9 tháng 3, 2014

MÙA SAY RƯỢU

Cứ mỗi độ hoa pa-chía phủ một màu trắng lay động lên khắp núi rừng, là hai bàn chân như bị "trâu kéo" về phía ấy. Ở đó có tiếng giã bánh dầy đều như nhịp thổn thức sơn nữ tuổi trăng rằm. Ở đó, tiếng kèn lá, đàn môi, khèn bè... (có người giầu liên tưởng gọi là "nhạc tình"), như đồng điệu với hoa rừng, nở rộ khắp các triền xa. Tiếng "nhạc tình" cứ theo gió réo rắt mà đi, cứ theo hương con gái bồn chồn, tìm vào tận dây thần kinh cảm xúc mà "rung", cho "động" mãi lên...
    Cũng có thể nói, khi nào người Mông hết gùi ngô, gùi thóc, gùi sắn... để dành sức cõng lặc lè trên lưng những "con" củi to như con trâu, và những "con" cỏ khô lợp kín người một màu vàng ruộm, có nghĩa là chuẩn bị đến mùa chơi, mùa uống rượu... . Mình chẳng thạo đâu là cuối tháng Con Bò, đầu tháng Con Hổ... nên chỉ biết nhìn hoa mà về. Lúc nào hoa pa-chía đẹp nhất, rộ nhất chính là tết. Người Mông ăn tết theo hoa pa-chía mà. Ngoài hoa pa-chía còn hoa tớ-dờ nữa. Khi nào loài "anh đào rừng" điểm vào mùa đông trắng muốt những chùm hoa phớt hồng, đó chính là thời khắc trai Mông quên ăn chơi khèn, gái Mông quên ngủ chơi pao. Hoa rừng và hoa "nhạc tình" xuất hiện, chính là dấu hiệu công việc ngoài đồng đã cạn. Đã đến lúc gác lại mọi lo toan được mất, để nghèo cũng như giầu, phải được nghỉ, được chơi, được ăn uống no say. Hai loài hoa ấy còn nhắc người già nhẩm lại những bài cúng, bài mời ma họ, ma bản...; nhắc người trẻ may "áo tết" cho trâu, bò, cuốc, xẻng...; nhắc bất kì ai đừng nói với nhau những lời nặng như quẳng đá hộc vào nhau; nhắc tránh những oán trách, học hằn... để chỉ biết cười biết hát cho cuộc sống được mãi yên vui, hạnh phúc. Trong bộn bề lo toan, chẳng có thời gian để ý đến hoa lá cỏ cây, cũng chẳng có "thần giao cách cảm" để mà nghe tiếng nhạc tình réo gọi, thì chỉ cần cài "nhắc nhở" vào điện thoại, để nhớ, kể từ mồng một tết của người Mông năm trước, vừa vặn 361 ngày sẽ lại là mồng một tết năm sau.
Nếu là ngày xưa, "mùa say rượu" kéo dài cả tháng. Mỗi nhà ăn tết một ngày. Bản làng khi ấy thường không quá ba mươi hộ (số hộ không được quá số ngày ăn tết đã ấn định từ ngàn đời của người Mông). Tất nhiên vẫn có ngoại lệ, nếu như bản ấy giàu có, hoặc bản ấy hầu hết là anh em, là nhiều gia đình lớn cộng lại, và khi đó, qui ước "mỗi nhà" sẽ là một gia đình lớn (gồm dăm bảy gia đình anh em, con cháu...) sẽ cùng nhau ăn tết chung ngày do "trưởng nhà" tổ chức. Tết xưa hầu hết là mổ trâu, mổ bò, nhưng phải mổ trước ngày mồng một tết. Từ mồng một đến mồng ba, gọi là tết chính, người Mông kiêng sát sinh, kiêng cho lửa, cho tiền... và vì thế, thức ăn, nhất là thịt thà sẽ được chế biến sao cho không thiu thối, chắc có lẽ do thế nên họ mới nghĩ ra những món vô cùng độc đáo: gài-cau (thịt muối chua), gài khua (thịt khô), gài-làng-chế (thịt treo), nhu-ú-chử (lạp xường), gài-khu-ố (thịt ướp)... . Có một cách khắc phục thức ăn khỏi bị hỏng nữa được áp dụng phổ biến, đó chính là uống rượu. Ba ngày tết chính luôn chìm trong rượu thịt. Rượu người Mông nấu, đến con chim cu xanh cũng phải về đậu trên cây đinh cây sến đầu nhà vì "nghiện mùi", và lúc ấy, có mang súng kíp ra bắn cũng không bay.
Chẳng riêng chim rừng say ngất say ngư cái không khí tết của người Mông. Cũng chẳng cứ gì các chàng trai Mông dũng mãnh như con trâu đực (xâm đâu là nhập đấy) mới biết đường tìm đến những nhà người Mông đang mùa uống rượu và, cũng đang mùa con gái. Con gái người Mông như hoa pa-chía, cứ tết đến là ai nấy đẹp rực rỡ. Bao nhiêu duyên dáng, bao nhiêu nết na, khéo léo, chỉ chờ đến tết là khoe ra. Nào áo khăn, nào đàn môi... . Ngày thường thế nào không biết, cứ tết đến là gót phải trắng, má phải hồng. Thịt, rượu chỉ trói chân những người phụ nữ có chồng. Gái son cả một tháng tết không ai quản. Quản con gái tức là bắt chết, bắt làm bà cô, bắt làm "gái nấu cao", gái thừa... vì thế nên mùa xuân cũng chính là mùa cướp vợ. Trai Mông muốn tán gái thì phải hát hay, khèn giỏi. Trai Mông muốn có vợ thì phải giỏi phi ngựa, bắn nỏ; phải khỏe cuốc cày, mang vác... . Có lẽ hơn cả thế, là phải biết "lấy lòng" các cô gái, để các cô cho "cướp" và để các cô hậu thuẫn bằng cách, sẵn sàng ăn lá ngón nếu bị gia đình từ chối chú rể. Là nói thế chứ chẳng ông bố bà mẹ Mông nào dại gì để con gái ăn lá ngón. Người Kinh xưa quan niệm, con gái là con người ta, thì người Mông nay tương tự. Bố mẹ vợ không chết được ở nhà con rể (vì không cùng ma). Thế nên, khi con gái đi lấy chồng là coi như hết (về mặt ý thức hệ). Và, cũng thế nên chẳng bao giờ  khước từ cơ hội lấy chồng của con. Họ rất xót, rất thương nhớ con gái, nhưng tục lệ nó phải thế thôi. Không đẻ được con trai thì chết rừng chết xó chứ nhất định không chết trong nhà con rể, vì thế, cũng chỉ cần đến sự chăm chút của con dâu. Do vậy mà họ rất chiều con gái lúc còn là con của họ. Họ sẽ không ngăn cản con điều gì, kể cả là khi không ưng chàng con rể...
Tết năm nay tôi không đi tìm "mùa cướp vợ", mà đi đến với "mùa say rượu". Anh bạn thân người Mông, Lý A Lệnh bảo, trên đường đi lên ăn tết nhà anh, nếu không may bị xe người say rượu đâm phải thì cũng đừng bắt đền. Nếu gặp người say rượu ngủ dưới đất, tốt thì đắp lên mặt họ cành lá, không thì bước qua, chẳng sao đâu. Người Mông không ai chết vì say rượu cả. Một phần do rượu người Mông nấu không có, hoặc rất ít methanol, một phần trong men rượu của họ đã có thuốc "trị rượu" rồi. Nếu uống quá nhiều (cỡ vài lít), trước khi ra về chủ nhà bao giờ cũng đút vào miệng khách một mẩu rễ cây. Mẩu rễ đó sẽ lấy rượu từ trong máu người say vứt ra ngoài. Một lần nghe kể thế. Người kể chuyện thấy tôi ngờ vực đã đưa cho một mẩu rễ như vậy, rồi bảo: "Mua chai cồn 900, bỏ cái rễ này vào, mấy tiếng sau sẽ thành nước lã". Tôi làm như lời anh nói, và vô cùng kinh ngạc. Tôi tin người Mông sẽ không bao giờ chết vì say rượu. Tôi tin, từ giây phút ấy, tôi sẽ đủ dũng cảm để bước qua "xác" một anh chàng Mông đang say rượu, nằm như chết lâm sàng bên bìa rừng. Và tôi cũng tin, làm gì có người Mông say rượu đi xe máy, để nông nỗi phải đâm vào những người... không bao giờ bắt đền(!)
Năm nào tôi cũng đi uống rượu tết người Mông, và tất nhiên, cũng được ngậm rễ mà về. Chỉ có năm ngoái là tôi bỏ cuộc giữa chừng vì lí do đảm bảo an toàn tính mạng. Dĩ nhiên là tôi không hề sợ chết vì rượu. Nhà anh bạn Lý A Lệnh ở cheo leo mãi trên đỉnh núi Pơ Mu. Muốn lên chỗ anh phải đi mất hàng tiếng xe máy từ đường quốc lộ vào con đường liên xã bằng đất, nắng thì bụi, mưa thì ao vũng như ruộng lầy, đã thế còn dốc như trèo cây. Hết đường xe máy thì đi bộ khoảng hai tiếng nữa, xuyên qua rừng thồ lộ, rừng lồ ô, rừng pơ mu... rậm rịt (Tôi từng đề xuất chuyện mở đường, Lệnh gạt phắt đi: "Tao còn đang định chuyển nhà đi sâu hơn nữa, con vi rút đã với tới trang trại rồi!").  Bữa đó, nửa đường bỗng gặp tấm biển run rẩy hai chữ: "Có hộ" (tức là "Có hổ!") khiến chân tay bủn rủn, rã rời. Tấm biển bằng mảnh vỏ cây thôi mà uy lực như một con hổ thật. Khi chuột còn chưa kịp chui vào bắp chân, tôi nhanh chóng quay gót. Về đến nhà, tôi gọi điện cả ngày không gặp được Lệnh. Anh giận? Say rượu? Hay mải khách khứa không ra chỗ "gốc cây ăng-ten" - nơi duy nhất sóng điện thoại vi-na-phôn vươn tới? Hai ngày sau thì anh gọi lại. Anh vừa giận, vừa say. Khi nghe tôi nói có hổ, anh cười kà kà: "Con hổ khoảng một tạ về rình lợn nhà thôi, sợ gì". Ối giời ơi, con hổ tận "một tạ" mà bảo không sợ, thế thì anh sợ thứ gì? Một con báo hoa mai bằng nửa thế, thậm chí chỉ là một con mèo rừng hơn yến thôi còn xơi tái được người trưởng thành, huống hồ con hổ một tạ? Anh lại cười kà kà: "Anh chỉ sợ hoa pa-chía nở rộ mà không có rượu uống thôi". Chà, lại rượu rồi!
Tết năm nay được anh chấn an rằng, con hổ đó đã cắt khẩu Chăn Nuôi - bản của Lệnh thuộc xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng - để đi nơi khác rồi. Tôi tự chấn an rồi bấm răng lên núi. Mặc dù không còn tấm biển cảnh báo hổ nữa, nhưng cảm giác thật không dễ thở chút nào. Cuộc hành trình đằng đẵng hàng tiếng đồng trong màn sương bưng kín mắt, bỗng trở nên ghê rợn và ngột ngạt. Rón rén. Dò dẫm. Nghiêng phòng sau, vểnh nghe trước. Tiếng tim đập ngỡ tiếng bước chân hổ, thình thịch. Bỗng, bên kia khúc cua rậm rịt lau lách, có tiếng sột soạt: - Uỵch! Tôi giở ngay miếng võ "oánh hổ" đã học ra, đó là nằm úp mặt xuống đất giả chết. Miếng thứ hai là nín thở. Nhưng trước khi nín thở phải nghe ngóng xem có tiếng chân, có mùi khét như "lông hiểm" đốt, có luồng hơi nóng sực, tanh lợm mùi xác chết phả vào gáy không. Nếu có thì bằng mọi giá phải nín thở đến khi nào luồng hơi ấy phả sang chỗ khác (Loài hổ phàm ăn nhưng không ăn xác chết. Chúng rất khôn, gặp xác bất kì đều ngửi và nghe xem có hơi thở, nhịp tim... . Chính vì thế nên phải nằm úp và nín thở. Những con hổ già còn biết lật "xác" lên rồi liếm vào mũi, nếu giả chết sẽ phải hắt hơi...).
Chờ mãi chẳng thấy động tĩnh, tôi lồm cồm bò dậy nghe ngóng tiếp. Bên kia bụi cỏ có tiếng động, nhưng là một thứ hơi thở của một người bị chẹt mũi. Tôi lò dò sang, thấy một người đàn ông Mông nằm úp mặt xuống cỏ. Hình như anh ta tưởng tôi là hổ nên giở võ? Không phải, từ miệng anh ta chảy ra một đống "bã chè". Say nhũn bún nhưng vẫn lảm nhảm một câu gì đó, ngữ điệu rất vui vẻ. Người phụ nữ - vợ anh ta - trên tay cầm một mẩu rễ được cạo qua loa, còn vương màu đất, đi từ trên núi xuống, chị ta cạy miệng chồng ra, nhét mẩu rễ vừa đập dập vào. Nhìn anh chồng chị say mềm như đã bị rút hết xương, tôi rùng mình liên tưởng đến vụ sáu người chết ở Quảng Ninh do ngộ độc methanol cao gấp 1.600 - 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép, của hãng rượu nếp 29 Hà Nội cuối năm 2013. Ai dám đảm bảo rằng, anh chàng Mông nằm trước mặt tôi đây lại không uống phải một loại rượu nào đó có hàm lượng methanol cao gấp vài ngàn lần? Ai dám đảm bảo rằng, thứ thuốc giấu - bí kíp giải rượu - của người Mông lúc nào cũng thần diệu? Nhất là với một anh chàng say quá độ, say tím tái, say "tắt" thở nhưng thế này. Thấy tôi băn khoăn, chị vợ anh ta miễn cưỡng mỉn cười. Chị nói tiếng phổ thông khá sõi, ngoại trừ cách dùng từ: "Không sao đâu, năm nào "nó" chả say như thế. Tí là tỉnh, là chửi vợ, "sao không cho tao say", ngay ấy mà". Tôi hỏi sao không cho anh ngậm thuốc giải rượu sớm hơn? Chị dằn dỗi: "Nó không chịu. Nó muốn say, muốn mơ đẹp". "Nhưng nhỡ anh ấy chết thì sao?". "Ngậm rễ này rồi, ngủ một giấc thì dậy thôi, không sợ chết rượu đâu". Tôi đánh bạo hỏi chị, vậy thì chị sợ anh chết gì? Chị cười: "Chết gái!". Tôi hiểu nỗi lòng của người phụ nữ có anh chồng đào hoa. Anh người Mông nằm nhũn dưới nền lá rừng, nhưng xung quanh anh ta, vẫn phảng phất sự uy phong của một con "trâu rừng" vạm vỡ và tràn đầy uy dũng.
Chúng tôi quyết định dựng trại nghỉ đêm để cùng bảo vệ anh chàng người Mông đang nằm khoan thai giữa muôn điều rình rập của núi rừng hoang vu. Tôi cứ nghĩ mãi về một trải nghiệm say như thế, rồi tự đặt câu hỏi, nếu mình là người nằm đây chứ không phải anh chàng Mông kia, thì người ngồi cạnh mình có thể là ai? Người phụ nữ mình yêu hay là một... con hổ? Ở dãy Pơ Mu này có cơ man nào là nỗi sợ. Người ta sợ nhất là rắn hổ rừng. Mà ở đâu không biết chứ ở đây, loài này sinh sản nhiều và nhanh hơn gà. Nó hoàn toàn ngược lại với biện chứng của các nhà khoa học rằng, loài rắn hổ rừng rất ít con, có thể do chúng ăn bớt con ngay sau khi nở, mà cũng có chuyện chúng tưởng nhầm bạn tình là các loài rắn độc khác, nên ăn thịt trước khi kịp làm cái sứ mệnh thiêng liêng giống nòi. Nỗi sợ thứ hai là loài hổ chim (sưa nôộc). Cũng là mèo rừng, nhưng sưa nôộc lớn cỡ con chó, chuyên săn chim và các loại thú nhỏ. Gần đây, chắc do khan hiếm thức ăn, chúng tìm về tấn công dê, bê non, chó nhà và đe dọa cả con người. Thậm chí, có khi chỉ là một con khỉ đực độc thân cũng đủ làm cho các chị, các em lâm vào cảnh khó bề bảo toàn trinh tiết. Cũng phải nói thêm đến các loại côn trùng vô cùng đáng sợ như rết đỏ, ong đất, nhện độc... . Chỉ nói đến ba loài này thôi, chẳng ai là không ngán đến tận óc. Nhưng đấy là với lữ khách, còn người Mông, có khi chỉ vài chú nhóc chăn trâu thôi, mình hút xong điếu thuốc là các chú đã nhón được con nhện lông lá xù như một quả cầu gai, liên tục bổ hai cái răng cong như chiếc lưỡi liềm; hay con rết đỏ to như cái đũa cả có "hai cái đầu" (răng thì có độc, còn đuôi có móc, móc là gai cắm thấu xương) rồi nhóm lửa nướng ăn như một giải pháp sinh diệt vĩnh hằng. Ong đất cũng thế, thấy là đào dễ như đào củ mài vậy.
Nhưng đấy là người tỉnh, còn người say thì sao? Tôi từng được nghe chuyện, một chàng trai Mông đi cướp vợ, nhưng bị cô gái vùng chạy thoát (không nhất trí). Chàng buồn, rủ bạn bè uống rượu thâu đêm. Trong lúc say, chàng dò dẫm đi trong hoang sầu quạnh quẽ, và không ngừng gọi tên cô gái mà chàng yêu trộm nhớ thầm đã mấy mùa xuân. Thật rủi cho chàng, người tỉnh bảy vía, say chỉ còn một, thế nên cái linh cảm sinh tồn mãnh liệt trước các mối đe dọa từ thiên nhiên cũng theo thế mà bay đi. Trước tổ ong đất lỗ chi chít như mắt sàng, hút gió xay thóc ào ào, chàng không những không tránh mà còn dấn thân vào "đánh nhau", như thể Đôn-Ki-hô-tê của xứ sở Tây Ban Nha. Đến khi dân làng đến, chàng đã trương lên như một con trâu mộng.
Lại nói đến anh chàng say rượu giữa đường rừng Pơ Mu. Trời chịu thua anh, đất chịu thua anh, vợ anh thì khỏi nói, khổ hết mức mà hạnh phúc cũng hết mức. Người Mông là thế. Bụng thật như ruột cây rừng, chỉ nghe không cãi. Đã không uống thì thôi, uống đến quên trời đất, quên cả… vợ. Ngược lại, vợ anh không bao giờ quên chồng, chị bỏ con lanh trong gùi ra truốt. Chị kể, anh say quá ngưỡng là bởi mắt anh gặp mắt một "nàng tiên" bản dưới. Cô ta nhìn anh như thể chẳng có mùa xuân nào cả. Còn anh thì nhìn cô ta mà chỉ thấy mắt mình, không thấy lí người Mông, cũng không thấy cả sợ. Những lần anh uống rượu đám nhà, đám vợ... đến chén thứ một trăm sẽ dừng. Lần này anh uống như hang Nậm Khẩu Hú uống gọn cả dòng sông Nậm Rốm. Chảy bao nhiêu cũng vẫn khát. Uống bằng nào cũng không thỏa. Tay anh gặp tay cô gái. Anh quên có vợ đi cùng. Cô gái kia cũng quên có chồng ở bên. Đến khi cô gái gục xuống, thì anh cũng chẳng biết gì. Mắt chồng cô gái tìm mắt vợ anh, họ ngầm xin nhau hãy cố giữ nửa kia của mình... . Thế đấy! Chị vợ ngồi hát vu vơ vào đêm, lời ca buồn não nuột: "Em không thích anh là người đào hoa// Em chỉ thích anh ngồi một chỗ như cái cối xay ngô// Ăn một nơi như con lợn trong chuồng không bao giờ xa cái máng thủng...".

Bình minh rơi chầm chậm xuống rừng. Thật thú vị, và thú vị hơn nữa là nằm nghe sương gõ vào những chiếc lá khô vênh như lá gói thịt nướng. Tiếng gõ sao mà thổn thức, sao mà canh cánh đến nhường ấy. Ở một khía cạnh cảm xúc khác, cảm giác như tiếng gõ của triệu triệu chiếc đồng hồ thiên nhiên, vốn dĩ mang trong mình sự biến tính vô biên và huyền hoặc. Nghe là thế, còn nhìn thì sao? Sương phủ, núi trắng ma mị. Sương tràn vào rừng, gặp nắng xiên khoai, tạo nên một vũ điệu ánh sáng, vừa nhẩy nhót vừa rắc khúc xạ muôn hồng ngàn tía lên khung trời. Anh chàng người Mông đã hoàn toàn tỉnh táo. Anh ta thậm chí chẳng biết mình đã từng say tình, say rượu đến bơ cả vợ đi. Anh đứng dậy phủi quần bồm bộp như vừa vỡ xong một mảng nương, rồi hất hàm giục vợ ra về. Tôi rất mừng vì biết anh cùng bản, lại cùng cả họ với Lệnh. Anh tên là Súa, Lý A Súa. Vợ anh là Lý Thị Xua. Thế là tôi khoan thai chẳng kém anh, lẵng nhẵng theo sau "đôi vợ chồng hoạt họa" mà không khỏi ước ao một cuộc sống giản dị và chân thực đến kì cùng con người. Ở dưới kia, tôi xin lấy tính mạng ra để đảm bảo rằng, cuối con đường mà hai người kia đang đi, nhất định chỉ có thể là cánh cửa... tòa án! Còn ở đây thì sao, anh chồng ngắt một cái lá cây đưa lên miệng thổi: "Em là người số một của anh// Không có em anh như con trâu không có cỏ// Không có em, con chúng ta như con cá không có nước... Vì thế nên, em hãy cuời lên cho anh được ngắm em// Em cười đẹp như hoa// Em không cười xấu như khỉ// Em cười khiến cho anh say em như say rượu...". Vợ anh ta lùi lũi đằng sau, tay truốt lanh thoăn thoắt, thỉnh thoảng lại nhoẻn cười rạng rỡ!

*
Tôi đến bản Chăn Nuôi của Lý A Lệnh vào giữa buổi. Trong nhà anh đã bày hai mâm dài với gần trăm thực khách, cả ở các bản to Nậm Chan 1, Nậm Chan 2 (xã Mường Đăng) và Hua Sát (xã Ngối Cáy) đến chung vui. Tết năm nay, hầu hết người dân trong bản cũng như Lý A Lệnh "làm cái gì được cái gì", "làm cái gì thắng lợi cái gì", nên ăn tết to lắm. Riêng nhà Lệnh mổ một con bò hơn tạ thịt và một con lợn 120 cân. Tôi là vị khách duy nhất ở vùng thấp lên, nên lần lượt từng người đến chuốc rượu. Trước khi uống, tôi nói với Lệnh rằng, hãy ban cho tôi cái rễ cây thần diệu, rễ cây "kẻ thù" của rượu ấy. Lệnh nghiêm mặt bảo, ngậm rễ trước khi uống rượu là không thật lòng. Tôi nói tôi sợ say. Lệnh giảng giải, phải say rượu như say tình thì mới không sợ rượu. Tôi nhăn nhó tả bệnh. Lệnh bảo uống rượu thuốc của Lệnh, ung thư cũng tan. Tôi miễn cưỡng uống với gần một trăm thực khách nhà Lệnh, mỗi người một chén. Từ chén thứ nhất đến chén thứ 10, tôi như nuốt hòn than hồng vào trong họng. Từ chén thứ 10 đến chén thứ 20, giống như nuốt phải con dao găm. Từ chén 20 đến chén 50, uống như nước lã. Từ chén 50 trở đi, cảm giác như uống đường, uống mật ong vào lòng. Chủ nhà cứ rót, tôi cứ uống. Ai mời cũng nhận. Thưởng cũng nhận. Phạt cũng nhận. Uống như chưa bao giờ được uống, cho đến khi, tôi thấy mình nhẹ như sợi bông, gió khiêng bồng bềnh khắp nẻo trần gian...
Tôi tỉnh dậy thì trời đã lem nhem như bức tường thợ sơn ẩu. Hai mảng màu trắng đen đan xen như những luống ngô thẳng và dài thăm thẳm. Trên nền nhà, khách khứa nằm la liệt. Những người phụ nữ của họ bày biện một mâm dài ngoài hành lang, ăn uống, nói cười rổn rảng. Tết người Mông bao giờ cũng chỉ có thịt. Quan niệm ăn thịt ba ngày tết chính, thì cả năm có thịt để ăn. Ăn rau, thì cả năm chỉ có rau. Vì thế mà hầu như chẳng bao giờ thấy canh rau hay đại loại như thế trên mâm cỗ. Tôi lơ đơ tỉnh, bụng đói cồn cào vì chẳng có thứ gì vào bụng, ngoại trừ rượu. Tôi vẫy chị vợ Lệnh xin một bát canh rau. Chị ngẩn ra một lúc rồi lắc đầu. Thấy tôi tỉnh, Lệnh từ ngoài sân bước vào. Thì ra anh không say. Tôi hỏi, anh nói đã uống nước sắc rễ cây trước. Tôi bảo như thế là không có tấm lòng (như anh đã dạy tôi). Lệnh cười kà kà: "Đấy là với khách thôi, còn chủ thì khác. Phải tỉnh táo để nói không được thiếu không được thừa. Nghe không được sai, không được rơi vãi"! Ôi, đúng là lí ông... anh! Lệnh phải uống vị chi gần một nghìn chén. Anh nói anh phải tỉnh để rót chén cuối cùng - chính là chén thuốc sắc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Lệnh lí sự, bây giờ chỉ sợ tai nạn xe máy thôi chứ ngày xưa còn có súng kíp, có nỏ, có tên, có chông thuốc độc... người say rượu dễ làm ẩu làm càn, án mạng của "mùa say rượu" cao gấp chục, thậm chí gấp trăm lần cả năm cộng lại. Vì thế mà tổ tiên mới tìm ra thứ cây chữa "điên rượu" cho con cháu ngày nay dùng. Hàng chục mùa uống rượu cứ yên bình trôi qua, người Mông không để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, ngoại trừ chuyện say rượu thì... sai vợ, sai con!
Chuyện tôi muốn uống canh, Lệnh quay lại nói một hồi với vợ con, cuối cùng tôi cũng có một bát rau chống xót. Tôi lấy làm ái ngại, vì mình mà nhà Lệnh phá kiêng. Lệnh lại cười kà kà. Nhưng còn chị và các cháu. Lệnh bảo đã giải thích rồi. Ngày xưa ngày tết ăn rau sợ nương vườn lắm cỏ, không làm được. Nay có kĩ thuật mới rồi, nương càng nhiều cỏ, lúa càng tốt. Mùa gieo lúa phải chọn mảnh nương nào cỏ ngập đầu, rồi cứ thế rắc thóc giống vào. Sau đó cuốc, cày lật úp cỏ đi. Càng nắng lúa nảy mầm càng đều. Cỏ càng nhiều chứng tỏ đất tốt, và cũng là nguồn phân xanh không gì thay thế được... . Thế đấy, Lệnh thật giỏi, thảo nào mà anh luôn là công dân số một của bản, của xã, của huyện và thậm chí là của tỉnh. Nhà Lệnh có 40 con bò, 12 con trâu, mấy chục con dê, hơn trăm con lợn và vài trăm con gà. Thóc thì mỗi năm thu mấy trăm bao (40kg/bao), Lệnh bảo, bản anh năm nay vui lắm, giảm được mấy phần trăm hộ nghèo, và chẳng nhà ai phải đói bữa nào cả. Riêng nhà anh, còn cứu đói cho cả một bản người Thái ở vùng dưới bằng một nương sắn củ to như cái cột. Sắn nhà anh trồng ba năm chưa thu tới, vì thế, hộ nào đói thật, lên xin anh cho no cả tháng...
Không những làm ăn giỏi, Lệnh còn là tay thợ chế tác khèn bè và thổi khèn cừ khôi. Anh từng hai lần đoạt giải A Hội thi khèn Mông cấp tỉnh. Lệnh cũng là thầy thuốc trứ danh một vùng. Anh có bài thuốc bách thảo uống vào rất... "tốn" vợ. Tôi hỏi anh sao cái gì anh cũng chỉ tính đến lắm vợ, lắm con, anh nói đó là cách diễn đạt thôi, thật ra là thuốc khỏe. Cái gì cũng khỏe, mà khỏe đều. Khỏe tóc, khỏe da và dĩ nhiên là khỏe cả chuyện... này nọ kia khác!
Với Lệnh và đồng bào của Lệnh, có thể "mùa say rượu" là mùa đáng nhớ nhất trong năm. Còn với tôi, cứ mỗi lần gặp Lệnh là một "mùa say rượu". Tôi say ngây say ngất cái bản chất người Mông của Lệnh, cái tình người Mông của Lệnh, say cả cái tài, nhất là tài ăn nói kiểu "vận dụng trí thức vào ngôn ngữ dân tộc" của anh nữa... . Tất cả những điều đó, đủ hình thành nên một cốt cách, một khắc họa nhân vật văn học ở trong một con người bằng xương bằng thịt./


Bản Chăn Nuôi, mùa say rượu 2014

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét