1 tháng 2, 2013

MÓN QUÀ TẾT

M

ặc dù xuống núi từ lúc gà gáy nhưng Vi vẫn không kịp đón chuyến xe cuối cùng trong năm. Chẳng biết giờ này Nguyên ở đâu. Trong thư gửi cho Vi, anh hẹn tết này về quê Vi ăn tết và dặn nhớ đón anh trên chuyến xe cuối cùng về tỉnh, rồi hai đứa chuyển sang xe “chạy suốt”, đi thông đêm thể nào cũng kịp đón giao thừa. Giờ thì muộn rồi.
Nguyên không được đơn vị cho nghỉ phép hay đang bồn chồn trên chuyến xe khách cứ nhỏ dần như quả trứng chim trắng, lăn từ từ dưới chân núi mờ xa? Vi thờ thẫn ngồi tựa lưng vào phiến đá ngang vai núi. Hay là quay về bản? Từ chỗ này, dù tiếng nước dưới khe nghe rõ mồn một như róc rách ngay ở trong tai, nhưng cũng phải mất cả tiếng đi bộ nữa mới tới. Lại còn quãng đường hơn 200km về tỉnh lỵ miền núi nữa, làm sao bây giờ? Vào dịp này, con đường đất đầy ắp bụi, luồn lách hun hút dưới các vòm cây, khe núi chỉ còn duy nhất một loại phương tiện chuyên chở đó là ngựa. Mỗi con thồ trên lưng mươi mười lăm cân hàng tết, nối đuôi nhau rẽ lên các sườn non chi chít đường mòn.
    Một cơn gió lạnh như nước đá dội vào mái tóc buông xõa, vừa kịp ráo mồ hôi.
   - Mùi xôi đồ!
    Vi đứng bật dậy. Giữa núi rừng hoang vu mà gặp người đồng hành thật chẳng xúc động nào bằng. Xoạt! Một con cheo to như con chó, phóng vụt qua. Vi thất vọng giáng mình xuống phiến đá và buông cái nhìn ngút mắt về hướng Nam, nơi ấy có đồng lúa tỏa đầy hương nếp và một con sông hiền như dải lụa mà đáng ra, giờ này Vi đang ngồi trông nồi bánh chưng phả hương dưới gốc bưởi tứ thời, lã chã những cánh hoa phưng phức. Thứ hương nếp ngào ngạt giữa rừng thực chất là một loài cây, vô tình bị con thú đánh thức mùi hương còn đang ngủ chìm trong cái lạnh như ướp đá trên đỉnh núi cao hơn hai ngàn mét. Cái thứ hương vị ngọt mát ấy cứ dịu dàng lách sâu vào khí quản, khơi dậy cả ký ức xa xăm và tương lai của một cuộc hẹn hò khao khát, làm Vi bật khóc. Dường như không chịu nổi sự cô đơn tàn nhẫn, chơ vơ giữa lơ lửng mây trời, Vi vừa trèo, vừa chạy ngược lên đỉnh núi, phía ấy có phòng học trống toang hoác và một đàn em mùa đông cũng như mùa hè, chỉ vận duy nhất một manh áo chàm mỏng, ngồi nhìn con chữ mà cứ như đang xem một bộ phim giả tưởng, xa ngút ngát tầm tay. Vi chỉ muốn về bản, rồi khua một hồi mõ tựu lớp, rồi dạy các em học vần suốt những ngày phép tết. Con đường cheo leo nhưng cây nứa bắc ngang qua những khe, những vực, tụt xuống đã khó, trèo lên còn khó khăn hơn. Hai bàn tay vốn quen cầm phấn, giờ phải bấu vào những chùm gai đá tai mèo để đu người lên đã tươm tướp máu. Mồ hôi lăn xuống lưng áo, gặp cơn gió bấc ào qua kết tủa thành những hạt trắng li ti như nhụy hoa muối rừng - loài hoa nở về mùa đông - vương xuống. Chẳng mấy chốc mà Vi đã trèo được một đoạn dốc dài. Vừa lúc cơn gió vụt đi, để lọt qua những ngọn cây im phắng phắc, văng vẳng như tiếng hú đâu đó từ dưới đất vọng lên. Cả rừng lá vểnh lên như những vành tai, nghe ngóng sự khuấy động nao nao, chưa kịp tròn vành rõ nét đã lại bị một trận gió khác ào tới cuốn đi. Vi như bị thôi miên giữa gió giông rừng núi. Hàng vạn câu hỏi vây lấy cô. Hay là tiếng Nguyên đang gọi? Như có sự mách bảo sâu thẳm từ trong tim vọng ra, Vi bất chợt quay người, băng tuồn tuột xuống núi.

***

    Từ trong cái lán gianh bị bụi phủ vàng bên vệ đường của một người đàn ông Mông, bỏ bản xuống ở một mình để cai thuốc phiện, Nguyên chạy ào ra. Trên tay anh là một cành đào rừng nhỏ như một nhành xuyến chi, nhưng xù xì già nua, lẩn khuất bên trong những rêu phong xương xẩu là chi chít nụ, đang co thắt lại vì rét. Hai đứa ngồi lặng cả giờ trong chiếc lán sơn dã, cô đơn và lạnh ngắt, ngậm ngùi nhìn con đường giống một câu đố không lời giải. Như đọc được sự tuyệt vọng của đôi bạn trẻ, ông già người Mông có bộ móng tay như mười cái thìa ám khói, chỉ vào trong khe núi:
   - Đi bộ sang bản người Mảng thuê xe máy mà đi.
    Thấy Vi ngao ngán nhìn theo, rồi lại nhìn xuống đôi chân phồng tấy, đang giật lên từng cơn như bị lên đinh, người đàn ông Mông cất tiếng sau một hồi tư lự:
   - Ở đây chờ, ta đi nói hộ cho.
    Vi ngả người vào vai Nguyên như để trốn bớt phần nào cái lạnh mà sáng giờ không cảm nhận được vì đi bộ. Phải mất hơn một tiếng sau, một thanh niên dân tộc Mảng mới đèo ông già Mông quay lại bằng cái xe Win Tàu cáu rỉ. Tiếng hộp xích, tiếng những bộ phận rơi rụng được đại tu lại bằng các cuộn chằng chịt dây thép vặn quấn vào nhau, cộng thêm tiếng máy nổ quá đát, phá tan bầu không khí hiu hắt và hiền lành của núi rừng biên giới. Theo lời đề nghị thẳng thắn của anh thanh niên dân tộc Mảng, Vi móc túi lấy bọc tiền tròn hai tháng lương vừa mới lĩnh làm tiền đặt cọc, rồi leo lên sau yên xe, để Nguyên mò mẫm lái đi trong lớp sương mù dày đặc.
    Phải mất hai ngày một đêm với vài ba lần dong xe vào các hiệu sửa chữa ven đường, Nguyên và Vi mới về tới phố huyện quê nhà. Vậy là chỉ còn dăm cây số nữa, Vi bảo Nguyên đánh xe vào một quán ven đường có tấm biển rửa, xì khô nhưng chủ quán đã nghỉ làm từ chiều 29 tết. Thôi, đành ra bờ sông, không thể về quê ăn tết trong bộ dạng như đào được cả người và xe từ dưới ruộng lên như thế này.
   - Sạch rồi! - Nguyên thoải mái vọt lên khỏi mặt nước như vừa được tắm ở con sông quê mình. Trong bộ đồ mới, và chiếc xe cũng mới hơn, Nguyên đề nghị Vi vào thăm chợ huyện quê Vi xem có gì lạ. Rất may là còn dăm hàng gà lay lắt chờ những người ở xa về lỡ lễ. Nguyên cẩm thận chọn một con gà trống mào cờ, lông đỏ, chân vàng nhưng chưa biết gáy và hai chai rượu gạo loại ngon, còn đang nóng hổi. Ngay từ nhỏ Vi đã biết, quà tết con gà đôi rượu chính là cách để người ta tỏ lòng tôn kính với bậc sinh thành. Có lẽ Nguyên cũng biết, nên dù Vi gàn thế nào Nguyên cũng không chịu. Vi lặng lẽ nhìn anh rồi ngân ngấn quay đi. Kể từ khi quen Nguyên nhân một dịp cả hai cùng từ xã về trung tâm huyện lỵ biên giới công tác, nhiều lần Vi nhận được thư tỏ tình của anh nhưng Vi chưa nhận lời. Tất nhiên là Nguyên không biết lý do, thúc mãi tới ba cái tết, Vi đành hứa sau chuyến về tết này sẽ trả lời rõ ràng tất cả.
    Vi và Nguyên về tới đầu ngõ cũng là thời điểm trước đây nhà Vi bắt đầu sửa soạn bữa cơm tất niên. Ngày còn bé, cứ vào mỗi chiều 30 tết, bố tất bật mổ gà, làm cỗ còn mẹ thì bắc nồi nước lá thơm, pha với nước giếng khơi tắm táp cẩn thận cho bốn chị em Vi. Năm nay bố không còn nữa, bữa cơm tất niên mẹ đợi Vi và đợi cả tiền Vi đem trên miền núi về. Nồi nước thơm mẹ đã pha nguội, thằng Quyển, thằng Thành, thằng Công đứa nào đứa nấy lột sạch quần áo, xếp hàng ra sân chờ mẹ hắt cho mỗi đứa một gáo nước, rồi ra lệnh: Kì! Xong, mẹ lại nhào vào trong nhà, quét dọn, lau rửa. Vi và Nguyên đứng nép vào giậu dâm bụt nhìn bọn trẻ đứa ngót đôi mươi, đứa hơn mười tuổi bi bô bình luận: “Nước mẹ hắt cho tao ứ thơm”. “Nước em thơm hơn nhưng mẹ hắt ít”. “Kì đi kẻo mẹ ra chưa sạch, mẹ táng cho giờ”… Vi ôm mặt òa khóc rồi bỏ mặc Nguyên, chạy ào vào kì cho thằng Công, thằng Thành. Khổ, đứa tự kì cọ được thì phải lê la dưới đất, đứa có chân đứng được thì tay đâu mà kì. Bố buồn rồi mất sớm cũng vì chuyện này. Bố bảo tại bố đem chất độc da cam về gieo vào các con của bố… Đúng lúc từ trong nhà vọng ra tiếng hạch:
   - Sạch chưa?
    Chẳng đứa nào lên tiếng. Mẹ tất bật lao ra xem nhỡ có đứa nào rơi xuống giếng, rồi sững lại khi thấy Vi đang vừa khóc vừa tắm cho các em. Bà cũng tu tu khóc. Mặc quần áo rồi cõng ba đứa vào nhà xong, Vi mới kịp giới thiệu Nguyên và an ủi mẹ bằng khoản tiền vay ngân hàng năm triệu trừ dần qua lương. Mẹ Vi quệt ngang nước mắt, lặng lẽ cầm xấp tiền đi ra cổng. Lát sau, mẹ chở về một xe cải tiến thóc, vừa đưa cho Vi cân thịt nạc vừa phân bua:
   - Thế là trả xong nợ nuôi các em con ăn năm rồi, dư mẹ mua luôn hai tạ thóc. Cân thịt, luộc lên thắp hương thầy, xong mẹ con ta và anh Nguyên ăn tất niên. Bánh chưng không phải gói, mẹ mua chịu ở chợ năm cái, bốn cái thờ, một cái bóc cho các em ăn trước để chúng nó khỏi đòi...
   
***
Đêm ba mươi không được trông nồi bánh chưng như Vi từng ước, nhưng vẫn có hương bưởi tứ thời và cành đào Nguyên mang từ biên giới về, xe xóc đã rụng hết nụ, cùng cả nhà chờ đón giao thừa. Từ chiều tới khuya mải vun vén cho mẹ và các em nên Vi chưa nói được với Nguyên lời nào, giờ thì không thể chờ lâu hơn được nữa:
   - Bây giờ anh đã hiểu vì sao em chưa nhận lời anh không?
     Chẳng nói chẳng rằng, Nguyên nắm tay Vi dắt vào đứng trước bàn thờ bố. Nguyên thì thầm điều gì với người đã khuất rồi quay sang Vi:
   - Chắc em biết anh nói gì với bố rồi chứ?
    Vi không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc dành riêng cho món quà tết bất ngờ./
Tết quê Đinh Hợi

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét