1.
|
Đống rác được kết bởi hàng trăm thứ vật liệu:
Bao tải, giẻ rách, nilon, giấy dầu, rơm, cỏ... bết bát bùn đất, nằm ép vào vách
đá, ngay bên bờ con suối La như bị ốm sau một cơn giông chằng chịt lửa điện.
Nước từ thượng nguồn tím bầm màu máu chó, sôi sùng sục, phóng những bước nước
rút của một con báo, từ trên thác Cao Pha xuống, như chỉ chực liếm cái tổ ấy
vào trong ruột lũ.
Người đàn bà trạc non
ba mươi, sớm tinh sương, hết ngó trân trối ngôi nhà kiến trúc theo kiểu “cắn ổ”
ở bên kia suối, lại rọi xuống dòng nước đang trong cơn bội thực cơ man nào là
vạn vật. Gió vẫn lồng lộn gào thét. Mái tóc đuôi voọc được chuốt kỹ, ngọn tóc
nhỏ dần, bị gió tốc vương khắp khuôn mặt không trang điểm mà vẫn bắt mắt, nhưng
như cất giấu một nỗi buồn hun hút, kín đáo, khó ai đọc được nội tư.
Đêm qua lốc giật, nhà tranh nhau sập. Bỏ lại đằng
sau đống đổ nát cuộc đời, Hạnh lặng lẽ đi về thượng nguồn, nơi có ngọn thác Cao
Pha chui từ lưng núi ra như một con rắn dài vô tận. Chẳng ai hiểu được cái hành
động mà mọi người gọi là loạn thức, là chập mạch ấy của cô, họ chỉ còn biết độc
miệng: “Hay vì có con mà không có chồng (vẻ đẹp vừa độ chín tới, nhưng người ta
bảo do ấn đường xấu nên đàn ông sợ), lại nghe đâu bị bệnh “thèm trai” nên muốn
được Dã Nhân giải tình cho đã?”. “Chắc Dã Nhân là người cũ, năm xưa đã “cứu”
khi nó bị cái bệnh khốn nạn kia làm cho lên cơn?” (...). Không ai biết. Chỉ
đoán thừa đoán thiếu thế thôi chứ có ở trong bụng người ta chui ra đâu.
2. Năm mười bốn tuổi,
vừa qua ba ngày dậy thì (sự ngạc nhiên đầu tiên, và cũng là cảm giác đầu tiên
mà mỗi người mẹ sau này tự nhận thấy mình đúng là con gái), thì Hạnh bất ngờ bị
ngất. Họ khiêng cô vào giường và vội vã tìm tay kỹ sư chuyên ngành địa chất,
đang thực tập ở xã. Trong lúc mơ màng, Hạnh còn kịp nghe tiếng bà thầy van vỉ:
“Cậu làm ơn đi, đừng ngại, chỉ có làm thế mới cứu được con bé”. Rồi dường như
Hạnh cảm thấy hai bàn tay thô tháp, nóng bỏng lần xuống cạp quần. Như nhát cứa
nhói vào não khiến Hạnh gào hắt lên, hất tung vật nặng trên người xuống, nhưng
vẫn không kịp. Bố mẹ Hạnh thậm chí dùng đến chiêu dọa tự vẫn để ép con phải đến
nhà bà thầy uống hạt mã tiền phá thai, nhưng Hạnh cương quyết phản đối - sự
phản đối như thể để phản đối chính cái cách đặt tên con bệnh và chữa bệnh một
cách bệnh hoạn kia.
Những người tỏ vẻ có
nhiều kinh nghiệm thì bảo cứ để cho Hạnh đẻ, đảm bảo không lên cơn nữa.
- Láo, nó thèm cái ấy chứ
sinh nở mọn bận đâu có khỏi được bệnh.
- Thôi đi các ông hàng răng
hàng lưỡi, ở dưới đất mà nói không đâu trên trời, đói bỏ mẹ, khoai mì chẳng có
mà ăn đi lo chuyện con khát trai. Về mà đỡ cho con lợn đẻ so may ra bớt được
vài tháng đói.
- Ừ, về thôi các chú các bác
kẻo nó lên cơn lại phải làm bác sĩ thì... sướng!
- Hô hô...
- Ha ha...!
Tuổi mười
bốn ăm ắp nước mắt. Chửa mà không chồng (mặc dù là tai nạn) thì có tìm trong từ
điển cũng chẳng thấy từ nào thích hợp hơn là chửa hoang. Lại thêm tội bất hiếu
vì không chịu hủy giọt máu, mà vỗn dĩ được hình thành bởi sự bịa đặt tàn nhẫn,
nên Hạnh chỉ còn cách bỏ nhà ra đi - vì chỉ có những bước chân và những con
đường gập ghềnh vô định mới khiến cho cái vạ bia miệng không thể theo kịp. Trên
suốt quãng lang thang sống, lang thang đẻ, lang thang nuôi con, rồi tuyệt vọng.
Nhưng đời là thế, trăm cái rủi thể nào chẳng có cái may, mà cái may lớn nhất
trong cuộc đời Hạnh có lẽ là được gặp ông già ngoài bảy mươi, góa vợ, tên Âm,
và được rước về sống đời sống hú chuyền bên bờ sông Đà, nơi chỉ có thú hoang ưa
thích.
3. Chẳng ai biết ông Âm. Ông
Âm cũng chẳng cần biết ai. Sau này, chuyện Hạnh, chuyện ông Âm, chuyện chủ nhân
của ngôi nhà rác thải bị cởi toang ra qua một người viết văn muốn hóa thân
thành... Dã Nhân, thì ông Âm được biết đến như một gã thủy quái trên sông Đà.
Công việc chính của ông là săn cá chiên đem về chợ nổi Trung Hà đổi lấy hàng
gia dụng, rồi đem lên bán ở các chợ phiên mở một tháng ba lần, dành riêng cho
nhân dân các tộc thiểu số sống rải rác trên các triền núi cao ven sông, nhớ hẹn
lại về có khi để mua hàng, có khi chỉ để chọn vợ. Ở khúc sông này là
các ngày mồng ba, mười ba, hai ba âm lịch, thì khúc sông kia là mồng bốn, mười
bốn, hai bốn… cứ thế đi bán quanh năm, mua quanh năm, nhưng ông Âm cũng đâu có
thỏa. Ông như con đười ươi không chơi trò cũ quá ba lần. Có khi ông làm lâm
tặc, một mình chống cả bè gỗ quý hàng chục mét khối, vượt qua mặt các lực lượng
chức năng của cả mấy tỉnh về xuôi. Buồn buồn ông lại làm chủ một tàu khai thác
vàng, sẵn sàng đổi chác xương máu của cửu vạn, của mình. Có lẽ chẳng ai dám bán
cả một khúc sông Đà như ông Âm. Ông thích lên là bán luôn một quả núi, một cánh
rừng, chỉ với điều kiện “làm gì thì làm, xong phải trả lại cho đàn khỉ vàng”.
Ông trợn trạo thế nhưng chỉ với đời thôi, mà đời của ông tức là tất cả những gì
không làm mà lại có ăn có để. Quan điểm sống của ông đã phản ánh cả trong bản
văn tự mồm bán rừng cho bọn lâm tặc, mình sống thì phải để cho mọi người sống,
có chết cũng không cạn tàu ráo máng. Đi buôn ăn giá chứ quyết không ăn hàng
(hàng giả, cân giả…), cho nên hết thích sống với người, ông vào rừng sống với
dã nhân, với hoang vu, vẫn tốt, vẫn vui và, vẫn hiểu như những kẻ vốn chỉ sống
với nhau bằng tình cảm không lời, tình cảm cử chỉ, chứ không có chỗ cho sự sống
với nhau bằng thứ tình cảm trục lợi và quả đấm.
Hạnh
về theo ông Âm lúc ông đang chạy trốn cả sự mâu thuẫn lẫn những ưu ái cuộc đời.
Vốn liếng một thời cưỡi thác, nạo sông của ông chỉ là lá, củ, quả và thủy vật
sông Đà, không đủ cho Hạnh nuôi bé Hà nên mụn nên hình. Lúc bé Hà ngoài tuổi
thì ông Âm mất. Trước khi đi, ông kêu Hạnh bế con đến bên chiếc giường đóng
bằng bắp gỗ, rất hợp với phong thủy hoang hoắt thâm lâm và cũng cân xứng với
ngôi nhà tre, vây quanh là vô số những thân cây rừng, kết ghép theo kiểu trang
viên ở Nga. Hạnh gục đầu vào vai ông khóc siết. Ông Âm luồn tay qua khe vách,
chỉ xuống khúc sông đen ngòm như họng âm phủ: “Thằng Thầm nằm dưới đó, con hãy
làm con dâu của cha, vợ thằng Thầm ấy!”.
Chỉ có bấy nhiêu đó thôi, ông đi luôn ngoài một cái
ra dấu bảo Hà gọi ông bằng nội. Giữa rừng xanh núi đỏ, hòa vào tiếng nước đập
xuống thác Tà Tùm sầm sập là tiếng thống thiết của bà mẹ chưa tròn mười lăm và
tiếng cười không đủ cầu may của đứa trẻ chưa tròn một tuổi. Hạnh lấy hết sức
vần ông Âm xuống… âm phủ, rồi vật vã lấp đất, vật vã vái lạy. Trên đầu, những
chiếc lá rừng bị gió Lào vặt, nghiêng nghiêng rơi xuống, phủ một lớp dày, loang
lổ sắc màu trên nấm mộ đất tươi, như củng cố thêm sự vững chãi trước những hàm
răng thú ăn xác thối. Tình thế này, Hạnh chỉ còn cách phó thác thân xác ông cho
thời gian, hương hồn ông cho xanh, cao và muông thú. Chỉ có ông mới tìm thấy
cơm áo trong dòng nước hằm hằm, quanh năm hăm dọa kia, và trong cả cánh rừng
cất giấu những đôi mắt, những cặp vuốt chơm chởm chết chóc.
Hạnh bỏ con sông, men
theo cửa suối mà trong quãng thời gian ngót một năm ở với ông Âm, cô thường bất
ngờ thét lên khi vục chiếc thùng gỗ xuống, lúc là xác một chiếc giầy, có lần là
một mái tóc... Bây giờ thì Hạnh không sợ nữa, bởi theo “cha chồng” đó chính là
một phần của cuộc sống sông nước nơi hoang dã, (điều làm Hạnh gần như sợ hãi,
trốn chạy suốt những năm qua là những cái nhìn dao găm xuyên thẳng vào bụng
dưới cô và những lời bêu ghẹo, như thể cô là tài sản chung của tất cả đàn ông
trên thế giới này). Hạnh không sợ một phần cũng vì là vùng đất lạ, chẳng ai
biết Hạnh là ai, nên cô có thể thoải mái mà sống trong ký ức buốt nhói của
mình.
Vậy là với đứa con trên lưng, Hạnh ngược mãi,
ngược mãi. Một ngày, hai ngày, cho tới khi gặp được con đường mòn leo vào bờ
suối xối xả như thể bị rơi xuống từ trên lưng mây. Rừng lạnh sống lưng, ông già
dạy cho cách quen rồi. Suối gào bật gai ốc, cũng quen rồi. Chỉ sơn sởn khi gặp
phải những hoang thai được gói sơ sài trong vài lớp tã, có lẽ nó bị đặt trong
một phương tiện lều thều nào đó, nhưng suối rừng không đồng tình với những chủ
quan, nên chiếc thau hay chiếc can nhựa bổ đôi ấy đã bị đánh cho sấp mặt. Còn
cái sự sinh nhầm kia thì bầm nát máu me, hết chìm giờ đã nổi.
Theo phỏng đoán, chắc chắn trên nguồn có người, mà
có nhiều người. ở miền núi phải thật nhiều người mới có bệnh viện, hay đại loại
một khu tập trung học tập, sản xuất nào đó… sống, học tập, làm việc chồng chất
trong một không gian hẹp như một miếng cật nứa. Và ở đấy, thường có những cái
bụng dễ dãi đến nỗi, mọi hưởng thụ trở thành kiệt tác thì lập tức bị coi là sự
cố, và gặp ngay một lý giải rằng tất cả vì sự nghiệp, vì tương lai, thậm chí vì
cả cái danh dự số không của họ nữa, khiến họ mặc nhiên trở thành những đao phủ
hợp pháp, hợp cả tình trong việc trực tiếp hoặc gián tiếp tự xử sự cản trở kia.
4. Hạnh vẫn lặng lẽ nhìn xuống dòng nước quái vật. Khuôn mặt hoàn mỹ như
câu thơ tình sắc sảo, nhưng lại buồn, buồn buốt buột. Đôi mắt lá liễu như một
cái giếng ầng ậc nước, khiến mọi linh cảm vốn có của người phụ nữ trở nên đanh
đơ, ngơ ngẩn. Ba mươi năm rồi, còn bao nhiêu năm nữa sống trên cái cõi nhân
này, thì cũng chỉ có mười ba năm tuổi thơ là được sống đúng với những gì thuộc
về con người.
Con Hà năm nay đã vượt qua cái ngưỡng
mẹ nó có nó năm nào. Nó cũng bị ngất,
nó cũng bị người ta trèo lên bụng, nhưng may hơn mẹ. Nó sống trong nỗi phỉ vả
của đồng loại. Những điều tốt đẹp nhất của một cuộc đời đều chỉ đến trong độ
tuổi mười lăm, mười tám - cái tuổi nó cũng đang được sở hữu - thế nhưng con Hà
lại chỉ được hưởng rặt một kiểu tình cảm giống như con lợn đực giương mắt thao
láo nhìn con bò cái động dục. Hà may mắn hơn mẹ là, một ngày ngoài một lần được
nói với mẹ khi màn đêm đã ép buộc hai mẹ con co quặp nhau trên chõng, nó còn được
nói thêm một lần nữa là trả lời bài cũ ở trên lớp. Còn lại không gian, thời
gian và cả những ước vọng nữa đều được nuôi cấy trong sự câm lặng. Kỷ niệm
chính là tài sản, là vốn liếng để con người đem ra kinh doanh (phát triển)
tương lai. Với con Hà, vốn liếng đời nó chỉ là câm lặng! Niềm vui duy nhất là
học, hết giờ học thì chơi oản tù tỳ với viên cuội trắng vớt từ lòng suối La,
nhưng lần nào nó cũng thua. Vì kẻ thua thì phải đi tìm, mà trời định rồi chỉ có
người mới đi tìm được cuội, kể cả khi hòn sỏi bị nó lên gồng, ném cho trốn sâu
vào dòng nước siết. Ở lớp Hà có anh chàng tên Nguyên là người duy
nhất có bụng với nó, nhưng ít khi nó bắt nhời. Thấy nó cứ dáo dác đi tìm cái gì
đó, hết để nguyên cả quần áo lặn ngụp trong lòng suối, lại vạch những vạt cỏ lông
li ở hai ven bờ, Nguyên hỏi nó tìm gì, nó vọn lỏn, tìm đời, rồi bỏ mặc Nguyên
đứng như phỗng đất, nó lặng lẽ bơi về phía chân mây.
Năm mười tám tuổi, nó
đậu vào trường Đại học y Hà Nội, hợp với nguyện vọng của mẹ nó. Cầm tấm giấy
gọi còn âm ẩm nước mắt, con Hà thề sẽ tìm và nghiên cứu căn bệnh “mê trai” thực
chất là gì - bệnh người ta vẫn xích vào số phận người phụ nữ có môi đỏ, má hồng
và thân hình cá trắm. Niềm vui núp kín trong bọc, mà có được bao lâu, trước hôm
đi bỗng con Hà nhảy xuống suối tự tử. Sự thể là nó lên xã xin chứng thực hộ
nghèo để xuống trường làm thủ tục miễn học phí, tay chủ tịch xã đòi đổi con dấu
lấy sự trong sáng của nó. Hắn bảo con Hà được mỗi năm mấy triệu, nhân bảy năm
thành tài sản cả đời. Và, (hắn tiếp tục gạ gẫm) dù sao thì mẹ con Hà cũng là
hoang tính, cái ấy có quan trọng gì, vấn đề là vinh dự được ai lấy hộ mà thôi.
Hà nhổ cả miệng nước bọt vào mặt hắn, hắn hô gã bảo vệ trói Hà lại. Gã bảo vệ
định chộp tay vào ngực Hà, bất ngờ bị Hà đá một đòn vào chỗ khốn nạn, bật ngửa ra.
Lão chủ tịch xã đến tận nhà Hạnh rỉa róc rằng lạ gì xuất xứ mẹ con Hạnh. Hồi
ấy, đáng ra hắn mới là người trèo lên bụng chữa bệnh cho Hạnh khi bà thầy vào
tìm, và, hắn tỏ ra tiếc nuối vô tận, khi không được làm “ân nhân” của Hạnh vì
lúc đó hắn đi vắng: “Thế mới đến lượt thằng kỹ sư lạ hoắc, Hạnh ạ”. Đểu cáng
thật! Giờ không hiểu sao trên mặt hắn vác một vết sẹo to như nửa cái tông, cộng
thêm một bên gân gót thòi lòi ra, thậm thọt, đến mẹ đẻ hắn cũng chả chắc nom ra
thằng con quí hóa của mình. Hắn đã chạy vạ vào đây vì lý do đó, nhưng bởi có
tiền nên hắn rửa được vết sẹo, rửa được quá khứ và leo lên đến chủ tịch xã. Vô
hình trung chiếc cổng ủy ban được vết sẹo trên mặt hắn phụ tá khiến cho dân khó
vào hơn. Khi ở nhà Hạnh ra về, hắn còn đề nghị nếu căn bệnh ấy hành hạ hai mẹ
con thì đừng ngại, cứ gọi hắn, như thế mọi vướng víu cuộc sống sẽ trở nên
“không thành vấn đề”. Hạnh sụp xuống chiếc chõng đã lên nước mọt. Trốn vào đến
đây rồi mà đời vẫn không buông tha. Thì ra, tất cả những lần bị gõ cửa đêm
không phải là ma trơi như người ta đồn thổi. Thì ra, tất cả cánh đàn ông ở đây
mỗi khi gặp Hạnh là mắt mấp máy như biết nói, đàn bà, trẻ em thì chì chiết mẹ
con Hạnh vì họ cho rằng hạnh phúc nhà họ trước khi Hạnh đến vốn là trên cả
tuyệt vời, còn giờ thì chồng họ như cuồng lên mỗi khi nhắc tới tên Hạnh. Họ gọi
mẹ con Hạnh là người rừng. “Cái mắt hoang dâm thế kia cơ mà”. “Nó mà lên cơn có
lẽ giống con ngựa cái phải bả lắm nhỉ?”. “Chả thế mà lại đi tìm con Dã Nhân,
đúng là cùng loài”.
Ở tuổi ba mươi,
những lời nói mặc dù như móc họng nhau ra, những cái nhìn như ném đá vào danh
dự và lòng tự trọng của nhau cũng đã không khiến Hạnh biến sắc. Khuôn mặt đẹp
vẫn cứ lạnh lẽo và tự tin giữa đời. Có người bảo đấy là tài sản trời cho Hạnh
để sống, “nếu không thế chó chết hết chuyện”. Ôi, cứ tưởng có một lời thương
lạc loài giữa muôn trùng cay nghiệt! Chỉ có con Hà, nó chưa qua lửa, chưa sắt
đá để có thể sống thanh thản trên những tấm bia miệng. Nếu như không may mắn,
nó đã bỏ đi từ năm trước khi nó bị một thằng con trai cà cưa trong một ngày lớp
nó tổ chức đi dã ngoại, đến nỗi nó khùng, nó xô thằng kia xuống dòng nước siết
và nó cũng lao theo luôn. Thằng kia là dân bơi nên tự cứu. Còn con Hà không thể
tự biết nó sống lại trong hoàn cảnh nào, chỉ thấy tất cả sập xuống, tiễn đưa nó
vào lặng im, chấm dứt mọi sự vùng vẫy thì đột nhiên nó mở mắt. Trước mặt nó là
một người đàn ông trọc lốc từ đầu đến chân, không mũi, không môi, má toang
hoác, lòi ra những chiếc răng vàng cáu, như được hàn liền với cặp quai hàm xám
xịt. Ngón tay ngón chân như bị người ta lóc hết thịt da. Tất cả đỏ lòm như một
miếng thịt tươi bị thú rừng ăn dở. Nó thét lên và ngất đi lần thứ hai, khi tỉnh
lại nó thấy mình đang nằm ở vệ đường, đoạn gần nhà nó. Nó cố lết về, rồi lao
vào vòng tay mẹ, lắp bắp được mỗi hai từ: “Dã Nhân!”. Và cũng từ đó, thông tin
Dã Nhân là người có cơ sở hơn.
Hạnh biết, không có sinh linh kỳ quái kia thì chắc
chắn Hà - sự sống duy nhất của Hạnh, đã bị dòng nước mang đi như xác chiếc
giày, mái tóc… mà hồi còn ở bờ sông Đà vẫn thường múc phải. Đã hơn năm nay, hầu
như có thời gian rảnh rỗi là Hạnh lại tìm đến khu rừng này, nhìn sang bờ suối
bên kia, khi nào thấy cái ổ lá động đậy mới chịu quay về. Kể từ đó tới nay,
chưa một lần Hạnh giáp mặt Dã Nhân, chỉ loáng thoáng thấy cái lưng trần tối om
như bị vùi trong đất, lật đật vác một dáng dấp dị hài, nửa đi nửa bò, và thường
thì khuất nhanh vào bên kia rừng. Không một tiếng hú, không một cái liếc mắt,
mặc dù chỉ vừa đủ nói cho đối phương biết rằng đã có sự phát hiện.
5. Dã Nhân xuất hiện ở rừng này
chính xác từ bao giờ chẳng ai biết rõ. Người thì nói đã từng gặp cách nay năm,
bảy năm, người lại bảo độ chục năm rồi. Dã Nhân là ai, người hay đười ươi cũng
không ai dám chắc. Nhìn thấy bộ mặt hoen hoẻn máu, chỗ nào còn lành thì nhem
nhẻm lông lá khiến ai cũng bỏ chạy thục mạng. Cả khu vực duy chỉ có ông Phú ba
ba là có vẻ biết nhiều chuyện nhất về Dã Nhân. Ông nói cách đây già chục năm gì
đó, sau khi theo dấu con ba ba chúa lên tới chân thác Cao Pha, bỗng ông nhìn
thấy một người trần truồng rơi từ trong hang nước lơ lửng trên lưng núi xuống.
Ông bơi tới gần thì không thấy đâu nữa. Vài ngày sau ông quay lại đã thấy một
đống lá vun cao quá đầu người trên mép vách đá, sát ngay mặt nước. Ông đã từng
cùng với dân quân, công an xã mật phục và thấy rõ mồn một Dã Nhân là một miếng
thịt khổng lồ, đỏ nham nhở, suốt ngày ri rỉ máu tươi, không tóc, không mũi,
không môi, không mí mắt, da thịt ở hai bên má dường như bị ai đó dùng dao róc
đến tận xương hàm. Giả thuyết Dã Nhân là thổ phỉ, là gián điệp bị loại trừ, bởi
ngoài việc lặn ngụp dưới lòng suối để ăn những con hến, con cua, con cá sống,
hay những đọt lá, hoa, trái trong rừng ra thì Dã Nhân dành đến tám phần mười
thời gian trong ngày vun vén cho những vết thương hoen loét, rỉ rách máu. Ông
Phú ba ba khẳng định rằng chưa một ai nghe thấy Dã Nhân nói, ngoại trừ những
tiếng hú như cắt ruột, thình lình vọt lên giữa đêm khuya.
6. Con suối La được bắt nguồn từ rất xa, nó chảy qua nhiều bản làng, qua
một thị trấn sầm uất, rồi qua một cánh đồng trù phú dài ngót chục cây số và
cuối cùng bị dãy núi Cao Pha chặn lại. Trước kia, nước của con suối ấy dâng
thành một cái hồ tự nhiên rộng tới hàng chục cây số vuông. Cư dân cổ kéo về
định cư trên những ngọn cây quanh hồ, thực đơn của họ là những con cá chiên, cá
trắm nặng tới vài chục cân dưới nước và cơ man nào là chim thú trên rừng, mà
cũng như con người, chúng sống bám vào mâm cỗ thiên nhiên ban tặng ấy. Mục tiêu
của muông thú cũng thế thôi, tất cả tuân thủ quy luật sinh - khắc tuần hoàn.
Thế rồi đến một ngày kia, cái hồ nước bao la bỗng dưng róc kiệt nước. Giữa mênh
mông bùn sình trọc lóc, một dòng suối len lỏi, vội vã chảy đi. Cả vùng rộng lớn
trở thành đất chết, không lá quả, không cá tôm, thú rừng quay lưng lại, con
người bỗng dưng thất bát. Một số người già không thể di cư đã cùng con cháu,
trăn trở biến những mảnh đất trống do nước để lại thành những ao, những vườn.
Ao thì để giam giữ con tôm, con cá săn từ dưới suối về chưa ăn đến, vườn thì
trồng những loại cây ăn được trên rừng, nhưng mật độ ngày một thưa dần so với
vận tốc nhân giống bão lốc của con người. Dần dà, ở đây hình thành nên hàng
trăm bản, sống nhờ hàng ngàn héc ta lúa nước tốt đến không gặt xuể. Số còn lại
không đủ kiên nhẫn chờ sự tiến hóa của con người buộc đất phải có những bước
chuyển mình, đành phó mặc số phận cho hai bàn chân vô thức, hối hả men theo
dòng nước, hy vọng lại gặp một chiếc hồ giầu có hôm nào. Và chính đoàn người ấy
đã phát hiện ra chiếc lỗ khổng lồ - thủ phạm đã bắt tất cả hồ nước chui tọt
xuống lòng đất, rồi phải mất cả nửa ngày đi bộ mới thấy nó phun ra như một con
thủy quái, nơi lưng chừng dãy núi Cao Pha.
7. Quá một tháng sau trận lốc, chiếc ổ lá đã bị
mối xông xẹp xuống lấp xấp mặt đất. Hy vọng chiếc ổ cựa quậy, và đêm đêm nghe
tiếng hú man rợn vang vọng cả mấy cây số không còn. Có người làm nghề ăn suối,
săn được một bộ xương người bị cá lóc hết thịt, vẫn còn thối nồng nặc, và khẳng
định là Dã Nhân đã chết do trận lũ quét điên cuồng tháng trước. Lại một đêm mưa
gió vô thường ập xuống, sáng ra người ta không thấy Hạnh và con Hà ngớ ngẩn do
lần nhảy xuống suối tự tử đầu bị va phải đá đâu cả. Căn nhà ngày thường đã giẹo
giọ, giờ còn trơ lại cái nền và vết tích của một con lũ hung hãn xước qua. Năm
tháng trôi đi, chẳng ai còn nhớ chuyện hai mẹ con người đàn bà bị bệnh thiếu
trai và một con Dã Nhân gớm ghiếc nữa. Chỉ biết nếu còn, hai người lớn chắc
cũng ngót ngoét tám chục tuổi, còn Hà thì cũng đã ngoài sáu mươi rồi. Tay chủ
tịch xã sau dạo mẹ con bà Hạnh mất tích đã bị cảnh sát truy nã, bắt đi dưới cái
tên Hảo giết người thay vì húy Thành chủ tịch. Cái thị trấn miền núi nghèo, có
trụ sở ủy ban đóng chân mấy chục năm mà vẫn không thay đổi, ngoại trừ một khu
chợ bán nhật để cho bà con lấy chỗ rao mớ rau, bát gạo, kẹp cua... Cả năm người
ta mới nhắc đến chuyện cũ một đôi lần. Họ bảo chẳng có bệnh nào là bệnh thiếu
trai cả, rõ ràng một nữ bác sĩ tên Giang đã trả lời trên báo như thế. Lại nói
chuyện về Dã Nhân, và theo đại đa số những cư dân thị trấn thì đích thị Dã Nhân
là “đạn chìm”, nhưng không rõ ở phía nào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ liền bị
tiêm một mũi thuốc, nhằm làm quên hết mọi bí mật mà ông từng tiếp cận. Có người
lại khẳng định như đóng đinh vào tai rằng, Dã Nhân vốn là cán bộ ưu tú ngành
địa chính tỉnh, trong chuyến đi công tác chung với một đồng nghiệp, gặp lũ và
bị gã bạn đẩy xuống dòng nước, rồi sau đó gã kia về nhậm chức trưởng ngành mà
không còn địch thủ nữa. Dã Nhân cao số nên mặc dù bị rơi xuống hang nước mà vẫn
sống tới ba năm trong lòng đất. Chỉ có điều do va đập, Dã Nhân đã bị mất trí.
Những vết thương đỏ hoẻn máu mủ trên người là do những vết thương, vết xước bị
ngâm nước nên càng ngày càng hoen rộng ra. Khốn nạn hơn là bị lũ dơi đông như
quân Nguyên cứ đớp dần từng mẩu thịt môi, mũi và má nên mới ra bộ dạng kỳ dị
thế. Một người tên Thỏa nói, có lần, chính ông men theo một của hang cạn trên
đỉnh núi, vào để lấy phân dơi về làm thuốc súng, đã phát hiện ra một ngách dẫn
xuống con suối ngầm ấy, khi ròng dây đu người qua một khoảng không độ sáu bảy
chục mét, ông gặp một lòng suối trải rộng tới cả trăm thước, mực nước chỉ xấp
xỉ gối chân, nhưng tối như nút giẻ vào mắt. Thảo nào Dã Nhân không bị sặc nước.
Theo người tên Thỏa, con suối có rất nhiều chỗ khô, đủ làm giường ngủ, có điều
không có đường ra bởi phía thượng nguồn thì thác nước tuôn từ chiếc lỗ xuống dựng
đứng, phía hạ nguồn hẹp, nước ngập đến tận nóc hang, kể cả khi đã có dây cũng
không gá nổi vào vòm núi cao ngót trăm mét được. Nhưng ác nghiệt nhất vẫn là
bóng đêm, đêm đen như đổ mực vào mắt, cộng với phân dơi rơi ào ào như mưa, sống
như thế mù dần là cái chắc. Giả thuyết Dã Nhân may mắn ra ngoài được cũng là do
ông này đoán liệu. Đúng vào đỉnh lũ mà chưa năm nào đạt được hồi ông Phú ba ba
nói ấy, nước từ thượng nguồn suối La dâng nhanh, cái cửa ra của hang nước không
thoát kịp, nguy cơ sặc đến nơi nên Dã Nhân liều mình lặn một hơi dài xuôi theo
dòng nước, và rơi thành công ra ngoài đầy huyền thoại...
8. Lại
một đêm mưa lũ nữa, có lẽ trong ngành thiên văn sẽ có thêm một mốc lịch sử mới,
nhiều năm sau không bì kịp về nỗi kinh hoàng ở suối La. Trên đỉnh núi, ngay từ
chiều, một góc trời treo đen đặc những con dơi do sợ bị ngập cứ vãi từ trong
hang ra hàng giờ không ngớt. Trong tiếng sấm và tiếng nước giã gạo ầm ầm xuống
thác, người ta bỗng nghe thấy những tiếng hú như lôi ruột, moi gan nhau ra. Một
ông già độ ngoài sáu mươi, dường như quên bẵng việc sơ tán do chính quyền tổ
chức để giảm thiểu phần nào hậu họa thiên tai, đội mưa đi như chạy về phía chân
thác. Tiếng hú như gọi vào hoang dã. Trong đám người hối hả be, tát, rồi công
kênh nhau lên những vị trí cao hơn trên các lèn núi để tránh chân khỏi con nước
đỏ ngầu màu máu chó đang dâng lên mỗi lúc một dữ dội. Bỗng tiếng ai đó gào lên:
- Ông Nguyên đâu rồi? Mọi
người ơi, hình như ông Nguyên bị lũ cuốn đi mất rồi!
Tiếng hú vẫn giục vào
đêm như cổ vũ. Không ai trả lời. Trên thiên hà, hình như dã nhân và chính nhân
đang đổi chỗ cho nhau...
M.A. 31.5.2007
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét