15 tháng 10, 2013

CẦN CẢNH GIÁC VỚI THÓI QUEN NỆ THỰC TRONG TIẾP NHẬN VĂN HỌC


(Trao đổi với tác giả Viết Ngọc và bài viết “Cần thận trọng khi viết về những vùng văn hóa đặc thù” – Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 780, tháng 9-2013)

Nhà văn, TS. Phạm Duy Nghĩa

          Tạp chí Văn nghệ quân đội số 780 (tháng 9-2013) có in bài viết Cần thận trọng khi viết về những vùng văn hóa đặc thù. Đây là bài của tác giả Viết Ngọc, hiện sống tại huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, góp ý với Ban biên tập Tạp chí về truyện ngắn dự thi Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên in trên Văn nghệ quân đội số 775 (tháng 6-2013), mà theo tác giả là trong truyện có những chi tiết không đúng về mặt dân tộc học.
          Đọc bài của Viết Ngọc có thể thấy, là một người có sự trải nghiệm và vốn tri thức nhất định về đời sống và con người miền núi, xét ở một phương diện, những ý kiến của chị là thiết thực và hữu ích đối với người sáng tác. Ở nước ta, nhiều năm qua, vấn đề hiểu biết và phản ánh đúng hiện thực không chỉ là yêu cầu đặt ra đối với người sáng tác văn xuôi về những vùng văn hóa đặc thù, mà được coi như trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung khi tiếp cận và phản ánh mọi phạm vi của hiện thực đời sống.
          Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết trên và đọc truyện ngắn Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên, tôi thấy có điều cần trao đổi lại với chị Viết Ngọc.
  Một căn bệnh từng bị phê phán nhiều nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại khá dai dẳng trong đời sống văn chương ở nước ta, là bệnh xã hội học dung tục. Là biến tướng của xã hội học nghệ thuật marxist, căn bệnh này xuất hiện cả trong nghiên cứu, sáng tác và tiếp nhận văn học, trong hoạt động dạy và học văn trong nhà trường. Một trong những biểu hiện của nó là “đồng nhất một cách thô thiển, máy móc cái được phản ánh (con người, đời sống xã hội, thời đại lịch sử,…) với cái phản ánh (nội dung tác phẩm văn học nghệ thuật)(1). Về bản chất cũng gần với căn bệnh này, từ nệ thực được dùng để chỉ một thói quen cố hữu trong đời sống văn học ở nước ta, đó là độc tôn tính hiện thực của văn học mà coi nhẹ các phẩm chất và thuộc tính khác. Khi đánh giá một tác phẩm văn học, chỉ xét xem hiện thực trong tác phẩm có trùng khớp với hiện thực ở ngoài đời hay không mà quên mất rằng, theo đặc trưng của văn học với tư cách một hình thái ý thức xã hội đặc thù, hiện thực trong tác phẩm không đồng nhất với hiện thực trong đời sống, và tác phẩm không phải bản sao của đời sống.
Đi liền với căn bệnh, thói quen trên là sự nhầm lẫn về đặc trưng thể loại, không phân biệt rành mạch văn học với báo chí, tác phẩm nghệ thuật với tài liệu khoa học; dẫn đến tình trạng coi tác phẩm hư cấu cũng như tác phẩm viết về người thật việc thật, đồng nhất nhân vật với nguyên mẫu, sẵn sàng quy kết không gian hư cấu trong tác phẩm về một địa phương, vùng miền có thật nào đó, hoặc coi nhân vật trong tác phẩm chính là (hay ám chỉ) một người có thật nào đó ở ngoài đời.         
Chính vì sự đồng nhất giản đơn, coi tác phẩm văn học là bức ảnh chụp, là bản photocopy của đời sống, cùng sự lẫn lộn về đặc trưng thể loại, mà xưa nay đã có không ít cây bút văn chương trở thành nạn nhân của những vụ việc suy diễn, quy chụp vừa hài hước vừa thương tâm. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là trường hợp tiêu biểu, khi phải hứng chịu búa rìu của các nhà chức trách địa phương mặc dù trong tác phẩm của chị không có dòng nào đủ căn cứ để kết luận chị viết về địa phương mình. Nhà văn Sương Nguyệt Minh sau khi in truyện ngắn đầu tay Nỗi đau dòng họ đã bị kiện lên kiện xuống và phải trốn biệt ba năm không dám về làng, vì bị người làng đe… giết khi cho rằng anh đã viết truyện bôi nhọ họ tộc, quê hương. Đọc truyện của anh, chỗ nào họ thấy giống chuyện thật xảy ra ở làng, họ nói rằng anh “bêu riếu”; chỗ nào không giống vì anh hư cấu, họ kết tội anh “bóp méo, xuyên tạc”!
          Hai trường hợp kể trên chỉ là con số rất nhỏ trong vô vàn những chuyện lớn bé tương tự đã xảy ra trong đời sống văn học ở nước ta nhiều năm qua. Việc đòi hỏi nhân vật trong tác phẩm viết về lịch sử phải giống với con người trong chính sử, huyền thoại (gắn với những cuộc tranh luận kéo dài trước đây và gần đây) cũng là trường hợp liên quan đến căn bệnh này. Điều đáng nói là thói quen nệ thực và bệnh xã hội học dung tục không chỉ tồn tại ở những tầng lớp “ngoại đạo” đối với văn chương mà xuất hiện ngay trong giới cầm bút cùng bạn đọc thân thuộc. Không ít người khi đọc tác phẩm chỉ quan tâm xem tác phẩm viết về cái gì, đúng hay không đúng sự thật. Không ít nhà văn vẫn quan niệm một tác phẩm có giá trị thì phải phản ánh chân thật hiện thực như nó vốn có; và nhà văn muốn viết hay thì phải chịu khó thâm nhập đời sống, nỗ lực quan sát, gom nhặt tư liệu và chắt chiu lời ăn tiếng nói nhân dân. Điều đó thực ra chỉ đúng khi nhà văn viết theo phương pháp của chủ nghĩa hiện thực, còn khi nhà văn bước sang lãnh địa của các khuynh hướng, trào lưu, trường phái khác, thì điều đó không hoàn toàn đúng nữa rồi. Mà trong đời sống văn học hết sức cởi mở hôm nay, mọi khuynh hướng và sự thể nghiệm cần được khuyến khích. Bởi lịch sử văn hóa nhân loại đã cho thấy tác phẩm văn học hay, có giá trị không phải chỉ có ở chủ nghĩa hiện thực; cũng như trong hội họa, không phải chỉ những bức tranh tả thực giống như ảnh chụp của William Bouguereau mới có giá trị, mà ấn tượng, lập thể và các trường phái khác với những Claude Monet, Georges Braque… cũng có thành tựu độc đáo của mình. Xét cho cùng, thì trong văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, khuynh hướng, trường phái nào cũng đều phản ánh hiện thực cả, chỉ khác nhau ở chỗ phản ánh theo cách thức nào.
          Trở lại với truyện ngắn Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên và những ý kiến của Viết Ngọc. Đây là một truyện ngắn viết theo phương pháp hiện thực truyền thống nên tất yếu nó phải tuân thủ những nguyên tắc tối thiểu trong phản ánh hiện thực, trước hết là tôn trọng chân lí khách quan, chẳng hạn như đã là phụ nữ Mông Đen ở Sa Pa thì không mặc váy mà phải mặc quần. Có thể tin rằng tất cả các tri thức dân tộc học về Sa Pa mà Viết Ngọc đưa ra trong bài viết của mình đều đúng, vì chị là “thổ dân” ở vùng này, nhưng cái sai mấu chốt của chị là ở chỗ đã coi Trên đỉnh Chumpua là truyện viết về Sa Pa (trong bài chị dùng từ phỏng đoán nhưng nội dung cả bài lại mang ý quy kết), từ đó chị đã đối chiếu xem những gì được miêu tả trong truyện ngắn này có đúng với xứ Sa Pa mà chị đang sống hay không. Để xác định địa bàn Sa Pa, chị dựa trên 3 yếu tố trong truyện là sương mù đặc sệt, khách du lịch nước ngoàiđêm chợ tình. Ai cũng có thể thấy rằng 3 yếu tố này không phải “sản phẩm độc quyền” của Sa Pa, mà một số nơi khác ở miền núi nước ta cũng có. Tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã đủ tỉnh táo khi đưa vào truyện một địa danh bịa đặt, lửng lơ và lấy đó làm điểm tựa để giải phóng sức tưởng tượng của mình. Qua cách đọc của Viết Ngọc, có thể thấy chị đã ứng xử với một truyện ngắn như với một bài báo, một bút kí, phóng sự hay một tài liệu dân tộc học, dư địa chí. Nghĩa là có sự xóa nhòa đường biên giữa các thể loại. Đó cũng là cách mà người ta đã ứng xử với Cánh đồng bất tận, Nỗi đau dòng họ cùng bao tác phẩm văn học hữu danh và vô danh khác. Về bản chất, đó vẫn là những biểu hiện của xã hội học dung tục – một phương pháp, quan điểm “coi trọng không đúng mức đặc trưng của văn học nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội đặc thù, đồng nhất hoặc phân biệt chưa đầy đủ tư duy nghệ thuật với tư duy khoa học(2).
          Vốn là đặc điểm thuộc về quá trình của tư duy nghệ thuật, hư cấu cho phép xuất hiện những hình tượng nghệ thuật chỉ tồn tại trong tác phẩm văn học mà không có trong thực tế khách quan. Một đóa hồng non toát vẻ xanh (thơ vịnh hoa mẫu đơn của Tô Đông Pha ở Trung Quốc đời Tống), Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc (ca dao Việt)… là những ví dụ. Hoa mẫu đơn, hoa tầm xuân sao lại màu xanh? Hình tượng mặt trời đen tỏa ánh sáng đen trong thơ Lý Hạ (Trung Quốc đời Đường) và trong tiểu thuyết của Sholokhov (Nga) cũng vậy, đều là những màu hư mà văn học dung nạp. Tương tự, Vi Thùy Linh viết Hoa thùy linh vẫn nở, nhưng trên đất Việt có hoa nào là hoa thùy linh? Cũng như tìm đâu cho thấy lá diêu bông của Hoàng Cầm? Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy có truyện ngắn Rừng mã sa hoa đỏ từng được giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội, cứ dựa vào không gian truyện thì biết anh lấy khung cảnh từ Sa Pa (trong truyện không có chữ “Sa Pa” nào), nhưng dẫu có xới tung cả Sa Pa lên cũng không tìm thấy cây nào là cây mã sa cả. Đó chỉ là một sản phẩm của hư cấu, “made in Nguyễn Xuân Thủy” mà thôi.
          Như vậy thì xin chị Viết Ngọc không lấy làm bức xúc khi tác giả Cao Nguyệt Nguyên đã trót rải ánh trăng vào trong truyện của mình “hơi bị nhiều” (mà theo chị thì trăng ở Sa Pa vốn hiếm hoi), rồi phóng bút vẽ thêm vào đó một rừng tràm (mà theo chị thì ở Sa Pa làm gì có). Thậm chí nếu Cao Nguyệt Nguyên có đề rõ địa danh trong truyện là Sa Pa đi nữa, thì việc sử dụng ánh trăng “quá liều”, cùng chi tiết cô gái Mông tắm đêm dưới vòi nước  lạnh (chứ không phải tắm trong thùng gỗ chứa nước nóng như chị Viết Ngọc đòi hỏi) và cô được đặt tên là Mái (chứ không phải May, Máy, Mai… như chị Viết Ngọc yêu cầu) cũng không có gì là nghiêm trọng. Văn học xa thẳm và bao dung lắm, có khi hơn chúng ta tưởng nhiều, chị Viết Ngọc ạ. Ngay cả truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, nếu cứ theo cái cách cầm kính lúp mà soi của chị, thì cũng có những chi tiết rất… không ổn. Ông tả mây “cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương rơi xuống đường cái luồn cả vào gầm xe” khiến ai cũng có cảm giác “lo xe chẹt nát mất những cụm mây đẹp quá hoặc chúng làm kẹt xe”, và tả nắng “đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn(3). Trên thực tế thì ở Sa Pa mây có đặc đến mấy cũng không thể đóng cục như thế, và nắng thì lúc gay gắt nhất cũng không đến mức thiêu đốt như vậy – đây là xứ lạnh cơ mà. Mây nắng mang nhãn hiệu Nguyễn Thành Long lúc này là thứ thiên nhiên cách điệu, phi thực. Sự chính xác khoa học đã nhường bước cho cái thăng hoa nghệ sĩ. Và người đọc ở đây không cần thiết phải cật vấn, nghi ngờ.
          Cũng phải nói thêm, trong Trên đỉnh Chumpua nếu có những chi tiết không chính xác về dân tộc học theo ý chị Viết Ngọc, thì trong thời đại giao lưu hội nhập rất cởi mở hiện nay, một đôi chi tiết (không phải tất cả) vẫn có thể xảy ra trong thực tế. Ai cũng biết bản sắc dân tộc vốn không phải cái gì ngưng đọng, đóng băng, nhất thành bất biến. Trong cái bình thường, ổn định, thuần phác vẫn tồn tại cái khác thường, biến động, pha tạp. Tôi lên miền núi cũng nhiều, thấy bà con dân tộc mình bây giờ đặt tên cho con khá thoải mái, có những tên giống người Kinh. Đôi khi còn bắt gặp những em gái Mông Hoa mặc quần bò, bên ngoài là váy, chẳng xếp vào “thể loại” nào được về trang phục, đó thôi!
          Cách đây hơn một thế kỉ, năm 1905, Lenin đã nói, đối với sự nghiệp báo chí và văn học nghệ thuật, phải đảm bảo một phạm vi hết sức rộng lớn cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung(4). Bậc vĩ nhân  đã có cái nhìn cởi mở như vậy, không lẽ người đọc người viết chúng ta cứ vì những thói quen cứng nhắc nào đó mà tự giới hạn mình. Phản ánh chân xác hiện thực, là rất cần, nhưng không nên máy móc, kẻo rơi vào căn bệnh nệ thực và xã hội học dung tục, chị Viết Ngọc ạ.
P.D.N
--------
(1)  (2) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn  Khắc Phi đồng chủ biên. Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, 2006, tr.429.
(3)  Tuyển tập Nguyễn Thành Long. Nxb Văn học, 1995, tr.31, tr.44.
(4)  V.I. Lenin. Tổ chức Đảng và sách báo Đảng. Nxb Sự thật, 1978, tr.14

          Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội số 782, tháng 10 năm 2013 (bút danh Duy Văn).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét