5 tháng 7, 2013

TRẠI VIẾT VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI - SA PA NĂM 2013

(Ảnh: Công Thế)

TRẠI VIẾT VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI - SA PA NĂM 2013

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

         Sau lễ phát động cuộc thi truyện ngắn kéo dài 2 năm 2013-2014 trên VNQĐ và khai mạc Trại viết của Tạp chí, 30 nhà văn đã tạm biệt Nhà số 4 bắt đầu hành trình dài hơn 400 cây số lên Sa Pa (Lào Cai). Trại viết trên mây như cách nói vui của các nhà văn được tổ chức từ ngày 3 đến 19 tháng 5 năm 2013 tại thị trấn du lịch nổi tiếng mấy trăm năm nay của một vùng biên cương tây bắc nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt. Sẽ là không thấu nghĩa vẹn tình nếu như trong buổi tổng kết giản dị ấm áp này ban tổ chức chúng tôi không nhắc lại tên và cảm ơn các nhà văn ở nhiều miền đất nước, từ bắc đến nam đã vượt qua những chặng đường ngắn dài, gần xa để về tham dự trại viết. Đó là những cây bút trẻ như Văn Thành Lê ở Bà Rịa -Vũng Tàu và đại úy giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 2 Phạm Thị Huyền Trâm đến từ phương nam đầy nắng gió, cách xa Sa Pa hàng nghìn cây số. Hữu Phương, thuộc thế hệ nhà văn chống Mỹ, tuổi không còn trẻ nữa nhưng sức viết còn khá dồi dào đến từ vùng quê Quảng Bình gió lào cát trắng. Nhà văn trẻ Chu Thị Minh Huệ và Lục Mạnh Cường đến từ Hà Giang nơi có chóp nón cực bắc Tổ quốc thân yêu, Vũ Thanh Lịch đến từ Ninh Bình nơi mây trắng vờn bay trên núi Mã Yên, Đinh Phương đến từ Quảng Ninh nổi tiếng với Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới. Rồi nhà văn Nguyễn Đức Lợi từ Điện Biên qua Lai Châu, vượt đèo Hoàng Liên hiểm trở đến với Lào Cai. Từ quê hương quan họ Bắc Ninh huê tình nhiều dùng dằng níu náu, nhà văn Phạm Thuận Thành và Nguyễn Thái Sơn mang nhiều hăm hở, dự định đến trại viết của những người lính. Cặp đôi dễ thương, trung úy Lý Hữu Lương từ Sư đoàn 316, Quân khu 2 và Lý A Kiều từ Đại học Văn hóa Hà Nội cũng đến với Sa Pa nơi gặp gỡ của đất trời rất đúng hẹn. Trong trại viết của Văn nghệ quân đội lần này còn có 5 gương mặt của Hội Văn nghệ Lào Cai là Đoàn Hữu Nam, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Văn Cự, Công Thế, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Thu Huyền và Đoàn Trúc Quỳnh. Đông hơn cả là các nhà văn, cây bút trẻ đang sống và làm việc tại Hà Nội như Võ Thị Hảo, Phong Điệp, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Minh Nguyệt, Nguyễn Toàn Thắng, Doãn Dũng, Nguyễn Đăng An, Cao Nguyệt Nguyên...
Con người và thiên nhiên Lào Cai chân mộc, hiếu khách đã tạo nhiều cảm hứng thú vị cho các nhà văn qua những chuyến đi thực tế và giao lưu với cán bộ, công nhân Apatist Việt Nam; những người lính mang quân hàm màu lá cây ở đồn biên phòng Trịnh Tường, A Mú Sung; chợ phiên Bắc Hà...
Từ những ngày đầu, các nhà văn trại viết Văn nghệ quân đội tại Sa Pa đã được đón tiếp, nghe nói chuyện và đối thoại với các đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương; Bích Hồng, Vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng; Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Truyện ngắn là thể loại sáng tác chủ yếu trong trại viết lần này nhằm hướng tới cuộc thi của Văn nghệ quân đội bắt đầu từ năm nay và sẽ kết thúc đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.2014). Chính vì thế, ngoài công việc sáng tác thầm lặng của các nhà văn, chúng tôi đã mạnh dạn tổ chức một buổi trao đổi về truyện ngắn với những ý kiến rất bổ ích của nhiều nhà văn trong trại như Võ Thị Hảo, Hữu Phương, Phạm Thuận Thành, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Đăng An, Nguyễn Đức Lợi, Tống Ngọc Hân, Vũ Thanh Lịch... Nhà văn Võ Thị Hảo, tác giả của cuốn tiểu thuyết lịch sử Giàn thiêu nổi tiếng vừa là trại viên có tác phẩm chất lượng vừa là người hỗ trợ đọc bài rất tích cực. Nhà văn nào cũng để tâm chăm chút cho tác phẩm của mình và cũng rất cầu thị lắng nghe sự đóng góp trao đổi của phụ trách trại và đồng nghiệp.
Sau gần hai mươi ngày vừa đi thực tế vừa miệt mài sáng tác, 26 tác giả tham dự trại viết đã cho ra đời hơn 40 tác phẩm ở hai thể loại: văn xuôi và thơ trong đó chủ yếu là văn xuôi, lấy cảm hứng từ nhiều đề tài, đa dạng về phong cách nghệ thuật.
Ở mảng văn xuôi, đã có 40 truyện ngắn được hoàn thành đề cập tới rất nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống, trong đó đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay chiếm số lượng nhiều nhất (14 truyện ngắn). Điều đó chứng tỏ đề tài chiến tranh cách mạng và người lính vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với các cây viết. Về đề tài này có thể kể đến các truyện ngắn: Âm thanh của ký ức của Doãn Dũng, Bức họa dở dang của Vũ Minh Nguyệt, Bấp bênh ván cầu, Cầu sông Con, Một hai một hai, Người chăn bò Trung đoàn của Phạm Thuận Thành, Mất tích của Nguyễn Thái Sơn, Ông thủ từ làng Vẽ của Nguyễn Thị Ngọc Hà, Người đi tìm cánh tay mình của Vũ Thanh Lịch, Đường biên giới màu đỏ của Tống Ngọc Hân, Chiến trường còn lại hai người của Hữu Phương, Giọt nước mắt người lính của Nguyễn Đăng An, Đom đóm về xa của Lý Hữu Lương.
Sử dụng khá thông thạo thủ pháp đồng hiện, thời hiện tại và quá khứ đã được kết nối cảm động đầy ấn tượng, những trang viết trong truyện ngắn Âm thanh của ký ức của nhà văn Doãn Dũng giống như những thước phim tư liệu mộc về những người lính chiến đấu trên một điểm chốt biên giới trong cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Kiệm lời, chi tiết chọn lọc kỹ, những tình huống đắt và ngôn ngữ giàu chất tự sự là điểm nổi bật ở truyện ngắn này. Không giới thiệu, không bình luận về chiến tranh cả trước, trong và sau sự kiện nhưng ở những góc khuất cũng như trực diện, hiện ra với tất cả sự khốc liệt như nó vốn có gây không ít xúc động cho người đọc. Bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, Bức họa dang dở của nhà văn Vũ Minh Nguyệt tô đậm khát vọng tình yêu lứa đôi và cuộc sống yên bình của những người lính quân khí nói riêng và bộ đội Cụ Hồ nói chung. Với thế mạnh về giọng tự sự, thuần thục trong dựng truyện, cài đặt tình huống, truyện ngắn Chiến trường còn lại hai người của nhà văn Hữu Phương là một bức tranh đầy ám ảnh với gam màu số phận tương phản, tương phản đến nghịch lý, tương phản đến xót xa và cũng rất bất ngờ của hai người lính ở hai chiến tuyến khác nhau mà nút thắt bắt đầu từ lòng vị tha của người lính cách mạng trong lần đối mặt đầy kịch tính trên chiến trường.Mất tích của Nguyễn Thái Sơn đề cập đến một vấn đề khác của hậu chiến: Người lính trong chiến tranh, với muôn vàn lí do khách quan dẫn đến những hiểu lầm tai hại mà khi trở về cuộc sống đời thường, họ không cách nào biện minh được cho sự trong sáng của mình...
Trại viết VNQĐ Sa Pa 2013 lần này cũng ghi nhận thành công của các trang viết mang hơi thở cuộc sống hôm nay. Vẫn với giọng văn sắc sảo, giàu hình ảnh, sức sáng tạo, nhà văn Võ Thị Hảo trình làng 2 truyện ngắn: Backup of Rồng và Ở trọ buồng gan. Độc giả đã quen với giọng văn giễu nhại, hài hước, phê phán các thói hư tật xấu con người của Nguyễn Toàn Thắng qua các truyện ngắn đã đăng trên Văn nghệ Quân đội lại tiếp tục được cười xa xót cho cái nhân tình thế thái bị biến dạng qua các truyện ngắn ở trại viết lần này của anh. Đó là mánh khóe trục lợi, đánh bóng tên tuổi của giới nghệ sĩ qua cái chết của một nhạc sĩ nổi tiếng trong truyện ngắn Vô cùng thương tiếc, những hỉ nộ ái ố trong chuyện bằng cấp ở truyện ngắn Hiệu trưởng của Nguyễn Toàn Thắng. Các kiểu người khác mà ta bắt gặp đây đó trong cuộc sống cũng được các tác giả tập trung khắc họa đậm nét. Đó là những con người tham lam, trí trá trong Người nối dõi của Nguyễn Thị Ngọc Hà; bệnh nói dai, nói dài trong Gặp hạn của Nguyễn Văn Cự… Các mảng màu tối sáng khác của số phận con người được thể hiện ở các truyện Hoa bìm bìm trong mưaNhà ở phố ngã tưTrước ngày xuất gia, Ngõ trăng của Tống Ngọc Hân… Ta bắt gặp hơi thở của cuộc sống hiện đại trong Chim cánh cụt biết bay, Rũ bùn mà đi của Văn Thành Lê, Lưng chừng trời của Doãn Dũng, Tình khúc biệt ly, Trong ngôi nhà lớn của Phạm Thanh Huyền…
Có vẻ như “Thành phố trong sương” với tất cả sự quyến rũ của chợ tình Sa Pa, đỉnh Phan Si Păng, thác Bạc, cùng các chàng trai, cô gái Mèo, Dao Đỏ, tiếng khèn gọi bạn tình của các chàng trai Mông… đã trở thành niềm cảm hứng vô tận cho các nhà văn. Tàn tro của nhà văn Phong Điệp là câu chuyện về cuộc sống khốn khó của những người phụ nữ trên đỉnh dốc Mù, leo lét như những tàn tro, nhưng khát vọng sống mãnh liệt  vẫn giúp họ “cố rực lên để mà nhen chút lửa”. Đó cũng là sự cảnh báo phản ánh về những nguy cơ rạn nứt đổ vỡ trong gia đình thời kỹ trị, thời kinh tế thị trường không ít bất an, bất ổn. Thông qua câu chuyện tình buồn của đôi trai gái ở một bản làng xa xôi, Trên đỉnh Chumpua của Cao Nguyệt Nguyên đã gửi thông điệp về mặt trái của cuộc sống hiện đại qua các tua du lịch, đang len lỏi làm mất đi bản sắc, xáo trộn sự yên bình nơi các bản làng xa xôi tạo nên những bi kịch trong cuộc sống của họ. Đi sâu khai thác những yếu tố “lạ” của văn hóa các dòng họ đồng bào dân tộc ít người vùng cao là điểm nhấn trong các truyện ngắn Khau Va, Những đứa gái, Thìa gỗ của Chu Thị Minh Huệ; Ốc núi, Nàng Hương của Lục Mạnh Cường; Lũ thượng nguồn của Lý A Kiều.
Trại viết Sa Pa lần này cũng ghi nhận những tìm tòi thể nghiệm để tự làm mới mình dù có người thành công có người chưa. Nếu như trước đây mọi người biết đến Phạm Thuận Thành như một người viết về đề tài lịch sử qua các truyện ngắn: Cô giáo Hoàng cung, Đêm cuối ở Côn Sơn… thì ở trại viết lần này, anh lại trình làng một chùm 4 truyện ngắn đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Vẫn đau đáu với đề tài miền núi, Nguyễn Đức Lợi tự làm mới khi ảo hóa ngôi kể bằng việc thông qua kí ức linh hồn cô gái để kể về cuộc đấu tranh của một bản làng du cư có cái tên “Không Có Thật” để được cộng đồng thừa nhận, để có cái mà có lẽ ai sống ở trong một đất nước cũng có quyền có: hộ khẩu công dân.
Mảnh đất Lào Cai hiền hòa với Sa Pa “bốn mùa hoa trái ngát hương”, nơi có con sông Hồng chảy vào đất Việt cũng gợi không ít cảm hứng cho các tác giả. Bút kí Những người làm Tổ quốc xanh thêm là những chia sẻ cảm xúc của tác giả Nguyễn Công Thế sau chuyến đi thực tế ở mỏ Apatit Lào Cai. Cốc Phượng mùa quả ngọtNhững người làm nên huyền thoại là những trang viết về vùng đất Cốc Phượng và những người lính đồn Biên phòng 235 Pha Long của 2 tác giả ở Lào Cai là Nguyễn Văn Cự và Đoàn Trúc Quỳnh…
Thơ không phải là thể loại chủ lực trong trại viết này nhưng không phải vì thế mà nó vắng bóng. Bên cạnh các tác phẩm văn xuôi, chùm thơ về mảnh đất phên giậu, ân tình Lào Cai của Hoàng Anh Tuấn, tập thơ Người đàn bà cõng trăng trên đỉnh Cô San đậm chất miền núi Tây Bắc cộng với cách nhìn mới mẻ hơn, thoáng đãng hơn, không gian rộng mở hơn của Lý Hữu Lương và các bài thơ về Trường Sa của Phạm Thuận Thành đã đóng góp cho trại những sắc hương mới.
Trong quá trình sáng tác tại trại viết Văn nghệ Quân đội Sa Pa 2013 lần này, trong những tác phẩm đã nộp, có tác phẩm đăng tải được ngay, có tác phẩm sẽ phải sửa chữa và hoàn thiện để giới thiệu sau, và cũng có những tác phẩm mới chỉ hình thành dưới dạng ý tưởng, giống như mỏ quặng giàu trữ lượng mới bắt đầu khai thác ở những vỉa lộ thiên, tất cả mới chỉ là bắt đầu cho một mùa văn chương bội thu trong cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 – 2014. Chúng ta có quyền tin yêu, có quyền hy vọng về những thành quả mà các nhà văn gieo cấy, chăm chút từ trại viết này. Thời gian 20 ngày ở trại quả là rất ngắn đối với hành trình sáng tạo văn chương vô cùng nhọc nhằn, vô cùng lặng lẽ, vô cùng cô độc của người cầm bút. Cái đáng nói là ngọn lửa đam mê đã được khơi lên, đã được nuôi dưỡng chu đáo từ một trại viết do một tờ tạp chí văn chương của những người lính. Cộng vào đó là sự ân cần chu tất của những người lính phục vụ ở Đoàn An dưỡng 17 Quân khu 2, tình cảm yêu quý trân trọng của các chiến sĩ biên phòng ở đồn Trịnh Tường, A Mú Sung, của cán bộ, công nhân Công ty Apatit Việt Nam, của những người bạn đồng nghiệp ở Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai...
Xa Sa Pa, xa Lào Cai, các nhà văn không chỉ mang theo hình ảnh thơ mộng của một vùng non nước biên cương đang trên đường đổi mới mạnh mẽ mà còn in đậm trong tâm trí các trại viên tình người chân mộc, ấm áp nơi đây. Sự thành công của trại viết không thể không tính đến tình cảm đó. Vì thế, ban tổ chức và các nhà văn trại viên xin được nói lời cảm ơn Lào Cai, cảm ơn Sa Pa, cảm ơn tất cả và hẹn gặp lại. Từ bây giờ, sau mỗi tác phẩm của các nhà văn, dù truyện ngắn hay là thơ đã có dòng chữ in nghiêng: Trại viết Văn nghệ quân đội, Sa Pa tháng 5 năm 2013. Sa Pa đã trở thành một địa chỉ ra đời của những tác phẩm cảm động viết về chiến tranh và người lính và biết đâu trong đó sẽ có những truyện ngắn đoạt giải của cuộc thi Văn nghệ Quân đội được công bố vào tháng 12 năm sau. Giản dị, thật giản dị mà xiết bao tình nghĩa, có phải thế không các bạn?

N.H.Q


1 nhận xét :

  1. Cần tổ chức thêm nhiều trại sáng tác như thế.
    Chúc trại viết văn VNQĐ Sa Pa tháng 5, năm 2013 gặt hái được nhiều tác phẩm hay trong và cả sau này!

    Trả lờiXóa