Cứ vào độ tháng 9 tháng 10 và tháng 2
tháng 4 hằng năm, chỉ trong một ngày, trời Tây Bắc đều hiển hiện rõ rệt ba mùa.
Đêm là mùa đông, sáng và chiều là mùa thu, còn ban ngày thì lại là mùa hạ. Cái
thứ thời tiết “đặc sản” ấy chỉ riêng Tây Bắc, và riêng cho vùng đất “dưới chân
núi vách thưng trời”. Biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có khi lên đến
hơn 200.
Đó chính là lời giải thích thuyết phục
nhất cho việc, vì sao mà thiên nhiên ưu đãi riêng Mường Ảng nhiều loại hương vị
đặc biệt đến thế.
Trong
vô vàn hương vị trời ban cho ấy, có một thứ hương vị của nắng gió, đất nước và
mây trời đặc trưng khiến người qua đường chỉ thưởng thức một lần cũng không thể
nào quên được, đó là hương vị của cà phê chè Mường Ảng.
Cái tên hành chính huyện lỵ Mường Ảng,
thuộc tỉnh Điện Biên cũng có nhiều điều đáng nhớ. Thuở khai thiên lập địa, người
Thái đen từ Mường Muổi trên đường thiên di đi tìm nơi cư ngụ, ngang qua đây, thấy
một thung lũng đẹp như ở cõi tiên, đã quyết định dừng chân và đặt tên là “Khoe
sắc bản mường”…
Từ thập niên 60 đến thập
niên 90 của thế kỷ trước, huyện Mường Ảng là Nông trường quốc doanh Mường Ảng.
Đến ngày 14 tháng 11 năm 2006 huyện Mường Ảng chính
thức được thành lập theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP, trên cơ sở điều
chỉnh một phần diện tích và dân số của huyện Tuần Giáo cũ.
Với tổng diện tích tự nhiên là 44.352,20 ha, gồm 10 đơn vị hành chính thuộc nhiều
dân tộc anh em, và đặc biệt là nằm trong tốp 62 huyện nghèo của cả nước.
Mường Ảng là huyện miền núi đặc trưng, với
độ cao biến đổi từ 500m đến hơn 2.000m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và
nghiêng dần từ Tây sang Đông. Theo đó là dạng khí hậu nhiệt đới núi cao, phân
thành hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt, đan xen gió Lào, sương muối... vì phải chịu
ảnh hưởng của 2 loại gió chính là gió Tây Nam và gió mùa Đông Bắc.
Thiên nhiên cũng cố tình
ưu đãi cho Mường Ảng cả 3 nền địa hình cơ bản: đó là địa hình núi cao, địa hình
đồi thấp và địa hình thung lũng; xen lẫn các dãy núi cao là các thung lũng hẹp,
khá bằng phẳng, trải dọc theo các sông, suối trên địa bàn, tạo thành những vùng
đất màu mỡ... Vì thế mà đất đai Mường Ảng phù hợp cho cả phát triển lâm nghiệp,
cây công nghiệp, cây lương thực và hoa màu...
Trong đó, đáng lưu ý hơn cả là trên địa
bàn huyện Mường Ảng có 10 loại đất chính, tuy nhiên, nhóm “Đất đỏ vàng trên đá
phiến sét”, có thành phần cơ giới thịt trung bình đến sét, được cho là giàu dưỡng
chất để trồng cây cà phê chè - thứ cây hiện đang chiếm giữ một tầm quan trọng đặc
biệt trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Mường Ảng... - lại chiếm
đến 61,41% diện tích toàn huyện; tức là vào khoảng 27.200 ha.
Điều đặc biệt ở nhóm đất này, tại Mường
Ảng là, cho dù có hạn hán tới 4 - 5 tháng đi chăng nữa thì chỉ cần đào cách lớp
đất mặt 40cm - 50cm là đã thấy rõ ẩm độ. Cây cà phê ở nơi khác, về mùa khô, từ
tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, nhất thiết phải tưới mới thúc đẩy và
hoàn thiện được quá trình phân hóa mầm hoa, trổ bông, kết trái. Với đất ở Mường
Ảng, hệ thống nước mặt nằm sâu dưới thung lũng có khi đến cả nửa ngàn mét, nên
việc tầng đất dày giữ được nước nuôi cây đã vô tình như một thứ quà trời ban
cho những người có tham vọng lưu giữ hương vị của quê hương.
Chả thế mà khi nghe tiếng thơm về những
“ưu đãi Mường Khoe”, đã có hàng trăm người nông dân từ Hà Tây, Hải Dương, Thái
Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nghệ An... lần mò lên tận kịt cùng nơi
biên viễn, để rồi bằng cách này hay cách khác, kiếm cho mình một miếng đất mà trồng
cho kỳ được thứ... “hương vị của đất trời” này. Mọi miền đất nước tìm về, mọi
dân tộc cũng đua nhau đến: Người Kinh có; người Thái có; người Tày, người Nùng
có... Có những người nông dân Mông từ chót vót Pha Đin (Tuần Giáo - Điện Biên)
lặn lội vào đến kỳ cùng chân Núi C2, đến xa lắc xa lơ bản Co Hắm lập điền, cải
thiện cuộc sống...
Nói về giá trị thưởng thức thì như thế,
nhưng nghề nào chả có cái chênh vênh. Và, trong trăm ngàn thứ chênh vênh khác,
thì ngành nông nghiệp là bấp bênh nhất. Mà, trong ngành nông nghiệp thì cây cà
phê chè lại là “vua” của mọi sự lênh đênh, vô định. Cây khó tính khó nết nên
đòi hỏi kỹ thuật cao. Thực khách khó tính thì yêu cầu chất lượng tốt. Mà gì chứ
cà phê chè làm ra là để xuất khẩu, vậy cho nên, mọi thứ lại càng trở nên xa lạ
và mơ hồ với người nông dân. Mỗi năm 1 giá. Lên thì ít mà xuống thì nhiều. Vì
thế nên, hàng ngàn hộ dân trồng cà phê của Mường Ảng càng không thể đơn thương
độc mã trên biển cả thương trường gió cuồng sóng dữ.
Hiểu thấu vấn đề thuộc về chiến lược,
các ngành các cấp huyện Mường Ảng từng bước cùng với người nông dân xây dựng
vùng nguyên liệu bền vững với các mô hình xen canh trồng trọt chăn nuôi, xen
canh trồng cà phê với cây ăn quả, cây cho gỗ... đem đến những khoản đa thu nhập,
chống chọi lại với sự khắc nghiệt của thị trường...
Song song với các ban, ngành chung lưng
cõng trực tiếp các vấn đề về cây cà phê như: Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến
nông Khuyến ngư, Bảo vệ thực vật... vào tháng 09.2013, UBND tỉnh Điện Biên
chính thức công bố quyết định thành lập Hội Cà phê Mường Ảng với trên 1 ngàn hội
viên, canh tác trên 3 ngàn ha cả cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và cà
phê kinh doanh, nhằm củng cố thêm niềm tin vào tương lai của cây cà phê chè
trên đất Mường Khoe - niềm tin có dòng máu nhiệt huyết của các cán bộ, có cán bộ
bỏ thủ đô cách cả nửa ngàn km lên đây chỉ vì ở đây có... hương vị của trời!
Bên cạnh việc hàng ngàn hộ dân trồng cà
phê, chủ động trong công tác thu hái, chế biến... để góp phần vào quyền làm chủ
khâu đầu ra, giảm thiểu tình trạng bấp bênh trước đây, do chỉ biết trồng ra
cây, còn lại thì phụ thuộc 100% vào giới thu mua.
Từ ngày có Hội Cà phê, một bước đi táo bạo
nữa, được lãnh đạo các cấp huyện Mường Ảng cũng như Ban lãnh đạo Hội Cà phê Mường
Ảng quyết tâm làm cho bằng được, đó là chế biến sâu, chế biến thành phẩm.
Như đã nói, Mường Ảng được thiên nhiên
ưu đãi cho một dạng khí hậu, một dạng địa hình đặc biệt tạo nên hương vị đặc
trưng có 1 không 2 của cây cà phê chè ở đây.
Vị được chắt ra từ địa tầng cấu trúc,
trong đó có mồ hôi, có “máu” của đất đá trên dãy Pơ Mu cao trên 2000 mét, của
dãy Vách Thưng Trời, dãy C2, Xuân Tre... cùng với nước mưa, nước nguồn của hệ
thống 5 con suối lớn... từ hàng triệu năm qua đã kiến tạo thành vùng thượng lưu
của con sông Mã vốn hiển danh đến tận cùng của mọi sự hào sảng.
Vị là thế, còn hương thì lại được tích tụ,
lưu trữ và trải qua cả một quá trình luyện như ong luyện mật mà thành. Trong vô
vàn đặc ân của trời, của đất, có cả đặc ân mà con người nơi đây dành cho cây cà
phê. Ở đâu không biết chứ ở Mường Ảng, trải qua ba phen bốn bận giá cả xuống đến...
sát mặt đất, như cái cách mà vốn dĩ người nông dân vẫn làm hằng ngày, đó là ngẩn
lên chạm tấm lưng chai sần gồng gánh, cúi xuống vập phải trăm nỗi đắng cay...
nhưng người dân ở đây vẫn quyết không chặt một cây cà phê nào, như ta vẫn chứng
kiến “tin buồn” đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên thị trường cà phê của Việt Nam nói
riêng, thế giới nói chung, tên cây cà phê chè và địa danh Mường Ảng đã dần trở
thành khái niệm không thể tách rời: Cà phê Mường Ảng!
Cà phê Mường Ảng hay Cà phê Mường Khoe
là như thế đó. Mỗi hạt cất giấu một cảm giác thân quen như ta vốn vẫn thân quen
đến độ không thể rời xa được ly cà phê đen nhức suy tư và thơm dậy lý trí.
Từ đó, người giầu liên tưởng sẽ dành nhiều
sự chú ý đến phần nhân văn của một vùng đất mà đa phần người dân nghèo đang phải
sống dựa vào thứ hương vị trời ban cho ấy.
Cuối cùng là sự mỏi mong cháy lòng rằng,
thứ hương vị vừa hội tụ thần khí của trời đất; vừa lắng đọng những giọt tâm tư
của chính quyền và nhân dân Mường Ảng, ngày một bay xa trên khắp nẻo trần gian.
Và khi ấy, hương vị cà phê như một nét cộng
hưởng, tô điểm vào cung bậc non nước bồng liêu, vốn như một bản nhạc lý dành
riêng cho các loại nhạc cụ dân tộc, đang
ngày đêm rung trên tay những nghệ nhân thôn dã, thứ giai thoại trữ tình,
đã hiện hữu ngàn đời nay trên quê hương Mường Ảng./
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét