Huổi Háo không xa lắm (cách trung tâm
huyện lỵ Mường Ảng - Điện Biên chừng 16 cây số), nhưng lại rất cao. Cao như thể
người ta đang định cư trên mây vậy. Với tay là chạm vào lốc nhốc vật dụng nhà
trời. Trăng, sao, sương, mây… và đặc biệt là gió, nhiều như sống ở mắt bão. Vào
mùa đông, ngọn núi Đá Mài (Dịch nghĩa phổ thông), cây rừng như bị đút cả vào trong
ngăn đá tủ lạnh. Gió đông cứng ngay trên hiên nhà…
Ở
ngọn núi "ngăn tủ đá" đó có ông già người Mông được mệnh danh là
"Ông ong chúa" theo đúng nghĩa đen. Ông biết nói tiếng loài ong. Ông
cũng biết đẻ ra con ong. Trong vô số đàn ông Mông, ai ai cũng rành về muông
thú, côn trùng… như rành con gà, con lợn trong chuồng, vậy mà chỉ có mình ông,
được chính những "chuyên gia" rừng rú ở quanh ngọn núi này mệnh danh
là "ong chúa".
Lạ thật!
Ong chúa là con ong cái duy nhất trong
quần thể đàn ong, có năng lực đẻ trên dưới hai ngàn trứng một ngày đêm mới đủ
duy trì và phát triển tổ ấm. Ông già là "con" đực, về loài cũng
"sinh vật khác biệt", chả có vòi hút, chả có ngòi đốt, chả có chức
năng vỗ cánh… tay, bay vút lên không trung, nhưng lại có thể "đẻ" được
ra con ong để mà bầu bạn?
Lạ cũng còn bởi nhẽ, về lý thuyết ứng dụng
mà nói, ở nơi cao đến thế, lạnh đến thế, gió nhiều đến thế thì cho dù có là ong
mật rừng hoang dã có sức sống mãnh liệt, cũng không thể an cư. Con ong rất sợ
rét. Cứ rét dưới 10 độ là đông cứng người lại, bò không nổi nói gì bay. Bình
thường, chỉ cần gió cấp ba cấp bốn thôi, cũng không thể ra ngoài kiếm hoa làm mật.
Đặc biệt là lúc "vận tải" hàng hóa, gió sẽ xé rách cánh, sẽ làm dập vỡ
diều mật… rồi gió quăng chúng đi như quăng những hạt bụi. Chưa kể, trên các đỉnh
núi cao như mọc từ mây ra, hoa tiết mật dường như không xuất hiện. Nguồn thu thất
bát vốn không bao giờ là sự lựa chọn khôn ngoan của côn trùng hoang dã…
Vậy mà tất cả những nghịch lý, ngược đời
và khó tin đó đều có ở Huổi Háo. Ong có cả nửa trăm đàn, một kỷ lục về sở hữu
ong mật hoang dã ở Tây Bắc. "Chúa bà" của chúng là một ông già người
Mông, tên Vàng A Sùng, năm nay tròn bảy mươi tuổi. Ông Sùng là thổ dân gốc trên
chính cái đỉnh núi ngày đêm gió lồng tan hoang đó. Bảy mươi năm "quẩn cư",
ông thuộc từng ngọn cỏ, cái gì thuận, cái gì bất thuận ông rõ còn hơn cả tên
mình. Có một điều cũng liệt vào chuyện lạ, đó là đàn ông Mông vốn dĩ đẻ khỏe
như dê núi, vậy mà ông Sùng lại chỉ đẻ được có mình anh con trai Vàng A Chua,
năm nay bốn bốn tuổi, làm công an viên xã (Ẳng Tở). Hỏi vì sao, ông chỉ cười.
Người bản nói, phụ nữ Mông chả bao giờ chấp nhận sống với người chồng không biết
làm họ vui. Nói như họ là, khi nào mà hai vợ chồng nằm cạnh nhau như hai anh
em, là sẽ chia tay, cho dù tuổi tác của đôi bạn đó đã là "thất thập cổ lai
hy". Như vậy, dù chỉ đẻ được một người con nhưng ông Sùng vẫn là "đứa
vui" của vợ!
Tôi quen anh Chua và nghe rất nhiều chuyện lạ
kỳ về bố anh. Mùa uống rượu năm nay, tôi đã nhận lời mời của anh lên ăn tết
Mông trên bản Huổi Háo. Tôi vốn sợ rượu, mà tôi lại là khách vùng thấp (tức là
khách cán bộ), nhất lại vào dịp tết, phải có công năng tiêu hao hàng trăm bát
rượu trong vòng hai tư tiếng. Với tôi thì một bát còn chả tiêu hóa nổi. Nhưng nếu
phải đổi một cuộc tàn sát thân thể tàn nhẫn nhất trong lịch sử đời mình, để được
say lê lết, và ngủ bê bết cùng "ông ong cái" thì với tôi không những
là đặc ân, mà còn là ước nguyện!
***
Đường lên ngọn núi Đá Mài dốc như trèo
cây. Những năm trước, người ta chỉ có thể đi bộ. Bây giờ nhà nước đầu tư đường,
nhưng cơ bản chỉ được xe máy vào mùa khô. Tôi vừa đổ đầy bình xăng vậy mà ở những
đoạn phải xuống xe, vào số một, vừa ga hết cỡ vừa đẩy mới lên được, thì chiếc
kim đồng hồ đo xăng quay về đúng vạch báo động. May mà đã từng thỉnh giáo anh bạn
làm nghề sửa xe máy ở thị trấn, anh bảo trong trường hợp đó, chiếc bình xăng gần
như bị lộn ngược, rốn xăng, đồng hồ đo xăng "nổi" lên trên… không khí,
thì làm sao mà chả báo hết xăng(!) Đấy, đúng là trình độ bờ cờ về xe. May mà biết
rồi, không thì lại quay đầu trôi về, vì cứ nghĩ không đủ xăng trèo tiếp.
Lên tới đầu bản, qua màn xương mù dày đặc,
thấp thoáng những thùng ong trồng chon von, xen giữa lúp xúp nhà bản, trên một
sườn đồi trơ trọi. Trước khi lên đây, tôi được một chú em có thâm niên gần hai
chục năm trong làm nghề nuôi ong mật, bổ túc: Con ong sợ nơi trống trải ánh
sáng, sợ gió, sợ động tổ, sợ côn trùng ăn thịt, ăn mật (kiến, gián, bướm ngài,
ong vò vẽ…); sợ động vật lưỡng cư (tắc kè, thạch sùng, cóc…) và các loại sơn cầm
ăn ong, bao gồm cả gia cầm (gà, ngan…). Vậy mà năm sáu chục đàn ong của ông
Sùng cứ sống chung với thông thống gió, thông thống ánh sáng và rầm rập người,
gà, ngan, lợn, trâu, bò… qua lại. Thỉnh thoảng có con gà nhẩy với lên cửa tổ
ong, mổ những con ong đang bò, day nát và nuốt. Trẻ con đá bóng bưởi vào tổ ong.
Lợn và trâu bò cũng nhè tổ ong mà cọ ve rận… Nhưng những đàn ong của ông Sùng cứ
bình thản rạch gió bay đi, khi về, con thì vàng ối hai giỏ phấn, con thì lặc lè
diều mật…
Ông Sùng lóc cóc nhặt những cành cây khô
đè lên mái gianh để phòng gió Bấc. Ông nói hôm nay mây nhiều, lạnh thấu da thế
này là lát nữa trời nắng. Chỉ khi nắng lên, con ong mới dám ra khỏi tổ. Về mùa
lạnh, dù nắng to nó vẫn phải hút một giọt mật từ trong "kho dự trữ" của
đàn, để làm ấm người (mật ong rất nóng), và để tiếp thêm nhiên liệu bay cả chục
cây số xuống chân núi - nơi có hoa dã quỳ, hoa xuyến chi, hoa ngũ sắc, hoa cỏ
lào… chuyên nở về mùa đông - để cõng mật, phấn, nước khoáng và đôi khi chỉ là
nước lã về chống khô tổ. Đây chính là nguyên nhân con ong sống giữa gió, giữa
rét và giữa nơi hầu như không có cây tiết mật. Ông Sùng bảo, phần đa nó nằm
trong tổ tránh gió, tránh rét, và như vậy thì cần rất nhiều lương ong để nuôi sống
đoàn quân "nhàn cư vi… kích động" này. Ông cũng nói, thông thường đàn
ong ở giữa nguồn mật thì mang diều đói đi mới hút được nhiều dịch hoa, nhưng ở
đây, con ong phải ăn no rồi mới đi rất xa, rất sâu xuống vùng thấp, lại thêm
nghịch lý "khi trôi dốc thì xe không, leo đèo lại chở nặng" nữa, nên
sản lượng mật cũng rất thấp.
Tôi hỏi vì sao ông biết tỉ mỉ về ong như
vậy, ông bảo ngày nào chả mở đõ ong ra nói chuyện với chúng. Chúng không đốt
ông, mặc dù trong một đàn ong trung bình có khoảng năm vạn ong thợ; chỉ cần một
phần ngàn số đó đốt có thể ông đã sốc độc, chết không kịp ngáp rồi. Ông thừa biết,
khi một con ong đốt, nọc của nó vừa là độc dược, vừa tỏa ra một thứ mùi "phát
lệnh tấn công" có từ trường rộng và độ kích thích cực mạnh lên não bộ của
bầy đàn. Lúc ấy thì, bất chấp nạn nhân của nó có lặn xuống nước bơi đi, thứ nọc
chết chóc kia rỉ từ vết đốt ra, nổi lên "tố cáo" nơi nạn nhân ẩn náu,
và thế là cả đàn ong bu vào, hạ sát đối thủ ngay khi vừa thò mũi lên thở.
Những đàn ong của ông Sùng ngoan như được
dạy dỗ vậy. Hỏi ông, ông cười cười rồi gật. Ông dạy chúng thật. Ông luôn nói
chuyện phải trái với chúng để chúng chỉ nghe quen tiếng của mình ông thôi. Ông
vuốt ve, vỗ về và dọn dẹp cho nhà của những đàn ong luôn thơm tho, sạch sẽ. Đõ
ong dột, mốc là ông sửa chữa, che chắn ngay… Ông đúng như những con ong chúa,
tiết ra hương chúa (pheromone) để lãnh đạo đàn ong. Con ong chỉ có hệ thần kinh
(không có não), sống và sinh hoạt dựa hoàn toàn vào phản xạ có điều kiện, đó là
mệnh lệnh phát trực tiếp của ong chúa. Ong chúa ngoài ăn và đẻ ra, còn liên tục
tiết nhiều loại pheromone để điều kiển đến từng cá thể ong trong đàn. Ông Sùng
đã khám phá ra bí quyết này để dạy cho chúng hiểu và công nhận ông cũng có
"hương chúa". Cái mùi chua chua, nồng nồng của mồ hôi, thậm chí cả
mùi rượu nẫu lòm phun ra từ hơi thở lẫn với mùi thuốc mán quấn lá tre vừa tanh
vừa khai…, chính là thứ hương lành, hương cận vệ, hương cứu rỗi, có thể còn là
hương mua vui nữa, cho nên chúng không bao giờ đốt ông.
Anh Vàng A Cá, 26 tuổi, trưởng bản Huổi
Háo tiết lộ, bố anh là bạn thân của ông Sùng. Hai ông không đi học mà ở nhà chăn
trâu, săn bắn và đặc biệt là bắt ong mật từ bé. Ông Sùng luôn có tình yêu đặc
biệt với loài côn trùng gớm ghiếc này. Ông không bao giờ đốt, phá tổ ong như hầu
hết các thợ ăn ong khác. Tổ nào dễ bắt, ông luôn nhẹ nhàng tách lấy một phần mật,
còn thì trả lại nguyên trạng tổ ong để chúng tiếp tục phát triển. Tổ nào khó,
phải chặt, phải bổ phá là ông không bao giờ đụng vào…
***
Giữa thập kỷ thứ nhất của thế kỷ hai mốt,
cuộc sống của hơn bốn mươi hộ dân Huổi Háo chỉ biết dựa vào nương rẫy, bỗng lâm
vào cảnh đói rét xác xơ. Mùa đông thì băng giá, mùa khô thì hạn hán, mùa mưa
thì trôi sạt. Nương vườn thua lấm lưng trắng bụng. Nhiều nhà phải bán đi cả những
"đầu cơ nghiệp" vốn quý như sinh mạng của chính mình. Ông Sùng lúc đó
đã xấp xỉ 60, nhiều năm nay ông "về hưu nương rẫy" chỉ chăn trâu, giờ
trâu cũng không còn mà chăn nữa. Vài chục năm thì chả người Mông nào sợ đói. Mất
mùa cầy cấy thì đã có mùa lá củ trong rừng, nhưng giờ rừng cũng chả còn gì để
cho người Mông ăn nữa. Đào bới cả ngày cũng chỉ được vài cái rễ đắng đót, hái
lượm cả ngày cũng chỉ vài nắm lá chua, chát. Ông Sùng khôi phục lại nghề bắt
ong, vì ông biết, dưới vùng thấp rất chuộng mật ong rừng. Mỗi lần ông có mật, họ
lại đi bộ lên tận bản trả hơn trăm ngàn đồng một lít. Nhưng rồi thì bao nhiêu lần,
ông đi như thế nào thì lại về như vậy. Hai bàn tay không. Ông vẫn đi, đi miết cả
tuần mất tăm mất tích. Khi mà cả nhà lật tung núi tìm ông đã tuyệt vọng, thì
ông về, trên vai chẳng gì ngoài một đoạn cây rỗng ruột.
Cả nhà đang giận và buồn như chấu cắn
nên không ai chấp ông. Họ thấy ông đục đục, khoét khoét, đẽo đẽo rồi mang ra trồng
ở bãi đất trống sau nhà. Ngày ngày ông già U70 nhai nhệu nhạo mẩu sắn nướng, rồi
ra ngồi rình cái đõ. Vài bữa sau, ông nghe tiếng vo ve. Một con ong trinh sát
đã chui vào thám thính, đo đạc và thẩm hương chiếc đõ của ông. Ông Sùng nhẩy cẫng
lên như đứa trẻ: "Về rồi, về rồi!". Nói về quyết định có phần hoang
tưởng ấy, ông Sùng ngần ngừ. Ông đi rừng tìm tổ ong nhưng cứ như chúng đã tuyệt
chủng vậy. Họa hoằn còn một đàn thì cũng không có mật nữa. Ông buồn nên uống cả
lít rượu cốt mang theo. Đêm đó ông nằm phơi thây giữa rừng mà say. Một trận say
chưa bao giờ có. Không nôn, không vật vã, không nhức đầu, đau bụng. Chỉ như người
ta ngủ một giấc thật sâu, thật thanh thản. Rồi ông nằm mơ thấy Ua Bâu Súa hiện
về, truyền lệnh cho ông phải cứu loài ong trên đỉnh Huổi Háo. Ngài giục, cứ làm
đi rồi ngài giúp. Cứu ong ong trả ơn!
Sau ngày có đàn ong đầu tiên, ông lại đi
rừng biền biệt, bất kể ngày đêm để đẵn về những thân cây rỗng. Cứ thế chờ đợi
trong hồi hộp ngày này qua ngày khác, tháng nọ sang tháng kia, cuối năm đó, đã
có ba đàn ong èo uột bệnh tật và xơ xác về định cư trong những ngôi nhà ông làm
sẵn cho chúng. Cái giống ong này lòng dạ chả khác gì con người, cũng biết chơi
trò ví dụ. Cứ như chúng chạy test tấm lòng của ông vậy. Chúng sống thử với ông
qua đủ bốn mùa khô, mưa, nóng, lạnh để đủ điều kiện phê chuẩn quyết định làm bạn
cùng ông. Từ ba đàn ong ốm dặt dẹo ban đầu, một năm sau chúng đã sinh sôi nảy nở
lên hơn hai mươi đàn, chia cho ông hơn hai mươi triệu đồng tiền mặt. Số tiền bằng
cả một hộ bốn khẩu, làm nương quần quật cả năm mới có. Xóm làng thấy một ông
già leo heo đến vô dụng mà làm hơn cả bốn thanh niên, bèn đổ xô đi làm đõ dụ
ong. Nhưng rồi thì tuyệt nhiên không nhà nào thành công. Họ sang xem rồi ghi nhớ
kĩ lưỡng những đõ ong của ông Sùng. Ông dùng loại gỗ nào là họ bắt chước dùng
loại gỗ đó. Ông đặt hướng nào họ cũng đặt hướng đó… nhưng vẫn bặt không một tiếng
vo ve.
Người ta bắt đầu nghi ông Sùng dùng tà
thuật, và họ mời thầy mo đến nhà, thịt rượu dâng lên mời ong rừng về ở. Vẫn chả
có ma nào. Có nhà hơi hướng họ hàng sang nhờ ông Sùng truyền dậy kinh nghiệm,
ông vui vẻ chỉ bảo, nhưng ong vẫn ở đâu đó trong cõi hư vô. Cuối cùng, để làm
"yên lòng" xóm giềng, ông Sùng hì hụi đặt cho mỗi nhà một đõ. Kỳ lạ
là, vài ngày sau đã có nhà đón đàn ong đầu tiên về ở. Nhà muộn nhất cũng độ sáu
tháng sau là có ong nuôi. Ngay mùa mật đầu tiên, mỗi hộ cũng thu được vài lít mật,
nhưng lạ thay, sau đó ong của họ lại lũ lượt bốc bay về rừng. Riêng nhà ông
Sùng thì đàn ong ngụ ở tất cả các xó xỉnh, ngóc ngách của bản. Ông Sùng được
đàn ong trả "phí thuê nhà" cho hơn năm chục triệu, chả có đàn nào bỏ
đi.
***
Dăm năm nay thì dân bản mặc nhiên thừa
nhận, họ không duyên phận với loài ong, cũng không chung dòng máu, họ học rồi
nhưng không biết nói tiếng ong như ông Sùng, nên họ đầu hàng. Trời cho ông Sùng
thì ông Sùng hưởng, họ không ganh tỵ nữa. Thậm chí có người còn chạy bộ cả tiếng
đồng hồ từ rừng về, mách cho ông Sùng đi cứu một đàn ong đang nghỉ cánh nơi bụi
cây, vách đá, vì hàng chục năm nay, ong rừng làm gì còn chỗ sống nữa. Hốc cây
không còn, họa hoằn sót cái khe đá thì cũng bị đục phá, thậm chí nổ mìn… ngay từ
khi chưa xây xong bánh tổ. Ở rừng là chết chắc, vậy nên chỉ còn cách về nhà ông
Sùng, rồi ung dung sinh sôi nẩy nở, rồi nhân tách đàn ra riêng, "nhà cửa"
đã có ông lo, cướp nạn đã có ông che chở.
Trong cuộc rượu tưng tửng nói cười, tôi
khai thác ông Sùng tỉ mỉ như một gã học lỏm nghề. Ông cười hở ruột:
- Bí quyết gì chứ, cứ coi chúng như con
mình, mà mình lại chỉ đẻ được một đứa con thôi, giờ có thêm cả triệu đứa con,
như quân Nguyên, mình vui, còn chúng nó sướng!
- Lạy ông! Ông nói kiểu xoa đầu gió thế,
con chịu.
- Uống đi, rồi nghĩ đi. Cứ ở đây làm đứa
con thứ… hàng triệu của tao, mày sẽ hiểu vì sao ong nó không bốc đàn bay đi.
- Dạ!
Một
năm có bốn vụ mật, phấn hoa tự nhiên, ông Sùng xin đàn ong chia cho vụ mật
chính vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ. Mật vụ thu - đông ông chỉ lấy một phần ba
trong cái "kho dự trữ" của mỗi đàn. Theo ông, vì nó rất quý (có hoa
lá ngón nở), chữa được rất nhiều bệnh nên ông mới ăn bớt của ong. Hai vụ mật còn
lại, ông để cho ong ăn mà sinh trưởng. Ông Sùng bảo con ong rất giỏi tính toán.
Ông ăn chia lượng mật ổn định hằng năm là để cho nó khỏi vỡ kế hoạch. Nó biết cần
lấy bao nhiêu, dự trữ thế nào thì không bao giờ đói. Mình ăn chặn là nó sẽ
nghèo, ăn cướp thì nó sẽ chết. Nó bỏ đi cũng vì nhẽ ấy nữa… Tôi liên tục thắc mắc
rằng là, rằng là… và cả việc vì sao không ông cứ phải thu hoạch mật vụ xuân -
hè? Vụ đó nhiều mật nhất chăng? Ông bảo cũng nhiều, nhưng vụ mật thu - đông
cũng đâu có kém. Có điều, sau vụ mật thu - đông là những ngày rét dài, con ong
không những không đi lấy mật được mà còn phải ăn nhiều gấp đôi mùa khác để tích
trữ năng lượng, chống chọi giá rét và tiếp tục sinh sôi. Vấn đề nữa là chất lượng
mật. Mật xuân - hè là mật đa hoa, tức là có nhiều loại hoa nở cùng lúc hơn các
mùa khác, nên có chức năng chữa bệnh tốt hơn rất nhiều lần mật đơn hoa…
Ôi, mù tịt!
Nghe cứ như trong thần thoại. Con ong hiểu
tiếng nói, luyến mùi người, quản đàn tỉ mỉ như một bậc quản gia lão luyện thời
phong kiến; biết lên kế hoạch chi tiết như một nhà hoạch định chiến lược hiện đại;
và thu - chi khớp khít như một bậc thầy kế toán… Mật thì không dựa vào màu sắc,
mùi vị để phân biệt thật giả. Có mật màu vàng óng, có mật vàng chanh, vàng
sáng; có mật nâu sậm, cánh gián, thậm chí nâu đen như nước mắm; có mật lại
trong như nước mưa. Có mật ngọt sắc, có mật ngọt thanh, có mật chua, có mật đắng,
có mật mặn. Có mật loảng, có mật đặc, có mật đóng đường. Đóng đường thì lại có
mật đóng dạng mỡ, có mật đóng dạng vẩy, có mật đóng dạng san hô… Tất cả đều là
mật thật! Nói tóm lại là ngu ngơ, gà mờ, chả hiểu gì sất!
Trong lúc rượu lơ mơ, ông Sùng vào buồng
xách ra một lu cở, trong lốc nhốc rượu. Ông nhấc một chai có màu vàng sậm, mở
ra đã tanh ngoéo, ông nói đây là rượu quý nhất:
- Nếu thấy người quay quay như trâu bị đập
sọ, nhìn đằng trước nhưng bước về đằng sau thì uống một chén là biết đi thẳng.
Còn bị sưng khớp, nặng thì khớp dính biến dạng không cử động được, cũng chỉ uống
một chai này thôi, khỏi đến lúc chết.
- Nó giống mùi phát động tấn công! - Tôi
đưa lên mũi ngửi.
- Ha ha. Hóa ra mày cũng giỏi, biết có cả
mùi chết.
Tôi rùng mình, nó giống như người uống mật
gấu, lúc nào cũng gầm gừ như thể muốn cào cắn tất cả. Uống thứ rượu này vào rồi
suốt ngày chỉ đi tìm chỗ đốt thì bỏ mẹ. Nhưng rồi vẫn bị uống một chén rượu "trâu
tiền đình", vì ai trong mâm này cũng đều phải uống cả. Chai rượu quý của
ông Sùng vừa là "vắc xin bách bệnh", vừa chữa cả liệt dương. Ông bảo
nhiều cặp vợ chồng tối chỉ nằm cạnh nhau như hai anh em, uống rượu của ông không
đẻ thì cũng vui cả rồi. Ông nhấc một chai khác, màu vàng đục, nửa dưới chai như
bột ngũ sắc. Chai này có vị ngọt hăng nhưng dễ uống, ông Sùng quảng cáo:
- Bệnh đau nghĩ, không biết ngủ, bụng không
biết tiêu hóa, đau dạ dày, xương loãng, xương mềm, trẻ con còi cọc không biết lớn…
uống rượu này từ năm đến bảy ngày là khỏi.
- Cho cháu xin một chén, cháu đang bị…
đau nghĩ! - Tôi giơ chén vật nài.
- Có luôn! Mang ra đây là để uống mà.
Có chai chữa xơ gan cổ trướng, sưng bụng
vàng da; có chai như sữa non, công dụng bồi bổ người ốm yếu, suy dinh dưỡng… Tất
cả đều là sản phẩm của con ong. Có bệnh cần cho thêm thứ này loại kia, nhưng sản
phẩm ong vẫn là chính. Ông nói cứ uống đi, say sẽ có rượu tỉnh, tỉnh sẽ có rượu
say, yếu có rượu khỏe… Ông còn hứa, khi về ông sẽ cho tôi mỗi loại một chai.
Ông Sùng lại vào trong buồng mang ra một
chai mật ong đắng. Ông nói đấy là mật hoa lá ngón, không biết cách thu, uống chết
thẳng cẳng. Ông rót mật ra bát rồi đổ rượu ngô vào khuấy, các tia mật xoáy theo
vòng tròn, lấp lánh động quang. Đến khi mật tan hoàn toàn vào rượu, ông rót cho
cả mâm mỗi người một chén. Tôi dựng tóc gáy, chối đây đẩy. Ông Sùng ngửa cổ lên
trời cười như pháo nổ:
- Không sao đâu, uống đi.
- Cháu còn vợ dại, con nhỏ ở nhà…
- Cứ uống đi, cùng lắm là chết mấy ngày
thôi!
Tôi mếu máo đưa chén rượu có dấu vết chết chóc
lên môi. Rượu vào đến đâu, biết đến đó. Miệng khô, họng đắng, lưỡi líu, tai ù,
tim run thình thịch… Tôi chỉ kịp nghĩ, ngu ngốc gì đâu mà lại đi đùa giỡn với sát
thủ "đoạn trường thảo" thế này, rồi từ từ hình dung đến cái xác của
mình. Nội quan thì ruột đứt ra từng đoạn (đoạn trường), tim tan gan nát; ngoại
diện thì mặt mũi phù thũng, mắt bép mắt lồi, người có lỗ nào máu trào ra lỗ đó…
rồi lịm đi!
***
Tôi lơ mơ tỉnh, thứ đầu tiên nghe thấy
là tiếng con khướu mun hót như đổ rượu vào tai. Trời sáng lửng. Đầu tôi nhẹ bẫng
như mây, phổi thông, máu thoáng. Cảm giác lâng lâng sảng khoái cùng tận. Chắc
chắn là tôi đang ở trên thiên đình, nên cảm xúc mới khác biệt đến vậy. Mắt nhắm
mắt mở, bước theo luồng ánh sáng lòa xiên ngang, suýt nữa thì vấp phải ông già
Sùng đang ngồi lù lù bậu cửa, nhọn mỏ hót như đúng rồi. Hẳn nào con khướu đực
này có cái giọng dị lạ, lúc nãy nghe cứ tưởng khiếu thiên đình, mới có điệu
điêu toa vậy. Tôi hỏi ông Sùng khi nào rồi, ông nói ba ngày. Đầu tôi vẫn còn lưng
lửng, chả nghĩ ra chuyện gì, bèn xã giao:
- Bố đang dậy khướu hót à?
- Không, hót đánh thức hồn ma.
- Gì cơ? - Tôi nghĩ mình đang nghe nhầm!
- Không hót gọi hồn mày về, để cho mày
chết thẳng cẳng luôn à?
Ối giới ơi, con lạy bố! Bố đưa con hết
hú hồn này sang hoảng hốt khác. Đến đứt dây thần kinh mà chết với bố thôi. Tôi
phủi bậu cửa ngồi xuống bên lão. Lão hất hàm:
- Đã hoàn hồn chưa?
- Dạ, sắp!
- Mày là thằng cán bộ khá nhất mà tao từng
biết đấy. Chùi mặt chùi mồm đi, rồi lên nhà thằng Chua uống rượu. Hôm nay tết về
đến nhà nó.
Mặc cho tôi trợn tròn mắt vì sợ rượu,
ông Sùng bỏ đi về phía những đõ ong đang tập bay chập chờn trong nắng. Nhớ chuyện
ông kể, con ong thợ vừa nở ra đã phải dọn dẹp sạch sẽ chính cái lỗ "bào
thai" đã "mang nặng đẻ đau" mình trong suốt hai mốt ngày, để cho
ong chúa mẹ có chỗ đẻ trứng, ấp lứa em tiếp theo. Sang ba ngày tuổi là phải biết
tiết sữa, làm vú em, thậm chí tiết sữa cho cả ong chúa mẹ vốn dĩ ăn như
"nước đổ vào hang". Năm ngày tuổi thì bắt đầu tiết sáp xây tổ. Tám
ngày tuổi là tập bay vào những thời khắc nắng đẹp, còn lại thì tiếp tục xây dựng,
tu tạo, vá víu những chỗ hốc tổ hư hỏng; luyện mật, nén phấn, điều hòa không
khí, độ ẩm… trong tổ. Mười tám ngày tuổi là phải cất cánh lao vào con đường cực
nhọc nhất của loài ong, kiếm hoa làm mật. Ngoài bốn mươi ngày tuổi sẽ về hưu.
Công việc chính lúc này là làm lính canh cửa. Con ong mật đốt kẻ thù xong thì
chết, do vậy mà chỉ dùng đội quân về hưu này vào việc cảm tử. Thỉnh thoảng dư
thừa quân số, thì tăng viện cho các đội thợ xây, các xưởng tinh luyện mật, phấn…
Nếu vào mùa thức ăn tự nhiên dư dả, những con ong thợ sẽ đạt tuổi thọ chừng năm
lăm, sáu mươi ngày…
Tôi ngồi ngắm đàn ong hối hả từ sáng sớm
đến chiều muộn, rồi ngắm "ông ong chúa". Ngẫm ra, khúc đời nào phải hối
hả nấy, bằng không mình sẽ không bằng con côn trùng. Khí chất đã thua, lý trí
cũng thua con ong nốt, và chắc chắn rồi, thua xa cả ông già ong chúa sống ngất
ngư trên lơ lửng trời!
Huổi Háo, 12.2016
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét