Truyện ngắn
Đôi rắn ấy, những người nhìn thấy đồ dễ đến non tạ một con. Cánh nhà báo
tỉnh nghe hơi, kéo về Núi Rắn. Có người chụp được hai cái đuôi thò ra từ bụi
rậm, có người chạy quăng mất cả máy ảnh… . Nhưng, hàng loạt bài viết kinh hồn
vẫn được đăng tải, làm ồn ào cả khu vực. Lâu ngày, chuyện đôi rắn chúa cũng
quen tai nếu không có sự mất tích đầy bí ẩn của hai con người, nửa người thì
thiếu, nửa ma thì thừa. Đôi rắn trước đây mới chỉ cắn chết người, giờ thì biết
ăn thịt người rồi. Có chỗ thấy chiếc dép đầy lỗ như đóng đinh, chắc dùng để
chống mồm rắn trong vô vọng. Có nơi thấy bộ quần áo vo viên, dính bết vào nhau
như đống phân, chắc con rắn nuốt chửng người, tiêu hóa xong phần xương thịt,
còn quần áo thì ỉa ra ngoài…
***
Có rất
nhiều lời đồn về hắn. Sau cuộc chiến tranh chống Tàu vài năm, hắn như rơi từ
trên trời xuống Núi Rắn định cư. Dân quân xã tưởng hắn là thổ phỉ, lên phương
án để đánh, nhưng khi diện kiến, người ta bỗng thất vọng về tên vay danh gián
điệp này. Hắn rất giống một nạn nhân đi-ô-xin, nhưng tất cả các bộ phận đều có
thừa tác dụng, chứ không thứ gì tàn phế cả. Hắn chỉ nói được duy nhất hai
tiếng: Không biết! Vì thế, người ta đặt tên cho hắn là Không Biết. Chẳng ai
biết Không Biết sống bằng gì. Một cái nền hang vô sản. Đến lửa còn chưa biết
dùng. Có người bỏ mấy ngày đi rình, về khẳng định Không Biết ăn toàn chuột,
thằn lằn, rắn, mối… sống. Không Biết là một con người, nhất định thế, cho dù
hình vóc có phần sai qui chuẩn. Đầu chỉ bé như một quả cam to, toàn mắt là mắt.
Tay chấm cạp quần. Chân thì ngược lại, rất dài, dài gấp ba lần lưng. Có một
chuyện lạ là Không Biết biết mặc quần áo, thậm chí còn tươm tất. Áo có rách,
quần có rách, nhưng những chỗ cần che đậy, tuyệt nhiên kín đáo. Có vẻ Không
Biết cần sống, muốn sống hơn ai hết thì phải. Đấy mới là điều lạ. Không Biết
ung dung tự tại mà sống cuộc sống tuyệt đối tự do của mình. Suy cho cùng, trên
đời, ngoài cái thú sống đúng với cách mình thích thì chẳng mong mỏi gì hơn. Thế
nên khao khát sống là phải. Không Biết biết, mình khi chết sẽ phải chết cô đơn,
vất vưởng và hôi thối thì thà sống hoang thú như thế. Thà ăn sống ăn sít mà sống
chung sống chiêng như thế.
Về
Không Biết chỉ vẻn vẹn thế. Năm tháng đi, người ra chứng kiến sự gần gũi của
Không Biết với dân làng Ngú Háu. Nói là gần gũi cho có hậu, thực ra, chẳng ai
dám đến gần, mà Không Biết cũng chẳng đến gần ai. Chính quyền thỉnh thoảng làm
nhiệm vụ rà soát nhân khẩu, tìm lên quả núi cao ngất ngư và rậm ngút ngát gặp
Không Biết. Chẳng biết từ bao giờ, Không Biết có hộ khẩu ở làng Ngú Háu, xã Ngú
Khiêu. Có người trách chính quyền quan liêu, có người lại cho đó là hợp lẽ. Dịp
bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, chính quyền cãi nhau như xé vải về trường hợp
của Không Biết. Có ý kiến liệt Không Biết vào danh sách những người không đủ tư
cách bỏ phiếu. Có người lại nói Không Biết hoàn toàn khỏe mạnh, hội tụ mọi điều
kiện để thực thi quyền công dân. Không biết, chưa biết thì cán bộ tổ bầu cử
được phân công phải hướng dẫn, giải thích. Nếu không làm thế, có mà thụt chỉ
tiêu à.
Từ xa xưa, cả Ngú Háu lẫn những làng lân cận, rất ít người dám lên Núi
Rắn, trừ một vài tay bắt rắn chuyên nghiệp. Rắn ở Núi Rắn rất nhiều, nhưng
không có con to, không có con ăn thịt người. Cắn người phải cấp cứu thì vô kể,
nhưng rặt không ai tử vong vì Ngú Háu có một thầy lang chữa rắn cắn nức tiếng.
Mấy tay thợ săn, không hiểu dùng cách gì, bắt hàng vạn con rắn trên Núi Rắn,
bán xuống thành phố ngâm rượu, làm chả. Từ ngày Không Biết về Núi Rắn, mấy tay
thợ rắn bỏ đi tìm rắn ở vùng rừng khác. Họ bảo, giờ đến con rắn bao tử cũng
chẳng còn, thằng quỉ người bắt ăn sạch rồi.
***
Ở cuối làng Ngú Háu có một ngôi nhà sàn nhỏ. Đúng hơn chỉ là một túp lều,
một cái lán nương. Chủ lều là một phụ nữ trạc bốn mươi. Người phụ nữ có đôi mắt
nâu, ướt át và gọi rủ đến nao lòng. Nói thế nhưng cả làng Ngú Háu và những làng
khác, chẳng ai gặp, chẳng ai gần người ấy bao giờ. Cũng chẳng ai nghe thấy
người ấy nói. Gần ba mươi năm, người ấy đã không nói. Những người mới đến hay
các thế hệ sau không biết, gọi luôn là Con Câm. Con Câm lầm lũi cấy hái trên
một vuông đất nhất định, rồi tự ốm, tự khỏi, tự no, tự đói. Thỉnh thoảng bỏ đi,
hình như là để sắm sáp những thứ phục vụ cho cuộc sống.
Trên khuôn mặt trắng hồng của Con Câm có một vết sẹo. Một vài người già
biết chuyện thuật lại, hồi Con Câm 13 tuổi, một thanh niên đã phát hiện ra nó
là ma cà rồng. Thế là bọn trai làng dùng ngoé nướng dụ Con Câm ra rừng đập
chết. Lúc Con Câm thoi thóp, bỗng xuất hiện một tốp lính trinh sát của ta hành
quân về phía biên giới Việt - Trung. Họ xin cho Con Câm được sống, và dựng cho
cô gái một túp lều trong rừng. Bây giờ, dân số ngày một đông, đất không đủ,
người ta kéo cư dài về phía rừng nên túp lều của Con Câm cũng chỉ còn cách làng
non cây số. Vết sẹo trên mặt Con Câm là do một thanh niên dùng dao rạch, đánh
dấu không cho trà trộn với con người. Đã hai mươi bảy năm, người ta quên sự có
mặt của Con Câm trong cư thôn. Kể cả dịp bầu cử, tuyệt không ai nhắc tới. Họ
coi như Con Câm đã chết, hoặc là chưa từng có. Một sự hắt hủi cổ quái, Con Câm
mà là người khác, thà chết quách đi, dù có cô đơn, vất vưởng và thối tha!
Hỏi các
cụ già về bố mẹ, người thân của “con ma cà rồng” ấy, họ chỉ đến nhà già Miên,
nhưng ông này lại bảo, ông ta chưa từng đẻ ra một đứa con gái nào. Cô gái ma cà
rồng mặc dù đã bốn mươi, nhưng nét xuân thì vẫn lấp lánh quanh mấy nếp ưu tư lờ
mờ trên trán, trên đuôi mắt. Đôi môi vẫn đỏ như gái dậy thì. Nhiều cụ già xác
nhận, Con Câm từng xinh nhất vùng. Xinh như một con ma, người thường không ai
lại xinh đến mụ mị hồn vía người khác như thế được. Người ta bảo, nếu không
gạch mặt Con Câm thì cả cái làng này, xã này, huyện này con gái ế chồng hết.
Trai trong chí ngoài, cứ bu quanh Con Câm như bầy kiến bu quanh bọng mật. Các
nhà có con gái, tịnh không một tiếng chó sủa. Con Câm bị vạch mặt, làng xóm
bình quân ngay.
Con Câm không nói nhưng lại biết thổi kèn lá. Đêm đêm, tiếng kèn lá cất
lên thê lương cả một góc rừng. Nhiều giấc ngủ chập chờn ma mị, chực mò đến đốt
quách cái lán ấy đi, nhưng ra ngoài nhà lại quay vào. Da gà cứ trộn vào giác
quan, rờn rợn. Từ ngày Không Biết về núi, không ai nghe thấy tiếng kèn lá của
Con Câm nữa. Thường thì Con Câm lánh mắt dân làng, nên có khi mấy năm trời
chẳng ai thấy. Họ chỉ biết mảnh nương nhỏ của Con Câm vẫn có một bàn tay gieo
cấy, chăm chút, thu hoạch. Con Câm luôn chọn thời điểm người làng chưa đi, và
đã nghỉ mới lam làm. Có khi phát dọn cả đêm trăng.
***
Một tối cuối tháng đen như trong chõ. Tiếng kèn lá từ trong lều Con Câm
vọng ra rứt gan rứt ruột. Quá nửa đêm, tiếng kèn như héo, như rách. Chiếc lá
rụng khỏi môi chưa lâu thì có tiếng gõ cửa. Con Câm ngồi thu vào góc nhà,
giương đôi mắt nhợt nhạt ra làm vũ khí. Tiếng đàn ông cất lên ngoào ngoào: “Có
phải ma cà rồng không? Có phải em không?”. Xó nhà câm lặng. Giọng đàn ông bất
ngờ đổi cung: “Đúng là em rồi, ma cà rồng ạ. Đằng sau vết sẹo ấy!”. Xó nhà vang
lên tiếng giậm chân nhịp 5 - 4 - 3 như chó cắn hổ. Căn lều rung lên tựa có bão.
Giọng đàn ông ngân ngấn trôi xuống thang sàn: “Em đuổi anh cũng đừng như thế,
đau chân đấy, ma cà rồng ạ”. Trên nhà, vẫn “chó” sủa nhịp 5 - 4 - 3, sầm sập,
sầm sập. Hôm sau, giọng đàn ông lại cất lên hi vọng, ngoài liếp cửa:
“Ngoan ơi, đừng nói bằng chân nữa, hãy nói bằng mồm thôi…”. “Ngoan ơi, đừng sợ,
người tựa vai người, ma gối tay ma…!”. Giậm chân giảm xuống một bậc, 4 - 4 - 3,
như chó cắn gấu. Tiếng thì thào cứ lục tục đến, lục tục về, cả năm như thế:
“Ngoan nói gì đi, đừng để xà cột nghe đến biết cả tiếng con người rồi”… . Tiếng
giậm chân giảm xuống nữa, vừa thưa vừa nhẹ dần dữ dội theo nhịp chó sủa hoẵng 3
- 3 - 1; rồi chó đuổi cáo: 2 - 2 - 1; và cuối cùng là chó vồ gà 1 - 1 - 1.
Dù chưa mở cửa, nhưng lòng Ngoan đã tháo gióng. Cái mùi khen khét, thôi thối
như mùi trứng ung; cái giọng meo méo, nhài nhại xuyên qua liếp gianh làm Ngoan
bớt ngủ, bớt ăn ngày càng dày. Nhiều lúc Ngoan muốn nói, nhưng lâu quá
rồi, lưỡi như dính vào răng, nhai thì dễ, mà nói không ra. Ngoan tìm đến thác
Ngú Sập, hát vào nước, nói vào nước, nhưng ngay cả Ngoan cũng chẳng hiểu mình
hát gì, nói gì. Tiếng con người rơi khỏi tai, chui ra khỏi lưỡi gần ba chục mùa
nương rồi, gọi nó quay lại mãi mà không nổi.
Đã mười mấy chuyến con trăng đến rồi đi xa tận bên kia chân trời, giọng
đàn ông đến rồi về, cũng như con trăng cần mẫn, định kì và dứt khoát. Lâu rồi,
người ấy không chỉ đem giọng nói nhơn nhớt đến, mà khi thì cái măng, củ
mài, nắm rau sắng, ống mật ong, con chồn, con don… . Hơn năm trời, Ngoan cố
nhòm vào đen thẳm, đồn đoán vì sao lại có con người muốn làm bạn với ma? Mà anh
ta ở đâu? Sao lại biết tên, biết chính xác ngày Ngoan bị bọn “trai người” hành
quyết? Chẳng biết nữa, thôi, kệ. Ngoan đã đón nhận tất cả quà rừng thay cho đón
nhận chủ nhân của nó. Từ bao giờ, giọng đàn ông đã trở thành người thương,
người nhớ. Rồi đến một hôm, sau câu hỏi “Anh đạp vách nhé?” thì cỏ cây, chim
chóc đã nghe thấy tiếng Con Câm:
-
Chưa được đâu?
-
Vì sao?
-
Sợ!
-
Sợ gì?
-
Sợ người!
-
Không phải người đâu, là ma.
-
Ma ở mường nào?
- Trên
Núi Rắn.
Cánh cửa bật ra, từ phía không trung ập vào một bóng người cao lớn, đầu bé như
quả cam lai bưởi. Ngoan chững lại, lùi giật vào góc nhà. Không Biết đưa ra
chiếc vòng bạc khảm thạch dạ quang, ánh lên xanh lét trong đêm:
-
Em còn nhớ cái này không?
-
Không, chỉ quen.
-
Của em mà.
-
Không phải.
-
Đúng đấy, em xem đi, cả tên em mà.
-
Tặng bộ đội lâu rồi.
-
Anh là bộ đội đây.
-
Không phải, bộ đội đầu to, tay dài, chân ngắn.
-
Anh bị thương, ruột gan (hoóc môn) thay đổi, thành thế. Anh là ma, như Ngoan.
-
Thật không? Thật như bộ đội về làng không?
-
Thật!
***
Đã vài năm sau khi cặp rắn chúa về Núi Rắn, cả Không Biết và Con Câm đều
mất tích một cách bí ẩn. Không dấu vết gì cho thấy, hai con người ấy còn sống.
Mảnh nương nhỏ của Con Câm bỏ hoang đã năm vụ rồi. Trên Núi Rắn cũng không còn
sợi khói mong manh, rời rạc và đứt bữa mỗi chiều. Không nghe tiếng chặt cây,
chẻ củi, tiếng hú rợn đêm nữa. Một vài người có tư tưởng tiến bộ, chắp hai bàn
tay trắng, vái trộm mấy cái vào trời xanh: “Cầu cho hai linh hồn ma quái được
siêu thoát. Kiếp sau, xin chớ làm người!”.
Cặp rắn chúa trên Núi Rắn đã lan danh khắp nước. Những tốp bắt rắn chuyên
nghiệp lũ lượt kéo về Ngú Háu. Lâu lâu, lại có một chiếc xe sang trọng, chở
những ông bụng to đến, đấu giá mua đôi rắn lên tới 200 triệu. Nhóm thần rắn
Hươi “cỏi ngú” nhận cái hợp đồng ấy đầu tiên. Hươi “cỏi ngú” vốn là dân Ngú
Háu, từ ngày Núi Rắn hết rắn, hắn dạt sang khu Đông Bắc kiếm ăn.
Nghe tiếng mồi là tức tốc quay về với hi vọng thông lâm thạo thổ, sớm có thành
quả. Nhóm Hươi “cỏi ngú” chụm đầu tính toán, 200 triệu ấy, với nguồn rắn ngày
nay, phải bằng năm năm chui rúc. Các tốp khác nghe ngóng sự chết chóc vọng
xuống từ Núi Rắn rồi quyết định nhường chỗ cho thần rắn Hươi “cỏi ngú”… chết
tiên phong. Thần rắn Hươi “cỏi ngú” cùng hai học trò chuẩn bị rất kĩ. Ống thuốc
giấu - một loại dây rừng bí truyền, được giã nát, chế thêm vài loại nước cốt
khác, thành thứ thuốc khiến rắn sợ cứng cả hàm, không há ra để cắn được nữa -
dao đi rừng, bật lửa, dây chão, tăng bạt, thực phẩm… . Nhóm Hươi “cỏi ngú” lên
núi được chừng 5 tiếng, người ta thấy hai tên đàn em thần rắn hồng hộc chạy về,
nói hắt ra: “Thầy Hươi bị nuốt rồi… mồm nó (con rắn chúa) to như cái cửa nhà… .
Thầy ơi… từ nay bọn em lấy đâu ra gỏi rắn mà ăn nữa… hả thầy…”. Dân quân xã Ngú
Khiêu súng ống đai đạn lên Núi Rắn tìm xác thần rắn Hươi “cỏi ngú”. Đến đầu
rừng, người ta thấy một thi thể nát nhừ, vỡ, rách, tím mọng. Hai gã học trò
cũng chỉ nhận ra thầy qua quần áo. Cái ống thuốc vỡ tan, nước thuốc, nước dãi
rắn nhớp nháp đầy người thần rắn: “May mà có ống thuốc gia truyền, không thì nó
ăn gỏi thầy”. Một tên run cầm cập nói, rồi cả hai bỏ lại nấm mồ chưa phai hơi
đất và cái hợp đồng béo bở, ra đi biệt dạng.
Vị đại gia đứng đầu câu lạc bộ 100.000 tỉ là người vào Núi Rắn cuối cùng, và
cũng cắm lại lâu nhất. Vị này treo đôi rắn chúa 500 triệu cho ai bắt sống, 200
triệu bắn, bẫy hoặc đập chết. Có hàng chục tốp bắt rắn chuyên nghiệp đổ về, có
cả tốp Đại Sát ở rừng U Minh ra với hi vọng diện kiến, may mắn hơn là tóm cổ
được đôi rắn gây tiếng vang khắp nước này. Kể cả thế, hàng chục tốp, có khi bỏ
cuộc ngay lần đầu nghe tin xấu, có khi tháo chạy thục mạng, người bị thương do
tự va đập vào cây, vào đá; kẻ bỏ mạng với một câu chuyện hiện trường và tình
trạng tử thi tương tự như thần rắn Hươi.
Đại Sát là toán cuối cùng muốn thử sức với “thần sát” Núi Rắn. Toán này
mang theo máy phát điện; máy phát sóng siêu âm để giả giọng rắn; máy phóng tia
tử ngoại, nhẹ thì thôi miên nặng thì tiêu diệt; súng bắn đạn điện và gậy kẹp
điện chuyên dụng… . Cuối cùng, kết cục chẳng hơn gì các tốp trước. Năm thành viên
toán ấy đạp lên nhau mà chạy. Ỉa đái cả ra quần. Có kẻ bỗng điên dở, dại dở.
Một tên tỉnh táo thuật lại, khi toán Đại Sát lên đến cửa rừng, toán trưởng Hùng
“hổ chúa”, làm lễ một cặp gà trống sống, rượu, thịt lợn sấn, và hoa quả. Hương
cháy đẹp lắm, toán trưởng ngửa cổ lên trời khấn những điều quen thuộc rồi quay
lại bảo đàn em: “Không lí gì thất bại!”. Toán Đại Sát phấn khởi leo lên núi,
đến lưng chừng, nơi có vũng nước Nồi Luộc (Mỏ Tổm) thì bất ngờ nhìn thấy hai
thân cây đi động. Mới đầu, ai cũng tưởng do leo núi nên hoa mắt. Nhưng chưa kịp
định hình, hai thân cây to cỡ thùng phuy tiến ào ào tới. Trong tư thế dựng
đứng, cao trên chục mét, chỉ có đuôi là chấm đất. Hai thân rắn lớn vừa chặn mũi
toán Đại Sát, vừa rít gió ầm ầm như bão táp. Chẳng ai bảo ai, vứt tất lại, rồi
mạnh chân bằng nào, chạy, nhẩy, lộn, lăn xuống núi bằng nấy.
Vị đại gia nghe xong, mặt buồn như gà trống độc thân. Ông ta không bỏ đi, mà cứ
ra vào cái trại dã chiến, bên cạnh là chiếc “bóng ma đen” hiệu Rolls Royce
Phantom, trên nóc gắn cả chảo truyền hình ĐTH, chảo tiếp sóng di động vệ tinh,
Tivi 3G… . Ban ngày, ông ta lân la vào các nhà nghe ngóng chuyện về đôi rắn,
ban đêm, nằm xem ti vi và nắm bắt công việc tập đoàn Toàn Cầu qua sóng vệ
tinh; chỉ đạo bằng điện thoại di động giữa vùng đèn dầu, mái lá. Mấy ngày sau,
có người nghe lỏm được chuyện vị đại gia nói với tay tùy tùng:
-
Đôi rắn này không thể chinh phục.
-
Vì sao?
-
Nhờ câu chuyện cuối cùng của toán Đại Sát. Rắn chúa cũng dựng người, nhưng
chỉ một phần ba cơ thể.
-
Thế thì đôi rắn ấy, cùng lắm cũng chỉ cao 3 - 4 mét?
-
Đúng thế. Chỉ có một giả thiết.
-
Không có thật?
-
Có thật.
-
Vậy là con gì?
-
Là tinh rắn. Hàng vạn con rắn trên Núi Rắn bị giết chết đã hợp hồn, rồi kết
tinh lại thành một đôi Xà Tinh, có thật, nhưng không thể bắt, giết. Nó vẫn
ăn thịt người và súc vật, nhưng là ăn phần hồn.
-
Vậy, những vật chứng như trong cứt nó có quần áo, giày dép, ví tiền…?
-
Thế mới cần nghe ngóng thật kĩ, có thể phải trực tiếp diện kiến.
- Giống
như con Xà Tinh to như cái thuyền, dài như cái cầu mà thiên hạ đồn ở làng Lệ
Mật, nó ẩn dưới sông Hồng, đêm đêm mò vào làng bắt súc vật, thậm chí cả người?
-
Không phải đồn, mà có thật. Chính tổ ta là thần rắn Lệ Mật, nên ta biết chuyện
đó có thật. Ai cũng nhìn thấy, nhưng không chứng minh được. Người và súc vật
vẫn mất tích. Chà! Ước gì có ai lí giải được chuyện thần bí này.
Hai
ngày sau người ta thấy vị đại gia một mình lên Núi Rắn. Một ngày. Hai ngày. Ba
ngày. Đến ngày thứ tư, ông ta quay về trong sự an lòng của tên tùy tùng. Sau
chuyến đi ấy, ông ta chuyển sang mua thứ khác, vẫn giá bằng đấy, nhưng dứt
khoát là bắt sống chứ không được giết chết. Chuyện này có vẻ dễ làm, không nguy
hại gì đến tính mạng. Cả làng Ngú Háu theo đuổi hợp đồng. Chỉ có điều, sợ
không còn nữa mà bắt.
***
Vị
đại gia dạy cho những toán săn thú mới một câu chú tổ truyền tránh đụng đầu Xà
Tinh. Thần tình thật. Từ đó, người ta làm lễ rồi lên Núi Rắn mà không hề thấy
bóng dáng đôi rắn chúa đâu nữa. Câu thần chú cấm kị động vào loài rắn, và phải
lễ no cho Xà Tinh đã. Vậy là người ta bình yên chui rúc trên Núi Rắn như đi lại
trong nhà. Hàng trăm người lùng sục khắp hang cùng khe hẻm của Núi Rắn mà không
thấy tăm hơi con mồi 500 triệu đâu. Một tuần. Mười ngày. Nửa tháng. Bóng thần tài
của họ vẫn không để lại một dấu vết. Tay tùy tùng thắc mắc:
-
Hay là rắn khổng lồ thật?
-
Là Xà Tinh thôi.
-
Vậy thì đôi nửa ma nửa người ấy đâu?
-
Chắc chúng lẻn sang một vùng khác, nhưng không xa. Cứ cho mở rộng phạm vi tìm
kiếm.
-
Em hỏi thật sếp, sếp mua đôi ngợm ấy về làm gì?
-
Sinh vật cảnh.
- Chúng
là người cơ mà, bề ngoài ấy, mà chăn người thì bất hợp pháp.
-
Yên tâm đi, ta đã lách luật xong rồi.
-
Nghĩa là…?
-
Thiết kế một khu “chuồng” mang tầm vóc “điểm du lịch” với đầy đủ bài trí siêu
vật cảnh theo khuôn mẫu, không gian của con người, rồi tạo điều kiện đế vương
cho chúng ở, sinh sôi, trên danh nghĩa… công nhân.
-
Bái phục sếp! Em đã chứng kiến nhiều tài ba của sếp, nhưng lần này mới dám
khen vượt đèn đỏ. Sếp quả là thần nhân chứ không phải thuần nhân. Lúc ấy, bạn
bè thượng giới tham quan dinh thự, sẽ phải ngả mũ trước phong cách đại đẳng -
thú chơi… ma - một kỉ lục guiness(!)
-
Ha ha ha…
***
Hai
đứa trẻ sinh đôi, một trai một gái, độ 4 tuổi, nô nhau thoăn thoắt trên đỉnh
đá. Thỉnh thoảng, chúng đu lên cành những cây dâu da, cây thanh mai, hái quả ăn
ngau ngáu như loài linh trưởng thực thụ. Mẹ chúng - người đàn bà có vết sẹo dài
trên má trái, nhìn theo cười mãn nguyện:
-
Đúng là lũ quỉ con.
Người
đàn ông có thân hình bon sai cũng cười.
-
Thì chúng vốn là ma mà.
Dưới
chân Núi Rắn, tiếng cười của vị đại gia - chủ nhiệm câu lạc bộ 100.000 tỉ - còn
to và dõng dạc hơn:
-
Ha ha ha… Ha ha ha!
Ngay
chái ngôi nhà lợp bằng lá chuối, đôi rắn hổ mang chúa, mỗi con dài chừng 7
mét, nặng trên 2 chục kí, nằm quấn vào nhau hiền từ. Thỉnh thoảng, chúng
ngớn bụng lên, nghiêng tai xuống gon lá rụng được vun đắp một cách tự nhiên,
nhưng rất cẩn thận và khéo léo, ngay dưới bụng, nghe những âm thanh siêu vi
vọng ra. Những đứa con của chúng đang cựa quậy. Tiếng cựa quậy tuy nhỏ, nhưng
mang đủ năng lượng để cấu thành bão tố. Tiếng cựa quậy cũng hồ hởi, hồn nhiên
như những đứa trẻ con, ung dung chờ ngày nhìn thấy thứ ánh sáng đầu tiên, mơn
man, dịu dàng và thanh bình trên Núi Rắn.
Ngú
Háu, 08.08.2011
TRƯƠNG HỮU THIÊM:
Trả lờiXóaSau 2 năm tổ chức (2011 - 2012), cuộc thi Truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đã khép lại với 18 giải thưởng được trao; trong đó: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.
Nhà văn Nguyễn Đức Lợi - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên - vinh dự giành một trong ba giải Nhì. Xin chúc mừng nhà văn Nguyễn Đức Lợi, đồng thời, xin chia vui với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Sâu đây là kết quả cuộc thi, được công bố trên Tuần báo Văn nghệ số 16 - tháng 04/2013.
KẾT QUẢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN 2011 - 2012
TUẦN BÁO VĂN NGHỆ - HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
-------------------
GIẢI NHẤT: Chùm truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ:
“Bạn khách”; “Sợi dây” và “Mồng Chín, tháng Tám”.
GIẢI NHÌ:
1- “Gia phả mùi rơm rạ” - Thu Trân
2- “Ma núi rắn” - Nguyễn Đức Lợi
3- “Lá bùa bỉ ngạn hoa” - Vũ Thị Thanh Huyền.
GIẢI BA:
1- “Hồng trần” - Chu Thị Minh Huệ
2- “Đêm dài qua” - Nguyễn Tiến Bình
3- Chùm truyện: “Thị”; “Chị Mỵ làng Minh Quang” - Văn Chinh
4- “Hàng xóm” - Chu Thùy Anh
5- “Phương Nam” - Phùng Hy
6- “Người đàn bà ở bến xe thành Rôm” - Nguyễn Đăng An.
GIẢI KHUYẾN KHÍCH:
1- “Trong đám tang của mình” - Uông Triều
2- “Mười hai chiếc bánh flan” - Phạm Thanh Thúy
3- “Suối nguồn” - Phan Đình Minh
4- “Đất tụ long” - Nam Ninh
5- “Phật ngoài khơi xa” - Nhụy Nguyên
6- “Người chợ Kệ” - Dương Đức Khánh
7- “Bữa tiệc ly” - Lê Hoài Nam
8- “Seo Ly” - Chu Văn Nghiêm.
(Báo Văn nghệ - Số 16 - Tháng 04/2013)
Cháu cảm ơn chú nhiều!
Trả lờiXóa