15 tháng 10, 2013

CẦN THẬN TRỌNG KHI VIẾT VỀ NHỮNG VÙNG VĂN HÓA ĐẶC THÙ

(Về truyện ngắn Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên – VNQĐ số 775, 6-2013)


VIẾT NGỌC

  Kính gửi Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội.
        Tôi là một bạn đọc quen thuộc của Văn nghệ quân đội từ rất lâu nay. Gần đây, Tạp chí tổ chức cuộc thi truyện ngắn, là bạn đọc, tôi rất háo hức. Vì theo “kinh nghiệm” của tôi, hễ Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi là có nhiều truyện ngắn hay và nhiều cây bút mới được phát hiện.
          Tôi sinh ra, lớn lên và học sư phạm tại Phú Thọ nhưng lại lập nghiệp ở Lào Cai. Mười tám năm ở Lào Cai tôi có một nửa thời gian sống ở một xã vùng sâu huyện Bảo Yên, xã có tới 5 dân tộc anh em chung sống mà người Mông Hoa chiếm đa số. Một nửa thời gian sau tôi sống tại Sa Pa và làm nghề may vá, buôn bán trang phục thổ cẩm nguyên bản. Có thể nói, ít nhiều tôi hiểu về đời sống văn hóa, phong tục tập quán và tâm tư tình cảm của bà con dân tộc ít người.
          Gần đây, trên tạp chí có in một số truyện ngắn về đề tài vùng cao. Tôi đọc, rất hào hứng vì thấy các bạn trẻ bây giờ giỏi quá, viết hay, hấp dẫn và nhuần nhuyễn. Tôi rất thích truyện của Lục Mạnh Cường ở đề tài này. Tôi còn “để ý” đến một cây bút trẻ nữa viết rất táo bạo về miền núi, đó là Cao Nguyệt Nguyên với truyện ngắn Trên đỉnh Chumpua (Văn nghệ quân đội số 775)
          Quan điểm của tôi là “biết thì thưa thốt…” – bởi đề tài miền núi là đề tài mà tôi có vốn sống và tự tin nhất, nên tôi mạo muội viết thư gửi đến Ban biên tập với mong muốn được trao đổi về truyện ngắn này. Trong Trên đỉnh Chumpua, tác giả chỉ viết chung chung về một cô gái người Mông đứng trước những cám dỗ của đồng tiền mà thay đổi. Tôi tự hỏi không biết cái cô gái này thuộc ngành Mông nào, ở Tây Bắc hay Đông Bắc. Căn cứ vào cách tác giả kể về sương mù đặc sệt, về những khách du lịch nước ngoài và đêm chợ tình thì tôi phỏng đoán tác giả nói về Sa Pa. Nhưng Sa Pa thì không có rừng tràm, ở Sa Pa người ta không mang ngựa đến chợ ngày phiên. Con gái Mông Sa Pa là Mông Đen thì không mặc váy, mà mặc quần có xà cạp. Và đặc biệt người phụ nữ Mông Sa Pa không bao giờ tắm đêm dưới vòi nước lạnh. Thi thoảng họ có tắm, nhưng là ngâm người trong thùng gỗ chứa nước nóng. Trăng ở Sa Pa cũng rất hiếm hoi chứ không có thừa mứa như vậy. Và ở Sa Pa thì chỉ có núi thấp hoặc núi cao chứ không ai gọi núi là “hàng dãy đồi”. Và thuốc phiện là nhựa chứ không phải bột. Và tên phụ nữ Mông có thể là May, Máy hoặc Mai chứ không có cái tên Mái… có thể kể ra rất nhiều chi tiết nữa mà tác giả viết và suy luận một cách thiếu thực tế. Từ truyện ngắn này, tôi nhận thấy tác giả đang có những khiếm khuyết về tri thức dân tộc học, đặc biệt trong cách dùng từ và những chi tiết về tâm lí phụ nữ, con gái dân tộc vùng cao. Trở lại với Trên đỉnh Chumpua, tôi đã nghĩ có lẽ tác giả nhầm với người Mông Hoa ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) chăng? Nhưng theo như cách viết trong truyện thì cũng không phải vậy
          Với truyện ngắn này, dưới góc độ nghề nghiệp, góc độ văn chương thì tôi không dám bàn, nhưng dưới góc độ tư liệu văn hóa thì tôi dám chắc độc giả vùng cao đọc được sẽ bức xúc lắm. Gần đây văn chương đã sắm cho văn hóa Sa Pa nào là khăn piêu, nào là rượu cần, cồng chiêng. Rừng Sa Pa từ bao giờ đã có cả cây săng lẻ và hoa mộc miên nữa! Du lịch đã khiến cho Sa Pa trên thực tế chưa đến nỗi biến thành cái nồi lẩu như vậy.
          Là một độc giả, tôi vẫn biết người viết văn được quyền hư cấu. Nhưng không có nghĩa là muốn hư cấu thế nào cũng được, muốn vẽ rắn thêm chân cũng được. Hư cấu phải trên cơ sở thực tế, phải có hiểu biết, có vốn sống và sự trải nghiệm. Thiếu vốn sống, không hiểu biết cặn kẽ rất dễ sa vào tình trạng cưỡi ngựa xem hoa, viết lớt phớt, tầm phào.
          Văn nghệ quân đội là một tạp chí văn học có uy tín, cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ quân đội bao năm qua là những cuộc thi mà bạn đọc yêu văn chương cả nước đặc biệt quan tâm. Tôi rất mong Ban biên tập cân nhắc trước những tác phẩm viết về những vùng văn hóa đặc thù, tránh trường hợp có phần đáng tiếc như tôi đã trao đổi.
V.N
…….
(*) Đầu đề do BBT đặt
Nguồn: VNQĐ


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét