong là về, tay vườn,
tay bếp. Chuyện đôi mách thường ngày ở xóm, người ta nói cô là con một, nhưng
là của độc. Có một không hai.
***
Thi thoảng cô lại lôi
tấm giấy gọi nhập học chuyên ngành ngữ văn của trường đại học sư phạm I ra xem,
rồi khóc. Tiếng khóc lần nào cũng bị ngậm vữa ra trong họng, không phát thành
lời. Hồi còn bé, cô thường nghe bố ước, giá như họ nhà mình có một người đỗ vào
đại học. Chỉ cần đỗ, rồi thôi. Không học được là do hoàn cảnh. Thi đỗ là thể
hiện tư chất giống nòi. Cô nuốt cục bọt nhão nhoét âm thanh xuống thực quản.
Ngôi nhà rùng mình sau một cơn gió. Mưa dai nhách như đứa trẻ nô nhây. Cây
chuối già thối rễ đổ ập xuống con đường mòn cỏ úp. Mẹ cô mặc mưa vun xới cho
mấy củ xu hào còm xơ xác, chờ tết.
Mẹ cô không nói kể từ
hôm bố đứa bé chết. Cô thì câm ngay từ khi mang thai. Mọi lời nói với cô đều
trở thành đồ thừa và vô nghĩa. Câm lại, thấy mình thanh thản lạ lùng. Cô và mẹ
cô đã quá quen nói bằng hành vi. Mười tám năm quấn quýt bên nhau, giờ câm càng
quấn quýt. Người đàn bà cũng tự đày mình bằng việc không nói. Sự sám hối dồn
vào cái cuốc, cái cào. Mảnh đất cằn cỗi không phải cứ nước, phân, cần, giống mà
cây thòi lên được. Cuộc sống như bị chính hai bàn tay và cái đầu bóp méo.
Khi còn sống, thỉnh
thoảng hắn đến để nhắc lại hợp đồng mà hắn và cô đã kí. Cô mang thai, hắn chi
một trăm triệu. Nếu đẻ cho hắn thằng con trai lành lặn, hắn nuôi con, chăm sóc
mẹ và chi ra cho gia đình cô năm trăm triệu. Cô có tiền để trả những khoản nợ
mười năm trời chữa trị bệnh hoại tử bộ phận sinh dục cho bố. Không còn cảnh các
chủ nợ vài hôm lại kéo đến. Mẹ con cô co bẹp vào xó nhà, câm bặt. Những cái
tát, cú đạp nẩy lửa cũng không cạy được hai hàm răng của hai người đàn bà đã
quên dùng khẩu ngữ. Bọn họ đập phá tanh bành mọi thứ rồi bỏ đi…
Hồi cô vừa mới quen
hắn, người giúp việc của bố hắn nói, mẹ hắn cho bố hắn đi ngoại tình để lấy
thêm đứa con nữa, mà sao mãi không được. Chắc trời chỉ cho thế. Hắn được nuông
chiều từ bé, đua đòi hút chích rồi dính ết. Bố hắn điên tiết đuổi hắn ra khỏi
nhà. Thiếu hút, hắn ăn trộm, trấn lột. Bố hắn vác tiền đi chuộc. Mẹ hắn bảo:
“Thà nuôi cho nó chích, mất tiền nhưng không mất mặt”. Và thế là hắn được thả
phanh trác táng trong sự cung phục của hai kẻ thân sinh già nua... Kể xong
chuyện nhà chủ, người đàn bà ấy khuyên cô: “Cháu tránh xa nó còn kịp”. Có người
thương cảm hỏi cô, tại sao biết thế rồi mà vẫn nhắm mắt lao vào? Cô không nói.
Kẻ khác sỗ miệng: “Hám tiền! Đáng đời!”. Cô im lặng, không nói mà cũng chẳng
khóc. Gió mang những cay nghiệt đi xa khỏi tai cô.
Gió bấc quăng mình
vào vách núi ầm ập. Căn lều nhỏ, tranh phên dựng ngược lên như con nhím giương
lông dọa dẫm kẻ thù. Người đàn bà câm ráng hết sức vực đứa con gái môi mắt tái
nhợt, đang cơn đau đẻ lên chiếc xe bò, gò lưng kéo ra bệnh viện huyện. Mấy đứa
trẻ trâu nhúng tay vào giúp cái xe bon hơn. Tất bật không một tiếng rên. Không
một lời nói. Chỉ có gió vẽ những vòng cô độc trên đầu đoàn người khập khiễng và
rời rạc.
***
Đứa bé trai kháu
khỉnh nằm mút ngón tay chùn chụt trong chiếc mẹt, đặt dưới hiên nhà. Một chiếc
Land Rover sáng lóa mắt, lao sập vào sân. Bụi lợp một lớp mỏng lên mặt thằng
bé. Người đàn bà khoác áo da cá sấu bước xuống, thận trọng tiến về phía chiếc
mẹt. Ngắm thằng bé hồi lâu, bà ta thả xuống đó một cục tiền, rồi bế thốc thằng
bé chui vào xe. Chiếc xe hắt một vệt khói xanh lét, quay đầu. Cô gái xuất hiện
như mọc dưới đất lên, đứng ngáng ngang lối, tay cầm cái liềm cắt cỏ sắc lạnh
đặt vào cổ mình. Người đàn bà ban nãy dùng dằng bế thằng bé trả lại cái mẹt. Cô
gái vẫn không rời liềm khỏi cổ cô, cho tới khi người đàn bà lạ nhặt cục tiền
cất vào túi. Cô gái quăng liềm chạy ào lại phía con. Chiếc xe lao đi, để lại
một vệt bụi đỏ, cuộn từng vòng tròn rồi vượt biên sang phía bên kia.
Bà câm nghe lỏm được
câu chuyện ngồi lê của các nhân viên sản khoa rằng thằng cháu bà không bị ết.
Bà mừng quá, vụt gọi tên con gái: “Hương ơi!”. Rồi như phạm nguyền, lăn đùng ra
đất nằm thực vật đã mấy tháng nay. Nhà còn mỗi tiếng khóc của thằng bé làm chủ.
Không lâu sau, chiếc
xe Land Rover bóng nhễ quay lại. Đi bên cạnh người đàn bà sang trọng mặc áo da
cá sấu, là ông nội thằng bé. Ông rón rén bước vào nhà, rón rén ngồi xuống chiếc
chõng tre mọt nhức, lên tiếng:
- Con à! Ta chỉ có mình
thằng Phi, mà nó thì hư hỏng. Việc tốt duy nhất nó làm được là đẻ cho ta đứa
cháu trai. Con bỏ lại tất cả, theo ta, ta sẽ lo cho mẹ con con hơn người.
Ngôi nhà trở lại câm
lặng. Chiếc Land Rover nhẫn nại đi về thành phố. Trên xe, người đàn bà cằn
nhằn:
- Đã bảo kêu đầu gấu vào
trấn quách thằng bé. Nhẹ nhàng!
- Không được, là con người
với nhau.
- Người gì cái loại...
- Cứ chờ thêm vài bữa, cô
gái cùng đường, nghĩ lại…
***
Bẵng đi hơn tháng, ông
Phan lái xe quay vào E o. Ngôi lều trước đây ba bà cháu, mẹ con cô gái ở chỉ
còn một đống than đen buốt. Giữa nền là ngôi mộ mới đắp, không bia, không rào.
Ba chiếc chân hương bị mối ăn đổ về ba phía. Gió nàng Bân chỉ đủ thốc chiếc cà
vạt ca rô đỏ lên quá vai. Ông Phan vội vã đánh xe ra thị trấn huyện E o. Ai
cũng lắc đầu. Bà hàng đậu tỏ vẻ biết hơn cả:
- Hình như cô ấy địu con
trẫm mình xuống sông E o. Thợ sơn tràng bảo thế.
Bọn trẻ trâu cãi lại,
bởi lần đầu tiên chúng nghe được tiếng cô gái:
- Đếch phải. Cô ấy bảo thằng
bé: “Con là của riêng mẹ, đây là quyển sổ ghi nợ của ông ngoại, mẹ giữ hộ thôi.
Mau lớn nhanh rồi trả nợ thay ông con nhé”...
Bọn chủ nợ của cô gái
nghe tin ông Phan vào E o, kéo bu lại như thể mọi trách nhiệm đều là của ông
vậy. Ông Phan gật đầu rồi vứt ra một ca táp tiền. Cơn gió bấc cuối mùa hơn hớt
thổi. Lạnh bủa tứ bề.
M.A 8.10.2008
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét