2 tháng 3, 2013

MẮT ĐÊM


Tản văn

   Mẹ vẫn biết, ở trên đất nước phần đa là chiến tranh này, có đến hàng vạn người như mẹ. Một bà mẹ của những đứa con liệt sĩ! Vì nhiều nên mẹ chỉ là một bà mẹ bình thường như bao bà mẹ khác. Ngót tám mươi năm ở đời, ngày ngày, mẹ vẫn lầm lũi bên những vạt rau, vạt bí, bên con lợn, con gà. Đã 43 năm kể từ ngày anh - người con trai duy nhất của mẹ - ra đi, sau sự ra đi của chồng mẹ, và người con rể duy nhất. 43 năm ấy, cứ đến ngày này, mẹ lại lấy tờ giấy báo tử đã nhàu ố mà mẹ vẫn cất cẩn thận ở trong hòm ra, dùng chiếc khăn chuyên lau bàn thờ, chùi đi chùi lại ở phần: Lý do chết.
    Mẹ không tin là anh đã chết! Nhất định không thể như thế. Trong số 39 tờ giấy báo tử của làng, và cũng trong số 3 tờ giấy báo tử mà mẹ là người nhận, chỉ có hai giấy báo tử của chồng mẹ và con trai mẹ là khác biệt - tờ giấy không có bản đính kèm sơ đồ chôn cất. Chồng mẹ thì tan xác do tiểu đội bị bom. Còn con mẹ thì mất tích. Mất xác, có người chứng kiến là một cái chết thực tế đến tan nát cõi lòng. Nhưng mà mất tích thì chưa hẳn đã chết!
   43 năm, mẹ chong mắt vào đêm. Mẹ sợ, chỉ một lần ngủ quên, anh về không nhớ ngõ nhà và lại ra đi vĩnh viễn. 43 năm, bất kể ngày lễ tết, giỗ chạp nào của nhà, của họ, của đất nước… mẹ đều không thắp hương anh. Mẹ tin anh còn sống nên mẹ không thờ, không khấn người chưa khuất. Mẹ chỉ lau dọn chiếc chõng tre anh vẫn nằm dịp nóng nực kéo về làng, và sắp ra đấy khi thì đĩa khoai luộc, lúc mấy bắp ngô, vài quả ổi… những thứ mà anh rất thích ăn mỗi khi đi học ở trường dã chiến về. Bữa nào mẹ cũng sắp ra mân hai cái bát, hai đôi đũa, hai cái thìa. Một cho mẹ, một phần anh. Năm anh mười bảy tuổi, mẹ thổ lộ nguyện vọng, thời buổi giặc giã, mẹ muốn có cháu nội sớm. Anh cười thật tươi rồi bảo: “Mẹ cứ như sợ con chết sớm ấy. Còn lâu mẹ nhé, con của mẹ sẽ rất thọ, và sẽ đẻ cho mẹ một đàn con, đông như bọn lợn con của mẹ.”. Mẹ có ngờ đâu, nụ cười đó cũng là nụ cười cuối cùng, mẹ còn lưu lại được trong bộ nhớ già nua và chật vật!
Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, lệ thường, mẹ vẫn lấy tờ giấy báo tử ra lau bụi rồi lẩm nhẩm đọc những dòng chữ trên đó. Cả đời mẹ cũng chỉ đọc được những dòng chữ ấy. Mẹ không được học. Mẹ đọc được là do mẹ đi nhờ đọc hộ nhiều quá, rồi thành nhớ, nhớ như in, nhớ làu làu, dòng đầu có bao nhiêu chữ, là những chữ gì; rồi dòng hai, dòng ba… . Dòng cuối cùng chỉ có 5 chữ, một chữ “kí” và 4 chữ là: Trung úy Trần Mịch. Thế rồi chấm hết. Ai đọc hộ mẹ, cũng đọc chấm hết!
   Trong tờ báo tử ấy, mẹ nhớ nhất dòng thứ 16, ngay bên dưới dòng (- Báo tin cho mẹ là: Lê Thị Gút, thôn…, xã…, huyện…, tỉnh…), rằng: - Lý do chết: Mất tích. Rồi mẹ lau dọn bàn thờ, sắp lễ là bát cơm, quả trứng dằm nước mắm, rồi thắp hương tổ tiên. Đến bát hương chồng mẹ, mẹ lầm rầm khấn: “Ông cũng nằm trong đó, 50 năm tròn, có biết tin gì của thằng Hiếm không? Nó còn sống thì ông cho nó vài roi rồi chỉ đường bảo nó về nhà. Nó chết, hai bố con dắt nhau mà hồi hương hồi quán chứ, sao ông vô tâm thế…”.
   Năm nào cũng chỉ nói được có vậy, rồi mắt mẹ nhòa đi. Đôi mắt phải làm việc bằng hai, bằng ba đôi mắt của những người khác. Đôi mắt đã 43 năm ròng, không một lần nhắm, không một lần ngủ nghỉ. Vì mẹ sợ, con mẹ về, mẹ không nhìn thấy mà gọi, mà đón, nó sẽ lại ra đi. Đi mãi mãi!

Viết cho ngày của người ngã xuống, 2011

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét