http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/1353858/vnqd-so-moi/tap-chi-van-nghe-quan-doi-so-dac-biet-796-797-thang-5-2014-.html
Chẳng hiểu sao tôi lại xuống xe giữa một
vùng núi rừng hoang hoắt như thế. Có lẽ do bị ám ảnh trước khung cảnh hoàng hôn
lấp lánh màu hồng ngoại trên những triền rừng. Mà suy cho cùng, đã đi vô định
thì xuống đâu chẳng còn quan trọng nữa. Không gian ở đây cứ trong vắt đến tận chân trời. Lá cây
không vẩn bụi. Bầu trời không vẩn khói. Con suối không vẩn đục. Tầm mắt không
vướng nóc nhà. Đi mãi, xa tít trên mái rừng mới có một căn lán cỏ ẩn dật sau gốc
cây cổ thụ.
Lưng chừng núi là một vùng tiểu thảo
nguyên trải như vượt ra ngoài bầu trời. Cỏ thấp, xen bụi lúp xúp, thỉnh thoảng
vượt lên một thân gỗ lừng lững như những trụ cầu. Gió khát lùa nhau dọc nền núi xanh rợn. Thêm đoạn dốc thời
gian nữa, một đàn trâu cỡ trăm con, da dẻ no mòng bùn đất, khoan thai gặm cỏ.
Đàn trâu vừa ăn, vừa dịch chuyển về phía căn lều. Đằng sau lều là mảnh đất trống
ngập bụi phân khô, nằm trong một vòng rào như vòng kim cô, chắc để ngăn sói.
Căn lều phơ phất vài sợi khói lam. Một ông già người dân tộc Thái, vóc nhỏ loắt choắt,
dỡ cửa chui ra, nhìn bâng quơ vào chiều. Tôi ngồi tựa gốc cây, châm thuốc. Trước
mặt là bức ảnh "Bản dương cầm lúc hoàng hôn", bảng lảng một thứ ánh sáng bịn rịn,
sà mơn man xuống đầu cỏ. Bầy trâu gặm từng miếng hoàng hôn đầy trào quanh khóe
mép.
Chim rừng hót trong veo. Giữa núi rừng,
mặc nhiên không có tiếng hót nào ai oán. Chúng đua nhau thả vào ánh chạng vạng
cuối ngày một bản nhạc bịn rịn đầy ắp niềm nỗi. Đang mùa chim xây tổ. Ngọn cây
nào cũng ríu ran, kéo ngày vào sâu trong đêm. Tôi vẫn ngồi tựa gốc cây, khoan
thai như chẳng có gì xảy ra. Tuổi trung tuần, lại đi không ít, nhưng vẫn phải
thốt lên rằng, chẳng lãng mạn nào bằng ở đây. Cỏ xen trâu, trâu xen chuồng, chuồng
xen người, người xen mây... bồng bềnh, lãng đãng. Mỗi hôm thiên nhiên vẽ một bức
tranh huyền ảo, chẳng bức nào giống bức nào. Hôm nay, bức tranh mê hoặc ấy có
thêm một chấm phá, là tôi. Tôi nhào mắt vào những bông hoa dại đủ màu sắc, như
một cô gái mới lớn có tâm hồn véo von chim hót. Ừ nhỉ, đứng trước quang cảnh
này mà được làm con gái thì thật chẳng gì bằng. Chim ngưng hót, đến gió ríu rít
trên những lùm cây. Chim thì vẫn thế, về "mùa cầu hôn" là lại bận rộn
với những vở kịch yêu đương muôn thuở. Gió cũng vẫn thế, nhưng mùa nào cũng là
"mùa cầu hôn".
Ông già dỡ cửa bước ra, lùa trâu vào
cái khoảng trời con con, rồi mất hút sau liếp tranh. Tôi mở máy ảnh xem những
gì may mắn nằm lại trong thẻ nhớ: Ông già chăn trâu ngồi tựa lưng vào hoàn hôn,
thả tâm hồn theo làn khói thuốc bâng khuâng cả chân trời. Đàn trâu dúc mõm xuống
vũng nước hiếm hoi trên thảo nguyên, làm vỡ vụn đàn chim bay giữa nền rừng xanh
thẳm. Đôi chào mào trắng xoắn lấy nhau, như chỉ sợ gió tách mỗi con ra một ngọn
cây... . Tôi thốt lên: "Khi tôi chết, hãy chôn tôi ở trên đỉnh núi này!".
Từ góc hoàng hôn kia, ông già bật dựng lên bằng một giọng phổ thông lơ lớ:
"Nói phét!". Tôi giật thót mình. Chết mẹ, nãy giờ, với khuôn mặt
ngơ ngác của một kẻ đứng ngoài từ trường làm quen, ông ấy đã nghe đến tận tim
tôi. Tôi trấn tĩnh mình bằng một câu bâng quơ: "Đẹp quá!". Ông
già lại bật: "Toàn cỏ với cứt trâu, có gì mà đẹp!". Vẻ mặt ông
khô khốc và lạnh lùng như họng súng kíp. Tôi cầm chắc sự nguy hiểm của
"cây cổ thụ" chốn đại ngàn này. Hung tợn như hổ, báo, sư tử, lợn
lòi... gặp họ cũng chỉ biết gầm lên một tiếng tuyệt vọng rồi quay gót. Nhưng trong trường hợp này,
tôi cầm chắc ông già không đời nào dùng súng bắn muỗi, nên có phần yên tâm:
- Có nơi khác đẹp hơn hở bố?
- Ở thị trấn! Nhiều nhà xây, nhiều ô tô, xe máy...
- Cây, cỏ, thậm chí cứt trâu mới là vẻ
đẹp vĩnh hằng.
- Đồ điên! Thích thì chăn trâu cho tao, tao đi thị
trấn xem nhà xây, ăn phở, chụp ảnh và cắm cái răng vàng.
-...
Tôi biết không thể cùng ông già đến chân lí
nào cả, vì cuộc đời ông, niềm khao khát đến độ thiêng liêng cũng chỉ là ngồi
trên đỉnh núi, nhìn xuống đường xem những con trâu sắt chạy ngược xuôi, rồi gầm lên những tiếng
"nghé ọ" kì dị và hợm hĩnh như tiếng ma động kinh... . Đêm xuống sâu
thăm thẳm. Bầy trâu nằm nhai gió năm canh trèo trẹo. Gió mài răng trâu vẹt mỗi năm một ngẫng và mỗi
năm một màu bã gió. Ông già dỡ cửa bước ra, vẫy tôi vào. Căn lều chẳng gì ngoài
ổ rơm và bếp lửa. Bề ngoài, ông già có vẻ ung dung tự tại, nhưng dường như có
gì đó ghê gớm lắm đang gậm nhấm tâm tư. Nhìn bàn chân mỗi ngón vẹo một hướng,
khuôn mặt mỗi vùng khu trú một kiểu đứt gãy, thấy cồn lên chông gai, sương gió
nhường nào. Vẫn thỉnh thoảng một rít thuốc lào, thỉnh thoảng một dốc rượu. Khác
với những ống đun, bát tre, chén trúc... của một người rừng cô biệt, là mọi thứ
đều đựng trong túi ni lông, kể cả rượu. Dấu ấn duy nhất của xã hội hiện diện
thông qua cây liên lạc ở dưới chân núi, cạnh con đường quốc lộ. Hai ngày một lần,
ông già xuống xách hàng do bản đóng góp, treo sẵn ở đó. Một năm vài bận người
ta lên tận cái vòng kim cô của ông, lôi trâu về thịt. Lúc nào trâu bị thịt nhiều,
ông đoán là tết. Sau một dốc rượu, ông móc trong bọc ra tờ giấy nhàu ố, nhờ tôi
đọc. Sáu chục năm nay ông không được "nghe" lại lá thư này, chỉ nhớ
mang máng hồi anh bưu tá đọc qua quýt rằng, người yêu ông hỏi ông đã lớn chưa,
thế thôi.
Tôi cầm trên tay tờ giấy nhỏ, khổ chừng
mười ba mười chín, màu bã chè, một mặt sơn chàm. Trên đầu lá thư viết trang trọng
quốc hiệu và tiêu ngữ: "VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA // Độc lập - Tự
do - Hạnh phúc". Chữ nguệch ngoạc nhưng dễ đọc. Sau tiêu đề thư ghi
"Gửi anh!" là một loạt câu hỏi: "Anh đã lớn chưa? Được
tham gia du kích chưa? Con trâu nhà anh đẻ chưa?...". Lá thư cũng kể
chuyện chiến trường: "Trong đội giã gạo nhiều người giỏi chữ lắm, nên
chắc em giỏi thắng anh. Bản mường góp thóc cho chiến dịch, em giã một ngày đêm
50 cối, 1.500 chày 1 cối, được phong danh hiệu chân khỏe đấy... Địch bắn không
nghỉ, nhưng chẳng ai sợ chết đâu..." Cuối thư, là một lời cầu hôn:
"Anh lớn nhanh nhé, em về mình cưới nhau!"...
Ông già khóc rưng rức. Ông hận, đáng ra
phải nhớ nhiều hơn thế, để học giỏi thắng bà ấy, để làm thắng cái chân khỏe của
bà ấy, để phấn đấu vào du kích, rồi vào bộ đội. Ông buồn. Chiến dịch Điện Biên
Phủ thắng lợi rồi mà ông vẫn chưa kịp lớn. Hết cơn xúc động, ông nắm chặt tay
tôi: "Mấy chục năm bị làm người điên, ta đã không được nói tiếng người
khôn nữa. Mình mày dám ở với ta, hút thuốc lào, uống rượu và đọc thư của bà ấy
cùng ta... Mày thành người ruột rồi".
Tôi im lặng. Cổ nghẹn đắng sau mỗi chuyện
của ông. Tôi trả lá thư cho ông. Khi đưa qua bếp lửa, thứ ánh sáng như ma trơi
nhốt trong chum sành, bỗng xuyên qua tờ giấy. Hình như có cái gì đó giống một
lá bùa hiện lên mờ ảo sau lớp sơn chàm. Tôi vội vàng mượn lại, soi lên lửa bếp.
Đúng rồi, mặt sau có chữ, nhạt nhòa còn mất: "...Tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ - Nà Sản lũy thừa 10... là bất khả xâm phạm, là cối xay thịt quân Việt
Minh. Chúng tôi thách thức Tướng Giáp và quân đội của ông tiến công...",
kí tên: Christian de
Castries. Thảo nào chủ nhân của
lá thư phải dùng chàm phủ đi, để tận dụng mặt sau lá truyền đơn của giặc Pháp.
Ngủ thôi! Hai tiếng thở quay về hai
phía. Thao thức. Hai luồng suy nghĩ theo đuổi hai bến mơ vô định. Tôi chắc, ông
già chẳng bao giờ vướng bận tiền bạc, nhưng lại vướng bận muôn vàn nỗi niềm về
tuổi trẻ, về làm người. Ước mơ ư? Chắc chắn là có, cả nồng nàn và dị biệt. Tôi
còn biết một điều giản dị hơn, là được ngắm bê tông và xe cộ...
*
* *
Tôi dỡ cửa lều ra gốc cây cổ thụ ngồi
đón bình minh ló dần lên phía bên kia sườn dốc. Một cảm giác ngộp thở. Đúng hơn
là sợ hơi thở sẽ làm tất cả sự lung linh nơi trời đất giao hòa này biến mất.
Như không ở dưới đất nữa, mà đang ngụp lặn trong bầu sữa thiên nhiên phơi sáng giữa vũ trụ
bao la. Chỗ sữa mỏng, ánh nắng đầu ngày xuyên xuống, mặt đất như một quả cầu
pha lê, xanh óng ánh. Bình minh càng tiến sâu vào thảo nguyên, những quả cầu
xanh càng lan rộng. Bình minh già, là lúc bức sương mù trở nên bảng lảng, bồn
chồn như những thiếu nữ ngồi đợi ở bến bình minh. Tầm nhìn vượt thoát, mới hay
dãy núi bên kia, nơi được ngăn cách bởi con đường quốc lộ, là vô vàn những
trang trại. Mỗi trang trại một quả đồi, cà phê phủ trắng một màu hoa đương độ.
Từ trên đỉnh Núi Mây nhìn xuống, con đường quốc lộ nhỏ như sợi chỉ màu xi lâm, hoàn toàn lột
xác. Xe cộ, cái vun vút, cái lặc lè. Cái chở văn minh. Cái chở đời sống. Cũng
có cái làm ô nhiễm xứ sơn lâm thanh bạch.
Tôi lóc cóc lội đến xế chiều thì sang tới
trang trại to nhất, nhì đất Ẳng Dưới. Nghe nói chủ trang trại là người viết
văn. Gã thò đầu xuống sàn, cộc lốc:
- Mua gì?
- Anh còn cà thóc không?
Tôi
giả danh để nhập vào hắn:
- Dân mua cà đâu có thất thểu thế? Nói
thật đi, xã hội đen "Cầu 35" phải không?
- Nhà bác nặng lời thế? Mà xã hội đen
"Cầu 35" nghĩa là gì?
- Bọn mua cà phê ép: Ép bán, ép giá, ép vốn...
- Nghĩa là...?
- Ép bán theo giá chúng thích, chiếm dụng
vốn để xoay vòng khi nào muốn thì trả...
- Ngoài bọn chúng, không còn ai thu mua
cà phê nữa à?
- Các tập đoàn xuất khẩu, tập đoàn rang
xay, thậm chí cả công ty nước ngoài... cử cán bộ đến khảo sát thị trường rồi.
Chúng dúi vào tay những
con "ong soi" ấy
vài trăm triệu, để về báo cáo vùng nguyên liệu xấu, kinh doanh không khả thi... . Thôi, anh đi đi, cứ
huyên thuyên ở đây,
cà phê của tôi sẽ phải ủ làm phân đấy!
Hắn căng thẳng thật sự. Tôi hạ màn:
- Tôi đùa đấy. Tôi đi tìm bạn văn thôi.
- Bạn văn à?
Hắn gõ ngón tay khô rộc cán cuốc vào
trán, rồi gật gật:
- OK! Viết văn chính là tấm thẻ bảo
hành hoàn hảo nhất.
Bữa cơm tối có gà đồi, thịt sấy, rượu mầm
thóc ngâm sâu chít. Còn có cả năm cô công nhân người Thái, cùng giúp ăn tiếp
khách. Cả năm em đều sở hữu làm da trắng như hoa ban rừng. Tôi hỏi tên một em
ngồi cạnh, em rót chén rượu đầy, nâng lên rồi hát. Gã chủ trang trại tên Núi,
phiên dịch: "Nếu anh là trai Ẳng Dưới, Ẳng Giữa... thì tự dưng sẽ biết
tên em // Nếu anh là trai Quài Cang, Quài Tở... thì sớm hay muộn cũng biết tên
em // Nhưng anh là trai Hà Nội, Hải Phòng... thì phải uống cạn chén này...".
Ánh mắt em chân thật đến độ không thể chối, tôi quả quyết, kể cả chén này là
thuốc độc anh cũng uống. Uống để biết em tên Hướng. Uống để nuốt hồn em vào bụng,
rồi chuyển hóa thành máu, nuôi sống trái tim anh. Trước khi xin uống một chén để
biết tên tôi, Hướng lại hát: "Anh ơi, chớ lời thật chôn ba tấc đất // Chớ
lời dối dài chín sải tay...". Tôi như người lạc vào mê cung tình cảm. Ở
dưới kia, tôi vẫn uống những chén ngoại giao sáo rỗng, để làm men cho những lời
tâm sự sáo rỗng và đầy ắp nghệ thuật. Khi say là nôn thốc nôn tháo, nôn ra chè,
nôn ra máu và nôn ra những cú sốc đớn đau. Còn ở đây, tôi tin là chỉ có những
cơn say tình say nghĩa. Rượu uống vào tim thì thành lời hẹn lời hò.
Hướng đã tẳng cẩu, đã có chồng, nhưng
trong tiệc rượu, nhất là lại uống với khách phương xa, chẳng ông chồng người
Thái nào lại buồn vì vợ mình say mắt say môi. Cạn bình rượu San Lùng ngâm sâu
chít mà chưa ai say. Cả năm em gái Thái chưa em nào tới hai mươi tuổi. Cả năm
em, chẳng có em nào có cái tên mang sắc màu sơn nữ, mà toàn là Pháp, Đoàn, Đảo, Tranh. Cha mẹ các em đã
lãng quên cách đặt tên truyền thống theo hoa, lá, cỏ, cây rồi. Họ thích sự vần
vè hiện đại đến nực cứng. Có Đoàn là do đã có Quân; có Tư rồi mới có Pháp; trên
Chiến dưới phải là Tranh ...
Các em uống rượu như uống nước. Cứ ríu
rít tựa bầy chim mùa kết hôn. Tôi phải chia tai mình ra làm năm cửa, mà vẫn
không hứng hết. Trong hơi men và
trong ánh trăng rừng nghiêng ngả vàng, các em đẹp hơn bất kì cô gái nào mà tôi từng
nhìn thấy. Hướng khoác vai tôi uống những chén giao bôi. Em thầm thì bảo, muốn ngửi mùi trai Kinh. Hướng hỏi tôi có thích hơi con gái Thái không? Tôi lưỡng lự, em lại
hát: "Anh cứ thờ ơ không nghe tiếng em, như là đang nói chuyện tình với
gái nặng tai...". Các bạn em hò reo: "Hôn nhau đi! Hôn nhau
đi!". Trong
hơi men chếnh choáng, tôi cũng lải nhải: "Mình hôn nhau đi!".
Hướng từ chối bằng một câu làm tôi tỉnh
hẳn: "Mồm em thối lắm".
Tôi kinh hãi gỡ tay Hướng ra. Núi rỉ tai: "Ngu vừa thôi, chúng
nó không có
ngôn ngữ
nói
giảm, nói tránh.
Nói thế ý là xấu
thôi".
Dãn Hướng thì Pháp co vào: "Rượu
nhà em là lẩu xơ, lẩu mảy (rượu nước đầu, rượu đốt cháy), uống
vào xoong tin (hai chân - hai chén) là trai đẹp gái xinh; uống
vào xíp nịu (mười ngón - mười chén) mơ thấy ngủ với
nhau". Hướng và các bạn
cô cười rộ lên: "Mắn khắp xư é lảy cán bộ!". Tôi ngơ ngác. Núi dịch: "Nó
hát bài muốn được anh!". Tôi đỏ chín mặt. Núi bảo là nói
miệng môi, cũng như xem tắm truồng
ấy, "nhìn thấy
có lấy được đâu". Pháp có vẻ ngại vì đã không làm tôi vui
như ông chủ kí thác. Tôi thì khác, một sự hưng phấn không quen, không gặp ở đâu
bao giờ. Pháp cứ mời là dốc cạn. Pháp càng say sưa: "Ông chủ em chỉ có khẩu
ma tứn (cơm thơm đến độ chó đang ngủ ngửi thấy cũng phải bật dậy), phắc
xuồn phom (rau trồng vườn gầy), nhứa dảng, pa mốc (thịt
hun khói, cá vùi tro), canh xổm (canh chua); ăn thì
kin pẳn, kin khắm (ăn nắm, ăn cầm)... mong anh cố ngon miệng
nhé"... . Pháp tiếp tôi với đầy đủ văn hóa của dân tộc em, ngon miệng
thôi chưa đủ, phải ngon tai, ngon mắt nữa. Giống như hát giao duyên có bạn, uống
rượu phải có đôi. Uống không say là chưa thân nhau, uống không hết mình là chưa
thích nhau...
Tôi cứ hết mình như thế từ Hướng, đến
Pháp, đến Đoàn, đến Tranh và cuối cùng là Đảo. Trong số năm cô gái, chỉ còn
Tranh và Đảo chưa chồng. Đảo hỏi tôi đã được ngủ một đêm nghe tiếng trâu
gõ mõ, chó trèo thang, nước giã gạo chưa? Nghe gà gáy sang canh, chim gù bên
mái, lợn ủn ỉn gầm sàn, ngựa gõ móng trong tàu, cú gọi hồn rờn rợn phía pá
heo (rừng ma) chưa? Tôi vốn ngủ kín tịnh trong bốn bức bê tông, nên nghe thế
là thèm lắm. Còn gì nữa không? Còn, nhưng ngại. Đảo ngần ngừ một lát rồi hỏi,
nhà bê tông có gió không? Có quạt. Thế không phải ngủ truồng đâu nhỉ? Sao lại
ngủ truồng? Nhà có con gái kín vách, kín màn, gió không vào được. Tôi à ừ. Còn
gì nữa không? Còn, những cái Đảo hỏi thì Đảo không nghe thấy, nhưng Đảo luôn để
ý tiếng "bắt chước chó đi, chọc sàn theo nhạc". Là sao? Bạn
trai đến, sợ bố mẹ nên phải đi giống chó. Còn chọc sàn như nhạc? Con tim mới
nghe được thôi, nưng-nưng-nưng (1-1-1) là hẹn xuống nhà nói chuyện; nưng-nưng-báu
(1-1-0) là không nhận lời. Thế Đảo gõ trả lời mấy tiếng? Báu-báu-báu
(0-0-0). Họ còn chọc nữa không? Yêu quá thì vẫn chọc xoong-xoong-xoong (2-2-2),
lúc ấy là nóng rồi, dọa cả nhà đấy. Không còn cách nào đáp trả à? Có, mình dọa xam-xam-xam
(3-3-3) tức là đã có người giỏi hơn, khỏe hơn rồi, không sợ đâu. Họ bỏ cuộc chứ?
Cũng có người xí-xí-xí (4-4-4), là họ "trâu móm giữ cỏ non"
cho mình già chết. Đảo gặp chưa? Đảo im lặng. Hồi sau quay lại hỏi: "Nếu
anh thì chọc nhà Đảo mấy?" Tôi à, họi-họi-họi. Sao lại 100? Là
giữ em già chết cùng tôi...
*
* *
Đêm càng khuya,
trăng rừng càng già và sáng. Trăng ở đây trong vắt như pha lê. Ánh trăng và không gian núi rừng,
cả cuộc sống nơi ngọn nguồn thiên nhiên nữa, đủ làm tan chảy tất
cả những tâm hồn băng
giá. Căn nhà sàn quái gở, chỉ có cột và mái, đứng lồng lộng giữa cà phê
và trăng. Núi sắp cho
tôi ngủ ở một
đầu sàn, chỉ một tấm đệm đơn với chiếc chăn chiên. Thỉnh
thoảng, gió lật chăn thổi bạt bầy ruồi vàng mất tích vào đêm. Cách một tầm với, năm em phần vì một ngày làm
việc mệt nhọc, nên lăn lốc cả ra sàn. Ánh trăng trang điểm lên từng khuôn mặt.
Tôi trằn trọc mãi.
Con sâu bản năng khiến thằng đàn ông nằm vùi trong hương con gái, không thể ngủ. Tôi đồ, cứ như
những gì các em vừa thể hiện, chẳng nhẽ lại không có một sự phân công nào đó lăn sang với tôi. Các em
thoải mái nói về quan
niệm tính dục của dân tộc các em. Các em
có chồng còn tò
mò về một chất xúc tác mới, một
hành vi tính dục mới, với những người mới... hồn nhiên như thể các em mang bản năng
hoang dã!
Chả
mấy chốc, các em ngủ ngoan
như những khúc gỗ. Các em chẳng thao thức lấy một lần trong cái đêm nặng nề
ấy. Giờ thì tôi hiểu thấu thứ văn hóa ở nơi ít ngôn ngữ thể
hiện, và càng ít văn hóa hành động này. Gần sáng, tôi gạt bỏ tất cả ý nghĩ dung
tục, cố lục trí nhớ tìm một tác phẩm nào đó đã đọc
của Núi. Sớm sau, không như
tôi nghĩ, hắn bảo nhà văn với nhà văn có gì để nói. Chả
nhẽ ngồi khen văn nhau hay,
thật phù phiếm hết sức. Hắn hất hàm bảo Đảo dẫn tôi ra chòi canh cà phê, làm ngất ngư trên ngọn cây, ngồi tâm sự: "Cứ gặp các em đi, đó mới là bản án của nhà văn".
Hết men rượu, tôi
lại thấy Đảo đẹp hơn cả Pháp và Hướng. Dáng người thon gọn
như vận động viên, nhưng da trắng mịn, mắt to, mi dài và ướt. Hai chiếc răng khểnh,
mỗi lần nói, cười là một lần hoa nở. Đảo đỡ tôi lên cái thang độc mộc, buộc dựng cột chòi. Lam
lũ nhưng Đảo có bàn tay, bàn chân thon dài và rất trắng. Tôi vốn thích ngắm bàn
tay, bàn chân, nên càng si mê. Tôi hỏi em vì sao nhận lời trò chuyện với tôi. Đảo
nói do ông chủ bảo. Đảo đặc biệt đề cao chủ và luôn tâm niệm phải giúp làm,
giúp cả ăn, tận tình. Đảo còn có khái niệm thế này: "Ông chủ bảo ăn cứt
thì ăn cứt, ăn đái thì ăn đái". Giờ thì tôi biết, là do không thạo
ngôn ngữ thôi:
- Dễ tính vậy? Ông chủ bảo ngủ với ông ấy
thì sao?
- Không đâu, ông chủ "bố mí
kuôi" mà.
- Sao biết ông chủ không có kuôi?
- Có thì đêm phải mò sang sờ bọn em chứ.
- Sờ hả?
- Con trai biết lấy vợ thì biết thèm.
- Em cho sờ không?
- Có, nhưng xấu hổ lắm.
- Cho cả anh sờ không?
- Không, xấu hổ lắm!
Đảo tựa cột chòi, mắt nhìn xa vút. Tôi
cũng im lặng. Chẳng biết nói gì với ngôn ngữ "trần truồng" như thế. Đảo
bảo muốn nhìn "tảu ú", nhìn "hi" Đảo cũng được,
nhưng phải xuống suối, lúc tắm. Sao xuống suối mới cho nhìn? Nước sẽ chảy ánh mắt
đi. Chảy làm sao được ý nghĩ? Ý nghĩ thì mặc kệ: "Không tin anh hỏi con
chó xem có ăn được ý nghĩ không!". Ôi, Đảo ơi, sao em ngộ thế...! Gió
rừng mang hơi nước thơm như xông hương, hòa vào mùi đồng quê tinh khiết thoảng ra từ trong da thịt
Đảo. Chiều về vấn vít.
Vừa đó mà đã hết ngày. Chúng tôi quên cả ăn trưa. Đảo bảo em là người không có
số lấy chồng. Sao vậy Đảo? Vì em mãi là trẻ con. Đảo hỏi:
- Người Kinh có chê con gái có cái đẻ
(hi) mãi vẫn là trẻ con không?
Tôi lặng im hồi lâu. Quan niệm nghiệt
ngã thường chỉ được đọc qua sách báo, nay thì tận diện. Tôi đánh lảng:
- Anh có được cưới Đảo không?
- Được.
- Nhưng anh có vợ, có con rồi?
- Không sao, miễn anh muốn lấy em thật.
- Làm thế nào để biết anh muốn lấy em?
- Mang rượu thịt xuống gặp bố mẹ.
- Đơn giản vậy ư? Bố mẹ em không nhất
trí thì sao?
- Em nhất trí thì bố mẹ nhất trí thôi.
- Nếu em không nhất trí?
- Thì chỉ cần bố mẹ nhất trí!
*
* *
Tôi theo Đảo về nhà. Mái lá dột rưng
rưng. Bố Đảo tên Biển. Ông bị điên rồi, nhưng Đảo lại bảo ông giả vờ để trốn nợ.
Đảo dẫn tôi ra đầu sàn chỉ tay lên một quả đồi cà phê rộng mênh mang - nơi có
căn nhà sàn năm gian, gỗ sơn nhẵn bóng, lợp ngói mũi hài, bảo là của nhà Đảo, mới
bị chủ nợ bắt. Cơm áo, thuốc thang từ nay chỉ còn nhìn vào vai, vào lưng, vào
tay thôi. Khỏe thì no, yếu thì đói, ốm thì chết...
Quay lại đã thấy ông Biển tụt truồng đứng
vào máng nước dẫn trên Núi Mây về đầu sàn. Sườn ông lộ ra vết thương sâu thấu phổi. Đảo
bỏ tôi đứng ngơ ngác giữa nhà, chạy ra xát nước đều lên đầu, lên mình bố. Dưới
chân thang, Tranh mau mải bước lên phụ đỡ Đảo. Hai thiếu nữ mỏng mảnh dìu ông già
điên vào nhà. Tiếng dát tre trèo trẹo như mọt nghiến răng. Đảo bỏ ra ngoài sàn,
tắm. Thỉnh thoảng, vác bắp tay quyệt ngang mắt...
Bước
ngoặt cuộc đời ông Biển bắt đầu từ một buổi chiều, một người đàn ông sang trọng,
đi chiếc xe Nissan Teana tìm đến nhà ông. Ông ta giới thiệu tên Xanh, là giám đốc
ngân hàng nông nghiệp huyện, rồi rút năm trăm ngàn đưa cho Đảo bảo làm một bữa
tiệc tiết canh cá. Trong bữa rượu đó, ông Xanh bàn với bố Đảo thành lập công ty
tài chính. Đảo nghe phong thanh, hình như là đón đề án ba mươi A gì đó. Ông
Xanh phác thảo một phép tính màu nhiệm rằng, nếu giải ngân hết sáu mươi tỉ thì
mỗi tháng Nhà nước hỗ trợ cho người dân ba trăm ba mươi triệu đồng tiền lãi suất.
Bố Đảo đứng ra làm đại diện cho vay và giúp ông Xanh thu về một nửa số ấy. Kể từ
đó, ông Biển chả khác nào một cụ giời con ở vùng Ba Ẳng. Ai không thông qua tỉ
lệ ăn chia như ấn định, không có suất vay vốn hỗ trợ...
Tôi chết lặng, nhìn Tranh vừa khóc vừa
ôm vai ông Biển mà lắc:
- Bố cháu sai đâm bác, nhưng bác sai
bán nhà cháu cho ngân hàng ba tỉ, mà chỉ đưa năm trăm triệu!
Ông Biển gật gù:
- Ừ, sai!
- Cả mường bị bác chết, nhưng bác đừng
bắt nhà cháu chết. Nhà cháu bị thu đồi cà phê, nhà cửa, trâu bò... rồi.
Ông Biển nghiêng cái đầu như thể đờ đẫn:
- Chết thật à... . Chết rồi à... . Ai
chết?
Tranh không kìm nổi nữa, gào lên:
- Bác ơi, đừng thế mà! Bác nói đi, bác
còn tiền ở đâu nữa không? Ông giám đốc ngân hàng còn tiền ở đâu nữa không?
Ông Biển lại nghênh nghênh:
- Tiền à? Còn chứ!
Mắt Tranh chưa kịp sáng, ông Biển đã
tru rú lên, rồi chỉ vào cái chén mẻ, đôi dép rách và cả những chiếc niêu bẹp
như bị trâu giẫm nữa. Ông nhộp nhoạp:
- Bán đi, bán hết đi là có tiền.
Tranh đấm thùm thụp vào ngực mình, rồi
bưng mặt khóc ưng ức. Đảo để nguyên váy áo ướt sượt vào, bóp chặt hai vai bạn:
- Đừng tự đau mình nữa. Làm con gái, lấy
chồng, biết đâu...
- Nhưng còn bọn em trai?
Câu hỏi của Tranh bỏ ngỏ bởi hàng chục gã
ở Ẳng Giữa sầm sập lên sàn. Một tên mặt mày lông lá, reo lên:
- Đây rồi! Gớm, tìm mãi...
Vừa dứt lời, hắn co chân đạp vào ngực,
ông Biển bật ngửa ra sàn. Máu từ vết thương phọt ra lênh láng. Đảo quì mọp xuống.
Hắn hất ra, cô lại lăn vào lạy. Hắn quát:
- Tao xiên chết mẹ bây giờ!
Đảo khẩn khoản:
- Chú mất tiền thôi, đừng mất nốt người...
Gã này vung con dao sắc như án tử hình
lên, rồi bất chợt chững lại. Gã lầu bầu chửi một lát, đấm đá ông Biển một lát,
rồi bất lực bỏ về.
Đảo vào bếp hì hụi đồ xôi. Hôm nay làm
thuê, có tiền mua gạo, nhưng nhà đông người phải độn thêm sắn. Tranh ngồi nhặt
rau
phắc cút, xanh cả vòm chiều.
Từ lâu rồi, Tranh sang đây như thể ăn vạ ông Biển, ăn vạ Đảo. Tôi ngồi lau những
vết máu loang lổ trên sàn. Máu từ sau lớp gạc, băng vết thương ông Biển vẫn rịn
ra, đỏ hổi. Ông Biển không mảy may đau đớn. Ông giở đống giấy vay, nợ viết tay
chẳng đâu xác nhận, chẳng ai làm chứng, tung lên trời cười ha hả. Đảo bảo, ngay hôm ông Xanh bị bắt,
đống giấy tờ nặng bằng gánh củi ấy đã bị công an phô tô mang đi, bản gốc để lại
cho
ông Biển giải quyết bớt tranh chấp trước khi tòa gọi. Đảo nói, thỉnh thoảng vác bắp tay lên
quyệt ngang mắt...
*
* *
Cơm chưa chín thì ngoài đường bản, người
chen người, nhộn cả đoạn dài. Đảo và Tranh bỏ bữa cơm chiều lại cho lửa, tụt xuống
thang chạy hút vào đoàn người. Tôi chạy sau, túm được một phụ nữ nước mắt lưng tròng đi ngược chiều:
- Chuyện gì thế chị?
- Ông già chăn trâu trên Núi Mây ăn lá
ngón chết rồi!
- Chết? Sao chết? Chị nói rõ hơn không?
- Lúc dân bản lên ông vẫn còn tỉnh táo.
Hình như ai đó đến bầu bạn với ông, vừa bén duyên nhau thì bỏ đi. Buồn quá nên tự tử.
Tôi
rụng rời chân tay. Ông
lão ơi!
Hà
cớ gì ông phải nặng lòng thế. Vẫn biết, đã mấy chục năm ông chưa một lần về bản.
Nhà nước quy hoạch vùng cây mũi nhọn, chỉ chừa lại Núi Mây làm nơi chăn thả. Cả
bản gửi trâu cho ông. Ông chẳng biết mặt mũi đồng tiền là gì, vì ông đâu thiết. Ông chỉ cần
cơm rượu. Hơn nữa là đi một chuyến lên thị trấn huyện ngắm nhà xây, ô tô, xe
máy, ăn bát phở, chụp tấm ảnh và cắm cái răng vàng. Tôi hứa đưa ông đi xem cái
sự sung sướng ấy mặt mũi ra sao, là hứa để ông vui thôi, chứ đâu ngờ... . Tôi
giật mình nhớ lại khoảnh khắc ông chạy ra đầu dốc gọi với theo: "Mày
cũng là thằng điên lang thang mà, ở lại với ta đi!"...
Trong điếu văn ông, xã viết, ông vốn là
một thanh niên hoạt bát. Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông mới mười lăm tuổi,
nên phải ở nhà. Người yêu ông hơn ông hai tuổi, tham gia lực lượng thanh niên
xung phong, phục vụ chiến dịch, đã không trở về. Từ đó, ông trở thành Người
Ngu. Người Ngu ăn, ở lang thang khắp các bản. Ai có việc thì làm, ai có cơm thì
ăn, cho đến khi người ta biểu quyết đưa ông lên Núi Mây. Lúc liệm, họ hàng, dân
bản đã trả lại cho Người Ngu cái tên Tòng Văn Sáng của thời tháo vát...
Đảo đi một lát rồi về, còn Tranh thì đi
luôn. Nghe Đảo nói, ông Sáng là ông trẻ, em ruột ông nội Tranh. Trong họ có người chết,
Tranh phải về nhà chồng trước khi chôn. Một cuộc vu quy vội vã và bất an! Đảo bảo
Tranh lấy chồng xa lắm, qua mười ngọn núi, mười con suối, ở đó đất chạm mây
xanh, không trồng được cà phê. Tranh chưa biết mặt chồng, là do người mai mối.
Thấy tôi lo lắng, Đảo nói như an ủi: "Chỉ cần vớ được người không nghiện
thôi". Lần thứ hai mắt tôi cay như rắc ớt.
*
* *
Tôi
ở nhà Đảo, chăm sóc bố Đảo, đi làm thuê cùng Đảo, nhưng chưa bao giờ ngủ thử với
Đảo như những gì đọc được trên sách báo. Có một điều mà giờ tôi mới hiểu, đó là
mỗi khuya, khi bếp lửa đã tàn, góc sàn bên gian chủ cứ run lên từng nhịp phập
phồng. Sàn nhà diễn vở thị phạm yêu đương, để giục giã con cái mau trưởng
thành, mau cầu hôn, đừng chỉ mãi biết làm ruộng, làm nương cùng bố mẹ. Và tôi
cũng hiểu cả cái niềm mong ước giản dị của những sơn nữ như Đảo, là: "Hai
trái tim vàng, một túp lều tranh, một mảnh nương và một con suối nhỏ"!
Nhiều lần tôi và Đảo quay lại làm công
cho Núi. Núi bảo chẳng nghề nào nghèo và phù phiếm như nghề viết văn. Trang trại
thì rõ rồi, trồng cây mà, ngày hái quả còn xa lắm. Tù mù thế nhưng Núi cứ nài rủ
tôi ở lại với Núi. Nghèo thì nghèo, Núi vẫn có thể cho tôi và Đảo mượn vài ngàn
gốc cà phê mà chăm sóc. Chê ít thì Núi sẽ giúp tôi nhận khoán vài chục héc ta cà phê ngân hàng, thu của khách hàng không có khả năng trả nợ. Không như tài sản khác, nghỉ đầu tư chăm sóc một năm là
cà phê thành cỏ
ngay.
- Đảo nói, hầu hết
là cà phê sắp chết?
- Thì thế họ mới để
ngân hàng phát mại.
- Nghe nói đấy là sản phẩm của tay giám
đốc cũ?
- Ừ, bị dân phản đòn. Những trang trại
cà phê chết, nhưng vì đút nhiều tiền nên vẫn được vay gấp đôi, gấp ba giá trị
thật. Giờ thành ra mua đội giá.
Thời buổi kinh doanh
loạn lạc, như con chim trúng tên sợ cành cây cong. Vì thế nên tôi càng sợ làm cái kiếp trồng cây. Trồng, chăm bón mười năm
sau mới biết cây có giá trị hay không. Vô giá trị thì phải chặt để trồng cây khác. Rồi lại đợi mười năm. Rồi lại chặt. Rồi lại trồng... . Dăm lần như thế là vác dao đốn luôn cả
mình, đốn luôn cả vợ con mình. Tôi hứa sẽ sớm trả lời Núi về chuyện ấy. Còn chuyện Núi vun tôi với Đảo,
tôi hỏi hắn đã ngủ với Đảo chưa. Hắn chỉ cười. Hắn bảo vợ hắn rất đẹp, nhà ngay thị trấn, cách năm cây số,
về liên tục, hai con ngoan ngoãn, giỏi giang, gia đình rất hạnh phúc...
Sau buổi làm, tôi và Đảo nhận một trăm
bốn mươi ngàn tiền công từ Núi, rồi lủi thủi về Ẳng Dưới. Đảo hỏi tôi bao giờ có thịt, rượu xin bố mẹ cưới Đảo? Tôi ngắc ngứ một hồi: "Anh không có tiền, phải
đi làm thuê đã". Hai hôm sau câu trả lời ấy, Đảo bảo em phải
đi lấy chồng. Em
lấy ai? Em lấy ông mặt đầy lông đấm đá bố em hôm nọ! Tôi gào lên, sao lại thế Đảo
ơi? Trời định thế rồi, không khác được đâu. Đảo đuổi tôi đi đi. Đảo bảo tôi lên
Ẳng Trên - nơi tập trung toàn bộ người giầu của vùng Ba Ẳng, và cũng là nơi
kinh tế trang trại hình thành trước khi các chủ trương phát triển cây mũi nhọn
về...
Tôi nhìn em rưng rưng!
Sơn Viên, 18.02 - 18.03.2014
http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/1353858/vnqd-so-moi/tap-chi-van-nghe-quan-doi-so-dac-biet-796-797-thang-5-2014-.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét