14 tháng 5, 2020

BÀI 2: HÀNH TRÌNH PHÁ BỎ CÁNH CỬA ĐEN TỐI

HÀNH TRÌNH PHÁ BỎ CÁNH CỬA ĐEN TỐI

21 năm trước, ngày mà cánh cửa sống đã đóng sập, nhưng rồi một thứ thuốc thần kỳ hơn tất cả các loại thuốc, đã hồi sinh tôi. Đó chính là niềm tin. Niềm tin vào chính ý chí và lòng quyết tâm của mình. Niềm tin tạo ra thứ năng lượng kỳ diệu, để sau những căng thẳng, mò mẫm, thôi thúc tột độ, đã tìm ra một lộ trình sống dài đằng đẵng 7 năm trời.
        7 năm đấu tranh cho sự sống. 7 năm khôi phục lại trí nhớ. 7 năm mở ra hi vọng, mở ra lộ trình niềm tin của cuộc đời… Vợ tôi thành con nợ (tương đương 18 tỉ bây giờ) vì cái ngưỡng tử đó. 21 năm sống trong quay cuồng tính mạng và tiền bạc. Năng lượng duy nhất vẫn là niềm tin. Thậm chí không được phép ước: giá mình được hai bàn tay trắng, chứ không phải từ âm lên!
Hành trình bước qua cánh cửa mới, với tôi, như cùm vào tất cả các nỗ lực. Biết chắc chắn sẽ không có 1 xu, như người biết trước sống mà không có khí thở. Vốn liếng của tôi chỉ còn là ý chí! Tôi lại có câu thần chú nữa: “Không được ốm!”. Hoàn cảnh nào cũng không được ốm. Lao động chính là đồng vốn duy nhất tôi có, dù sức chỉ còn 1-2 phần. Lao động là hi vọng cuối cùng, song hành với tự chữa bệnh.
        Năm thứ hai sau tai biến, các cơ co giật dày hơn cả giấc ngủ, mà tôi buộc phải học viết báo. Có nhuận bút mới dám mua chịu 5 đàn ong mật (đầu tiên của tỉnh Lai Châu cũ, với giá 1 triệu/đàn). Ong chết hết do không hợp khí hậu và chưa có kinh nghiệm. Tôi lại trở thành “kỹ sư nuôi ong, hệ tự đào tạo”. Nghiên cứu tập tính sinh tồn, phát triển của ong, và là người giữ kỷ lục nhân từ 1 đàn ong giống lên 12 đàn/năm (1.200%). Là người đầu tiên đổ mũ ong chúa bằng sáp, cấy và thu hoạch sữa ong chúa nguyên chất vừa chữa bệnh, vừa bán. Soạn thuê giáo án dạy nghề ong, viết cả chục bài báo về ong và mở mấy chục khóa tập huấn cho người dân có nhu cầu… Nhưng nghiệt ngã số phận chưa chịu buông tha. 7 năm làm nghề, từ trại ong 3-4 trăm đàn, thu mỗi năm hoa 3-4 tấn mật, nửa tấn phấn hoa… chỉ để đắp đống xung quanh nhà, không bán được. Nợ mới chồng thêm lên nợ cũ.
        Thảm cảnh như địa ngục. 5-7 lần, đến 1/4 viên thuốc Umitol cũng không mua nổi nữa. Tất cả hiếu hỷ, lễ lạt, ốm đau… đều trông cả vào lương vợ (bằng 10kg gà). Chỉ còn nước ngày cầy cật chạy xe ôm, nấu rượu, nuôi lợn…, đêm lao vào viết. Phá sản trại ong, giấu vợ đi mua chịu một quả đồi hoang. Rồi lại xoay, nợ kệ nợ trồng nên một đồi cà phê, chỉ với mục đích chủ nợ còn có cái mà bắt.
Được đồng nhuận bút nào, tôi lên núi tìm mua lợn rừng giống. Nhiều gương nuôi lợn rừng Thái Lan lãi cả tỷ/năm, thắp hi vọng trả được nợ. Nhưng lợn rừng Thái đắt không mua nổi. Lợn rừng Tây Bắc thì bị thương do bắn, bẫy rất khó cứu, và cứu được cũng stress, không sinh sản. Hai năm đầu nuôi - chết, không nản, lại gom góp tiền, “quỵt nợ” để làm lại từ đầu. Rồi trở thành “bác sĩ thú y tự đào tạo” lúc nào không biết. Tôi lại lên đèo Pha Đin lấy hạt giống đào phai - nơi mà 2 gốc đào đã cứu mạng tôi khi xe ong đi thu mật nhãn Hưng Yên về bị mất phanh, lao xuống vực. Tôi như được sinh ra lần 2, nên lấy giống đào ấy về tri ân, và cũng là xen thêm một hướng đi.
Rồi cà phê lao dốc. Mới trồng giá 1kg thuê được 2 công lao động. 10 năm tiếp theo, bán 5kg không đủ thuê một công. Nợ tăng thêm mấy tỉ nữa. Lợn rừng không bán được. Dịch tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả… đóng gông trong chuồng. Mấy trăm con ăn như phá, chịu không thấu đành phải… phá! Nhưng phá cũng đâu dễ. 7ha đất cà phê cho không ai lấy (lúc sốt 4-5 trăm triệu/1ha).
Bệnh tái phát do lo nghĩ kinh niên. Sức khỏe không quan tâm nữa, và không thèm cả niệm thần chú. Co giật mạnh dần đều, dày dần đều mà không nỡ nói với ai. Stress! Trầm cảm! Bệnh nghiện lang thang một mình trong bóng tối của rừng núi, không điện thoại, thậm chí không cả bóng người… lớn dần trong máu. Không đủ niềm tin như xưa - đúng hơn là không thiết gì nữa. Nỗ lực đến kiệt quệ rồi, dường như tưới cả máu vào cải tổ, thay đổi… rồi. Thực sự không còn máu mà cứa nữa. Ngày trốn ra trang trại như rừng hoang, tối về nhìn con ốm đau dặt dẹo, tâm trạng rơi tự do. Rơi mà không dám víu vào Umitol nữa. Không còn đủ thời gian và sức để chống lại suy miễn dịch. Sợ cả kinh tế. Khí công cũng bỏ. Người như cái lá, khô héo dần mỗi ngày…
Hình ảnh đứa con thứ 2, mỗi tuần hết cấp cứu lồng ruột lại đến viêm phổi… như cứa vào não. Dằn vặt rằng tại gen mình yếu quá, miễn dịch yếu quá, não tàn tật… Nhưng (lại nhưng) vốn đã định chỉ 1 đứa được sinh ra trong khốn khó thôi, vì năm cháu 13 tuổi bị xe máy đâm, phải mổ để hút gần 1kg máu trong não ra, não bẹp như cái bánh mì, tính mạng ngàn cân nguy khốn! Nỗi sợ mất con thôi thúc, để rồi thì nông nỗi cả 3 bố con cùng có vấn đề về sức khỏe.
Bộ óc tật nguyền lại không được phép nghỉ! Hành trình đi tìm “sức đề kháng” và “hồi phục các di chứng não” bắt đầu. Sản phẩm khả dĩ nhất trong cả đống thuốc “sử dụng cũng như không” chỉ còn là tảo xoắn Spirulina. Sản phẩm duy nhất được WHO công nhận: Bảo vệ sức khỏe loài người tốt nhất thế kỷ 21! Thứ vi sinh vật này chứa hàng trăm chất quý và hàng chục chất cực kỳ thiết yếu cho sức khỏe con người. Đặc biệt là tác dụng tăng sinh nhanh hồng và bạch cầu.
 Ngặt nỗi tảo viên Nhật đắt (5,4 triệu động/lọ 2000v), không mua nổi. Đọc đến tên khoa học Spirulia pratensis, tôi bỗng nhớ ở Khách sạn Hoàng gia Thái Lan họ đã dùng sinh tố tảo tươi để thu hút khách, mà lúc đó tôi hiểu. Vậy là tảo có thể nuôi được?
Học mới biết thuật ngữ “không tanh không phải là tảo” là sai. Tảo chỉ tanh khi phân hủy, hoặc lẫn tạp. Việt Nam đã có, liên hệ thì được chào bán công nghệ 2 tỉ. Lại thất vọng! Dự án và mọi kiến thức về tảo được xếp… ngay ngắn vào sọt rác. Nữa là, Việt Nam chỉ có hệ nuôi hở, sẽ không cho ra tảo nguyên chất. Vậy thì Thái Lan họ làm như thế nào? Câu trả lời cứ rơi thăm thẳm!
Nhưng bệnh tật thì không chịu xếp lại. Phải có cách nào đó chứ? Cả năm trôi qua trong nỗi thèm thuồng. Đọc và học. Không đơn giản. Ở Việt Nam người ta không bán giống tảo gốc, chỉ bán giống cấp 1, nuôi 1 lần. Vậy thì phải sở hữu tảo gốc! Lại  phải học phân lập…
Ngày có đủ tiền vé quay lại Thái Lan cũng là ngày có một thu hoạch… thất vọng: đó là “bí mật công nghệ!”. Chỉ còn cách về nhà, gom bòn tiền mua kính hiển vi, bút đo PH, ống nghiệm, đèn cồn, pipet, đĩa petri, bột genlatin, máy khuấy, đèn UV… bắt tay vào giấc mơ sở hữu giống gốc.
Sau gần 2 năm thất bại, cả sức khỏe, tiền bạc… Sang năm 3, sản phẩm Tảo xoắn tươi cao cấp không tanh Đức Lợi chính thức được Cục VSATTP - Bộ y tế, kiểm nghiệm và cấp chứng nhận sản phẩm tốt và an toàn…
Những năm qua, ngoài 3 bố con, đã có thêm hàng trăm người bệnh, từ ung thư, viêm xơ gan, thận, tiểu đường, huyết áp, dạ dày… thậm chí cả HIV đã thay đổi chất lượng sống nhờ sự hỗ trợ Tảo xoắn tươi cao cấp không tanh Đức Lợi. Được người tiêu dùng tin cậy, có đầu ra, tôi đã thực hiện được ước mơ cuối cùng, đó là: Cứu 7ha đồi “vô giá trị” bằng việc xây Khu du lịch sinh thái, mà điểm nhấn chính là 1.300 cây hoa đào 13 năm trước tự tay ươm trồng, nhiều người cho là gàn dở.
Bây giờ tôi lại có thêm một câu thần chú nữa: “Cố gắng hết sức để làm đẹp cho đời!”. Nhớ lại hồi lén lút mua 40 con bò, gửi lên núi, rồi chỉ nói với đứa con gái biết: “Sau này, khi mọi thứ xong xuôi, không ai đòi nợ nữa, thì bảo mẹ lên núi chia cho con và em Đậu”.
May thay, nếu trông cả vào đàn bò đó thì chắc chắn cửa tử đã đóng sập lại vĩnh viễn với tôi. Sau hai năm nuôi, bò ăn phải tủi nilon và thuốc cỏ người dân xả tràn như mưa ở trên núi. Đàn bò có giá trị phá sản cuối cùng hơn 400 triệu, trở về gần như con số không.
Tôi đã chính thức phá được những cánh cửa đen tối của cuộc đời mình, mà có lẽ, cánh cửa đen tối nhất, đáng sợ nhất là tư tưởng!

BAI 1: CÁI CHẾT BỊ TỪ CHỐI


Rời quân ngũ với chiếc balo, vài bộ quần áo lính. Cưới một cô giáo nghèo, dạy học ở vùng đất nghèo xơ xác. Phải làm bảo vệ cho trường vợ để được sống nhờ trong khu tập thể. Vài tháng sau, một cơn lốc quật đổ gần hết ngôi trường. Giữa bão tố kinh hoàng, cái tổ nhỏ chưa kịp ấm đã phải ra ở nhờ nhà để xe đạp, dựng xiêu vẹo từ tre nứa. Cô con gái đầu lòng được sinh ra trong hoàn cảnh ấy chưa đầy nửa tháng thì tôi bị tai biến (08.1998). Cuộc sống đang hừng hực hy vọng, rằng, một túp lều tranh… thì tất cả như chìm trong địa ngục.
Sau tuần hôn mê là một bầu trời đặc quánh u ám. Lơ mơ vợ, lơ mơ con, thậm chí không hiểu mình là thứ gì và vì sao bị ép ăn, ép thuốc… Rồi mọi bệnh viện đều trả về với lời khuyên “sống chung với… may mắn”. Người như không xương. Chỉ còn đau và đau! Hàng trăm nghìn mũi kiếm, trăm nghìn dùi nung đỏ đang đâm, đang thiêu từ trong não, trong tim ra ngoài da thịt. Sau mỗi cơn co giật, não nhũn ra, người có cảm giác như đống thịt bằm, vô cùng khủng khiếp. Sống lại được có lẽ do duyên trời, chứ không chỉ là kỳ tích. Đặc biệt là choáng. Choáng quay cuồng, trở mình cũng nôn. Nôn đến rách họng, đến vỡ ngực, đứt ruột. Đau đớn tột cùng. Bế tắc và suy sụp sau nhiều ngày tháng chỉ thấy toàn một màn tối tăm, đen kịt. Một lần trên đường từ Bệnh viện 108 về nhà trọ, tôi lần theo dòng người, bò lên cầu Long Biên để thỏa ước nguyện chấm dứt cơn đau, vì trong đầu chỉ chắc chắn rằng, phải gieo xuống sông Hồng mới hết.
Lên đến thành cầu, gió thốc nổi gai ốc. Cảm giác lạnh lan dần qua hai vai, xộc vào thẳng não. Tiếng gió chạy dọc bờ sông văng vẳng như tiếng trẻ con khóc. Hình ảnh đứa con gái đầu lòng nằm tím đen bên cạnh, khi bị mẹ quẳng xuống để chạy đi tìm người cấp cứu bố.
Tôi khựng lại. Một thước phim lờ mờ hiện về lúc tôi bắt đầu thấy não nhũn ra, mọi thứ quay cuồng. Cảnh tượng vợ con khóc ngất, mọi người chạy rầm rập giục giã, kêu gào thống thiết … Tôi bỗng thấy mình đã hít được đầy một bầu ngực khí, không còn cảnh chỉ hít vào một hơi nhỏ đã thấy hụt rỗng, ngực nhói như rìu bổ.
Tôi bỗng tin mãnh liệt là mình có thể khỏe mạnh như xưa, mặc lời cảnh báo của cả chục bác sĩ sau khi khám, test máu, chiếu chụp bằng các công nghệ hiện đại nhất, là: vô vọng!
Tôi lên chuyến xe dài nhất trong cuộc đời để về nhà. Nhưng là về cho mỗi ngày lên cơn mấy bận, cấp cứu mấy bận… dù máu vẫn còn đặc quánh thuốc. Tôi không còn đủ sức để thực hiện “ăn ngủ, sinh hoạt, luyện tập… điều độ” như bác sĩ dặn, vì căn bản là nằm như thực vật. Những lúc một mình cố cựa quậy, lần vịn lê la thì vừa nôn vừa ngã. Lâu dần, hình như mọi thứ thuộc về tôi cũng quen, cũng nhạt vì chấp nhận và chờ đợi số phận nghiệt ngã. Thuốc men không có, tiền nong khánh kiệt, người thăm cũng mỏi dần. Trống trải và thưa vắng.
Những cơn kinh thiên động địa cứ dày lên mỗi ngày. Một bữa, vợ lên lớp, tôi lên cơn co giật một mình. May mà cơn nhẹ, sau vài tiếng thì lơ mơ tỉnh. Thấy có cái gì đó cồm cộm dưới đầu. Ráng hết sức móc, hóa ra là 1 cuốn sách. Phải đợi đến lúc mắt hết xoay thì mới biết đó là cuốn Tri thức trẻ. Nằm ê ẩm mãi cũng buồn, giở sách ra và bị hút vào bài: “Bệnh động kinh có chữa được không?” của bác cựu chiến binh bị động kinh mấy chục năm, tự chữa khỏi bằng kiên trì luyện tập và có hỗ trợ các loại thuốc chống lên cơn. Tôi đợi vợ về, nhờ đi xuống Phân viện khu vực mượn cuốn biệt dược, rồi độ tháng sau tôi tìm thấy trong hàng triệu triệu chữ đang quay cuồng hỗn loạn ấy cái tên: Umitol. Nhưng loại thuốc này phải uống tới vài năm. Chính xác giờ, và giảm dần liều sau mỗi 3 tháng.
Nản toàn tập! Thời gian với tôi khi ấy, tính theo ngày. Tiền dĩ nhiên chưa bàn vì không có. Nhưng tôi vẫn cứ gượng ngồi dậy, ôm bàn phác ra một biểu đồ điều trị, với hi vọng, “dự án” mà tôi trình lên sẽ được vợ phê duyệt!
Liệu trình ấy như sau: 3 tháng đầu (Đợt 1) uống 2 viên/lần; 2 lần/ngày. Đợt 2 giảm xuống 1 viên + 3/4 viên/lần, 2 lần/ngày. Đợt 3 xuống 1 + 2/4 viên/lần; 2 lần trên ngày. Đợt 4 xuống 1 + 1/4viên/lần; 2 lần/ngày… Cứ thế, sau 9 đợt (2 năm 5 thán) sẽ giảm xuống chỉ còn uống 1/4 viên/ngày, 2lần/ngày và cắt hẳn nếu như tình trạng bệnh ổn định. Đấy là với điều kiện uống thông một lèo, vì loại thuốc này không thể ngưng đột ngột. Nếu ngưng (quên, hoặc hết thuốc) thì sẽ phải uống lại từ đầu…
Tôi rơi vào ngõ cụt. Suy sụp còn hơn cả lần đầu biết mình sẽ phải chết. Nó giống như một dự án vá trời… Nhưng bệnh càng hành hạ, mình càng tự hành hạ, cỡ nào cũng không chịu chết, vậy thì phải sốc lên! Sống hoặc chết chứ nhất quyết không làm bóng ma dặt dẹo. Tôi lệnh cho mình phải lao vào cuộc chiến, đầu tiên là tập luyện, cả thể dục lẫn khí công. Không có tiền thì có ý chí, có quyết tâm. Chập chững như đứa trẻ, tập chất lên vai, chất lên lý trí cả gánh nặng cuộc đời mình. Mỗi ngày tôi niệm hàng ngàn lần câu thần chú duy nhất: “Không cố sẽ chết!” Và dường như câu thần chú ấy đã đúng trong mọi hoàn cảnh.
Nôn mãi, quay cuồng mãi rồi cũng quen. Choáng, ngất xong thì cũng phải tự tỉnh. Tôi không cho phép mình phàn nàn, nản chán bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi bắt đầu cố lau từ cái mặt mình, đến rửa chân mình, rồi dần dà tắm gội được cho mình. Tôi lau bàn, quyét nhà, nấu cơm… giúp vợ. Ý chí và công việc cứ nhích dần lên từng ngày. Rồi thì tôi viết báo - một việc cấm kỵ với người bị bệnh não như tôi - với quan niệm rất đơn giản: Không làm được gì thì viết báo. Viết báo cũng có tiền.
“Hành trang chỉ là những lỗi chính tả”, thì tôi mượn từ điển, đọc như đọc tiểu thuyết. Tôi cũng đọc tất cả những gì nhặt được ngoài đường, từ mẩu báo gói bánh rán đến cục giấy lau giầy… Tôi nhặt bút bi học sinh vứt đi, cái nào hỏng ngòi thì thay, tắc thì luộc cho mực chảy ra mà viết. Tôi xin vợ cho rọc những bài kiểm tra của học sinh thừa giấy. Tôi viết bất kỳ gì và viết thiêu thân, như thể không còn được viết nữa. Và, năm đầu tiên hàng trăm bài gửi đi đều mất hút. Tôi lại niệm thần chú: “Không cố sẽ chết!”… Lại lao đầu vào đọc, học, mổ xẻ từng bài trên báo… . Và thành quả là sau 2 năm sau tôi trở thành “nhà báo tự do”, cộng tác với mấy chục tờ báo Trung ương - những bài viết nối đuôi nhau sinh ra sau những cơn co giật.
Bây giờ cách ngưỡng tử ấy 21 năm, tôi đã là hội viên Hội Nhà văn, có một sức khỏe tạm tạm và cuộc sống cũng tàm tạm. Nhớ lúc bắt đầu có nhuận bút, tôi trình “dự án” khai quật lại sự sống của mình với vợ, cô ấy chỉ thở dài. Thì thế, ai cũng sẽ tin các bác sĩ hơn tin tôi! Và tôi lặng lẽ lập thêm kế hoạch, ngày làm (vào bản vùng sâu mượn đất, dựng lều nấu rượu, nuôi lợn, mở quán hàng xén)… đêm mới viết và tự quyết định mua Umitol!
Hành trình của cái dự án điên khùng” ấy, rốt cuộc phải kéo dài hơn 7 năm, với hàng trăm cơn dọa co giật lại. Tôi không quên uống thuốc, nhưng 3-4 lần không có tiền mua thuốc nữa, phải uống lại từ đầu. Ngoài đặc ân loại thuốc này đem đến cho tôi ra thì, tác hại vô cùng lớn. Tôi bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Như thằng nghiện! Lờ đờ cá chết. Thể trạng giống HIV, sứt da là không chịu khỏi.
7 năm mất trí nhớ, quên cả tên bố mẹ. Người vốn đang khỏe như vâm (bạn bè tôi gọi là Lợi 100: Hít đất 100 cái; đẩy tạ: 100 lần; “thụt dầu” hơn 100 cái…), mà bỗng dưng như xác sống. Sau này biết, do những cơn hôn mê sâu, não mất ô xy nên không chỉ rối loạn mô não, mà các tế bào thần kinh của tôi đã bị hủy hoại...
        Hành trình của tôi còn dài lắm. Tôi thật sự cảm ơn tất cả, trong đó có số phận, câu thần chú và cả những lời được dành tặng - Ý chí - nữa!
21 năm trời luôn tràn ngập lòng tin và quyết tâm tột bậc, nỗ lực tột bậc. Tôi nói vui, ước một lần, có thứ gì đó đủ khiến tôi nản và đầu hàng. Tôi muốn trải nghiệm!