21 tháng 6, 2019

NGÀY BÁO CHÍ, NGHĨ VỀ NGHỀ BÁO




Sáng nay, trong Chương trình Cà phê sáng VTV3, hai MC quen thuộc Bạch Dương và Lê Anh dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một Chính khách, một Lãnh tụ và một Nhà báo kỳ cựu với trên 2000 bài viết thời sự vô cùng sắc sảo, rằng: “Mãi cho đến bây giờ chưa có người Việt Nam xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi Báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học… như ta thấy ở các nước châu Âu, châu Á và các nước khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập, và giao cho bọn tay chân điều khiển. Chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế thì ở Đông Dương cũng có 3 hay 4 tờ đấy…”

Chia sẻ ấy nhằm vào thời “An Nam” còn đang là thuộc địa của Pháp, và đến bây giờ, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận hơn lúc nào hết đang ứng nghiệm, đang được tôn trọng và có vẻ nở rộ. Như “lời tiên tri” của Bác, bây giờ, các nhà báo, nhà thơ nhà văn (báo văn chương), nhà phê bình… đang ra sức “xuất bản” vô vàn những sản phẩm mang nặng cả tính chủ quan (cá nhân) lẫn dáng dấp hiệu ứng xã hội… Lúc còn làm BT, tôi từng tiếp cận rất nhiều những ấn phẩm thuộc quyền xuất bản tư nhân (tất nhiên là Nhà nước cấp phép), và cũng tất nhiên là không thường kỳ, khả năng xuất bản phụ thuộc vào năng lực sản xuất sản phẩm và khả năng tài chính.
Lại nói về chuyện ấn phẩm. Có quyển sách thuần chủng báo chí (chắc các nhà báo muốn lưu lại kỷ niệm, từ bài phản ánh đến bình luận, phóng sự điều tra, phóng sự xã hội...), các tập thuần chủng văn (tiểu thuyết, truyện, ký, tản văn…), thuần chủng thơ (trường ca, và các thể loại thơ niêm luật, thơ tự do… riêng biệt). Cũng có cuốn sách được xuất bản hợp chủng báo chí, truyện, ký, phản ánh, thơ, nhạc và ảnh… gia đình!
Về nghề báo cũng có những chuyện vui buồn, chuyện sướng khổ. Vui là khi được đi, được viết đúng với mong muốn, đúng với lương tâm. Có những bài báo hiệu ứng tốt, giúp ích được cho nhân vật, thậm chí cho cả một cộng đồng… Vui cũng là khi một bài viết tâm huyết, nóng bỏng được BBT dũng cảm sử dụng! Vui là nhuận bút tương đối xứng đáng, đủ để thắp cháy tiếp đam mê cùng trách nhiệm, và nhất là được trả kịp thời (đời làm báo của tôi quá nhiều bài báo in xong không thấy báo tặng và dĩ nhiên rồi, vĩnh viễn không bao giờ có nhuận bút!)
Buồn thì là những chuyện ngược với những niềm vui trên. Buồn nhiều nhất là độc giả. Giờ ít người đọc lắm, dị ứng với chữ nghĩa lắm. Các vấn đề báo nêu ít được quan tâm lắm, thậm chí còn bị dè bỉu (dĩ nhiên là với những bài viết tốt, công phu, tỉ mỉ và đúng sự thật). Báo chủ yếu để gói măng khô, gói bánh rán và trải bàn ăn… thôi, dù đã được cảnh báo giấy làm báo rất có thể gây ra tác hại, đặc biệt là mực in có chứa chì, nên nuốt vào là vô cùng nguy hiểm.
Cả đời làm báo của tôi đi công tác bằng giấy giới thiệu. Giờ thấy nhiều cơ quan quy định có vẻ ngược Luật Báo chí là chỉ nhà báo có thẻ mới được làm việc! Xin thưa, rất rất nhiều nhà báo công, đang công tác chính quy tại các tòa báo chưa có thẻ đấy ạ. Chả bởi vì gì cả, vì quy định báo chí là như vậy. Để tiếp thu và ứng xử với báo chí một cách chuẩn (xịn) nhất, các tổ chức, cá nhân nên thuộc nằm lòng Luật Báo chí để cùng thực hiện nhiệm vụ chung.
Nghĩ cứ tủm tỉm: Quy định trên mà di căn, có khi lại phải có “kỷ niệm chương” mới được tham gia vào một hoạt động nào đó thì… hãy đợi công tác đủ 20 năm đã nhá!
Người làm báo cũng khác. Luật báo chí quy định ít nhất có hai đối tượng nhà báo. Nhà báo có thẻ và nhà báo không thẻ. Luật là luật, còn đời vẫn là đời. Ít người nhìn nhận thấu đáo và công bằng về sự “đồng nhất” tương đối này. Người ta không bàn đến năng lực, đến chất lượng hoạt động và chất lượng tác phẩm, mà bàn đến chính quy hay không chính quy. Rõ khổ, chả phân biệt thì ai cũng biết, một nhà báo không thẻ (chưa đủ điều kiện, hoặc không bao giờ có thẻ - PV tự do, CTV…) vĩnh viễn không có vụ sinh hoạt đảng trong cơ quan, không chế độ, không khen thưởng và không... điển tựa nếu có bất trắc(!)
Thôi không so sánh với nước này nước khác nữa, nhưng có một thực tế là, rất nhiều tờ báo ở ta, sống được là nhờ nguồn bài của các nhà báo không thẻ. Có lần đi họp nghe tổng kết, gần 50% bài vở là của các CTV viết.
Nhà báo không thẻ khác nhà báo có thẻ là không có lương, không có chế độ để mà đủng đỉnh, nên phải viết thục mạng, và viết chất lượng ít nhất là ngang bằng, nếu không muốn nói phải hơn các nhà báo biên chế trong tòa soạn đó mới hy vọng được đăng bài. Cái khác cơ bản giữa người viết để sống với viết để hoàn thành nhiệm vụ!
Nhà báo không thẻ phải tự trang bị năng lực rồi, còn phải tự trang bị uy tín nữa. Chả ai lại đi tin vào một anh/chị vu vơ nào đó đi điều tra này, phản ánh nọ. Và, để có được cái uy tín ấy, các nhà báo tự do phải đổ mồ hôi, thậm chí xương máu ra đằng đẵng hết năm này đến năm khác. Khẳng định dần dần trong cái “chấp chênh” của luật Báo chí. Rủ có mệnh hệ gì, không cơ quan, không tổ chức thì dĩ nhiên là luật cứ từ từ mới chạm đến được(!) Và lúc này thì bản thân chịu, gia đình vợ con chịu chứ còn gì nữa. Vậy là các nhà báo tự do lúc này cần trang bị thêm một bí kíp nữa (theo tôi là quan trọng nhất) là không được thất bại. Làm đúng luật và đúng sự thật! Chắc chắn nhất có thể.
Với tôi, luôn tính đường lùi trước khi tính đường tiến!
Luôn có 3-4 phương án chứ không chỉ 1, để rồi khi bị “sờ” thì tự chết!
Và một nguyên tắc để trụ lại nghề với cái mác nhà báo không thẻ là đừng có vô lương tâm, đừng có tham và đừng có bóp méo sự thật! Tôi không dám bàn đến “bút sắc - lòng trong...” gì đâu, mộc mạc giản dị nhưng cực kỳ cương quyết, kiên định theo tiêu chí của Luật Báo chí qua từng giai đoạn.
Vài ý kiến cá nhân chia sẻ nhân ngày báo chí của các đồng chí có thẻ. Chúc các đồng khỏe để cống hiến!

Đào Viên Sơn, 21.06.2019




Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét