Làm nghề viết văn mà rồi đến một ngày
cũng phải trả lời câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì?
Bố mình trước và sau khi tham gia kháng
chiến chống Pháp, đã từng nuôi con và trồng cây. Ông bảo, ông nuôi rất nhiều con: chó khôn nhưng lưu manh, giữ nhà là cốt
để được ăn ngon. Mèo
thì vừa lười vừa ỉa bẩn. Gà và cá hay phản bội, trắng tay lúc nào không biết. Lợn là trung thành với bữa cơm của cả
nhà nhất. Tuy nhiên, đấy là nói về hệ ý thức chủ tớ, chứ
còn giá trị thặng dư, xin
khiếu. Cái
gì chứ cái giống trồng và nuôi, không có thì thiếu, có thành thừa, hoạc bị gièm
cho kì thừa, thế là toi mẹ nó con gà rù rồi...
Về trồng cây, ông bảo. Ở đâu chứ ở cái xứ
An Nam (thời của ông là gọi trân trọng thế) này, phàm trồng ra cây gì thì rồi lại phải
chặt cây nấy. Trồng mười năm sau mới biết nó là của
nợ. Chặt để trồng cây khác. Chặt năm lần cây là chặt xong đời mình.
Ông dạy, làm gì thì làm chỉ trồng cây chơi, trồng cây che bóng, phủ xanh chứ đừng
trồng cây cầu tiền cầu bạc. Không có việc làm thì đi trồng cây, nuôi con thuê,
lấy lương bỏ miệng. Ngược lại, thuê người trồng cây cho mình có ngày niêu ăn vạ
mồm!
Mình
vừa mọn tài lại vừa bất hiếu, không vâng lời ông, dù chỉ một lần. Mình trồng đến
gần bốn vạn cây và nuôi mấy nghìn con các loại. Hí hửng lắm. Con hơn cha là nhà có phúc. Mình trồng toàn
loại độc, mình có thiên hạ không. Mình nuôi cũng toàn của đắc, thiên hạ sắp hàng khen
như khen công chức. Mình chủ trương
trồng toàn thứ sạch, nuôi toàn của sạch. Chắc mẩm, với tư tưởng
tiến bộ ấy, mình đang là công dân tiêu biểu cho hệ ý thức trân trọng và bảo vệ
nhân loại. Một thứ hạnh phúc to đùng ngã ngửa! Hầu hết mọi người cứ hễ thấy
mình là hoan hô. Họ hoan hô nhiều đến mức cứ như thể mình là đồ dị chủng vậy.
Mình thấy họ hoan hô phong trào mà ngán như chó ngán cám lợn. Đơn giản mình là nông
dân, có gì đâu mà phải xoắn!
Có
người bảo mình, có vẻ chân tình hơn, rằng mình đã nhận thức được giá trị thị
trường chưa mà nuôi trồng ồ ạt đồ dị chủng? Mình ngu ngơ rằng, cái gì tốt, cái
gì thật, ắt phải được ồ ạt công nhận. Nghe thế, hầu hết mọi người cười. Họ bảo
non và xanh lắm. Ừ thì non và xanh. Hãy đợi đấy, nhé. Rồi một ngày non sẽ già
và xanh sẽ chín. Mà chín đỏ rực rỡ luôn.
Và rồi hôm nay, mình đã chứng minh được
giấc mơ thấy đỏ tưởng chín ấy. Cái thứ hàng sạch mà mình từng tự hào cấu tạo
giá trị cho nó, xưng danh vô đối cho nó, bỗng dưng không ma nào thèm ngửi. Chẳng
một ai cần cái thứ giá trị mà đáng ra, tiến bộ như họ, giầu sang như họ, phải đặc
biệt thừa hưởng. Họ mỉa vào cái thứ sự thật ngoài sức tưởng tượng ấy của họ. Mà
gì chứ, thượng đế đã ngoảnh mặt đi thì chỉ có mà chết... nghiêng!
Một người bạn chân tình bảo, những giá
trị mà mình xây dựng có nhiều ý nghĩa, nhưng quá sớm để phù hợp. Nếu sống được tầm...
ba thế kỷ nữa trở lên, nhất định sẽ thành công. Anh ta nói, anh ta biết và cảm
nhận rõ những giá trị thực sự ấy, nhưng anh ta không đời nào lao đầu tư vào.
Phàm làm con người kinh doanh thì phải tính toán hết mức kĩ lưỡng. Đùa với tiền
là đùa với mạng. Anh ta chọn cách đầu tư khác. Đầu tư của giả, nhưng giá cả phải
chăng. Người xứ ta thích thế thì mình chiều thế. Miễn là lợi nhuận cao. Mà lợi
nhuận chính là nhân văn đấy. Không có tiền thì đố mà có hiếu. Không có tiền thậm
chí còn là vô đạo đức. Khốn nạn thật. Tiền mua được cả... tâm hồn!
Mình biết một ông bạn doanh nghiệp. Công
ty ông này thuộc loại phát đạt nhất Tây Bắc. Ông ấy làm xây dựng nhưng lại trồng
cây, nuôi con cực kì giỏi. Ông ấy thân mình lắm, thân đến mức sẵn sàng tiết lộ
bất cứ điều gì. Mình cũng thân ông ấy đến độ, nói gì với mình cũng như nói vào...
toa-loét, xong là xả đi ngay, cấm lộ nửa lời. Ông ấy bảo ông đang trồng một “cây”...
Phó chủ tịch! Những mấy tỉ đồng cơ. Loại cây này không ngắn ngày mà cũng chẳng
lâu năm. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì chỉ nửa khóa là lên cấp... cổ thụ. Một
khi đã cổ thụ hai nhiệm kì, thì ôi thôi, ông ấy có mà vừa xây vừa phá mệt văn
nghỉ.
Khiếp thật!
Mình phục sát đất cho cái tài nhân tính
như thần tính của ông ấy. Chưa hết, ông bạn còn nuôi một “con”... trưởng tương
lai khác. Con này phía trước sẽ là đầu đàn của một sự... mênh mông. Tha hồ mà
gieo khuyết gặt đầy. Ông hứa, khi nào cây, con của ông khai hoa đậu trái, ông sẽ
đầu tư cho mình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Tránh xa cái thứ thực phẩm
bảo tồn nhân loại này đi.
Chờ mãi chẳng thấy ngày ấy, mình xắn
tay ra đứng đường bán thịt con sạch. Người qua lại ồ lên: nhà văn nổi tiếng cấp
địa phương đi bán thịt lợn rừng kìa chúng mày ơi. Ừ, mua ủng hộ đi. Mua cái con
khỉ gì mà mua, mồm mép giống ấy vốn điêu thế, bán hàng gian là cái chắc. Không
đến nỗi thế đâu. Thôi, không mua thì cũng ghé vào, dòm cái mặt méo như củ ấu của
hắn cái, chết chó nào đâu mà rộn. Ừ, vào xem hắn mếu chơi...
Đang mếu thì một ông bạn khác chạy qua,
thấy thế ghé vào mua ủng hộ 2 lạng. Mua đã ít, lại trả tiền lẻ, móc mỗi túi một
đồng nhàu như giấy vệ sinh: Này, nhìn mặt ông là biết chết chắc rồi phải không?
Ừ, lỗ quá! Thiên hạ họ không chịu phân biệt thật giả mới bỏ mẹ mình chứ. Vứt
quách đi! Muốn lắm, nhưng cả núi con xốc bồm bộp ở nhà, phải giải quyết dần dần.
Vứt! Vứt thì vớt thế nào, với lại không nuôi và trồng, biết làm gì ăn bây giờ?
Ghé tai tôi bảo. Như tôi này, muốn có lãi thì chỉ nuôi... lỗ là dễ nhất. Thế nhé,
khi nào đổi nghề, lên tôi truyền kinh nghiệm cho...
Ối giời ơi! Có khi nào đến lượt mình
nuôi lỗ thì lại chỉ để dùng mà chẳng bán được không(?)
Kỷ niệm ngày đầu tiên bán thịt lợn
rừng sạch ở thành phố, bán rất chạy, nhưng mà lỗ! - 09.05.2015
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét