2 tháng 2, 2013

SƠN NỮ



       Sơn nữ dán vào chiều một quầng trắng nõn. Chiếc quai xạ khắc lên đôi vai tròn lẳn một vệt son roi rói. Tóc xõa. Váy giắt lên trên hai gốc vú trắng ngần, kéo chiếc gấu ngắn lại đến non đùi, ngần ngận trắng. Tất cả vừa nhúng nước. Những hạt nước đọng li ti trên đôi má hồng tơ. Đọng cả trên đôi mi bồ câu rừng, đen lay láy. Sơn nữ nở một nụ cười, cả vạt rừng sáng bừng lên sau lưng hoàng hôn. Lữ khách chết sững như bị thiên lôi trồng. Mọi linh hoạt dần ngưng động.
       Sơn nữ ơi!
       Chưa bao giờ sơn nữ như thế. Thậm chí, khi thêu đến chiếc khăn piêu thứ 18 - cái ngưỡng bất dịch của sự xuất giá - sơn nữ thấy như bị kẹp cổ, hụt hẫng, tiếc nuối và sợ. Nhưng, từ hôm gặp chú, sơn nữ bỗng mặc cả với lương tâm là phải trao đi sự trong trắng và quí giá của mình.
       Hoàng hôn tráng một lớp bạc mỏng xuống nền rừng. Con suối Pom Bẹ như được dát niken lóng lánh. Bên khúc suối kia, sau mấy bụi lách um tùm, chú đang dõi mắt về vùng chạy ngập sông Đà - nơi sắp sửa có một qui hoạch chỉnh thể sầm uất và lộng lẫy. Ở đó, máu của bố, của các bác, các chú trong hợp tác xã đã đổ. Một cuộc nội chiến mà bố là người thất bại. Dư âm của những thất bại đó, mẹ con sơn nữ chằng mang tới tận bây giờ.
       Cũng vị trí ấy, hàng chục người là những công an, thanh tra, luật sư… đã ngồi như thế, nhìn như thế, và có lẽ cũng nghĩ như thế. Chú là nhà báo đầu tiên. Liệu chú có nhìn khác họ? Nghĩ khác họ? Và rồi, cuộc sống của bố sẽ khác đi theo chú? Không biết nữa. Chỉ thấy cách lắng nghe của chú thật lạ. Chú không mớm cung bố. Chú không gợi ý để bố gẫy đoạn quan điểm. Chú nâng niu sự thật. Chú chịu đựng mọi phũ phàng, khốc liệt và cả nước mắt. Nhìn bề ngoài, chú mong manh như con gái. Đôi mắt buồn xào xạc, càng làm tăng vẻ nhẹ nhàng, ý nhị. Chú thích đi bộ quanh Pom Bẹ, Pom Mường, dù lần nào về cũng phải bảo dưỡng đôi bàn chân non mọng. Sơn nữ thường đun sẵn lá ngâm. Chú chẳng nhìn sơn nữ bao giờ. Không hí hoáy ghi chép, thì cũng chuyển những tấm ảnh chụp được vào một thẻ nhớ khác, còn cái thẻ trong máy chỉ toàn phong cảnh, nhà sàn, cầu thang… Sơn nữ thích nhất là ảnh mình ngồi thêu những nét hoa văn cuối cùng trên chiếc khăn thứ 18. Sơn nữ hỏi, chú bảo chẳng nghệ thuật đâu, chỉ làm kỉ niệm. Chú đã bao giờ chụp con gái tắm tiên? Thích, nhưng chưa. Chú ngại? Sao mặt chú đỏ thế? Sao chú không nói gì? Sao thế chú…? Ừ, chú sợ phải nhìn thấy. Nhìn thấy có lấy được đâu mà chú sợ? Chiều nào chẳng có hàng trăm con mắt nhìn như muốn moi mọi thứ ra. Kệ! Chiều mai chú nhé… Chú nhớ nhé.
            Sơn nữ bước vào buồng riêng. Đằng sau, mùi hoa lạ thoang thoảng lan đầy căn nhà chái tròn. Hoa gì mà lạ thế nhỉ. Chẳng biết. Thôi thì cứ gọi là hoa rừng. Hoa dại.
            Đêm. Hương đất phả lên sàn một mùi mật chín. Mùi của lứa tuổi mười tám, đôi mươi đương thì rấm ủ. Tiếng sáo, tiếng nhị gần dần. Cuối cùng là tiếng chọc sàn khồng khộc. Tiếng khồng khộc mỏi. Thì tiếng gọi vào đêm khào khào. Sơn nữ không cựa mình. Tiếng khào khào trèo như một con ma dây lên thang. Cánh cửa vặn mình lách nhách. Chập đêm, mẹ sơn nữ đã cất đi cái then cuối cùng, chẳng hiểu ma xó lại lấy đâu ra một cái then khác, chốt chặn chắc chắn. Mẹ sơn nữ giục chồng dậy hút thuốc lào. Rồi đi giải. Rồi quên chốt cửa. Tiếng khào khào nút miệng, lẻn vào. Giường của chú nhà báo rung rinh. Sơn nữ cuộn chăn làm ranh giới. Căn nhà chỉ còn tiếng lục sục tìm kiếm. Thỉnh thoảng, chó nhà sủa vu vơ vào đêm, nghe khồm khồm như tiếng con hổ thọt vừa bị bọn săn trộm bắn mất vợ. Bên gian chính, hai tiếng thở dài một âm, một dương đan chéo vào nhau như cánh cung và mũi tên già cỗi.

***

            Dưới gốc ban rừng, hoa trắng trải một lớp xốp dày. Sơn nữ say sưa hát. Điệu dân ca Thái như cuốn hồn vào nhau:
    - “Em bỏ anh, hãy để con trâu đực mường anh hoá thành tổ mối/ Để con chim nộc khuộc mường em biết soi gương/ Khi nào con chim nộc phi mường anh biết ru con/ Con chồn nhỏ mường anh biết cõng con, đào hố/ Thì hãy bỏ, anh yêu”.
   - “Anh mà bỏ em, hãy để quả bưởi mường anh biết huýt sáo/ Khi nào quả quýt mường em biết nói/ Khi nào con ngoạng (ve sầu) trên ngọn cây biết thổi kèn môi và biết vẫy tay/ Thì hãy bỏ, người yêu ơi!”.      
            Chiếc máy ghi âm nhấp nhổm, khục khoặc giữa rừng chiều. Sơn nữ như tan vào hoa và đá: 
   - “Hãy trồng gừng biến thành nứa/ Đuôi chồn thành đuôi rồng/ Mâm cơm thành tổ mối/ Chào mào biết chải tóc/ Khướu biết thổi lửa nấu ăn/ Cá xàm biết hái hoa/ Cá pộc biết đớp sao/ Chim cút biết hâm canh/ Bọ xít biết đan sọt, gánh/ Chim sáo biết mài dao, thái rau/ Con ruồi biết bổ củi/ Cá háo biết chào khách mường xa/ Cái chõ xôi biết ngồi dậy, đòi ăn cá xẹt/ Ngồi dậy, đòi phơi nắng nửa đêm/ Ngồi dậy, đòi bắc thang hái trăng/ Được như thế ta hãy quên nhau”.
   - “Em bỏ anh, chẳng thà bỏ cá/ Nàng bỏ chàng, chẳng thà bỏ cơm/ Bỏ mất anh yêu, chẳng thà bỏ nhà”…

***
            Nước con suối Nậm Bẹ như một tấm gương nghịch phản, lồ lộ dưới ánh chiều màu kì ảo giai nhân. Ống kính nhòe hình nước mắt.
       Dưới ánh đèn dầu khô đục, sơn nữ nghiêng cái đầu thơm mùi sả núi: Chú vắt nước những tấm ảnh này chưa? Chưa. Sao thế? Chú sao thế? Chú…?
       Một đêm dài dằng dặc tiếng khồng khộc, khào khào, lách nhách, lục sục. Tiếng vạch ranh giới. Tiếng thở dài như một cánh cung giương mỏi… Tiếng bình minh tiêng tiếc. Tiếng chân trần bươn bả về hướng núi… Tiếng chiều hong hóng chờ. Tiếng quai xạ khắc vào vai tròn. Tiếng nước đọng trong veo trên má… Còn tiếng gì nữa nhỉ? À, tiếng tim thắc thỏm, thắc thỏm vượt đèo, đến đỉnh hai trăm nhịp đập trên phút.
       Hai mươi tư tiếng nữa trôi qua như một hòn đạn. Sơn nữ đang sát gần. Tiếng thủ thỉ trong tim nghe rõ quá: Chú ơi, chú! Gì, sơn nữ? Chú có muốn được cháu không? Sơn nữ ơi, đừng! Chú sợ? Chú thương hại? Hay là chú chê? Không! Không thì sao lại thế? Đâu có. Đâu có, nghĩa là gì? Chú đang có đấy thôi. Có gì cơ, sơn nữ? Có không thích! Ôi, sơn nữ ơi, ngộ thế...
       Sơn nữ như một điệp báo, vai đeo xạ, tay cầm dao băng qua núi Sơn Dương Ngã Chết sang bên kia - nơi có cái hang Sơn Nữ. Trên tay, cuộn băng ghi âm và cái thẻ chứa những file ảnh tư liệu nặng như đá tảng. Chú nhà báo bị còng tay giải về trụ sở xã. Bốn mươi tám tiếng trôi đi như hạt đào ì ạch nảy mầm, thin thít, thin thít. Chú nhà báo đột ngột xuất hiện dưới chân thang. Sơn nữ ào vào vòng tay mềm nhũn. Trên môi chú, nụ cười giấu chút ít gầy mòn. Sao họ lại bắt chú? Bởi họ nghi chú là gián điệp. Sao lại là gián điệp? Vì chú lật lại tất cả những gì họ đã muốn quên đi, hơn thế là họ đã kết luận. Cháu không hiểu? Tức là bố sơn nữ thua rồi, họ thắng, chẳng còn gì để bàn. Nhưng sao lại phải bắt chú vì chuyện ấy? Vì chú muốn bố sơn nữ thắng. Sơn nữ cúi đầu: Thì đằng nào mà bố sơn nữ chẳng thắng. Không hiểu. Thắng trên danh dự và sự tôn trọng, và như thế thì cần gì nhiều giúp đỡ, cần gì tốn kém tới hơn trăm triệu để đi kêu oan, mà có phải oan mình mình đâu, kêu cho hàng trăm hộ dân nghèo đói?
       Sơn nữ òa khóc, rồi vùng chạy. Cả trời chiều băng băng theo sau, khuất dần, khuất dần vào quầng mực tàu xa thẳm.

***
       Trong cuộc đời mình, có một lần sơn nữ trốn lên hang núi Sơn Dương Ngã Chết. Lúc mọi người tìm thấy, sơn nữ đã cong queo như một cái lá phơi ba nắng. Khi ấy, sơn nữ biết bố vác đơn đi kiện ông chủ nhiệm hợp tác xã, là em trai mình. Sơn nữ không can dự vào việc anh em bố. Chú hai lợi dụng quyền hạn tham ô hàng ngàn tấn thóc, mấy chục hécta ruộng của hợp tác xã để bán cho dự án qui hoạch thị trấn huyện… rồi còn cả xe máy, lò ngói, lò gạch và gỗ rừng… thì bố - một công dân chân chính - kiện chú ra tòa là phải. Ở trong phim Tàu vẫn có câu “vì nghĩa diệt thân” mà. Chú hai một tay che trời, sơn nữ không can dự. Chú hai thuê người đánh bố, sơn nữ không can dự. Chú hai lợi dụng chúc vụ cướp đoạn tài sản của bố, sơn nữ cũng không can dự… Nhưng chú hai hiếp mẹ sơn nữ thì, sơn nữ muốn tự tử!
       Đêm ấy, sơn nữ lặng lẽ lên lầu chủ nhiệm. Thím hai ra ngoài sàn đón. Chú hai mổ thú bốn chân thết đãi. Sơn nữ xin uống riêng với chú hai chín chén rượu sơ. Uống xong, sơn nữ quì xuống xin chú tha cho bố. Chú cười, bảo: Sơn nữ gọi chú một tiếng cha, chú sẽ buông tha thằng anh ngu ngốc, cho đến ba trăm triệu để mà làm vua xứ mù, nhưng không thèm, thì chú biết làm thế nào. Sơn nữ hộc lên trong tim. Sơn nữ xin uống thêm chín chén nữa. Chú hai vẫn khăng khăng: Một tiếng cha thôi mà khó khăn thế ư? Sơn nữ xin uống chín chén nữa. Chú hai bảo, mày ngu như thằng bố mày. Sơn nữ dốc chín chén rượu nóng như luộc vào họng. Chú hai gật đầu: Thôi được. Chỉ cần ở đây ba ngày, tao sẽ tha cho nó. Sơn nữ giắt váy lên gốc vú, lội xuống suối Nậm Mường hái những ngọn phắc cút non mập. Sơn nữ lại leo lên vách đá Sơn Dương Ngã Chết ngắt những búp rau sắng béo nhẫy. Bữa tối hôm đó, sơn nữ nêm vào nồi canh một nắm lá ngón to như cái chày cối nước. Sau chén rượu thứ chín, chú hai múc một bát canh to, ngửa cổ lên trời mà đổ. Sơn nữ ào đến hất bát canh xuống sàn. Bốp! Con khốn nạn! Mày điên rồi hay sao mà dám đổ vỡ ngay trên mồm tao? Sơn nữ bê nồi canh lao xuống chuồng lợn. Con lợn đực ộc lên một tiếng rồi tắt thở khi vẫn còn cắm cái mõm nhọn hoắt xuống đáy nồi. Chú hai tròn mắt kinh ngạc. Sơn nữ gạt nước mắt vùng chạy. Chú hai gào theo: Con ơi…! Con…! Tha lỗi cho bố!
       Người ta khiêng cái xác sơn nữ về. Ông lang vườn vừa ngơi tay đổ một muôi sái phiện vào miệng, sơn nữ đã bật dậy, khóc. Sơn nữ đòi trở lại cái hang, mà sơn nữ hỏi gì nó cũng đáp, gọi gì nó cũng thưa, cũng tâm tình thủ thỉ. Chú nhà báo hỏi, khi ấy sơn nữ có hiểu cái hang nói gì không? Sơn nữ trả lời là có. Cái hang bảo, sơn nữ chết hai người thờ, sơn nữ sống thờ hai người. Thế giờ sơn nữ có hay lên nói chuyện với hang không? Có chứ. Sơn nữ nói gì? Sơn nữ hỏi có nên yêu một người có vợ? Nó có nói gì không? Nhiều lắm. Nó nói những gì? Không hiểu. Thế là tiếng lòng sơn nữ và tiếng hang đã tách xa nhau? Đúng rồi, vì sơn nữ nghe được một câu duy nhất của hang. Là gì? Là: đã có kẻ thứ ba…!

***

       Chú nhà báo chộn rộn cuộc chia li. Sơn nữ ngân ngấn nhìn về nơi có dòng nước nghịch phản. Sơn nữ đã cởi mở hết mình với nước và ống kính. Cuối cùng, những file ảnh bị xóa đi vì sợ nước ngập lây sang bộ ảnh điều tra. Sơn nữ đã không thể hồi hộp đợi ngày nắng lại, để cho những tấm ảnh tắm tiên được khô ráo. Con đường tắt dẫn lên hang Sơn Nữ cao ngùn ngụt. Chú nhà báo phải đeo vào tay sơn nữ mới leo lên được vách núi Sơn Dương Ngã Chết. Quả không ngoa khi người ta truyền miệng câu chuyện, có một con sơn dương giỏi leo trèo nhất trong bầy sơn dương ở Núi Gió. Một chiều sương mù giăng ảm đạm, nó nước mắt lưng tròng, gào khẩn thiết bạn tình, mà nghe nói, vừa bị đám thợ săn bẫy mất. Dân bản Pom Bẹ nghe tiếng gào khản húc vào vách núi rầm rầm cả tuần trời. Có lúc, tiếng gào khản theo hơi phường săn về tận đầu bản. Đám ăn rừng mừng như hổ mù với được lợn chết, bèn hè nhau săn đuổi chú sơn dương chung tình tội nghiệp kia. Sau nhiều lần vòng vo, con sơn dương buộc phải quay đầu về Núi Gió. Bức vách đá cao chấm mây xanh chặn đám thợ săn lại. Dù thế, tiếng khóc thảm cũng chỉ húc vào vách đá một ngày một đêm nữa. Sau đấy vài hôm, người đi ăn ong nhìn thấy xác con sơn dương nát bấy dưới chân vách núi. Từ đó, người ta gọi Núi Gió là núi Sơn Dương Ngã Chết.
       Sơn nữ dắt chú nhà báo luồn sâu vào đáy hang. Trong bụng vầng sáng lờ nhờ, sơn nữ lật phiến đá bịt miệng một hốc nhỏ cheo leo bên thành hang, lấy cuộn băng ghi âm và cái thẻ ảnh tang vật trao cho chú nhà báo. Sơn nữ chớp hai con mắt đen như đêm lòng đất: Chia tay rồi mà chú vẫn không muốn được sơn nữ? Đừng mà! Chú không muốn thật? Là sơn nữ xấu xí? Sơn nữ quê mùa? Hay chú nghi sơn nữ bị chọc sàn thủng rồi? Không đâu… . Vậy thì là sao? Vì chú không thể. Vẫn chỉ là một câu trả lời. Thế thì sơn nữ để chú bảo cái hang giải thích cho nhé? Không. Vì sao? Vì giờ đã hết hiểu tiếng nhau, nhưng có thật chú không muốn biết tại sao sơn nữ muốn tặng chú? Chú có muốn biết, là gì? Là sơn nữ muốn chú cho ông ấy vào tù. Thế còn bây giờ, khi mà sơn nữ đã tha thứ cho ông ấy rồi, sao sơn nữ vẫn muốn tặng chú? Vì sơn nữ phải xin chú tha cho ông ấy! Vậy thì sơn nữ chỉ cần ném các bằng chứng này xuống chỗ con sơn dương chết là xong? Sơn nữ không muốn chú bỏ qua chuyện này bằng lí do bất cẩn. Chú tự nguyện vì sơn nữ, được thế, sơn nữ biết ơn chú nhiều!
       Hang Sơn nữ vập vào tai những tiếng um um. Sơn nữ tựa đầu vào vai chú, mắt không rời chỗ con sơn dương xấu số yên nghỉ: Sơn nữ có một thỉnh cầu. Là gì? Chú hôn sơn nữ đi. Vào trán. Không, vào môi. Chú nhà báo nhẹ nhàng đặt bàn tay lên môi sơn nữ, phía bên kia bàn tay, một nụ hôn thật lâu, thật nồng nàn. Sơn nữ nở nụ cười sáng bừng cả vách đá. Mắt sơn nữ mơ màng. Tai sơn nữ nghiêng nghiêng: Chú ơi, sơn nữ lại nghe được tiếng hang rồi. Thật không. Thật. Chú có nghe thấy hang nói gì không? Không. Đấy, hang đang nói đấy. Đâu có. Có mà. Hang đang nói riêng với chú. Hang nói gì? Hang nói chú:
       Nợ… tình… sơn… nữ...!
       Nợ… tình… sơn… nữ…!
       Hang… ơ…i…!
       Ơ…i…ơi...!
       Nợ… tình… sơn… n…ữ…!
       Nợ… tình… sơn… n…ữ…!
       Nợ… tình… sơn… n…ữ…!
       …!
Núi Sơn Dương Ngã Chết, 18.12.2010

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét