1 tháng 1, 2015

Thị trường Cà phê Mường Ảng năm 2014: LÒNG NGƯỜI CŨNG "NÓNG - LẠNH" THEO...

Đoàn cán bộ liên ngành huyện Mường Ảng triển khai việc thẩm định chất lượng cây cà phê của Công ty cổ phần Thái Hòa tại xã Nặm Lịch.
        
       Niên vụ cà phê 2014 ở Mường Ảng kết thúc với nhiều cảm xúc đan xen. Cái cảm xúc lớn nhất, có lẽ vẫn là giá cả. Kể từ thời điểm kết thúc hoàn toàn niên vụ 2013, giá cà phê đã cho thấy có sự biến động tăng. Đến thời điểm cà phê 2014 chín bói, giá cà phê lên đến đỉnh điểm năm. Tại sàn kỳ hạn ICE US - New York lúc bấy giờ, cà phê arabica nhân lên đến 222 cen/lb (xen/pao). Theo những nhà phân tích uy tín thế giới, giá cà phê bỗng dưng tăng vọt là tại Brazil - đất nước dẫn đầu về sản lượng cà phê chè với khoảng 3 triệu tấn/năm (trong khi đó, niên vụ 2013, Việt Nam đạt 165.000 tấn = 0,0055% Brazil) đang gặp phải hạn hán vào thời điểm trổ hoa.
        Hiện tại (29/12/2014), giá kỳ hạn 03/2015 chỉ còn 168,6 cen/lb, tương đương với giá thu mua tại Mường Ảng là 45.000 - 47.000đồng/kg cà phê thóc. Cho dù giá cà phê có những giao động mạnh, nhưng nó vẫn là niềm hi vọng đáng kể cho hàng ngàn người nông dân trồng cà phê ở Mường Ảng nói riêng. Ấy là chưa nói đến nhận định mang tính tham khảo khác, về những thị trường tiêu thụ cà phê mới nổi, ví như Nga - đất nước uống chè - năm 2013 đã bắt đầu chuyển qua uống cà phê với thị phần lên đến 2 tỷ USD chỉ mới kể riêng thị trường… Macxcơva! Chính thế mới có nhận định, cà phê Mường Ảng một năm nhiều ước mơ, dự tính trở thành dang dở. Giá thì tăng, nhưng sản lượng lại giảm, do vào thời điểm trổ hoa năm trước gặp phải hiện tượng thời tiết cực đoan nhất, kể từ hơn chục năm qua, đó là sương muối kèm hạn hán, gây ra hiện tượng nghẹn, mất lứa hoa… khiến cả những vườn cà phê chăm sóc bài bản, có khả năng bội thu, cũng trở thành mất mùa. Theo ước tính từ thực tiễn các doanh nghiệp, đại lý thu mua, sản lượng cà phê trung bình của Mường Ảng mất 40% - 50% so với những năm trước. Ấy là bao gồm cả hiện tượng “lép hạt sinh lý”. Hầu như tất cả các diện tích cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng, đều bị chung một mối lo… cà nổi - một biểu hiện của cà phê không có nhân, hoặc nhân lửng.
        Thường thì khi gặp hiện tượng này, người ta nghĩ ngay đến quá trình chăm sóc, tuy nhiên, ở niên vụ này thì ngược lại, càng những diện tích cà phê tươi tốt thì càng… lép. Nó được xem như hiện tượng “tốt lốp” ở lúa. Cây dư thừa lá, thiếu quả, dinh dưỡng “quen chân” tìm đến quá trình hình thành mầm chồi, hơn là nuôi quả. Một giả thiết nữa là vì sum suê thái quá, nên ngăn cản quá trình quang dưỡng quả. Quả bị lá ủ xanh, ép non… kéo dài thời gian vào hạt, hoặc không vào hạt được, một phần mất hẳn, một phần do bị tính toán thu hái nhầm khi quả vẫn đang… non (xảy ra ở lứa cuối, tận thu).
        Vào thời điểm hiện tại, gần như 100% diện tích cà phê Mường Ảng đang ở trong thể trạng, cây có “điểm rơi phong độ” tốt nhất từ trước đến nay, hứa hẹn vụ mùa tới bội thu, nếu không có, hoặc hạn chế thấp nhất các hình thái thời tiết cực đoạn diễn tiến trong giai đoạn cà phê trổ hoa từ tháng 1 đến đầu tháng 4 tới. Một năm mới với nhiều thuận lợi, từ cơ chế chính sách, đến giá cả, và đặc biệt vẫn là thể trạng cây - cái mối lo thường trực của những nhà chiến lược. Mặc dù, cây năm nay tốt đã có phần trăm nào đấy của sự chăm sóc tỉ mỉ trở lại, để đáp ứng niềm hi vọng về giá; nhưng vẫn phải nói rằng, hầu hết là do mất mùa, cây không phải nuôi quả, nên tự cân bằng dinh dưỡng. Nói thế là để bà con cần nghiêm túc hơn trong việc giữ gìn và phát triển “nghề chính”, nghề xương máu của mình.
        Đã đến lúc người trồng cà phê ở Mường Ảng rùng mình rồi. Một trường đoạn giá cả rơi tự do xuống đáy. Một năm thời tiết tệ hại khiến Mường Ảng, Điện Biên mất mùa; riêng Sơn La ngoài số mất mùa còn có hàng trăm ha cà phê bị chết rụi do sương muối. Nói lại chuyện khó nghe, với hiện tượng tụt giá có dự báo vài năm qua, người trồng cà phê đã như… trong cơn lâm sàng. Giờ nói dại hẳn là, không may gặp phải thời tiết cực đoan như ở Sơn La, chắc chắn lúc ấy, hàng trăm hộ rơi vào thảm cảnh phá sản.
        Vậy, mục tiêu trước mắt là gì? Câu trả lời đơn giản là tăng năng suất, tăng thu hoạch để tăng thu nhập, đối phó với mọi loại hình giá cả. Nhưng, trước đó vẫn phải là bảo vệ nguồn “gà mái đẻ” là những cây cà phê đang gồng mình trên các triền cao khô khát để chịu đựng với sương muối, hạn hán, và chịu đựng với ngay cả khẩu phần ăn, với các khâu chăm sóc thể chất (vun bón, chăm tỉa, chữa bệnh…). Gần như 100% diện tích cà phê ở Mường Ảng không có nước tưới - nguồn chủ động số 1 quyết định được/mất mùa của một vụ. Vì thế mà tất cả trông chờ vào nước trời. Đợt nào có mưa thì đợt đó ra hoa (cà phê chè ra từ 3 - 5 đợt hoa/năm). Đợt nào lượng mưa từ 25ml trở lên thì đợt đó đậu quả, bằng không là ra hoa chanh, hoa sao rồi rụng. Sự bấp bênh trên đang được phụ thuộc cả vào số vận. Các biện pháp giữ nước cho cây như: trồng cây che bóng; trồng xen băng chuối (hoặc cỏ) sau mỗi 3 - 4 hàng cà phê ở diện tích đất dốc; tuyệt đối không được làm sạch cỏ về mùa khô; tăng cường vi lượng (chủ yếu là lân…) cho cây tăng khả năng chống rét, chống hạn; phun bám dính lên bề mặt lá chống thoát hơi nước… gần như không được các nhà vườn lưu tâm. Với sương muối hại cây cũng thế, ngoài chủ động nước tưới (vòi béc) phá sương, cây che bóng ra thì chỉ còn phun hóa chất bám dính phủ lên 100% diện tích bề mặt trên của lá trước mỗi đợt sương mới hạn chế phần nào sự… phá sản.

Tranh thủ những ngày có nắng, nông dân phơi cà phê để giữ cho hạt cà phê có phẩm chất tốt.

        Bên cạnh đó là ý thức trong khâu chế bến để cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Một thống kê mang tính thí dụ được đưa ra tương đối buồn đối với hạt cà phê Mường Ảng. Theo giới truyền tin ngầm rằng, cà phê Mường Ảng chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu, vì thế phải đấu trộn danh nghĩa thành cà phê Sơn La, cà phê Lào… Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu được xem ở khâu thể chất. Hàm lượng caphein thấp. Tỷ lệ hạt xuất khẩu (nhân 16, nhân 18) chỉ chiếm trên 20%... Nguyên nhân dẫn đến hai nhược điểm trên là do tuổi cây cà phê còn trẻ; do cà phê tạp chất - quả xanh non bị nhà thu mua đánh giá là tạp chất; do chăm sóc… Điểm này hoàn toàn có thể khắc phục, có điều nó lại phụ thuộc phần nhiều vào ý thức chủ quan của chính các chủ vườn.
        Một điểm nữa nằm ở chính khâu chế biến. Lần đầu tiên dấn thân vào việc… ăn theo người thu mua, thì thấy rằng, rất nhiều người làm cà phê nhiều năm mắc lỗi ở khâu chế biến. Chế biến mất mùi cà phê, chế biến có mùi lạ (thường ở cà phê sấy) vô hình trung biến cà phê thành…tạp chất! Chế biến cà phê… mốc, chế biến chưa khô (tiêu chuẩn về độ khô - tức độ thủy phần xuất khẩu là từ 14 - 15 độ), có hộ làm lên đến 21 độ…, chế biến chưa sạch nhớt (két nhớt), chế biến bẩn…Tất cả những yếu tố trên dẫn đến giá cà phê từ hạ, đến bằng không, cho cũng chẳng ai lấy, vì biết đâu đấy, mùi vị cà phê thì chẳng thấy đâu mà chỉ thấy… nấm OTA (Ochratoxin A) gây ung thư(?). Bằng chứng là cà phê thóc nhà anh T. (xin giấu tên), thường trú tại tổ dân phố 2 - thị trấn Mường Ảng, bị mất giá so với hộ khác đến 10.000đồng/kg.

        Để kết thúc bài viết, xin bật mí để chủ vườn trại lưu ý về cách cộng, trừ thu nhập dựa trên chất lượng sản phẩm của các nhà thu mua, là: Mỗi độ thủy phần (từ 16 độ trở lên), trừ xấp xỉ 600 đồng/kg; mỗi phần trăm thu hồi thấp (thường dưới 80%) bị trừ xấp xỉ 600 đồng/kg; cuối cùng là mỗi phần trăm “vàng đen vỡ” cũng bị trừ tương tự. Ai đó từng nói: “Ở Mường Ảng người ta làm cà phê, ăn cà phê, ngủ cà phê, uống cà phê và nói chung là sướng vui buồn khổ cùng... cà phê”. Cũng như thời tiết có nóng có lạnh, với cây cà phê Mường Ảng, cả nông dân, nhà doanh nhiệp và nhà quản lý đều đã bao phen cực chẳng đã, lòng người cũng “nóng - lạnh” theo... 

Mường Ảng, cuối năm 2014



-------------------------------
http://www.baodienbienphu.info.vn/bannguyetsan?tid=405&field_titlebaoin_value_many_to_one=Trang+3&vfas=

----------------------------
http://www.baodienbienphu.info.vn/kinh-t%E1%BA%BF/l%C3%B2ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%C5%A9ng-%E2%80%9Cn%C3%B3ng-l%E1%BA%A1nh%E2%80%9D-theo


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét