1 tháng 6, 2017

BÍ MẬT TRONG CƠ THỂ

  
        Đàn trâu cặm cụi nhặt những bông hoa gạo đỏ như những hòn than, nằm la liệt trên mặt đất. Chúng nhai nhếu nháo rồi nuốt. Nuốt như bị bỏng lưỡi. Nuốt trào cả nước mắt.
Tháng ba, trên lưng con đèo có cái tên rất lạ: Vách Đất Dựng Đứng Khó Trèo, gần như chẳng còn gì ăn, ngoài hoa gạo. Cỏ gianh chỉ còn sót lại trên những mái nhà. Trâu, bò, dê, ngựa ăn hoa gạo để vượt qua những đợt nắng gió Lào gay gắt. Ăn hoa gạo để có sức đợi những cơn mưa đầu mùa. Rễ cỏ nằm loằn ngoằn như những sợi chỉ đất, cũng chờ nước trời để bật lên.
Mẹ nói thời của mẹ, hoa ban trải dọc khắp thảo nguyên, trắng nhức lòng con trai, con gái. Thời của Mính, loài hoa có màu trắng đến nao lòng này, ngày một thưa thớt. Nương đồi, bãi chăn thả, vườn, nhà… đã dần lấy mất chỗ. Phần khác cũng bởi dân tộc Mính không thích màu hoa trắng bằng màu hoa đỏ. Chắc là như mẹ nói: màu trắng là màu của bạc bẽo và trắng tay. Vì thế, trên con đèo bây giờ là thiên đường của hoa gạo. Cái thứ hoa đỏ như máu, đỏ như lửa luôn làm ấm những trái tim sống trên mãi chênh vênh.
        Mính ngồi tựa lưng vào nền rừng, nhìn vô thức vào khoảng trời hoa gạo cháy. Đàn trâu thì dính chặt vào gốc cây gạo già như bị thôi miên. Mính bật nhạc điện thoại - chiếc điện thoại bố mẹ phải bán một vườn quả đào và một đồi quả sơn tra mới mua được - tiếng hát của một chàng trai Mông hùng dũng vang lên cùng với tiếng khèn, tiếng sáo vừa thiết tha, vừa mãnh liệt: “Trời đã sang xuân, cái gì gọi xuân về?  // Chim “rì li” vẫy đuôi kêu ríu rít gọi xuân về!  // Nó bay chập chờn trên tít đỉnh núi  // Mình chẳng có lòng thì thôi  // Có lòng, mình tiễn tôi đi thêm một quãng lối”…
        Mính nhớ hôm mẹ mua cho cái điện thoại này, mẹ cứ nài nỉ nhờ chú bán điện thoại cài cho thật nhiều nhạc “tình yêu”. Hỏi thì mẹ bảo, nhà neo người, muốn có thêm tiếng hát, cho chật cái nương, cho chật giấc ngủ. Vẫn câu nói mà hôm cô giáo Phương và một cô cán bộ Hội phụ nữ xã lên, cả bố và thằng Hếnh cũng đã thuộc. Một đêm, Mính chợt tỉnh giấc và nghe trộm được câu chuyện lạ từ bố mẹ:
        - Bà thấy con Mính “đẹp” chưa?
        - Chưa!
        - Vẫn chưa à?
        Bố thở dài cái thượt. Sớm hôm sau, bố “đọc lệnh” bắt Mính nghỉ học. Mính nằm khóc cả ngày không dậy. Hôm sau nữa, Mính hỏi lí do, bố bảo ở nhà chuẩn bị lấy chồng. Mính cãi bố vô lí. Bố vẫn nói làm người Mông thời đại mới phải học giỏi, phải làm cán bộ, giờ lại đổi nghĩ bảo con gái Mông cần gì học, ở nhà lấy chồng, chăm sóc nhà cửa, tổ tiên ông bà nhà chồng thì mới tốt. Mà Mính thì đã 13 tuổi rồi, nếu không nhanh, qua tuổi 15, ở đâu chứ ở bản Vách Đất Dựng Đứng Khó Trèo này là thành “gái nấu cao”, thành “gái ăn vạ” bố mẹ ngay. Bố đã hạ quan điểm, sẽ phớt lờ cả những phân tích phải trái của cô giáo và các bộ xã.
Mính nghỉ ba ngày, nhớ trường, nhớ bạn đến ngẩn ngơ. Mính tự trách mình mắc lỗi gì đó mới khiến bố mẹ thất vọng, nên thế. Nhưng nghĩ mãi cũng không ra. Bố mẹ là người lớn, mà người lớn thì quá phức tạp. Tối ấy, sau “bữa cơm nguội”, Mính năn nỉ bố cho đi học lại. Mính hứa sẽ chăm chỉ học hành, thời gian rỗi sẽ làm lụng thật nhiều. Bố bảo không cần Mính làm, chỉ cần Mính sớm có người “cướp” đi. Nếu không nghe, bố sẽ bán đàn trâu, bỏ hoang cả nương rẫy nữa.
Thằng Hếnh - em trai Mính - nghe bố dứt khoát thế cũng sụt sịt. Nó phản đối bán con trâu “Đầu Mấu” của nó. Bán đi, nó chẳng còn gì ra oai với bọn bạn chăn trâu trong bản nữa, vì con “Đầu Mấu” húc đâu thắng đấy, nên kể như nó cũng là “đầu mấu”! Thằng Hếnh cũng không cho bỏ nương rẫy. Nó bảo, đã từ năm trước nó biết tra hạt, làm cỏ, giúp bố đánh đống lúa ở giữa nương để đập và gùi dần về nhà. Nó khẳng định, tuy mới làm được rất ít nhưng dần dần, người to khôn to, sẽ làm được nhiều lên thôi. Nó học lớp 6 rồi nên biết, bỏ nương rẫy thì lấy gì mà ăn…  Đang phản đối bố, nó buộc phải ủng hộ bố để giữ đàn trâu và nương rẫy.
        Nhà Mính giống như bao nhà khác trong bản, sống bằng ngô thóc tự trồng. Kém trồng là kém thu. Hết trồng là hết sống. Là con cả trong nhà, Mính buộc phải nghĩ như bố mẹ nghĩ, làm như bố mẹ làm. Chỉ có một cái Mính không học được, đó là, dù hoàn cảnh nào thì cũng không thấy bố mẹ khóc. Lần nhà bị tàn đốt nương vương vào, cháy sạch, Mính hỏi mẹ sao không khóc? Mẹ bảo nước mắt mẹ khô từ hồi biết làm người lớn rồi. Thay vì nước mắt chảy ra, Mính thấy mồ hôi của bố mẹ đổ xuống nhiều hơn. Mính chưa đủ lớn để hiểu và tự trả li mọi chuyện. Tâm trạng mấy bữa nay cũng thế. Mính không thể hiểu được vì sao mình lại chưa “đẹp”, mặc dù Mính đã trốn vào rừng, lột sạch quần áo mà sờ, mà ngắm mình.
        Tết năm nay nhà Mính không có cỗ. Bố bàn với mẹ giết thịt con Chồn Nâu - tên con nghé cái 3 tháng tuổi mà Mính và thằng Hếnh đặt. Mính đã ôm chặt dóng chuồng, không cho ai mở. Người Mông bản Mính, kiêng ăn rau ba ngày tết, vì quan niệm cả năm sẽ chỉ có rau. Ăn rau năm mới thì nương vườn cũng sẽ nhiều cỏ, neo người càng không thể giẫy dọn. Vậy là cả nhà Mính ăn cơm muối trắng.

***

        Phía gốc gạo, con Sừng Vênh - mẹ con Chồn Nâu - bỗng húc điên cuồng vào bụi rậm, làm cả đàn trâu ộc lên, lồng lộn. Con Chồn Nâu chạy ép vào chân mẹ, sợ hãi. Đàn trâu m , vừa thủ thế vừa nhìn về phía Mính. Mính mon men đến thì nghe có tiếng lợn con rên. Từ gốc gạo, một con lợn rừng mẹ dẫn đàn con, chạy thục mạng xuống khe. Đâu đó vẫn có tiếng rên èn ẹt như sắp tắt thở. Mính rón rén vạch lớp cây cỏ đã bị đàn trâu giẫm nát, một con lợn con cỡ dăm cân, lông đen bạc, xen kẽ những sọc màu vàng, nom như con sóc sọc dưa, bị gẫy một chân trước, nằm kẹt trong mớ dây dợ. Mính khẽ nhấc con lợn lên. Mặc dù rất đau nhưng nó vẫn cố vùng vẫy, và luôn ngoái cái mõm nhọn hoắt như mõm chuột chù lởm chởm răng, đòi cắn vào tay Mính.  
        Cả buổi trưa, Mính ngồi dưới gốc gạo vuốt ve con lợn rừng gãy chân. đã bớt hung hăng, nhưng vẫn nhìn chằm chằm vào mắt Mính cảnh giác. Cái chân gãy của nó đã được Mính dùng cành que nẹp lại. Mính không biết thuốc liền xương nên chỉ sơ cứu như thế, tối đem về bảo bố lấy thuốc. Thường ngày ở nhà, Mính và thằng Hếnh vẫn hay giữ chân gà con để bố bó lá và nẹp. Vài ngày sau, chân gà liền hẳn. Bố Mính hay nói, nhà mình nghèo, vật nuôi ít, phải biết “tiết kiệm chết”, nếu không sẽ bị ở rét, bị ăn muối, ăn rau. Thằng Hếnh nhiều lúc bắt chước giọng bố, nói hệt như ông cụ, bảo ngày ăn cơm một lần thôi, ăn nhiều hết gạo. Vậy là từ đấy, sáng nhịn đói đi học, trưa ăn cơm bán trú ở trường, tối về vét cơm nguội. Nó làm thế, cả nhà phải làm theo. Mính đã quen, bụng không còn đau như bị bò húc mỗi khi không được ăn no như hồi bé tí tẹo nữa.
        Thắng Hếnh kết con lợn rừng con lắm. Bố đã đan bốn phên rào, quây nó ở chái nhà. Được đắp cây thuốc, được nẹp cố định đoạn chân gãy, lại được mẹ bồi dưỡng cho những bắp ngô nếp non trồng trái vụ, nó đã tập tễnh đi lại. Mỗi khi đói, nó không biết rít như lợn nhà mà hếch cái mũi lên khịt khịt. Thằng Hếnh xuống lớp khoe nhà nó nuôi một “mãnh thú”, khiến các bạn nó mò lên, rồi thì cả mấy chú kiểm lâm cũng lên. Các chú lập biên bản, rồi bắt bố viết cam kết khi nào con “Mãnh Thú” khỏi hẳn chân thì phải thả nó vào rừng.
        Tối hôm ấy, bố bàn với Mính và Hếnh giết con lợn. Thằng  Hếnh xị mặt ra như bị ong đốt. Mính thì phản đối dữ dội. Bố bảo:
- Cho đến trước khi phải giao nộp súng cho Nhà nước, tao đã bắn hàng trăm con lợn rừng để ăn thịt, để khỏe mạnh, để đẻ và nuôi hai đứa khôn lớn đấy!
Mính lí sự:
- Đến lúc bố phải bù đắp cho lũ lợn. Bố phải thành tâm trả nợ cho chúng, bằng cách bảo vệ chúng. Cô giáo con thường hay giảng về cái “hậu” của nhân vật, như thế!
Bố Mính nghe xong, lặng lẽ bỏ đi nằm. Thằng Hếnh thì nháy mắt về phía Mính, rồi chạy đến. Nó học bọn bạn người Kinh dưới kia, đưa hai tay lên đập vào hai lòng bàn tay Mính: “G…i…ê!”. Làm lại: “Giê! Giê! Giê...!”. Cả hai đứa đắc chí, phóng vút ra chuồng con “Mãnh Thú”. Kỳ lạ quá, nó đâu rồi? Cái Mính và thằng Hếnh nháo nhác đi tìm. Có tiếng nhai sồn sột ngoài vườn khoai. A, con này giỏi thật. Khỏi chân là đã có thể nhảy cao như vận động viên nhảy sào, biến ra ngoài ăn trộm khoai của mẹ.
Ngạc nhiên thay, con “Mãnh Thú” không hốt hoảng bỏ chạy như bản tính vốn có của các loài thú rừng, mà nó đã bắt đầu học những tiếng ủn ỉn, rồi ngoan ngoãn chạy theo thằng Hếnh về chuồng. Nó đã thành lợn nhà, thành bạn rồi. Mính ngồi ngắm con lợn mà ước được vô tư như nó. Có Mính và Hếnh bảo vệ, đảm bảo nó sẽ không như con “lợn béo lợn thịt” trong sách. Mính và thằng Hếnh đã giao hẹn rồi, khi nào con “Mãnh Thú” khỏi hẳn và tự kiếm ăn được, hai đứa sẽ mang đúng đến khu rừng gạo để thả cho nó trở về với bầy đàn.

***

        Mính ngồi ôm chặt cái cột buồng, khóc rấm rứt. Mẹ xô cửa vào, hỏi như ra lệnh:
        - Có ra cho người ta nhìn một tí không?
        Mính vẫn ôm chặt cột buồng, câm lặng:
        - Đến tuổi rồi, định làm gái già hả? Nhà thằng Pệt, ở bản dưới, giầu lắm, nó lại tiến bộ, biết buôn bán tiền. Nhà nó lợp ngói, nó đi xe máy, quần áo giầy dép của nó toàn là hàng dưới chợ thôi, sung sướng lắm. Mày sẽ không phải chăn bò, không phải làm nương. Tối không phải thức xay ngô, xe lanh, kéo sợi...
        Mính vẫn sụt sịt. Thì ra là thằng Pệt. Nó học trên Mính một lớp, hồi học cấp một trường cụm bản, lại cùng đường về. Mính ghét nó nhăn nhở, ghét nó cạy giầu khinh người, ghét nó mất gốc người Mông. Nói tới thằng Pệt là tiếng nó đã đến bên cửa:
        - Thôi bác ạ, để hôm khác cháu đến. Em Mính chắc còn ghét cháu, nhưng không sao, rồi em sẽ nghĩ lại.
        Mẹ Mính xô cửa, gọi với:
        - Cháu Pệt ơi, đợi đã…
        Mính không nghe thấy gì ngoài tiếng vít ga xe máy. Mẹ Mính biết, thế là hỏng tất cả, nên quay lại, cằn cộc:
        - Đứa nào cũng được, mày thích thì đưa về đây. Ngay đấy.
        Ở dưới trường, có anh Chía học lớp 8, rất quan tâm Mính. Nhất là khi phải ra suối múc nước hay lên rừng nhặt củi. Anh đỡ đần mọi việc, tâm sự mọi chuyện và lần nào gặp anh cũng nói một câu: “Mính có đôi mắt buồn, anh rất thích”. Mính chỉ im, nhưng bọn bạn biết chuyện hay hỏi trêu anh: “Cái Mính đẹp lắm à?”. Những lúc như thế, Chía hay bối rối: “Gần đúng!”. Bọn chúng cười phá lên: “Thế nghĩa là cái Mính không đẹp thật, mà do anh tán nó thì khen cho đẹp mồm anh thôi à?”. Chía đỏ lựng mặt, bỏ chạy, nhưng lần sau gặp vẫn chỉ một câu khen và thích đôi mắt buồn của Mính.
Anh Chía hiền và tiến bộ. Anh bảo tết muốn đến nhà Mính chơi. Anh cũng bảo đợi đến khi cả hai làm cán bộ Nhà nước rồi anh mới sang nhà “bắt” Mính. Mính bảo không biết!
Từ hôm ấy, thằng Hếnh được phân công theo sát gót Mính. Mính hoạnh, nó khai:
- Bố mẹ sợ chị ăn lá ngón.
- Mày về bảo bố mẹ, tao là người tiến bộ sẽ không ăn lá ngón tự tử đâu.
- Không! Những người quyết tâm chết thì hay đánh lạc hướng người khác như thế.
Mính bật cười, rồi kéo thằng Hếnh lại hỏi nhỏ:
- Thế mày có biết tại sao mà bố mẹ cứ nằng nặc bắt chị lấy chồng sớm không?
- Không!
- Mày lạo, tưởng chị không biết à, lúc đầu mày còn phản đối bố mẹ bắt chị tảo hôn, nhưng khi được bố mẹ rỉ tai là mày phản bội chị luôn còn gì?
Thằng Hếnh bị bắt bài, đổi giọng, lắp bắp:
- Nhưng, nhưng… bố mẹ bảo chết cũng không cho chị biết.
- Mày mà không nói, chị ăn lá ngón chết đi cho một mình mày sống với bí mật của bố mẹ.
- Đừng, đừng… em nói…
Kể xong, thằng Hếnh buông một câu trấn an, y như ông cụ:
- Yên tâm đi, tại chị hay “giáo huấn” bố, bố giận vài con trăng là nguôi bụng thôi mà.

***

Mính bỏ mặc đàn trâu đang chúi mõm vào gốc gạo, để rúc sâu vào bụi cây gai, cởi bỏ hết quần áo. Mính sờ. Mính nắn. Mính nghiêng tai nghe ngóng xem cơ thể có mách bảo gì không. Tuyệt nhiên không có một cựa quậy nào. Mính chỉ được ngắm cơ thể của mẹ từ bên ngoài áo váy, nên chưa bao giờ rõ ràng. Có một điều duy nhất mà Mính biết đó là ngực mẹ rất tròn, mông mẹ rất to, bắp chân mẹ thì nần nẫn và chắc nịch. Mính đã dần dà hiểu được câu hỏi ẩn ý của bố. Đúng là mình chưa “đẹp” thật. Cách đây hai năm, Mính nhớ, đã có lần hỏi mẹ rằng bao giờ thì ngực Mính tròn như mẹ, mông Mính mẩy như mẹ. Mẹ bảo khi nào Mính 12 tuổi. Năm nay Mính đã sắp bước sang tuổi 14 rồi, mà ngực vẫn như ngực thằng Hếnh, mông thậm chí chỉ nhỉnh hơn cái que đuổi trâu.
Mính lầm lũi lùa đàn trâu sang sườn dốc, có rừng hoa gạo cháy đỏ ối bên kia núi. Vừa đi vừa tự đặt ra bao nhiêu là câu hỏi, rằng sao mình không được bình thường như những người khác? Trong cơ thể mình có gì lạ mà bố mẹ lại sợ sệt đến vậy? Liệu mình có cần sự giúp đỡ nào không? Nếu mình tự khám phá thì phải bắt đầu như thế nào?... Mính ôm đầu rống lên, làm đàn trâu giật nẩy, co chân phóng loạn lên một chập. Mính lại tự hỏi: “Mình phải tìm ai để trả lời giúp chứ, cứ thế này thì điên mất”. Mính giật bắn khi nghe tiếng thằng Hếnh gào từ bên kia mái núi:
- Chị Mính ơi, chị Mính…! Chị ăn lá ngón ở đâu rồi?
Nó vừa gào, vừa khóc thảm thiết. Mính chạy ngược lại phía nó:
- Chị đây, chị không ăn lá ngón đâu, Hếnh ơi…!
Mính ôm chầm lấy thằng Hếnh đang vừa khóc nức nở vừa phụng phịu. Bất chợt, Mính đẩy nó bật ra, khiến thằng em mắt tròn ngơ ngác. Nhớ rồi. Cái lần anh Chía cầm tay Mính kéo qua con nước lũ khi đi lấy củi, Mính đã có cảm giác gai buồn từ tay lan vào ngực, ra sống lưng, rồi lên não. Mính chỉ kịp hét và mặt thằng Hếnh: “Mày xem trâu nhé!”, rồi phăm phăm ngược núi.
Mẹ đang ngồi băm rau dướng ở góc sân, Mính xộc vào cầm tay mẹ đặt lên ngực mình, liến thoắng:
- Con bình thường mà mẹ, con bình thường mà…!
Mẹ Mính im lặng:
- Con giống mẹ, là người bình thường, không phải ma đâu.
- Con bé này, điên à?
- Thật đấy mẹ, mẹ hứa đi, đừng tìm cách đuổi con ra khỏi nhà, mẹ nhé?
Mẹ Mính chẳng nói chẳng rằng, ôm Mính mà khóc. Đoạn,nhỏ nhẻ:
- Mẹ biết rồi!
- Mẹ biết từ bao giờ?
- Hôm qua.
- Sao mẹ biết?
- Thằng Chía lên lúc con đi chăn trâu. Nó bảo chắc chắc con là người bình thường. Nó hứa thế.
- Chía có hứa thêm gì nữa không mẹ?
- Nó bảo con và nó rồi sẽ làm cán bộ, và để lại vật này.
Nói rồi bà vào nhà, trèo lên gác lôi xuống con dao nhọn, lưỡi mẻ một miếng to.
- Nó chém vào hòn đá đầu nhà mà thề rồi
- Chía thề gì vậy mẹ?
- Nó bảo cứ coi như con đã là người nhà nó, kể từ hôm qua.
- Vậy là mai con được đi học rồi ạ?
- Ừ!
- Nhưng còn bố?
- Là bố mày quyết thế .
- Con cảm ơn bố mẹ!
Mính buông cổ mẹ, lao về phía núi. Thằng Hếnh chẳng buồn lùa trâu về chuồng. Nó ngồi dựa lưng gốc gạo, nhìn xa xăm. Mính nói như reo với nó:
- Hếnh ơi, chị được là người bình thường rồi.
- Em biết.
- Mày ngồi đây, sao biết?
- Thì em xuống trường tìm anh Chía lên giúp mà.
- Hóa ra là mày?
Mính bất giác đặt tay lên ngực. Tất cả im phăng phắc, chẳng có bất cứ rung động nào. Mính giằng tay thằng Hếnh đặt lên ngực mình. Vẫn trơ ra. Mính ngồi phịch xuống bên em, than thở.
- Tao biết tao chỉ thành người bình thường khi được mày đánh tráo?
- Không phải thế!
- Bố mẹ bảo tao sẽ không bao giờ biết đẻ, nên không thể đợi đến khi tao “đẹp” được, vì lúc ấy mà tao vẫn như củi khô thì chẳng ai thèm cướp. Khổ tao, khổ bố mẹ.
- Chị là người bình thường, chỉ là chị thích đọc sách hơn tập đàn môi, thích ngồi một mình ngắm hoa pa-tong-thá hơn ném ta-pao. Những lúc ấy, bố mẹ hay đứng bần thần sau lưng chị. Có lần em bắt quả tang bố mẹ ôm nhau khóc.
- Thế sao mẹ bảo con ma trong người mách mẹ thế, chắc chắn?
        - Thì mẹ đã tin anh Chía rồi, vì anh ấy quả quyết lắm, con ma trong người chị mách anh ấy, chị là của anh ấy, nhưng mà phải tận sau này cơ.
- Anh Chía làm sao mà biết trong người chị?
- Anh ấy bảo em, không tin thì cứ lên lớp 8 như anh ấy, học giỏi môn sinh vật vào.
Mính lặng im. Thằng Hếnh nghỉ đoạn, rồi tiếp tục thủng thẳng:
- Chị thì qua rồi, còn em, bố mẹ bảo là không bình thường!
- Sao? Em cũng không bình thường á?
- Đúng, giọng em đã khàn, cơ bắp em đã nổi. Em thích phi ngựa, thổi sáo, bắn nỏ. Em muốn tiếng khèn của em khiến cỏ cây hoa lá phải ngập ngừng… Em đã tự làm theo ý mình nhiều hơn theo ý bố mẹ.
Mính vỗ vai thằng em, nói như bà cụ:
- Yên tâm đi, tại vì em bướng nên bố mẹ giận, nói thế thôi. Một con trăng là bố chùng cái bụng xuống à.
- Không! Em phải gánh một gánh thóc đầy, vác một cây gỗ to chứ không nghe bố, ôm một dúm lúa, vác một que củi nữa đâu. Em thích trở thành người không bình thường!

Pú Pha Đin, 10.03.2015

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét