Sau 39 năm trôi
dạt khắp núi thẳm rừng cùng, nhà tôi chuyển đi khỏi cái nơi cao hun hút trên
nửa tầng trời này. Chẳng có người thân nhưng tôi còn bạn bè, còn bao nhiêu thứ
gắn bó với tuổi thơ “người rừng” đầy biến động, nên thỉnh thoảng quay lại.
Thằng bạn đồng ấu lôi tôi ra quán ăn sáng. Nó bảo, vài năm nay bản mình đã có
khái niệm ăn quán.
Ra quán ăn sáng mà thấy thằng bạn lần
vào ổ gà thủ hai quả trứng, qua cổng tiện tay vặt mấy quả ớt, vài cọng rau thơm…
Quán bản mà khách khứa khá đông, toàn người rỗi việc. Trong ngoài, trước sau
chỉ có một cái bàn mộc uống nước, khách ăn sáng trải bìa các-tông xuống nền, ra
hè… Đồng áng nương vườn ở đây mênh mông lắm, người làm không xuể vậy mà rất
nhiều đàn ông rỗi việc ngồi nhắm rượu với chuyện phiếm. Quán ăn sáng chỉ có mì
tôm và rượu trắng. Rau thơm và ớt thì cả rổ, do mỗi người đóng góp một nắm. Khách
ăn mì thì tự đi mà úp. Nước chủ nhà đun sẵn, bát đũa rửa sẵn. Chỉ có rượu là
chủ rót, đong đếm chính xác đến từng mi-li-lít. Ăn xong, trà thuốc thì trà
thuốc không thì móc túi trả tiền rồi về. Mỗi bát mì tôm chủ quán lấy lãi ngàn
rưởi, gồm cả tiền đun nước, tiền rửa bát đũa. Trà thuốc miễn phí. Ai lỡ đánh vỡ
cái gì, thì mai mang của nhà đến.
Bát
mì tôm của chúng tôi có hai quả trứng nên sang hơn cả. Lướt qua một lượt tài
sản của quán, thấy có sự đóng góp của cả bản. Chủ quán trung niên, da xanh tàu
chuối, nói năng, đi lại nhỏ nhẹ như đàn bà kiêng cữ. Do ông này có thời gian
nên mỗi nhà mang đến một thứ quà rừng nhờ bán hộ: mớ rau, cái măng, cái nấm, củ
mài, củ sắn…. Vậy là thành quán.
Một
thực khách ngồi phệt trên mảnh bao tải ngoài hiên, lên tiếng:
- Ở đây có ai là lãnh đạo không?
-
Sao nay lại hỏi lãnh đạo?
- Để kể chuyện giỗ trâu. Nhà nước vừa
cho trâu xóa nghèo, giờ kể chuyện ăn thịt trâu, chắc bỏ tù cái mồm quá.
- Vậy à? Không có lãnh đạo đâu.
- Thế cái ông mới cóng kia là ai?
- Bạn hồi nhỏ, giờ viết lách thôi, không
lãnh đạo lãnh điếc gì cả.
-
OK. Ai hảo tâm cho xin tí “điện” để lấy đà nào?
Chuyện
thì thích nghe nhưng toàn người khó, nên chẳng ai nhúc nhích. Tôi đứng dậy cầm
cái bát tô ra can rượu chủ quán, rót đầy rồi đặt xuống trước mặt hắn. Một bộ
mặt lạ. Méo không hẳn méo, tròn không ra tròn. Da bủng, mắt trắng. Trên mép lất
phất mấy sợi râu màu cáu trà, rung rinh theo cường độ hở của hàm răng vàng như
móng lợn bạch:
-
OK, ông anh!
Bát
rượu chạy vòng qua bốn tay, mỗi tay tợp một hớp chủ yếu là cho kêu chứ chỉ đầy
một mồm gió, sợ hao rượu. Chuyện cũng mỗi người góp một tiếng, ào ào như bão: “Tuần
trước thằng trưởng trạm khuyến nông thuê tôi lên rừng tìm các loại lá trâu bò hay
ăn. Hỏi, nó bảo muốn làm bộ cây gia súc bản địa. Hứa hẹn tìm đủ, sẽ chi cho vài
chục triệu”. “Vậy là ông giầu to rồi. Cái bản này xưa nay, nào đã ai có nổi
triệu bạc”. “Làm gì có đồng mẹ nào”. “Thế nó lừa đảo à? Xong bát này, đến cuốc
chết nó đi!”. “Là lãnh đạo lừa nó, nó mới lừa mình. Năm nào trâu bò cũng chết
cả ngàn con vì đói rét, vậy mà không cho nó làm dự án chế biến thức ăn mùa đông
cho gia súc”. “Không có tiền à?”. “Đã là Nhà nước thì chỉ có thừa tiền chứ làm
gì thiếu. Thừa đến mức mỗi năm cả chục dự án vu vơ như kiểu bỏ ngót chục tỉ ra
làm hệ thống thủy lợi… thấp hơn đất canh tác, mà đất canh tác thì vẫn đang là
cánh rừng xanh mơn mởn dân bản thay nhau bảo vệ cả trăm năm nay”. “Công nghệ
mới à? Bắt nước chảy ngược à?”. “Đúng là công nghệ mới - công nghệ làm thủy lợi
không vận hành”. “Là sao?”. “Không vận hành thì khỏi có trách nhiệm chứ sao”. “Sao
bảo xây thủy lợi để… tưới rừng?”. “Xây thủy lợi để hợp pháp phá rừng. Không phá
rừng chả phải phí cái công trình gần chục tỉ đồng à!”. “Sao bảo phá rừng phải
do Thủ tướng quyết định, thế tỉnh mình, huyện mình to hơn Thủ tướng à?”. “Thôi
thôi các “ải noọng”, nói đến dự án cây con của bản mình, thà về nói với cái dây
buộc váy vợ. Nói chuyện tay trưởng trạm khuyến nông đi. Hình như tay ấy sắp
ngỏm rồi”. “Ốm nặng à?”. “Nguy lắm. Hàng loạt tâm huyết đề đạt lên đều bị gạt.
Chỉ cho nuôi mấy con giun quế thôi. Nhìn mặt sợ lắm”. “Điên à?”. “Phát phiền
chứ gì?”… “Không biết, hình như bị chất xám cắn”. “Bắt cái óc đặc chữ ấy chơi,
điên là phải thôi”. “Ừ nhỉ, mà cũng lạ. Ở đây, anh học kinh tế thì đi làm dự
án trồng cây, nuôi con. Anh giáo viên chuyển ngành thì làm chủ thầu xây dựng.
Anh nông dân thì làm lãnh đạo phòng ban hoạch định chiến lược phát triển… Thế
thì gì mà chả nhầm: Khảo sát nhầm. Hoạch định nhầm. Báo cáo nhầm… Trồng cây cây
chết, nuôi con con toi. Xây chưa xong đã hỏng. Cầu làm ra không ai dám đi…” .
-
Ơ, các “ải” thời sự ơi, nhầm nhọt hết cả rồi. Đang chuyện giỗ trâu cơ mà.
-
Ừ há!
Bát
rượu xoay một vòng. Khà! Gã răng vàng như móng lợn bạch lại khục khoặc:
-
Bản mình mấy năm trước gần như bỏ hẳn các lệ cúng giỗ vì quá nghèo, từ ngày có
trâu bò chết rét, các lễ cúng, giỗ lại ùn ùn quay về. Nhà ông Khọn nhân có con
nghé chết, mùa đông mà làm “cúng cầu mùa”; “cúng xuống đồng”. Nhà bà Pẻn chết
bê lập tức làm “xên lẩu nó” đón… tháng ba năm sau; nhà Khiện thì trâu chết làm
“kin lẩu khẩu mẩu” vì tháng chín vừa rồi phải đi làm thuê cứu đói…
-
Thì trâu chết cơ mà. Ngày xưa phải dựng vợ, làm nhà, xên mường, cúng bản, hay
ít nhất cũng phải bố, mẹ chết… mới có cơ hội giết trâu. Giờ cứ rét là có thịt
trâu ăn, cứ rét là làm cúng giỗ. Ăn thịt trâu vô biên. Cúng giỗ vô biên. Thôi
thì không đúng ngày, đúng mùa nhưng ma nhà, ma họ, ma bản, ma mường có hương,
có hơi cơm hơi thịt là thông cảm tất. Mùa trâu sống, người còn đói nhăn răng,
lấy gì mà cúng người mất…
-
Giải tán đi các “ải noọng” ơi. - Giọng một phụ nữ đặc quánh mồ hôi cày, giật
lên - Ở nhà thì lửa kêu con khóc, ở đây mà ăn khoai ngứa nói chuyện thánh. Chạy
đi, an ninh đến rồi kìa!
Đám
rượu vào chuyện ra bỏ rượu, bỏ mì tôm chạy tán loạn. Mạnh lỗ nào rúc lỗ ấy. Đứa
chui chuồng lợn, đứa trốn chuồng chồ. Lão chủ quán bật dậy lắp bắp giọng kiêng
cữ:
-
Trả tiền đã…
-
Tiền nợ không trả nay thì mai. - Tôi chấn an.
-
Anh không biết rồi, ở đây tiền ngày nào trả ngày nấy. Họ kiêng ma tà quỷ quái,
nên mai là bỏ hết chuyện hôm nay. Không lấy được tiền có nghĩa là mất. Lề tục
nó thế, chả dám kêu.
Lão
chủ quán vừa dứt lời, thì nghe tiếng vợ thằng bạn réo: “Ông có về không, cả bản
sắm vai rộng chân dài đi hôi gỗ ở rừng đầu nguồn rồi kia kìa. Không nhanh để đám
máy đốn, máy xẻ, máy múc làm xong thì đến cái rễ cũng chẳng còn đâu”. “Tôi không
đi, nhà đang có khách”. “Khách thì cũng phải ăn đã, bảo bác ấy thông cảm về
trước, hôm nào nhà mình no thì đến”. “Tôi không đi. Mình quên chuyện cây sấu
thần trả thù năm ngoái rồi à. Chủ rừng có cây gỗ chết. Người kí quyết định hạ
cây gỗ chết. Thợ xẻ chết. Người kéo gỗ thê ngã núi tàn phế. Người mở đường,
người lái xe chở thuê, giờ đến người mua gỗ về dùng cũng sống không bằng chết
kia kìa”. “Họ tính cả rồi, rừng nào không có cây tổ, cây thiêng mới phá. Nhà ai
cũng lấy, chết cả bản chứ chết riêng gì mình mà lo”. “Không có cây thiêng,
nhưng rừng thiêng đấy, mình không tin cứ để mà xem”. “Hôm nay cãi khỏe thế? Ông
có đi không thì bảo? Xoắn cái chân lên, nghe nói công an kinh tế nhìn vào rồi, cố
hôi thêm vài khúc cơm áo nữa”…
Anh
bạn nhìn tôi ngường ngượng, rồi lút cút bắt tay từ giã. Cái bắt tay không còn
nóng và chặt như khi tôi đến. Tôi móc trả thêm bốn gói mì tôm của những người
bỏ chạy rồi khoác ba lô lên vai, lòng như thắt lại từng khúc. Vẫn thế, ở cái xứ
này từ xa xưa rồi, no đói ở một tay người vợ, nên các ông chồng luôn ngoan như
thỏ.
Chút
sương sót trưa vảng vất trên nóc quán gianh, thoảng thì một sợi vương lên gương
mặt trắng, lỗ bệch lỗ bạc của lão chủ quán. Đất đồi trống hếch trống hoác,
sương nhanh tan hơn, chứ trước đây, sương luẩn quẩn cả ngày trong vườn, trong
sân như gà con vậy.
Đã lâu lắm rồi mới được nghe những lời ngoa
ngoắt của những người vợ mang nặng mệnh thử thách của ông trời. Cũng lâu lắm
rồi mới được nghe rượu nói. Lè nhè. Kê khét. Nói như phun ra cả những gì mới
ăn. Nói như móc họng những người ngồi cạnh!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét