16 tháng 3, 2013

TÂM TÌNH THƠ TỈNH


     “Người cầm bút” (sáng tác văn, thơ…) được chia ra hai giới: Viết chuyên nghiệp và viết nghiệp dư. Đối với người viết chuyên nghiệp, tức là coi việc làm thơ là nghề; mà đã là nghề thì mục tiêu sống sung túc bằng nghề luôn được coi như tiêu chí phấn đấu số một.
Người viết chuyên nghiệp phải ý thức được việc làm mới và nâng cấp tác phẩm của mình sao cho nhiều báo, đài thấy “cần” và “thiếu”. Việc in được ở nhiều tờ báo uy tín chính là một phần của sự khẳng định “tài năng và thành công” của cây bút đó. Vì thế, ý thức học hỏi một cách chuyên nghiệp của người cầm bút chuyên nghiệp cần cao hơn rất nhiều so với người  “viết chơi thôi mà”. Nói như vậy, không phải người viết nghiệp dư “ít học hỏi”, hay không có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Nhưng sự thật là, người viết chuyên nghiệp lao tâm khổ tứ hơn nhiều, đau nghề hơn nhiều và cũng “tai nạn” hơn nhiều…
      Đối với thơ, việc sống được bằng nghề là một hiện thực không tưởng, mặc dù không phải là không có, nhưng những người bán được thơ với cái giá “xây nhà” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, tiêu chí (tất nhiên là tương đối) in được nhiều thơ trên nhiều báo lớn, thậm chí luôn nhận được đơn đặt hàng… tạm coi là “cầm bút chuyên nghiệp”. Nghịch lý xưa nay là, người làm thơ chuyên nghiệp thường rất ít (ít người, ít viết) còn người làm thơ nghiệp dư thì lại nhiều như lá… mùa xuân! ở một Hội VHNT địa phương, cả thảy 70 “nhà thơ” thì chỉ có 3 người thường xuyên in thơ được ở nhiều báo, đài, và tạp chí trung ương (hơn thế là từng đoạt giải về thơ ở các báo, đài trung ương). 67 người còn lại, làm thơ nghiệp dư. Tỉ lệ làm thơ (tính theo đầu bài/năm) thì các nhà thơ nghiệp dư có “thể lực” viết ngoài sức tưởng tượng. Có tác giả bình quân mỗi tuần gửi về Ban biên tập 20 bài; đột xuất có tuần lên tới 39 bài. Còn các cây bút chuyên nghiệp, họa hoằn mới thấy một bài, mà “phải xin mãi”. ở đây không có chuyện họ kiêu căng, tự cao mà thực sự là không có thơ để gửi! Sáng tác thơ chuyên nghiệp sao lại không có thơ? Đúng thế, họ rất sợ làm thơ, cũng bởi cái “ngưỡng thơ” bài sau khác bài trước (về thể tài); bài sau hay hơn bài trước (phong cách thể hiện)… Họ luôn trong trạng thái thắp đuốc đi tìm cho mình một hướng thơ mới, lạ để định hình phong cách; không khác trước không làm, không hay hơn trước không làm.
      Với rất nhiều người viết nghiệp dư thì thơ quen thuộc đến mức đọc một bài, biết cả tập (thể hiện trên bài gửi đến tòa soạn). Đề tài mênh mông, phủ sóng tới tận những ngóc ngách, và truy đuổi kỳ cùng. Có những vấn đề tìm mỏi mắt mà không thấy … vấn đề gì cả. Tìm mỏi mắt mà không thấy chất liệu thơ ở đâu (nếu có thì cũng là chất liệu của … báo chí; thấy cái gì thì viết cái gì), như: Cái mũ bảo hiểm; Mừng ngày lễ sinh nhật Bảo hiểm nhân thọ; Chúc các cụ vui, khỏe, có ích; Mừng nhà văn hóa thôn; Cán bộ điều tra dân số năng nổ; Anh nông dân đạt danh hiệu chăn nuôi giỏi; Hội thi ẩm thực thôn tôi…
       Đề tài thì “phong phú” thế, nhưng cách thể hiện ngược lại, luôn là… “độc nhất vô nhị” (một cách viết duy nhất). ấy còn chưa kể đến hàng chục bài trùng một “nhãn thi”, mà dường như chưa muốn dừng lại. Có mỗi một pho tượng đài, tác giả nọ đã làm tới hơn chục bài thơ ca ngợi, nói chung chỉ khác cái “tít”: Tượng đài; Nhìn tượng đài nhớ các anh; Gặp em biết ơn tượng đài; Cùng cháu lên thăm tượng đài; Tượng đài chiến thắng; Tượng đài sừng sững ngàn năm…
       Xin chỉ dẫn ra vài ví dụ làm điển hình, theo một thống kê của Hội VHNT nọ, các tác phẩm thơ gửi về BBT tạp chí chiếm tới… 90% so với các thể loại khác. Hiện thực này cũng là thực trạng của nhiều Hội VHNT đương đại. Không ít hội viên chuyên ngành Văn - Thơ thổ lộ rằng, hàng chục năm nay họ chưa viết một cái văn nào. Nguyên nhân chỉ vì viết văn rất phiền phức, rất vất vả (mỏi tay, mỏi mắt), khó cấu tứ và dĩ nhiên là khó thành công(!) Những người như thế thường viện lý do là rất bận, không có thời gian tích lũy “vốn văn”; không có cơ hội đi thực tế lấy tư liệu… Thơ thì khác, “ít chữ” lại chẳng phải đi đâu, chỉ cần “tưởng tượng ra một hoàn cảnh”, dễ viết, dễ in và dĩ nhiên là dễ lên tới cái… đỉnh của mình(!) Nếu có ai đó luận nhạt chuyện thơ hay, thơ dở thì chỉ cần tặc lưỡi, nện hai tiếng “vô cùng”; vậy là trật tự. Viết đừng có sai quá, đừng có “vi phạm chính trị” là OK. Với trình độ thơ ca tỉnh nhà, chẳng ai bắt bẻ được đâu mà sợ(?)
       “Hướng thơ” chung của nhiều nhà thơ nghiệp dư là viết về Bác và Đảng. Cách chọn này có vẻ dễ được chấp nhận (in) hơn cả, chính vì thế mà không tránh khỏi “lối mòn ngày một… quốc lộ hóa”. Thường thì chỉ quanh quẩn ở yêu, thương, nhớ, tiếc, ơn… mà không triển khai rộng được ra mọi hướng cuộc sống, để ý đến những hoàn cảnh, số phận, những chi tiết đời thường vô vàn xúc cảm. Một con người, một gia đình, một xã hội… tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc ấy là công Bác, công Đảng, chứ đâu cứ muốn ơn thì phải gọi húy ra: “Bác ơi con ngàn lần ơn Bác!”; “Đảng bộ ơi, ta nhớ mãi không quên” vv và vv… Tất nhiên, mỗi thể tài, mỗi nhân thi… một thể hiện, nhưng cũng vừa phải thôi, không nên thái quá, hóa thừa, hóa cũ … Một lỗi nữa trong thơ “ca ngợi quê hương, đất nước, con người” ở địa phương là liệt kê. Nhiều bài thơ có 4 khổ thì 3 khổ liệt kê địa danh (mười mấy bản làng, xã, huyện được tác giả nhắc như thể cho đầy chữ, dủ bài). Lại chuyện có 4 câu thơ thôi, nhưng cũng phải mất thêm 4 cái gạch đầu dòng… chú thích (!)  Thơ không ưa “thật thà như đếm” nhưng cũng không dung việc nói hết, hay nói chưa tới (tức là nói phanh như bày ruột ngoài da và lối nói tắt tối nghĩa). Thơ thương cảm mà câu chữ cứ rống riết đau, khóc, buồn, rầu… là không hay, không giỏi. Vốn tự cái tứ nó “khóc sầu” thay lời thơ. Có một tác giả phê bình vô danh, dám lớn tiếng chê bài Tràng Giang của Huy Cận rằng không hay; trong khi tiếng vang của bài thơ đã được khẳng định như một sự mẫu mực thơ ca. Ngẫm ra, không khỏi thiếu đồng cảm cùng nhà phê thơ nọ. Không loại trừ yếu tố nghệ thuật phối cảnh đối lập, tài dựng cảnh, tài dụng chữ… thậm chí cả lý tưởng cách mạng trong bài thơ của Huy Cận. Nhưng cái chê là ở chỗ, vì âm hưởng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn, mà Huy Cận lại phải dùng từ trực diện buồn, sầu (Sóng gợn Tràng Giang buồn điệp điệp…/Thuyền về nước lại sầu trăm ngả…) là kém, là dở. Những: điệp điệp; cành khô lạc; đìu hiu; vãn chợ chiều; trời lên sâu; cô liêu; bèo dạt về đâu; mênh mông không một chuyến đò; lặng lẽ bờ xanh; bóng chiều sa; dợn dợn; không khói hoàng hôn; nhớ nhà… là quá đủ, và quá… đỉnh buồn (thời, thế, chiến, loạn) rồi! 
       Thơ vốn dĩ là cảm xúc được vắt ra từ trái tim, lời lẽ ưa mềm mại mượt mà, chất thơ ngay thẳng trong sáng, hình thơ (hình tượng) kín kẽ tế nhị, cách thể hiện độc đáo, riêng tư… Mặc dù chữ được xem là “gạn đãi”, “sàng lọc”, “chắt chiu”, “mài giũa” (từ nhiều xuống ít; thậm chí là cực ít)… Và rất nhiều khi, chữ trong thơ trở thành nhãn tự, nhãn thi (mắt chữ, mắt thơ), mà bất kỳ người làm thơ nào cũng cần phải trau chuốt, mài gọt và tìm tòi với mong muốn nhiều bài thơ trong sự nghiệp cầm bút của mình có “nhãn” đích thực. Chữ chính là sự quyết định và dẫn tới thành công của thơ, tuy nhiên cũng chưa phải là yếu tối then chốt, chính thức và tất cả. Cổ nhân có câu: “Dĩ ý thắng, bất dĩ tự thắng”. Trong mỗi bài thơ, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ thay ý, lấp ý (che đậy cái tứ… không có). Một người làm thơ lặn lội trong biển tư liệu cuộc đời, vớt nhặt được một cái tứ (ý) thơ hay, độc đáo thì chỉ cần cấu tứ lời lẽ mộc mạc, giản dị và gần gũi như đang trò chuyện thôi, đủ để bài thơ được xếp vào hàng “chiếu thượng”. Làm thơ mà đạt được “ý thắng”, để lời lẽ dung dị đi đã đạt tới hàng cao thủ! Người mới làm, hoặc giả làm thơ hời hợt thường không (hoặc chưa) phân biệt được tứ hay, tứ thường thậm chí là tứ dở. Cũng thường mắc lối viết “hoành tráng hóa câu chữ”, ngoa ngôn và đảo chữ trong những từ ghép một cách phi lôgic…
       Không phải người viết bài này, mà rất nhiều nhà thơ lớn, những bậc trưởng bối… có một câu khuyên thế này:
   - Với người làm quá nhiều thơ (hay làm thơ dễ quá), nhưng bài nào cũng giống bài nào, chỉ đáp ứng được mỗi một nhu cầu là lưu giữ, nhắc nhớ (ghi chép) lại những sự kiện, những công việc riêng tư, be bé như Mừng cháu được điểm mười; Kỷ niệm ngày lễ mừng thọ… thì hãy làm ít lại. Thay vì mười bài một ngày, nên mười ngày làm một bài. Thơ là cái riêng, tài sản riêng của một cá nhân sáng tạo, về một cảm xúc cá nhân, một hoàn cảnh cá nhân, một sự kiện được cá nhân quan sát… nhưng nhờ cách thể hiện của cá nhân (nhà thơ) ấy mà nhiều người đọc thấy có tí xúc động của mình, tí hoàn cảnh của mình… để rồi từ đó có sự hoán đổi về số học, từ “một tí” sang… “rất nhiều” sự đồng cảm, rung động và chia sẻ!
   - Với người làm thơ khó chọn đề tài (không biết nên viết cái gì - đây cũng là “nỗi dằn vặt sáng tạo của nhiều người viết chuyên nghiệp”), thì hãy viết ngay về những người, cảnh, vật… thân yêu nhất, gần gũi nhất. Nhưng cần chọn những chi tiết hiếm lạ, những ý tứ đặc sắc, những thời khắc xúc động chợt phát…
   - Lại có người chọn được đề tài hay, nhưng bài thơ cứ trúc trắc trục trặc, có câu rất hay nhưng ngay sau đó lại xuất hiện hàng loạt câu dở, nói lặp, khó hiểu (cả khoe lộ ý tứ)… thì cần làm kỹ lại, quan tâm nhiều đến cấu trúc, cách thể hiện, chọn từ ngữ và tham khảo người có kinh nghiệm (Một người kỹ tính, có được cái tứ quí, họ triển khai dăm bảy hướng thơ rồi chọn ra hướng hay nhất. Nói nôm na là họ làm nhiều bài thơ khác nhau về vấn đề đó rồi chọn dùng bài duy nhất).
       Câu thường ngôn trên bất kỳ miệng nhà thơ nào đó là “Văn là cơm, Thơ là rượu”. Theo thiển ý cá nhân, xin đừng hiểu bằng khái niệm dung khối nhiều - ít, mà cần hiểu một cách cơ học về công lực sáng tạo trong cuộc hành trình từ hạt gạo - nấu cơm - lên men - chưng cất thành rượu. Và cái “thước thơ” cuối cùng ở cách ví von này chính là chất lượng rượu! Có những khi, “chế biến” bằng gạo ngon (tứ hay) hẳn hoi, như khi nếm (thẩm thấu) lại thành rượu khê, đôi khi chỉ là … một giọt nước lã! Nhà thơ, theo cách ví ấy, thực chất là một công nhân chưng cất rượu. Ngoài kiến thức phối tác Sinh học (men và lên men), chuyển vận Vật lý (làm bay hơi và ngưng tụ)…  ra, đòi hỏi anh ta còn phải là một… con nghiện. Người làm ra thơ mà lại không tiêu hóa nổi thơ mình, chả hóa như anh thợ, cất ra một loại… rượu độc!
       Có thể lý giải thế này, một đoạn văn tạp vần, được cấu trúc thành những tập hợp nhỏ, rồi sắp đạt theo cách xuống dòng liên tục, nhưng không có tứ (ý) thơ, xin thưa rằng, kể cả gieo vần đẹp như… nhạc, vẫn không bao giờ phải là thơ!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét