19 tháng 1, 2018

THẦN XẠ TRÊN NÚI QUẢ TRỜI


Thần xạ Tráng A Dia

        Theo hoa dự báo thì độ già nửa tháng nữa là tết Mông. Năm nay lạnh. Người già bảo "lạnh cùng đàn" với năm 2015. Băng giá phạt từng mảng rừng. Hậu rét là cháy. Cây phơi xác nỏ phốp tựa liều thuốc súng. Gió Lào như thêm xăng vào, cháy vô phương cứu. Con người có lý do để chối phắt trách nhiệm, để đổ cho thiên nhiên tự sát: Băng làm khô rừng, cây củi khô đánh vào gió tóe lửa…
            Chọ Nẻnh Tráng A Dia ngồi bó gối trên hè, nhìn nung nấu vào rừng cây thưa thòi lõi. Cả dãy núi trùng điệp tịnh không một tiếng họa mi và chim khướu. Dăm lần trước tôi lên với bản, chim khướu hót cả trăng. Họa mi thì rót ngọt lịm vào trong từng chén rượu ngô đặc sóng sánh. A Dia bảo vài năm rồi, trên dãy Pơ Mu này, hai loài đó đã tuyệt chủng. Tôi chắc do rét, lại cháy rừng nên hai loài đó hoặc yểu điệu thục cầm không thể thoát thân, hoặc đã hết duyên hót, di cư về một miền rừng hứa nào đó. A Dia nói sai khấc. Tội này do người Mông làm ra. Người Mông bắt họa mi, bắt khướu cứ như nhặt con chim sứ từ trong lò gốm ra vậy. A Dia kể về một thần chim đến từ bản Nậm Cứm, cùng xã. Ông thần chim này hễ cứ nghe ở núi nào có tiếng họa mi và chim khướu là y như rằng, ngày mai chả ai còn nghe thấy hai loài này hót nữa.
            Người Mông ở Nậm Chan 3 (xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) không ai là không biết bẫy chim. Bẫy chim rừng dễ như bắt trong lồng. Nhưng có bẫy thì cũng chỉ biết thịt, họa hoằn mới bán nổi một con hót nhì nhằng như rít thuốc. Mà thịt thì đi kiếm con nhím, con lợn rừng hay hươu, hoẵng… chứ con chim to non nắm tay thì ai ăn ai đừng. Làm mè cho chim, biến chim ngọng, chim câm thành thánh hót, thậm chí thánh chém gió thì chỉ có một người, và người đó đã biến trò vặt của núi rừng thành công nghệ, thành cây ATM chuyên để rút tiền mặt, đó là thần chim Nậm Cứm. Người Mông thường chỉ chăm chắm bẫy hai con chim trống đầu đàn của hai loài này thì mới bán được tiền, còn lại tuồng như gà cục tác, nhất là chim mái, có cấu vào phao câu thì cũng chỉ biết kêu choen choét thôi. Với thần chim Nậm Cứm thì tất cả mọi thuyết lý kể trên đều như đồ giả. Con nào ông ta cũng bẫy, chim trống chim mái, chim già chim non, thậm chí cả trứng ông ta cũng lấy về kẹp vào nách cho nở ra rồi dạy bảo chúng thành thánh hót. Người ta đồn, ông có một lớp dạy chim ở trên lưng núi, nơi không ai được phép đến và biết. Có tin rỉ từ trong chăn nhà thần chim là, ông ta mang chim mới bẫy về, thả vào cái lồng cách li ánh sáng bằng bọc kín váy vợ, rồi ngâm ngũ cốc với lông sâu róm, cho ăn. Sáng trưa chiều tối, thần chim xách lồng con chim mồi hót hay như giáo sư âm nhạc đến "bục giảng", trước sự hiện diện của mấy chục lồng chim "tân sinh viên" treo khắp sườn đồi, rồi dạy hót. Thần chim vỗ tay một cái, con chim giáo sư thả thính bằng cái giọng sặc mùi kim tiền, tiếp theo là cả đàn chim gào lên nhức bản. Vỗ tay hai cái thì thôi rồi, lớp học chim hót như động rừng. Con nào con nấy móc họng ra mà hét. Chả ai hiểu gì cả, nhưng ông ta lại "phiên dịch" ra vô vàn những câu chuyện lâm ly kỳ quặc. Rằng là con chim này là chim thầy mo, nó đang hát về truyền thuyết cây khèn Mông; nào là con này vừa mới làm lễ dậy thì, đang hát về tục cướp vợ…
Ôi giời ạ! Mới nghe thôi mà đã muốn điên lên với lão. Tôi như quả đạn bị đánh vào hạt nổ, chỉ chực lao đi tìm thần chim ngay tắp lự. Nhưng cơ mà, dù có cà như nào, ra giá bao nhiêu cũng không một ai tiết lộ tên lão. Không một ai đưa đi tìm lão dù chỉ là một cái trỏ tay hoang mang vào một vùng đồi, hay vào một chòm nhà vu vơ nào đấy. Lão thần chim cứ như thần quỷ, ai ai cũng run rẩy bảo vệ. Người thì che chở, chim thì hóa thành kho bạc của lão. Lão sung sướng đến kịch trần. Lão nổi tiếng đến nỗi chả bao giờ phải mang chim đi rao vặt như những người Mông khác. Khách từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí cả thành phố Hồ Chí Minh cũng lặn lội cuốc bộ lên nhà lão. Lão kênh kiệu lắm, chỉ cho một tô-mánh-nhủa (đứa trẻ con) ra tiếp và bán chim. Khách nói chuyện với đứa trẻ, đứa trẻ vụm tay hót một hồi vào gió rồi nghênh tai nghe tiếng gió vẳng về. Lão và thằng bé cứ hót cho nhau leo lẻo, thằng bé lại chém với khách, đến khi giá cả được thông qua mới thôi. Võ cò kè nhiều khi đẩy những con chim lên tới vài chục triệu.
Tôi không am hiểu về chim, nhưng cũng có dịp ngồi với một quái nhân chim dưới thị trấn huyện lỵ Mường Ảng, đã tu chim đắc đạo, và được dân phong là "Người nói tiếng chim". Người nói tiếng chim cả quyết, bọn chim ấy sống và hót không quá một tháng. Khi nào lông sâu róm xuyên như chông ra ngoài da cổ là lúc chim chết. Trước khi chết, tất cả số chúng đều hót ai oán cho đến giọt máu cuối cùng. Và dĩ nhiên là, tất cả chủ sở hữu của bọn chúng đều tiếc rỏ máu mắt. Vì tiếc và vì khát thèm sở hữu một giá trị tuyệt kỹ của hư vô nên hầu hết bọn họ đều quay trở lại nhà thần chim, và bao giờ cũng vậy, con sau giá cao hơn rất nhiều so với con trước. Tôi thắc mắc, lỡ không có ai mua thì tất cả lũ chim của lão thần chim vẫn sẽ phải chết theo lịch? Người nói tiếng chim lắc đầu. Ăn lông sâu róm là nghe đồn, chứ lão cóc để ai biết. Chưa gặp giá bán, cũng nghe đồn, lão sẽ cho chim ăn một loại quả nhớt như dầu nhờn castrol, lông sâu róm trôi ra hết. Bao giờ cần chim hót, hoặc hét, và đôi khi là khóc than ai oán, lão lại ghim lông sâu róm vào họng chúng(?)
            Tôi bó gối, nhìn chằm chặp như bản sao của A Dia mà chả thấy cái ếch gì cả. Không biết lão nghĩ gì mà gọi không thột. Thằng cháu Tráng A Chỉa - con Tráng A Tộng, là em trai ruột của A Dia - giỏi ngoại giao, lãnh đạo nhất cái vùng núi này; mới 29 tuổi mà nó đã có thâm niên trưởng bản mười năm tròn. Làm lãnh đạo bản nhưng tỏ ra rất lễ phép với tiền nhân, rón rén ra mời các "Chí" vào uống rượu. Con gà trống hơn bốn ký nằm ấp mâm rau cải Mông có vị ngọt ra cả quai nồi luộc. Đến chuyện con gà tôi nhờ mua để làm cơm mời mấy ông thần xạ, quan bản cũng ly kỳ như đi săn vậy. Gà Mông thả ra là thành gà rừng. Chúng lủi, chúng bay cái chớp. Chỉa lục tung 74 hộ lên, hết đẫy buổi sáng mà không ai bắt được. Cuối cùng, Chỉa nhờ cả bản đồng thanh gọi gà. Đàn gà bay rào rào như vãi ngô hạt. Chỉa cầm đoạn cây, quăng vào giữa bầy, con gà trống to nhất gẫy cổ. Giờ mới phức tạp. Phải mất cả tiếng đồng hồ nữa để tìm "ai là người nhà" của con gà, rồi làm thủ tục "đền tiền sát hại vật nuôi" xong, mới về được. Bữa cơm mầm đá sắp ra khi đã xâm xấp 4 giờ chiều!
             Rượu vào chuyện ra. A Dia phanh trần tấm lưng chiều ngang dài hơn chiều dọc, khoe vết sẹo cỡ hơn ba chục phân: "Xuýt thành con ma gấu đấy. Nhưng không phải gấu cắn, gấu cào, mà là do "thằng chột" này chém!". A Dia hậm hực chỉ vào Tráng A Tộng: "Mày đã mời tao một chén chưa?". Bí thư chi bộ Nậm Chan 3 Lý A Chua quay sang rỉ tai tôi: "Tròn hai mươi năm rồi, hàng trăm lần uống rượu với nhau, lần nào A Tộng cũng phải mời A Dia hai chén". Vậy cơ á? Tráng A Tộng sinh năm 1964, kém anh trai Tráng A Dia một tuổi. Hai anh em từ bé đã quấn nhau như đôi uyên ương, không rời nửa bước. Ngay từ khi mới là các chàng Mông choai, Tráng A Dia đã là thần xạ còn Tráng A Tộng là thần cạm. Hai anh em cứ ganh nhau thể hiện, đến nỗi mỗi lần đôi song sát này vào rừng là cả dòng họ Tráng bội thực thịt thú.
            Tráng A Dia và Tráng A Tộng là hai trong số sáu anh con trai nhà "Thổ tổ" Tráng A Sấu. Ông Sấu cùng anh trai là Tráng A Ná chính là hai người Mông đầu tiên đến vùng núi Nậm Chan 3 này phá thạch lập bản. Khi ấy, chỉ rừng và đường mòn thú đi. Họ Tráng về có thêm đường mòn người đi. Nhưng người Mông ít quá, bước chân chẳng kịp cỏ rừng. Con đường nào cũng mờ dần rồi tịt. Anh em nhà họ Tráng lớn lên theo từng bước chân của bố. Bố là bức phản chiếu thực tiễn, trực quan ảnh hưởng toàn phần lên tư duy sinh tồn của cả nhà. Sướng khổ với họ Tráng không phải no đói, ấm lạnh. Sướng khổ là không hay có làm chủ được rừng và muông thú, thế đấy!
Mươi năm trôi qua, dòng họ Tráng tiếp nhận thêm hai anh em nhà họ Lý là Lý A Tòng và Lý A Da đến từ Nậm Chan 1 (thuộc xã Mường Đăng - Mường Ảng) hùn sức cùng Nậm Chan 3 đối trọng với thú rừng. Người đông lên tý chút, nhưng số lượng thú rừng thì vẫn gấp cả trăm lần. Hổ, báo, gấu, lợn lòi… lấn tận vào sân, chả trồng cấy gì nổi. Nhiều năm liền, người Mông Nậm Chan 3 không nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê, ngựa mà chỉ nuôi chó, vì nuôi cũng bị thú bắt mất, mà nhu cầu thịt thà thì đã có rừng. Những con chó lai sói to như con bê, nhưng cũng chỉ hùng hổ được vào ban ngày, khi có điểm tựa là các thần xạ, còn ban đêm thảy chui tọt vào gầm giường rên kẽo kẹt.
            Tráng A Dia thích bắn con gì nhất? Dia bảo gấu! Tráng A Tộng thích bẫy con gì nhất? Tộng cũng bảo gấu! Gấu ngựa cổ đeo tã, to như con bò, cứ hễ thấy người là hầm hầm lao đến. A Dia bảo gấu là loài ngu nhất trong các loài ngu, chỉ việc nâng súng lên là xong. Tôi hỏi A Dia, cảm giác bắn trượt một con thú lớn như thế nào, A Dia bảo không biết, vì chưa từng bắn trượt. Lý A Kỉa, công an viên Nậm Chan 3 ngồi đầu mâm chêm sự khẳng định vào câu chuyện: "Kể cả vịt bay (chim ưng), ngỗng bay (đại bàng) đang vun vút trên ngọn rừng, A Dia cứ tọp là rụng!". Cả mâm ngồi chụm đầu vào tổng kết: A Dia hạ được 2 hổ; 8 gấu; hơn 150 lợn rừng; khoảng 200 khỉ; hoẵng, nhím mỗi loại trên 1.000, mà phàm chả bao giờ được bắn… "con tĩnh" cả. Tôi mắc bệnh hay liên tưởng rằng, giá như A Dia sinh ra đúng miền, có lẽ giờ này anh đang tạo nên cặp song xạ với Hoàng Xuân Vinh. Nhưng tôi cũng chắc chắn một điều, sĩ quan huy chương vàng Olympic sẽ phải ngả mũ trước thần xạ của núi Quả Trời! Trong "sự nghiệp" của A Dia, tất tật không bay thì chạy, chạy vun vút như hòn đạn. Nhất là hoẵng, nếu xuôi đà, mỗi cú búng của chúng lên cao 3 - 4 mét, xa cả chục mét. Khốn nỗi, súng của A Dia lại không khương tuyến, không thước ngắn đầu ruồi, và cũng không gần về cự ly như Hoàng Xuân Vinh. Đạn chặt bằng thép phi sáu, mỗi phát bắn ra cứ như diễn viên hài, chả biết lúc nào bay thật, lúc nào bay giả, vậy nhưng chưa bao giờ A Dia bắn trượt! Đến người Mông ở Nậm Chan 3 còn phải phong cho A Dia là thần xạ. Trong nhà A Dia thờ thần súng, và mặc nhiên A Dia được coi là người duy nhất có "giấy phép" - do thần súng cấp cho. Mỗi khi đi rừng, A Dia lại vào thắp hương xin thần súng trợ giúp. Hương A Dia thắp là hương người Mông, do chính tay A Dia giã từ vỏ loài cây thơm tơ - xáp - phị, rồi dùng keo lá cây lồng - bịa - lảu trộn lẫn bột vỏ thơm, vê vào que giang.
            A Tộng nãy giờ vẫn ngồi rúm ró ở góc cuộc rượu. Vừa là người kiệm ngôn, vừa không thạo tiếng Kinh, ai mời thì uống, ai hỏi thì cười; thỉnh thoảng đưa ống tay lau dòng nước mắt, dường như chẳng bao giờ ngừng chảy ra từ con mắt phải trắng lốp. Hậu quả này là từ một nhát cắn chí tử của con gấu to như con bò mộng. Vạt trán trên lông mày phải lõm cỡ lòng bàn tay, không còn xương sọ. Chờ ngót chuyện, A Tộng rưng rưng nâng chén thứ hai kính anh trai mà A Tộng coi như người sinh ra mình lần thứ hai vậy. Chén đầu xin lỗi vì nhát chém gấu trúng anh. A Dia rưng rưng đón nhận!
            Chuyện cũ ôn lại rằng, hôm đó trời xấu lắm. Hai anh em vào núi Chi Nhu Họ (đầu nguồn suối có nhiều cá) thăm bẫy gấu. Người Mông hai chục năm trước không có bẫy kẹp chân bằng sắt đặc, có hai hàm răng như hàm cá mật, lại cả xích voi, đã sập là có gấu, như sau này. Anh em họ Tráng cũng không làm bẫy đập, bẫy lọng, bẫy hầm như người Mông ở vùng khác, mà làm bẫy chông. Họ trồng một nương ngô, khi bắp ngô vào hạt, họ làm một bãi chông cỡ trăm mét vuông, với vài trăm cây tre đẽo nhọn hoắt, đóng chừa chừng non mét trên mặt đất, tất cả chếch ra bìa nương. Cách phía ấy tầm chục mét là một cái dây bẫy giăng ngang, nối liền với lẫy, gài một thân gỗ to như cây cột, dựng nghiêng. Cây cột bẫy này không làm nhiệm vụ đập, mà đuổi. Khi gấu bước vào nương ngô, vấp phải dây bẫy, dây kéo lẫy, cây gỗ đổ xuống làm nhiệm vụ của một phát súng mã tử, khiến con vật hoảng loạn, lao thục mạng vào bãi chông. Thường thì không con nào thoát. Hàng chục mũi chông xuyên táo từ bụng lên lưng, từ họng sang gáy, cố định xác gấu ngay tại trận. Nhưng con gấu A Dia và A Tộng bẫy thì khác, nó quá to, chông chỉ đâm sượt tim, sượt phổi. Loài gấu lại là đỉnh cao của nghệ thuật báo thù. Nó giả chết, đợi cho kẻ thù tới gần. Đúng tầm vồ, con gấu chồm lên ngoạm vào đùi A Dia. Thấy anh bị gấu cắn, A Tộng vung dao phát lên, nhằm đầu nó bổ xuống. Nhưng con gấu này có võ. Nó biết A Tộng chém nó, nên nó cài số lùi nhanh về sau, kéo A Dia vào tầm dao bổ. Đúng như nó tính, A Dia rú lên rồi gục xuống. Máu phọt đỏ cây rừng. Con gấu thấy A Dia đã chết, liền lao đến chộm vào đầu A Tộng nhai rồm rộp. A Tộng hét lên một tiếng thất thanh rồi ngất lịm.

Vết gấu cắn trên trán và mắt phải của  thần cạm Tráng A Tộng


            Đúng phút tận tồn, A Dia mơ màng thấy con gấu đang nhai đầu em mình. Vậy là bằng tất cả sự tự trọng của một thần xạ và thứ tình máu mủ uyên ương, anh vùng lên vớ lấy con dao bổ cả chục nhát trời giáng vào đầu và lưng con gấu. Con gấu láu cá từ đầu đến cuối: giả chết để báo thù; dụng miếng để hai con người chém nhau… nhưng nó lại không tính được sức sống vô địch của người Mông vốn dĩ chả kém gì nó. Người mà nó cho là đã chết lại vùng lên đáp trả nó những nhát đoạt mạng. Nó hộc lên rồi lăn ùng ục xuống đồi. Khi nó mất hút dưới khe cũng là lúc A Dia gục xuống. Chừng một giờ sau thì A Tộng tỉnh. Thấy anh mình chết rồi, A Tộng bò ra khỏi nơi hỗn chiến, phòng con gấu quay lại. Dù hết ngất lại tỉnh, nhưng A Tộng vẫn bò mấy tiếng đồng hồ về đến bản. Lý A Kỉa lúc đó mới 18 tuổi, dẫn theo 7 thanh niên lực lưỡng, trang bị khí giới hừng hực lao lên núi Quả Trời. Vừa đi, đoàn người vừa nhặt lá thuốc cầm máu, trợ sức với hy vọng A Dia chưa chết. Nửa đêm thì đoàn phường săn vào đến lán nương ngô của A Dia, cách nơi hỗn gấu gần cây số. Họ thấy A Dia nằm đen kịt trong lán. Họ đan tay đốt lửa, sắc thuốc đắp, đổ và hô hấp cho A Dia. Thật thần kỳ, gần sáng thì A Dia thở lại. Họ quấn chăn, thay nhau khiêng A Dia ra bản, ra đường xe. Đẫy một ngày thì đưa được hai anh em nhà họ Tráng đến bệnh viện tỉnh. Con đường mòn cứu mạng anh em họ Tráng ngày đó, phải gần 10 năm sau mới  làm được cho xe máy đi!
            Chưa đầy một tháng kể từ khi ra viện, hai anh em A Dia, A Tộng quyết "tàn nhưng không phế", quay lại núi Quả Trời lập lán, làm nương ngô để chờ dịp báo thù loài gấu. Khi còn chưa đến mùa gieo hạt, họ thay nhau canh gần 100 tổ ong khoái, tổ to như nửa mái gianh, tổ nhỏ cũng bằng cái chiếu đôi, treo lủng lẳng trên vách núi Chua Đù (vách núi có nhiều ong), để đón lõng lũ gấu. Ngọn núi ấy, sau này không còn ong về ở (do người Mông bắt hết), thì cũng không ai gọi là Chua Đù nữa, mà gọi theo người Thái là núi Khẳng Phạ, tức núi Quả Trời. Đúng như anh em họ Tráng dự tính, mới chờ độ nửa tháng đã thấy lù lù một cặp gấu, con nào con nấy to hơn con ngựa to nhất mường, (sau này cân được 160kg) vác xác đến. A Tộng giành bắn con bờm (đực), A Dia bắn con phệ. Một phần vì A Tộng chỉ là thần cạm, một phần vì nổ mất mắt phải nên bắn gấu thành bắn… hươu. A Dia giương súng, con gấu phệ lộn xuống vực. Con gấu bờm bỏ chạy tháo thân. A Dia xách súng đuổi theo, vừa chạy vừa tra thuốc súng. A Dia bám riết theo con gấu bằng cả lòng sôi sục báo thù. Hai tiếng sau, A Dia cũng chớp được cơ bóp cò. Con gấu ngã sấp mặt. A Dia ngồi đó chờ đến khi chú chó săn về dẫn người vào khiêng gấu, rồi quay lại chỗ A Tộng. A Tộng vẫn ngồi khóc. Tiếng khóc bật ra sự thất vọng chưa thể chấp nhận. A Dia đến rồi mà A Tộng vẫn nấc đầm đìa! Cây súng kíp đã bị anh đập gẫy, minh chứng cho một sự từ giã nghề săn sau này.
Màn đêm ập xuống, anh em A Dia nhìn lần cuối theo dấu máu vương im lìm dưới vực rồi dìu nhau về bản. Kể từ đó, A Tộng nhường ngôi "á quân thần xạ" cho Tráng A Tráng, em trai mình, và cũng nhường luôn ngôi thần cạm cho "á quân thần cạm" Tráng A Dia!
            Sau ngày tự nguyện nộp súng, A Dia và dòng họ Tráng đã học chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê, ngựa. A Dia bảo khó nhất vẫn là làm nương. Người Mông ngàn đời làm nương, nhưng họ Tráng ngàn đời chỉ săn bắn. Giẫy khỏe, cuốc khỏe chưa chắc đã khỏe ăn. Chuyện nương rẫy nhà họ Tráng cũng thật li kỳ. A Dia là sư tử của rừng núi Quả Trời, nhưng với nương vườn Nậm Chan 3 thì lại chỉ con nhép. Nậm Chan 3 là cái tên được đặt cho sự chậm chân. Vùng núi này vốn được gọi là Hua Sát. Hua Sát tiếng Mông là La Xía, có nghĩa là rừng xanh. Xanh thăm thẳm. Xanh rờn rợn! Ngày đầu đến đây, ai cũng gọi là Mông Hua Sát, nhưng rồi sau đó, khi mà bản Mông anh em bên kia khe Con Don (Kê Khó Lồng) tách từ bản Huổi Nong thuộc xã Nà Sáy (Tuần Giáo - Điện Biên) ra và nhận luôn cái tên thuộc hạng hồn mường ấy. Hua Sát này là của Nà Sáy (nay là Mường Khong) Tuần Giáo, không phải Hua Sát của Ngối Cáy - Mường Ảng. Hua Sát - Ngối Cáy bỗng dưng mất tên trên bản đồ hành chính. Với người Mông, mất tên là mất hồn. Họ miễn cưỡng nhận cái tên Nậm Chan 3 như thể có Nậm Chan 1, Nậm Chan 2 rồi thì dĩ nhiên phải có Nậm Chan 3 vậy. Như một sự ức chế quá mãn, cộng thêm việc buộc phải gắn với đất, gắn với trồng trỉa trên đất bạc màu. Người Mông vốn có thói quen canh tác ngắn hạn, cứ đất bạc màu là bỏ, đi phá cánh rừng mới. Nhưng ở Nậm Chan 3 thì làm gì có đất, động đâu cũng vào quyền bản khác, mà người Mông vốn dĩ không thích mang tiếng là trộm cắp. Bất cứ ai bị coi là trộm cắp, họ sẽ ăn lá ngón tự vẫn ngay tức khắc. Ăn trộm con trâu con bò thì không, nhưng làm nương phi pháp trên đất của Hua Sát thì nhất định sẽ làm!
Quyết nghị là vậy, và 45 hộ trên tổng số 74 hộ của Nậm Chan 3 vốn không có đất canh tác, nói là làm. Hơn 100ha nương, rừng được họ khai khẩn và sử dụng. 23 năm là minh chứng cho sự cố "trơ trẽn" hy hữu nhất trong lịch sử của người Mông này, mà không ai có thể can thiệp được. Họ cãi lý là gần họ hơn, họ làm lâu đời rồi, đất có hồn đất rồi, đất có tổ tiên đất rồi, không phải trả cho ai cả. Bản Hua Sát thì cãi, theo Chỉ thị 364-CT năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng) thì toàn bộ đất ở, đất canh tác của bản Nậm Chan 3 phải trả về cho Hua Sát. Lý người Mông là, nếu Hua Sát mời Nậm Chan 3 đến ở, thì đương nhiên sẽ chia đôi đất Hua Sát, cho Nậm Chan 3 một nửa. Nhưng đây là Nậm Chan 3 tự đến thì Hua Sát cho bao nhiêu được bấy nhiêu thôi. Hơn 100ha cả đất ở, đã chỉ đòi có 65ha đất canh tác, và ở đất gần Hua Sát hơn mà không chịu thì chắc chỉ có lấy mạng đổi mới xong thôi! Tôi rùng mình mường tượng, toàn những "anh hùng xạ điểu" mà hỗn pòm thì bách phát bách mạng! Nhưng lời nặng là vậy, thật may chưa có mạng nào phải bỏ lại cả. Năm nào cũng tranh chấp, nhưng chỉ dừng lại ở cãi vã!
Nghe ra thì hầu hết người Hua Sát và người Nậm Chan 3 đều có họ, tức là nước lã có màu đào và có mùi tanh. Không đoạt mạng, nhưng họ cương quyết như thể 1 + 1 thì chỉ có bằng 2 vậy! Suốt 23 năm có lẻ; mặc cho cả nửa trăm lần, cán bộ tỉnh Lai Châu (cũ), rồi tỉnh Điện Biên, huyện Tuần Giáo và huyện Mường Ảng, xã Ngối Cáy, xã Nà Sáy, rồi Mường Khong đến và đi trong thất bại toàn tập. Cái lý người Mông một khi đã đưa ra thì như dao chém đá. Chủ tịch tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cũng là người Mông, cũng từng hiện diện tận nơi khẩu chiến, và không ít lần giải quyết dừng lại ở mức tạm thời ổn định! Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường Ảng bỗng dưng thành kẻ thù của cả hai bản. Vì chuyên môn và trách nhiệm của ông liên quan trực tiếp, nên ông luôn có mặt đầu tiên, nhiều nhất trong suốt ngần ấy năm (ông Triệu trước khi chuyển về huyện Mường Ảng, vốn giữ cương vị đó ở huyện Tuần Giáo) để phân định bằng những căn cứ pháp lý… nhưng người Mông vẫn là người Mông, họ treo cái đầu của ông 20 triệu!
          Tôi nhiều lần chứng kiến cảnh ấy, nhiều lần được các bạn Mông của tôi ở Nậm Chan 3 "nhờ vả" mang ý kiến đi xa, đi cao… chợt đặt ra câu hỏi: Không biết Bắc Thôn xưa viết "Hai làng Tà Phình và Động Hía" có cảm xúc giống tôi hôm nay không? Bắc Thôn là một Mán một Mông, còn ở đây là một Mông với một… Mông! Ngoài anh em máu đỏ da vàng, còn là dòng họ! Ngoài con ngựa ăn hoa màu bị chém, ở đây còn cả hồn đất, hồn rừng! Ông Lầu A Vàng, Trưởng ban Dân vận huyện Mường Ảng - một người con dân tộc Mông thuần gốc cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần leo lên tận nương ngô, nương sắn của hai bản chỉ để lắc đầu ngao ngán…
Vết thương dài gần 30cm trên lưng Tráng A Dia
          Khi cuộc rượu gà quăng trên đỉnh rừng xanh còn chưa vào chung kết, Bí thư Chua đã xin phép đứng dậy. Lý do là về chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chi bộ tối nay: "Đảng viên tại chỗ thì đủ rồi (5 người), nhưng đảng viên sinh hoạt gửi (2 người) thì đang lên, về không tí lại bị kiểm!" Giời ạ! Thì ra họ chỉnh đốn hơn mình nhiều! Chủ tịch UBND Ngối Cáy Lò Văn Miên và Phó chủ tịch HĐND xã Lý A Sinh là 2 đảng viên gửi. Chả trách, nghị quyết của tỉnh, huyện là nội trong năm nay phải "thanh toán" dứt điểm hai cái "làng Tà Phình…" này đã sớm trở thành hiện thực. Ông trưởng phòng Tài nguyên vẫn còn đầu. Người Mông vẫn đeo dao mèo, nhưng là đeo đi thăm nhau, chứ không đeo để phòng biến như tất cả các lần tranh chấp, cũng như hòa giải trước. Câu chuyện ấy là của tháng 5, Nhà nước đã bỏ tiền ra mua lại 65ha nương "vi phạm" của Nậm Chan 3, để trao trả về cho Hua Sát. Kèm theo đó là mua 30ha của bản Ngối Cáy (xã Ngối Cáy), đền cho Nậm Chan 3, và không quên tặng thêm một con bò để làm quà liên hoan cho bản.
Đêm đã mò mẫm khắp núi đồi. Con đường về xã trải cấp phối mới coóng, kéo từ hơn ba giờ chạy xe máy xuống còn hơn một giờ. Chỉ năm ngoái thôi, phải lội qua "ruộng" Nậm Pọng, leo qua dốc Nậm Chan 1, dốc Nậm Chan 2 như chỉ chực bốc đầu, là một cực hình với những ai muốn đến Nậm Chan 3 và Hua Sát. Tôi lâng khâng trong đêm đặc biệt nhất tháng ở Là Xía (Nậm Chan - tức núi Pơ Mu) - đêm sinh hoạt chi bộ! Là Xía chính đông rét như dầm trong băng Bắc Cực. Đất Mường Ảng hẹp, nhưng lại có độ ghệch vào hàng… đột ngột. Điểm nước ra (thấp nhất) chỉ 500 mét so với mặt nước biển, cách đó chừng hai chục cây số, ở điểm nước vào này đã là 2.000 mét. 2.000 mét đi đã khó, nhất là có mưa, cô lập luôn, nhưng rét mới thực sự khốc liệt. Ngồi giữa cơn gió lao vung vút như thể đạn súng kíp, bỗng nhớ lại mấy câu thơ tôi viết ở Dào San năm nào: "…75 độ nước đã sôi săm sắp // Đĩa dưa hành chết yểu tự khi ngâm… // Nhà ở giữa độ cao 2.000 mét // Suốt mùa đông ăn chẳng chín bao giờ // Ninh trên bếp cho đến khi cháy khét // Bắc nồi ra cơm hóa gạo trơ trơ…".
 Rét và xa, cao. Xa, cao lơ lắc. Khó đi và không thể đi, nhất là về mùa mưa khiến Nậm Chan 3 đơn chiếc. Có một điều khá vui là nghe nói, Pơ Mu năm kia có hổ về. Gấu thì đã mon men tới gần trí nhớ hơn. Chỉ có họa mi và khướu là tuyệt chủng. Giờ thì tôi biết hồi trưa Trưởng phường săn (Chọ Nẻnh) A Dia ngồi thần như tượng để nghe xem có con chim nào giấu tiếng hót vào gió không. A Dia và người Mông Nậm Chan 3, từ lâu đã không săn bắn nữa. Đó là lý trí khiến tôi tự hứa, có dịp đi đâu gặp họa mi và khướu, tôi sẽ mua mỗi loài một vài đôi về thả ở Pơ Mu - dãy núi mà lâu lắm rồi, tôi đã coi như nóc nhà của mình/.



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét