Chừng gần
hai chục năm lại đây, trên văn đàn Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung,
cái tên tác giả Nguyễn Đức Lợi xuất hiện mỗi ngày một nhiều và đi cùng với đó
là sự chú ý của bạn đọc cũng dần tăng lên. Đấy là một Nguyễn Đức Lợi với những
bài thơ, một Nguyễn Đức Lợi với những bài báo và trên hết là một Nguyễn Đức Lợi
với những bút ký - truyện ngắn sinh động, góc cạnh, tỉ mỉ và giàu sức hấp
dẫn...
Do có mối
quan hệ đặc biệt, nên tôi là người được đọc Nguyễn Đức Lợi không chỉ sớm nhất
mà còn nhiều nhất, đa dạng nhất các thể loại, các đề tài về báo chí cũng như
văn học. Và vì vậy, không mấy khó khăn khi đưa ra những nhận xét về ưu điểm
cũng như nhược điểm, của cây bút đã và đang lần lượt chinh phục các giải thưởng
dành cho nghề viết nói chung và giải thưởng văn học nói riêng (Nguyễn Đức Lợi
đã giành được 10 giải thưởng văn chương, báo chí; gần đây nhất là giải Nhì cuộc
thi sáng tác truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 2011-2012
và giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học do Hội Văn nghệ Điện Biên tổ chức
2013-2014).
Đọc
Nguyễn Đức Lợi, chúng ta dễ dàng nhận thấy một nhà văn không viết trong phòng
lạnh mà viết ở bìa rừng, góc chợ và thậm chí “viết” ngay cạnh chỗ các nhân vật
của mình vừa đâm chém nhau hoặc ân ái với nhau. Nhiều truyện ngắn (và cả bút
ký) của anh, ta thấy rất rõ chất “Liêu trai” của thời hiện đại - một chất “Liêu
trai” như thể điều dĩ nhiên, như thể sự tất yếu của cuộc sống đương thời. Có lẽ
vì vậy mà với không ít tác phẩm, mạch truyện nhanh đến chóng mặt, các chi tiết “chen
nhau” xuất hiện và đôi khi khiến người đọc liên tưởng đến những thủ pháp của
phim hành động. Trong rất nhiều truyện, ta thấy dường như tác giả thích thế nào
thì viết thế ấy chứ không định - như người ta vẫn nói một cách khoa trương - là
tác phẩm mang “thông điệp” này hay “thông điệp” kia. Anh đưa cảm nhận của mình vào
trang viết như một sự chia sẻ hồn nhiên, bộc trực, chứ không định áp đặt điều
gì, không định sai bảo điều gì. Truyện có chủ đề tư tưởng nhưng không thiên về
lối “triết lý” như những quan điểm văn nghệ xưa cũ, sáo rỗng, từng một thời làm
khô khan và nặng nề những trang văn... Đó chính là ưu điểm lớn nhất của truyện
ngắn Nguyễn Đức Lợi!
Không chỉ
“bạo liệt” trong những trường đoạn miêu tả những cái mạnh mẽ, phàm phu, vô tình
cạn nghĩa của đám “lục lâm thảo khấu”, mà Nguyễn Đức Lợi còn tỏ ra là người
chịu khó quan sát và “có duyên” trong văn miêu tả: “Gió tháng 5 như mồi diêm xòe
trên lá. Cây đổ mồ hôi. Đá cũng đổ mồ hôi. Rừng ran mùi lá chín. Từng chiếc khô
vênh màu lửa liệng xuống, mỏng như giấc luân hồi. Đôi mắt chằng chịt vết thời
gian, bỏ ngỏ một khái niệm đời người, không chớp. Thỉnh thoảng, rỉ ra giọt nước
mắt đỏ quặn màu máu” - “Dị ức
thỉ xa”... hoặc: “Lại
một buổi tối khoan khoái ùa vào trong từng nang phổi. Trên đầu cỏ, sương đỗ như
ngọc rắc trần. Con chó đực già nằm chổng bốn vó lên mà kéo gỗ. Sương đọng vào
bộ râu, trắng như quét vôi phòng dịch. Xong xuôi, vợ Ngoắng đẩy cửa bước ra
sân, ngáp một cái bão táp. Lũ chim chào mào đang gà gật trên cành, giật mình
rơi vào thăm thẳm. Nếu là mọi đêm, con chó già đã quất gió, rồi rối rít hít
ngửi, liếm láp” - “Thăm thẳm đêm”.
Thiên nhiên trong truyện ngắn của Nguyễn Đức Lợi cũng là thứ thiên nhiên vô
cùng động cựa, một thiên nhiên thao thức hàng đêm, mang tâm trạng vui buồn như chính
con người. Hãy xem anh tả khung cảnh ban đêm của một “xóm góa” nơi đèo heo hút
gió: “Đêm
xóm góa tĩnh rợn người. Không một tiếng thở dốc. Không một tiếng oán hờn. Không
cả đến tiếng ho khan vào đêm, như thể sợ làm kinh động đến sự bình yên của Hua
Sát. Họ lặng lẽ như chính cái không gian đặc sệt quanh mình. Hội hè, đình đám,
hiếu hỷ… lủi thủi đến phục vụ từ đứa trẻ con, mà không hé lấy nửa nụ cười” - “Hồn rừng”...
Nguyễn
Đức Lợi tỏ ra là người có nhiều vốn sống miền rừng, đặc biệt khi anh viết về
những người nông dân nghèo khó, về những bản làng xa xôi khuất nẻo, về những
cảnh đời vất vưởng, những thói khoe khoang hợm hĩnh hoặc những trò lừa thầy
phản bạn... Tuy nhiên, trong một số truyện ngắn, chính vì không chú ý “tiết
chế” vốn sống, nên ta thấy anh không chỉ “phung phí” mà còn làm cho nhiều đoạn
lẫn với ký văn học; đó là các truyện: “Người
gánh thư trên đỉnh Lăng Quai”, “Cuộc
họp khẩn đêm giáng sinh”, “Hồn rừng”...
Một số tác phẩm ta thấy hình như tác giả không thật chú tâm vào việc bố cục, cứ
để cho thời gian (các diễn biến của truyện) trôi đi cho đến khi cần khép lại.
Về lý thuyết, lối viết ấy theo ý tôi, nếu thành công thì rất hay, ngược lại, sẽ
gây cho bạn đọc cảm giác nội dung không cô đọng, không tập trung.
Sau gần 20 năm “gieo hạt”, nhà văn
Nguyễn Đức Lợi vẫn đang miệt mài trên “cánh đồng” chữ nghĩa. Kể từ truyện ngắn
“Ma núi rắn” được bình chọn vào tốp “10 truyện ngắn hay nhất trong năm” (Báo
Văn nghệ - Phụ bản Số Tết Nhâm Thìn 2012), cây viết miền rừng này đang ngày
càng tỏ ra sung sức và ngày càng “có duyên” với truyện ngắn. Xin chúc cho Nguyễn
Đức Lợi tiếp tục gặt hái nhiều hơn, có nhiều truyện ngắn hay hơn và nhất là
nhiều truyện “dữ dội” hơn, như chính “cái tạng” mà trời cho ai thì người ấy
được...
Trương Hữu Thiêm
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét