3 tháng 2, 2013

CÕI CÙN ĐỜI


Ma Trẩy hô một câu dừng lại bằng tiếng Mông, con đường mòn ngoắt ngoéo khiến âm thanh đuổi theo đoàn ngựa thồ vập vào vách núi nghe meo méo: Chạn! Con đầu đàn có tên như tiếng cảnh báo: “Cơn Điên”, lập tức quay người, chặt ngang con đường mòn độc đạo vào Chin Mang. Để vượt dốc Lòi Dom vừa tức, vừa dài đi bộ rát bỏng hậu môn vẫn chưa hết, thì phải nghỉ lấy sức. Người đã đành nằm vật ra, ngựa thồ trăm thứ bà giằn, thường dùng nạng gỗ đỡ hai bên yên, chùng chân mà chờ ông chủ véo cho vài bi, hòa vào chiếc túi nilon nước rãnh. Một con lực sức đã tạnh, lăn đùng xuống đất, hất món hàng độc là hai cái bánh đà máy hút và một ả cave ra khỏi tấm lưng ngày một rộp rộng hơn, kể từ khi về với ông chủ mới. Khốn nạn cho sự khôn ngoan quá mức. Ngay lập tức, một nhát kiếm không đứt phăng cái đầu cứng cổ, nhưng đủ cắt cuống họng ra làm hai đoạn. Huyết vung ra gặp hơi thở gấp, vã lên trời rồi trút cơn mưa máu xuống những tràng cười ha hả. Như một sự chuẩn bị hoàn hảo, Ma Trẩy bịt miệng túi nilon vừa cho ngựa uống thuốc phiện vào vết thương, đợi con ngựa run lên bận bật, máu đông thẳng xuống đáy túi mới gói lại, quẳng cho ả cave:
   - Giữ cẩn thận, vào đổi mấy phân vàng.
Ả cave, hai chiếc bánh đà và toàn bộ thịt, xương, lòng, bì con xấu số được chất đều lên lũ ngựa còn lại. Hàng nặng, đường dài ra, nhưng được nạp đô-ping, cả người và vật phăm phăm bước. Chưa tối đã về đến nơi tập kết. Trong gian lán toát ra một sự phòng thủ cao, bởi được thiết kế nằm gọn trong lòng núi của bưởng Nung “xù”, con ranh môi má rộp rạp chạy ra hạch hỏi:
   - Có “thịt” không?
   - Mày mù hay sao mà không nhìn thấy?
Lấp láp trong đống hàng trên yên ngựa, món “thịt” sống được gọi ẩn nghĩa đang phủi lớp bụi phủ dày, nom như chiếc bao tải. Con ranh lại hất hàm:
   - Còn “mì”?
   - Có đây, tiên sư mày! Đợi bố đi ỉa xong, sang lấy mà hít.
   - Nhưng mà đại ca cần ngay.
   - Lại mượn bóng mát đại ca…
Ma Trẩy túm gáy con ranh, kéo lại gần, gí cái bộ hôn xồm xoàm như mõm chó vào môi nó. Con ranh như bị một cú đấm thẳng, mắt tóe lửa, bỏ chạy.

***

Dân làng vàng đã vượt năm lần dân số xã sở tại.  Những chiếc chòi được dựng tựa vào vách đá hay khoét chìm trong lòng núi, vừa tránh gió đánh, tránh lũ quyét, nhưng phải có lối thoát, phòng cướp và công an bất ngờ tập kích... không còn được để ý bởi đã quá tải. Tràn ngập từ lòng khe đến chỏm núi, lán trại mọc như nấm rừng. Chin Mang giữa hạ mà gió rừng như gió bấc, cắt thon thót vào da thịt. Dân thổ công biết phải neo chòi vào lòng đất, vào gốc cây, và biết dự phòng cả những chiếc bao gai buộc sẵn tảng đá, đêm chui vào đỡ muỗi, đỡ lạnh, lại chống bay khi ngủ. Đám mới về, thậm chí ngay cả việc đại tiện, vừa xả xong, người chưa về thì vật đã trôi tới gầm bàn ăn. Ban ngày, cả tám bãi rung chuyển bởi tiếng mìn, máy hút, núi lở, cây đổ, tiếng cuốc vào ruột đất, kèm những vở chửi rủa tằn tĩu, đến nỗi tối về không thằng nào dám ăn thịt mỡ. Đồi cao dần dần thấp xuống, thung lũng từ từ đầy lên do đất đá, màu sít trôi bồi. Những nơi chưa xả tới thì tan hoang, bầm dập. Cây tươi cũng tranh nhau chặt làm củi, vì hết hùng hục thì chỉ có lửa mới xua đi cái rét tắc máu của vùng cao nguyên ít người biết đến. Đêm mà thức là ngột ngạt bởi ngũ vị mùi xông lên từ địa đạo, từ xác thực vật, mùi người, khói máy, thuốc mìn, mùi phân bắc đang ngày một ngồn ngộn trên các triền rừng; bị sương mù nén xuống, đặc quánh cả tầng khí thấp.
Trên vách lán Nung “xù”, ngọn đèn mỡ bị gió lè dài ra, liếm vào cục nhựa anh túc vê trên đầu que tiêm, toả hương đặc trưng của lán “lãnh chúa”, vừa xua muỗi, xua mùi sú uế ói lợm; vừa nhắn nhủ dân ăn hơi ở đây có hàng! Thiêu đốt điều gì mà đêm nghiêng về sáng, Nung “xù” không ngủ. Nhoài người kéo tấm chăn cáu ghét mồ hôi người, mồ hôi thuốc và cả chất thải của những cuộc ăn uống da thịt, dồn đống dưới cuối sạp, che cho hai con nhộng người đang tênh hênh nuôi đàn muỗi đói. Mặc, chúng cứ ngáy sau cơn thoả thê đàn ông, thuốc phiện và khoản tiền tích góp cho cuộc tính toán dài lâu làm lại cuộc đời. Trong bóng rừng đêm, một thằng đàn em chạy ra khúm núm:
   - Đại ca nhỡ giấc ạ!
   - Đứa nào vào huyệt thằng Sảo “bò”?
   - Dạ, thằng Phùng “khỉ” nằm trên ngọn cây ngót tháng nay không nghe được tin gì. Hay đại cai cứ cho kế sách để ta thăn nó?
Sảo “bò” là bưởng mới, đông đàn em, nhiều tiền và bặm trợn. Theo Chức “tha ma” thì hắn đến từ miền Trung, có tên đầy đủ là Bùi Đức Sảo. Cùng với em trai, vốn là trẻ không nơi nương tựa, từ nhỏ Sảo đã có thành tích vang dội cõi lang thang về năng lực làm ma cờ bạc, trộm cắp, cướp giật. Mười bốn tuổi đã chui vào chuồng bò, mổ trộm, tuồn thịt qua gióng ra ngoài đem bán, vì thế mới có tên mũ hai là Sảo “bò”. Sảo “bò” từng hành nghề dạy võ rong với cái danh “Sư phụ nhất Nam - Trung”. Có vóc người thấp đậm, cơ bắp, nhưng nhanh nhẹn, cộng thêm vốn kiến thức cả chục dòng võ học, nên lên lớp nhuyễn như cháo chảy, không ít người ngả mũ. Đôi mắt bé và lé, mỗi khi áng đòn tả, địch thủ nhầm Sảo nhằm đòn hữu. Hầu hết khi lĩnh ngập hai ngón tay vào hai tròng mắt, hoặc thủng yết hầu rồi mới kịp hiểu ra chuyện gì. Tích góp tiền dạy võ, tiền cưỡng đoạt khi dạy võ, tiền đâm chém đòi nợ  thuê; thậm chí buôn heroin và tổ chức cướp trên đèo Pha Đin. Cuối cùng, chuồn vào Chin Mang vừa xoá vết, vừa hòng nhân số tiền ấy lên, rồi về quê lập một công ty cho sạch bụi bặm.

***

Nguyễn Ninh Nung là độc đinh một gia đình khai hoang nghèo bấn. Buông đít trâu, kịp tốt nghiệp đại học chuyên ngành hiếm có ở tỉnh, nhưng không có một trăm triệu như một quan chức làm giá nên đành ở nhà lấy vợ, nằng nặc đòi ra riêng với của hồi môn là mảnh nương vài trăm gốc sắn, hai gian nhà tranh làm càng xa nhà bố mẹ càng tốt. Hạnh phúc nghèo lành chưa hưởng bao lâu thì vợ Nung mất tích. Có người đi chợ biên giới nói tận mắt thấy bị bán sang Tàu làm đĩ. Chả bước ngoặt nào nhanh bằng, mà thường là bước từ cao xuống thấp. Cái tri thức thất nghiệp dần dà khuất phục trước bản chất bòn nhặt tiểu thủ gia truyền. Người ta thường nói, sự trong sáng ấu trĩ bị hằn vết nào đầu tiên là vết nấy hiện hữu cả đời. Sự bo xó, nhỏ nhen và bảo thủ khiến Nung không vượt nổi nỗi đau lớn. Hắn bắt đầu xù cả những khoản nợ gái gú, cờ bạc, rượu chè rồi thuốc phiện. Cái ngu bạc ăn mòn trí tuệ, đến nhân cách và cuối cùng đe doạ mạng sống. Đồng tiền trước trói sự nghiệp, giờ như chiếc tròng thắt vào cổ mỗi khi thiếu thuốc. Hắn đến Chin Mang chỉ mong thể hiện cái tài quản lý nhân sự, cùng lắm là chân hoạch định tài chính nào đó, miễn đủ ngày hai bữa ăn, một bữa hút. Thật may, sống giữa đám cơ bắp to hơn trí não, chỉ vài đường loằng ngoằng sổ sách, ông bố nuôi phải nhảy núi mà chết vì xót bạc và vì hận tin nhầm con quỷ. Thằng con “ong tay áo” vẫn còn chút con người. Hắn mua cả tạ chè móc câu, ướp ông bố ân nhân vào cỗ quan tài gỗ quý, gửi về quê cho bà mẹ chưa biết mặt, chưa biết tên, nhưng biết tiền của bà. Của nả yểm được giúp hắn trở thành ông chủ của một đoàn vận tải gia súc, càng ngày càng bành trướng. Chẳng cần mua bán. Ở cái tổ quỷ này, ngoài những con ngựa nghiện ra không gì mang hàng vào nổi. Giá cước vận chuyển, dù bằng hình thức thanh toán nào vẫn kiếm cho hắn bạc triệu mỗi chuyến. Một tháng mười lăm chuyến, gần hai chục cỗ động cơ sinh học giúp hắn mặc sức chặt chém thiên hạ của hắn trong sự hàm ơn. Tuy nhiên cơ hội làm tiền ấy chỉ là của riêng Nung “xù” và Ma Trẩy. Một là chúa của tân toan, mưu lược và gian giảo. Một là thần thổ công thông thạo địa hình, cao cường võ nghệ; xứng là chắt của một tướng lĩnh người Tàu, thất sủng thời Thái bình thiên quốc chạy dạt sang. Hai cái nhất hợp lại thành cái nhất thứ ba, là… nhất quyết không tha bất kỳ kẻ nào có ý định đưa cái nhìn xin ăn vào bát cơm của chúng. Cặp thương súc Nung - Trẩy tồn tại như một huyền thoại, một nỗi kinh hoàng của cả những băng cướp lợi dụng vào địa hình hiểm trở của con đường núi treo vào mây bay, ẩn khuất hàng trăm cái bẫy. Vài bữa lại có một người thập phương đến Chin Mang tìm nhân thân. Nhìn con đường gập ghềnh đá lẫn mất vào mây, là phải đến van lơn, cầu cạnh Nung, Trẩy làm ơn. Khốn nỗi ở đây chỉ có tiền là thông cảm nhất và ơn huệ nhất. Cứ chi thật nhiều, sẽ có thật nhiều tiếng nói chung. Mà kiếm người giữa chục ngàn người sống, từ nông dân chê ruộng rẻ, đến tù tội vượt trại, con nghiện, dân buôn bán cả hàng hoá lẫn da thịt… đã khó, rủi phải tìm người ở cõi âm thì chỉ nước trắng tay mà về. Chin Mang có bảy nghĩa địa, chi chít những nấm, những đụm. Mỗi năm có tới 14 - 15 vụ tử nạn được vùi vội vùi vàng, không tên tuổi, không quê quán do sập hầm, chết mìn, ngạt khói máy, chích quá liều, ết, đánh nhau… . Ấy còn chưa kể đến số mất tích, mất xác do thú đào mả lôi đi và do có sự ra tay ém nhẹm vào khe hốc nào đó, đến khi diều quạ tha xương mới biết lại có thêm một nấm mồ hoang. Vì tiền, Nung có thể kinh doanh tất cả những gì hiện hữu trên đời, kể cả hắn. Một quả tự đấm vào mặt nếu kẻ nào trả công(?)
Không còn đơn thuần là đoàn vận tải sìke. Giờ Nung đã là bưởng với ngót trăm cu ly, mà thực chất toàn là các bộ hạ thân tín. Cũng như những bưởng khác, quản lý đàn em bằng tiền, thuốc phiện và gái điếm; cai trị lao phu bằng cấm vận, bằng những quả đấm thép được bảo trợ nhờ một loại pháp trị, đó là luật rừng. Bất kỳ kẻ nào muốn ốm và ăn nhiều hơn làm, hoặc bỏ trốn, hoặc ăn cắp; đặc biệt là gián điệp thâm nhập từ ngoài vào hay có ý tưởng buôn bán từ trong ra những mánh lới hay hướng đi của hầm vàng... kẻ đó lập tức hưởng trọn nhát cuốc vào gáy. Những thằng đồ tể chuyên thi hành án, ít được thưởng vài ngày thuốc, nhiều là vàng, là một đêm làm bưởng giả, mơ giấc mơ chung với “vợ” của bưởng thật(!) Vì thế mà như một guồng máy cơ học, dân vàng ăn bóng bưởng thì phải nhân năm cộng bảy chút sức lực vay mượn lên để tận tâm hầu hạ, bòn nhặt cho chủ; và học cách tự nhận ra lúc nào cần giam mình dưới lòng địa đạo sâu hàng trăm mét, ăn ngang ngót hai trăm mét, rồi có hay không tạo ra một cuộc sập hầm hợp lý. Tất nhiên đàn em chính là cuộc sống của bưởng. Nung “xù” hơn đời ở chỗ biết dụng đàn em như dụng võ. Thằng Đương ăn nhờ khí thải hắn hàng năm, nhiều lần đàn em muốn thanh toán nhưng Nung quả quyết Đương không phải dòng ăn hại. Cuối cùng, từ một thông tin của hắn, Nung mua thành công hầm vàng đang thì nở rộ nhất bãi của bưởng Phàn, khi tên này vỡ nợ với lãi xuất kỷ lục là một ăn đôi, từ ngân hàng Sảo “bò”. Sau khi nhọc công sang Tàu thuê thầy địa lý xem mạch, Sảo vốn lập trình sẵn con đường phá sản này cho Phàn và ngồi chờ. Nhưng rồi Nung “xù” mới là kẻ chỉ mất hai tiếng đã chạm tới vỉa hàng tạ vàng ăn từ trên xuống. Đêm đó, Nung tự thưởng cho mình và thằng Đương một chầu bạc thua hết hơn ký, rồi vui vẻ vùi đời vào bẹn bọn cave vừa đầu tư cho đi chữa lậu về, ngon phởn mắt.
Từ bữa đó, Nung “xù” đi tới đâu cũng kè kè hàng tá cận vệ, mà tự thân mỗi thằng rặn ra một kiểu hằm hè, hăm dọa. Hôm xưa, nghe bọn đàn em về báo, thằng Sảo “bò” không chịu an phận mà còn thọc lưỡi vào các cửa làm tiền của Nung; nhất là mánh bảo kê, trước giờ độc hắn có quyền coi sóc và thu lượm tất cả những cái có thể hình thành nên một xã hội thu nhỏ của những kẻ bất cần đời. Cái họa này ắt tại thằng Đương không hoàn thành nhiệm vụ. Một cuộc thanh trừng diễn ra giữa rừng xanh. Thằng Đương máu me bê bết cố né những nhát xẻng phóng trượt người, găm vào đá xanh lét lửa. Thằng này chắc chết nếu lúc đó không có một đàn em Sảo “bò” bịt mặt phi thân ra, quắp vào nách tha đi không ai theo kịp.
   
***

Vẫn như mọi khi, mặt trời ngả về tây là lúc từng dòng sương thong dong chảy hút lên trời xanh, để lộ dãy Pu Si Lung đen thẫm. Cả chục ngàn người tìm vàng bỗng dưng náo loạn. Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng chửi trời, chửi đời tru tréo:
   - Hầm thằng Sảo chỉ vài xẻng mà vào ba bốn chỉ. Ông trời ỉa vào xoong rồi...
    Hang Nung “xù” cũng sôi lên như ong chia tổ. Chức “tha ma” hoa tay:
   - Chấp thằng Sảo mười bao chọi một. Thằng này vươn qua hai cây, thằng kia mất hầm.
Sảo “bò” là kẻ không dễ bị kích động. Đương hàng binh lập tức được điệu vào xới. Thằng này quỳ mọp dưới chân ơn cứu mạng, tuyệt không dám láo nửa lời.
   - Một bao đất ra hai cây là chắc. Em ở em biết. Chỉ có điều sao nay thằng Nung không giấu như mèo giấu cứt nữa.
Vài hôm sau, cái sự lạ đến thật. Nung “xù” rao bán hầm. Tin này được Đương xác nhận. Từ cái dạo gián tiếp giết chết bố nuôi, Nung bị quả báo nên không ăn ngủ được. Việc làm tiền cũng theo thế thủng nhiều. Nung nợ ngót trăm cây, cộng cả tiền mua con Bích Trân và tiền bồi thường lỡ tay làm chết thằng cận vệ của bưởng Hạm. Riêng chỗ Sơn “thuồng luồng” hơn hai trăm cây tiền chạy điều tra vụ sáu bánh, bị bắt quả tang năm ngoái; nhưng thực tế là Nung bị bẫy chạy án sáu bánh bột sắn. Hiện cả hai thằng ra điều kiện, nội tuần trăng Nung không trả tiền thì phải trả mạng. Như chỉ đợi có thế, Sảo gọi bưởng Chiếng vật vã bấy nay đi tìm hầm mới sang làm giá bán hầm bảy mươi cây; rồi bù hai trăm ba mươi cây nữa chồng cho Nung “xù”. Ngay lập tức, Nung sang lấy lại hầm của Chiếng với giá chẵn trăm cây. Nội buổi chiều hôm đó, cả hai thằng ngã ngửa ra vì những cú lừa ngoạn mục, giống hệt nhau bởi cùng học một gã thầy mù chuyên nghĩ mẹo vặt, bán lấy tiền, sống ở bên kia núi. Đó là đổ vàng xuống đất rồi đãi để ra giá bán theo giá trị thu hoạch. Nhưng Sảo là thằng chết điếng với hai trăm ba mươi cây rơi ra khỏi túi, còn Nung trừ trăm cây mua hầm thằng Chiếng vẫn lãi dài. Trong cơn nấu máu, Sảo sùng sục dẫn quân sang bãi bảy. Như có hẹn, trước mắt Sảo là một rừng gậy gộc, cuốc xẻng và lời buộc tội tím bầm của Nung “xù”:
   - Nó lừa đảo rồi còn muốn giết người đấy, xông lên anh em!
Là kẻ sống bằng đánh đấm, Sảo thét lên rồi lao về phía Nung “xù” như đi vào chỗ không người. Thoáng cái đã có tới chục tên nằm vật lộn dưới đất. Khi còn chưa tới được chỗ Nung thì Sảo đã bị một cú đánh lén nhanh như sét vào gáy. Trước khi ngất, hắn kịp nhìn ra bộ mặt đểu cáng và cực kỳ hèn hạ của thằng Đương gián điệp, đang toe toét lập công. Ngay lúc đó, cả những kẻ đã bị Nung đuổi đi, những kẻ vốn là tôi đòi của Sảo cũng chọn kế phù thịnh, lần lượt đến sắp hàng sau lưng Nung “xù”. Luật rừng là thế, đã thua là thua trên mọi mặt trận. Chỉ một bộ quần áo che người, Sảo “bò” dìu em trai đi, máu vẫn đang ròng từ hai tròng mắt xuống ướt đẫm ngực áo em hắn.

***

Đã hàng năm, sự tán tụng của bọn vận tải ngựa về những vụ thắng lớn trong Chin Mang không lòe thêm được ai nữa. Cơn sốt vàng trước đây khiến người ta ùn ùn kéo đến thì bây giờ đã đến lúc ùn ùn kéo nhau đi vì sự kiệt quệ của cả thiên nhiên lẫn con người. Lác đác trên các bãi, dăm bảy hầm còn phập phù đào bới, hầu hết là của đám người đã bị vàng làm cho tâm thần dở. Họ điên cuồng như để đòi nợ tất cả những gì mà Chin Mang gây ra cho họ. Nung “xù” cũng không ngoài số đó. Vẫn là ông chủ nhưng là chủ một động đĩ và thuốc phiện, lén lút kiếm ăn trong Hang Vắt, cheo veo lưng chừng vách núi Ấm.
Vào buổi sáng mù sương, một người đàn ông phong trần từ Bình La vào, trình diện trước ban quản lý bãi vàng đã được một công ty Nhà nước độc quyền quản lý và khai thác. Thì ra anh ta là chủ vàng đang trúng lớn trên bãi Nậm Cô,  đến Chin Mang tìm người nhà. Không cần ai chỉ, anh ta rảo bước về hướng thung lũng chín bộ xương hoang, nơi có Hang Vắt mà bọn Nung đang ẩn náu. Tên lính gác hang thấy có bóng người ngày một rõ trong lớp sương mù, la toáng lên:
   - Công an!
Một thằng có vẻ tinh mắt hơn, khoan lại:
   - Không phải công an, hình như là Sảo “bò”.
   - Hỏi xem có phải nó đến nộp vàng, xin ta cho được quay lại Chin Mang?
    Nung “xù” vừa dứt lời thì Sảo đã lọt vào trong hang, bỏ lại mấy thằng lính canh đang chơi vơi ngoài bờ vực.
   - Tao đến không phải nộp mà là đòi vàng và đòi mày trả cho em tao đôi mắt.
   - Đại ca ơi, cái thằng bò ngựa này chưa được chết cách đây ba năm, giờ nó đến xin cho chết lại đấy.
   - Bịch, bịch, hự…
Câu trả lời của Sảo làm lũ đàn em Nung “xù” nằm cả xuống nền hang. Vẫn như ba năm trước. Nung chưa kịp mở lời thì quả đấm của Sảo đã chèn vào họng. Mạng Nung, tiện lúc nào Sảo lấy lúc đó, mục đích quay về là vì hai trăm ba mươi cây vàng. Nhưng giờ Nung đã khánh kiệt. Một giấy quy ước theo luật giang hồ được hai bên ký kết. Đúng giờ, bãi tha ma bảy đón đầy đủ, bên này là mười một cư dân Hang Vắt, bên kia Sảo “bò” vẫn hiên ngang lạ lùng khi dấn bước một mình vào cuộc thách đấu. Tờ cam kết đã ghi rõ mọi sự tự nguyện, không nhờ pháp luật can thiệp. Đợi cho Nung “xù” nạp no thuốc, gân cốt trở lại như xưa hai tên bắt đầu lao vào nhau. Không lấy gì làm miếng mẹo nhưng do vóc dáng lực lưỡng, cộng thêm sự dư thừa lao động, quả tình những ưng chảo, hổ chảo của Thiếu lâm phái mà Sảo choảng vào Nung như vào bị thóc. Hơn một tiếng đồng hồ, hai vị anh hùng thảo khấu như hai con gà chọi đấu quá hồ, tựa cần vào nhau thở hồng hộc. Đây là thời khắc của những tên có võ, bằng chút sức tàn, Sảo gài chân chó, túm ngực Nung, giải đòn khèo để Nung hơi ngửa người ra sau hóa giải; bất ngờ hắn dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể nện gót xuống mu chân Nung “xù”, rồi theo đà đẩy Nung ngửa ra sau. Vốn sẵn cơn thở dốc, lại bị trật cổ chân do miếng đánh hiểm, Nung nằm liệt luôn không dậy nữa.
Đúng theo cam kết thì Sảo phải lấy mạng Nung, nhưng cái mà chỉ những võ sĩ đạo mới có ở con người Sảo đã giúp Nung đổi đôi tay lấy sự sống. Một khúc gỗ to được vần đến, lúc này hàng trăm tên đàn em Sảo như từ dưới mả chui lên, công kênh trên vai tên Sàng, em trai Sảo, mà cách ba năm đã bị Nung chọc mù hai mắt. Trước giờ xử, bọn đàn em và gái điếm nhanh chóng bỏ lại tên thủ lĩnh cạn vận, duy chỉ có Bích Trân lăn lộn van xin Sảo ân huệ cho Nung một liều thuốc phiện để giảm đau. Hai chiếc đòn được bốn thằng đàn em to khỏe đè chặt hai cánh tay Nung xuống khúc gỗ. Bằng con dao tông cùn, Sàng “mù” như con thú khát máu, vung lên chém liên hồi trong sự gào thét cứ đuối dần cho đến khi tắt phụt của Nung “xù”; mà hai cánh tay nát bấy vẫn chưa chịu lìa ra...

***

Ba gian nhà lim ông đội Xá để chờ thằng con độc, cuối cùng nó đã trở về trong dọc ngang chiến tích. Vốn liếng ngót hai chục năm sống bằng ảo giác, hắn ấn cả vào tay ả cave cứng đầu, chết cũng chỉ bán thân cho một mình hắn, kèm lời khuyên duy nhất trong đời, tỏ đúng là con người:
   - Nghe nói trong thành phố Hồ Chí Minh có dịch vụ thay máu. Em còn trẻ, cai xong đừng về đây nữa.
Bích Trân ra đi để lại cho Nung can rượu chống dòi bò mỗi khi vật thuốc và vết thương tái phát. Ngôi nhà gỗ lim, ngoài sự lạnh mốc ra vẫn còn nguyên vẹn. Cả bộ đồ thờ mà dịp ông đội Xá lĩu kĩu bán trâu đưa con về Hà Nội thi đại học, mua và coi như điểm nhấn cho sự thay đổi các thế hệ tương lai... cũng còn đó, kèm một tuần nhang chưa thắp. Mảnh vườn rộng thênh thang vốn là của nông trường giải thể, cấp cho người có công, trong thời gian chờ được trông nom, cội cành xơ xác. Nung “xù” đã không thể lê nổi đến bên can rượu, mà giả có, chắc cũng không nốc thay cơm như mươi bữa nay được nữa. Thuốc là một nửa sự sống, đã bị mất thì ắt một nửa cái thân tàn, khó mà đấu tranh.
Trong cơn thoi thóp, Nung nghe lào phào tiếng bố mẹ gọi như thể đã đi quá xa, không còn theo kịp. Và nghe thấy cả tiếng thằng Sảo nói vọng qua song sắt về cái việc Nung không kiện nhưng nó vẫn tự thú, để được vào trại học cách làm người. Cái thằng đến lạ, nửa đời người là kẻ thù không đội trời chung, sao giờ nhớ nó ghê ghớm. Kiếp phận này có lẽ ngoài nó ra chẳng ai hiểu cái thú và cái giá của những thằng cùn đời như mình. Một kiếp buồn thật đấy nhưng cũng không lấy gì làm hèn thẹn. Bất chợt Nung “xù” nghĩ đến Bích Trân, giá cô ấy đi thay máu mới, rồi bay đến một phương trời lạ, với năm mươi cây vàng còn lại Nung đưa, đủ sống thoải mái nốt phần cuối đời với một thằng đàn ông ăn hại nào đó, nhưng hiền lành và coi cô ấy đúng nghĩa là vợ. Nhưng sao lại ôm năm chục cây vàng quay vào Chin Mang, chỗ lão phù thủy mù sống sau núi Ấm?
Không ngăn nổi hai hàng lệ kéo dài xuống cổ, Nung nhâm nhi cảm giác hai cẳng tay cụt gắp bảy cái vía như bảy cục đá sít của mình, ném vào cõi hoang vu. Chực để cho hai mắt từ từ đóng lại thì nghe vang lên cái giọng quen thuộc mà trước đây Nung chưa bao giờ coi là vợ.
   - Em cai rồi.
   - Sao không đi thật xa?
   - Đã đĩ điếm què cụt cùng anh, giờ có làm ma cũng làm ma cùng anh. Đây là cây thuốc ngủ, đây là cây thuốc đói, đây là cây thuốc tăng cường trí lực; còn chỗ này để tắm chống viêm nhiễm, chống buồn xương. Tất cả là của ông phù thủy đấy, em biết ông chữa nghiện từ khi còn trong Hang Vắt, nhưng chưa khuyên được anh từ giã cõi cùn đời…


Chin Sáng 18.7.2006

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét