2 tháng 3, 2013

MƯA RỪNG


Tản văn

Mưa rừng ơi, mưa rừng! Hạt mưa, nhớ ai mưa triền miên… Mưa rơi như nhắc nhở… (Huỳnh Anh)


Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng nhỏ tí tách trong lòng, là biết ngay mưa rừng về. Mưa rừng trắng xóa lưng sơn nữ, trắng xóa bát cơm đầu mùa và trắng xóa cả những giấc mơ đang chạy trốn đám mây đen ùn về từ đường chân trời. Mưa rừng không báo trước. Chỉ một thoáng mây đằng đông, là bầu trời đã như có cả một dòng sông nghiêng nước xuống.
Mỗi độ mưa rừng về, mẹ lại ngồi mò mẫm bên chiếc đèn kì, khâu ghép những mảnh vải nilon đủ màu mẹ nhặt nhạnh suốt tám tháng mùa khô, thành những chiếc áo đi mưa, vừa đủ che từ đầu xuống đến thắt lưng. Mẹ dặn, áo mưa tự chế của mẹ chỉ giúp ướt chậm hơn, nên đi rừng thấy mưa, nhớ về ngay, kẻo cảm. Và cũng chỉ có chị em tôi mới có những “tấm áo mưa cầu vồng” rực rỡ màu sắc, và xa xỉ ấy. Áo mưa của cha và mẹ, mẹ cắt từng chiếc lá gianh rừng, dùng sợi mây “đánh” thành áo tơi. Mỗi bước chân, như thể mẹ đội cả cái nhà đi, dọc ngang khắp các ngả đời.
Cơn mưa đầu mùa xuất hiện, bao giờ cũng là thời khắc báo hiệu những ngày cuối cùng đến lớp. Mẹ đã chuẩn bị sẵn cho mỗi đứa một chiếc túi nilon để bảo quản sách vở ba tháng hè. Dưới mái gianh, gạo muối, áo quần, chăn chiếu… mốc meo suốt chặng đường mưa. Bao giờ, tiếng ngáy ngỗ của cha và mẹ cũng ướt sũng, để cho những giấc mơ bé bỏng của chị em tôi được khô ráo. 
Mưa già cơn là lúc chị em tôi phăm phăm vào rừng. Rừng mùa này là hũ gạo, quần áo, sách vở, bút mực… của đám con nhà nghèo. Chúng tôi thi đua kiếm măng, mộc nhĩ, nấm hương, sa nhân, thảo quả, hà thủ ô, đảng sâm, cây mật gấu, cây xương khỉ… đem về phơi để chờ tết, thồ ra chợ huyện bán cho người ta mang về xuôi làm quà, làm thuốc. Cắp nách cái áo mưa bảy sắc và con dao mèo, chúng tôi vào rừng ăn sáng. Những quả vả, quả dâu da, mâm xôi, mắc coóc, đào, ổi, mận, bưởi, cam quýt rừng… lành như mọi bữa điểm tâm sang trọng ngoài phố thị. Ngần ấy năng lượng, đủ để chúng tôi vượt qua một ngày dài bòn đãi trong núi kịt rừng cùng.
Mưa rừng làm cha thêm những nỗi lo. Hồi chưa có bọn trẻ chúng tôi, mỗi độ mưa, cha hóng đôi tai của một nông phu thuần thục lên, nghe tiếng thóc vật mình trong chiếc cối giã giậm. Đôi mắt đen thẫm màu đất của cha, hay dõi theo cái nhoẻn miệng của mẹ, với lũ gạo mẩy tanh tách qua các lỗ sàng. Chúng tôi càng lớn, áo quần, chăn chiếu,… càng mốc nhiều hơn. Chẳng ai còn thấy tai cha vóng lên, mắt cha đăm chiêu và nhàn nhã như lời mẹ kể. Giấc ngủ của cha và mẹ như dầm trong nước. Tôi là út, mà đã biết, mỗi cơn mưa rừng bất chợt, cha lại khoác chiếc áo gianh, bươn về nơi có những con suối cạn. Tiếng cha hú lạc vào sấm, chớp vào cả con lũ ống đang rình rập những bàn chân non...
Cứ mỗi mùa mưa rừng, tôi lại nhớ quay quắt mùi quần áo mốc. Cả tiếng mưa léo nhéo trước dân gianh, nghe cứ giật mình thon thót. Hạt gạo được bảo quản quanh năm ngoài chợ, nên chẳng có tiếng mẩy dừa nhau xuống sàng. Đã mười lăm vụ mưa rừng, hình cha, bóng mẹ cứ cồn lên như con lũ ống…
Bây giờ, mưa rừng chẳng còn nhí nhảnh, hả hê và sảng khoái như mưa rừng ngày trước. Có lẽ, bởi vì chúng tôi đã lớn, cái cảm xúc thần tiên vụt bay về miền kí ức. Hạt mưa đã thôi nhẹ nhàng rơi xuống lá, xuống hoa, xuống cỏ… Cũng có thể, bây giờ cuộc sống không còn phải nhờ vào sự ban phát của rừng (Rừng đói là nhà đói, rừng no thì đến bộ quần áo cũng đẹp hơn). Đôi bàn chân đã được bao loại phương tiện nâng đỡ, không còn ái ngại những cơn mưa cảm cúm và dai nhách, khiến bất cứ con đường nào, rồi cũng phải thành ruộng, thành ao…
Nhưng dù, mưa rừng có lạ đi trong tôi, thì mỗi độ cơn quớ, sấm chớp, tôi vẫn thấy lòng mình nhỏ từng giọt, từng giọt, lành lạnh, vơi đầy!

 Đêm mưa, 30.06.2010

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét