Trời chưa bảnh, ông Khặc
đã quăng chiếc ấm đun cà phê méo như bị trâu giẫm ra giữa nhà:
- Uống sáng đi!
Thoạt nghe cứ như thực
đơn xa xỉ của một đại gia tầm cỡ. Ăn sáng xong, ngồi nhâm nhi li cà phê chè
nguyên chất, nóng hổi đến độ khói vẫn còn vương vất trên mép mỗi lần nhấp; rồi
ngắm bình minh vươn vai, rồi vểnh tai hóng tiếng chim rừng như hớp hồn nhau, từ
lưng chừng trời...
Nhưng ở lâu rồi thì biết. Uống cà phê thay cho ăn sáng. Cà phê nguyên chất,
lại được lựa những quả ngon nhất, chín tới - không xanh không nẫu, chế biến
theo quy trình của con ong làm mật, nên gọi là cà phê mật ong. Mới ngửi sống đã
thơm đến khốn khổ! Ở đây người ta chả cần ướp, ủ để khều hương, kéo vị gì, cứ đun
ùng ục cho thôi ra những na-nô-mét ca-phê-in cuối cùng. Không đường, không hương
liệu, cũng chẳng nêm nếm ca-ra-men. Thế thôi, rồi rót thẳng bát cà phê đen xì
màu máu chết ấy vào cái bụng trống rỗng cả một đêm ròng, xót giẫy lên cùng cực.
Ông Khặc bảo, thứ "vàng nâu" này từng quí đến nỗi không dành
cho kẻ nghèo, không dành cho chó lợn. Muốn uống thì trộm vợ vốc hạt lép, đạp
nát lớp vỏ trấu, lấy tí gạo cà phê gọi là vàng - nâu - sâu - vỡ, rồi đem đun vụng,
uống lén lút như loài ăn cắp. Nhưng đấy là hồi một cân cà phê thuê được hai công
lao động, còn giờ bốn năm cân mới thuê được một công, nhà nhà bị ăn cà phê thay
cơm, chó lợn ăn thay cám. Nghị quyết nhà phê chuẩn rồi.
Tôi uể oải lật chăn dậy,
oánh răng bằng một bát cà phê đặc quánh. Ruột lộn từng vòng ong óc. Cảm giác giống
y chang bữa cà phê tối qua. Mắt đỏ như mắt thú. Tôi nôn. Tôi thấy não mình chảy
ra khỏi vỏ, xuống họng, nhơn nhớt. Hộp sọ chân không, người trắng rỗng, tan
tành như sương khói. Lão Khặc bắt cả nhà "ăn" cà phê tối để kháng ngủ.
Lão bảo ngủ như chó chết thì còn nghĩ được gì giầu nữa. Muốn thoát ra khỏi cái
dự án kháng ngủ của con quỷ chủ nhà, thì các thành viên phải mau chóng tìm ra
công thức làm ra tiền bạc…
Tôi hất ba lô lộn lên
lưng, lảo đảo bước xuống thang nhà lão Khặc. Mấy tháng ròng, tôi lang thang khắp
nơi tìm Đảo. Lão Khặc là một trong hàng chục gia đình cưu mang tôi trên con đường
theo dấu cố nhân. Lão cũng là người triết lí cái sự thánh thiện của mình là:
"Đừng có đánh mắng chó hoang, vì đó là con đường ngắn nhất để giúp nó tiến
hóa!". Trong trường hợp của tôi, lão bảo: "Anh là con chó vô chủ, vô
định. Cứu giúp những con chó như thế, thường nó vô ơn, nhưng thôi, mình tự thưởng
phúc!". Tôi nghe xong thả rông suy nghĩ. Con thú với tập tính hoang dã sẽ
nhút nhát trước khi man rợ!
Tôi trói riết trong suy
tư những câu chuyện méo mó mà Đảo vừa kịp bỏ lại trước khi tôi đến. Đảo ở và đi
cứ như cơn gió vậy. Đảo cũng là chó hoang. Lão Khặc bảo chó cái hoang có bản
năng dữ dội hơn chó đực hoang. Mà đúng thật, tôi chỉ giỏi cướp ăn, cướp ngủ, cướp
thời gian của những người cưu mang để xả tháo sự cô độc của mình. Đảo khác. Đảo
thậm chí còn chẳng thèm toan tính tranh giật gì. Nơi thì Đảo hành nghề bắt rắn,
bẫy chồn. Nơi để hái rau rừng, hái thuốc. Có nơi Đảo tới chỉ để bán mớ tóc vừa
kịp quá vai. Nhiều nơi Đảo ngang qua, để lại cho bản dịch sốt xuất huyết, sốt
rét. Đảo quyết liệt đến lỳ lợm. Không ngửa tay xin ai một miếng cơm thiu, một
viên thuốc hạ sốt…
Khi tôi qua Chiềng Đắng, chỉ còn thông tin cụt ngủn, và đắng chả kém, mà
thằng Oằm ở Ẳng Trên cung cấp: "Con Đảo bỏ chồng, tự ở lấy rồi!". Chiềng
Đắng là tốp xã xa nhất huyện, phải vượt dãy núi Vách Thưng Nhà Trời (Pha Hươn
Phạ). Ngày xưa ở đây là vương quốc của măng đắng, cái tên Chiềng Đắng là Kinh
hóa chứ không còn nguyên Thái nghĩa nữa. Cũng là nghe nói, nơi mà Đảo cư trú là
Huổi Đắng - tức là suối đắng, cũng là thủ phủ của vương quốc măng đắng, trên
dãy Vách Thưng Nhà Trời.
Tôi đã quay lại trang
trại cà phê rộng như một cánh rừng của gã nhà văn gàn tên Núi - sống bằng nghề
văn không nổi, sống bằng nghề nông cũng không xong - gặng hỏi tung tích của Đảo.
Một thời Đảo làm công nhân cho Núi. Núi cũng từng muốn bao bọc Đảo. Đảo đã vì
tôi nên không đồng ý trở thành người của Núi. Biết đâu đấy, bước đường cùng, Đảo
sẽ cho Núi quản lý mình!
Tôi đến thì Núi chẳng còn là nhà văn (vì văn của hắn đã nhiễm bệnh gì
đó, rất nguy kịch). Hắn vẫn là ông chủ, nhưng là một ông chủ của những món nợ
khủng. Núi nợ lương công nhân, nợ tiền đầu tư của các nhà máy cung ứng vật tư. Nợ
tiền ngân hàng. Mấy chục héc ta cà phê trị giá cả chục tỉ giờ chả hơn gì chó đẻ!
Núi thành con nợ thuần chủng! Núi cũng thành con ma men thuần chủng! Lè phè. Lú
cẫn. Núi bảo có cả trăm con Đảo: "Tìm con Đảo nào?". "Đảo con ông Biển". "Đảo méo nào mà chả con biển, ngày nào
tao cũng nghe thấy tìm kiếm trên Đài". "Đảo cùng tôi làm thuê cho
ông. Đảo mà ông muốn chòm chem, muốn cho một đồi cà phê…". "Nghe quen
quen, hình như con "đảo nợ". Bảo nó ra đây tao cho không cả trang trại
cà phê này và các khoản nợ, khỏi phải đảo vốn, đảo lãi; một đồi thì chó nó cũng
chả buồn ỉa"…
Núi bây giờ nhe nhởn và trơ tráo chứ không lịch lãm và ga lăng. Hắn ngửa tay
xin từ hạt bụi. Hắn bảo, hắn tập mãi mà không thể mãn tính nổi cái thứ mồi cà
phê rang: "Giá như tiêu hóa được, chắc giờ phân tao còn đắt hơn cả cà phê
chồn". Tôi chỉ muốn tống vào họng thằng nhà văn tuột xích này một quả
nguyên tử. Mả cha nó… . Gừ! May mà tôi kịp nhìn lại mình - một thằng mà đến ông
già người rừng sống biệt dạng trên Núi Mây còn phải gọi là: "Chó điên lang
thang" thì lấy tư cách gì chửi bới Núi!
Núi nói máu hắn giờ còn đắng hơn mật trắm. Hắn không ngủ cả năm nay rồi, mà
không nghĩ nổi cách gì hết nợ. Nhưng dù sao thì hắn còn năng lực sống nhục sống
nhã, chứ trong vùng đã lác đác vụ chữa stress bằng thuốc treo cổ rồi(!)
* **
Tôi nhằm hướng núi Vách
Thưng Nhà Trời mà đi. Đường mòn, cây bụi, dốc
ngược như lên trời. Đi giữa rừng mà nắng vẫn ném giận dữ vào mặt. Giờ nào rồi
mà còn mơ bóng cây cơ nia! Cây tái sinh săm sắp cái xà nhà, cái cọc rào đã ngay
lập tức bị phạt sát đất. Như lão trưởng bản có cái tên như bị cù nách Khoàng An
Nụp thì, đây là vùng kinh tế nông nghiệp cao cấp, trồng giống cây cà phê
arabica ngon nhất thế giới, nghe đâu có tên "ghe xa" (Geisha) của
Costa Rica! Lão dằn là phải dùng đúng từ: "Vùng - kinh - tế - nông - nghiệp
- cao - cấp" - tức là trồng cây cấp cao nhất thế giới; trí tuệ nhất thế giới,
có giá trị kim cương, chứ cấm chỉ gọi chung chung là bị tụt định mức đầu tư cho
dự án ngay!
Cơn say cao cà phê kèm với thể trạng hết đết, khiến tôi kéo con đường từ
hai giờ leo dài ra đẫy một ngày. Mỗi lần ngồi thoi thóp, tôi lại có dịp khóc vay
thay Đảo. Đảo và mảnh nương của Đảo đang là đối tượng nghịch lí của loài cây đắng
đót này. Tôi biết chắc, cà phê chè là cây công tử, chỉ có địa chủ mới đủ lực chiều
chuộng sự đỏng đảnh và mong manh của nó. Người nghèo rớt mồng tơi như Đảo thì
chỉ có trồng cỏ nhà giời!
Tôi vừa đi vừa xót em. Thảo nguyên ngập ngụa nắng và gió. Ngập ngụa cỏ
cây khô nỏ vì vừa trải qua một vụ băng tuyết và gió Lào. Tôi liên tưởng, tôi giống
như cái cây bị băng tuyết bẻ ngọn, trơ thân, khô rộc từ thân xuống tới rễ kia.
Đảo thì giống như chiếc lá trên cái cây ấy, bị lìa ra, gió cuốn lạc biệt, chẳng
rõ phương nào.
Cuối ngày, mặt trời chỉ
còn như một tàn lửa trên đầu điếu thuốc, là gió bắt đầu liu riu. Gió cứ thế dìu
tôi đến một nơi nương bãi ngút ngát, ngự lồng lộng trên đỉnh thảo nguyên Nhà Trời.
Cà phê ở đây phần lớn đã chết cháy do sương muối, băng tuyết. Số được cỏ che chở
thì vươn lên một cái ngọn mong manh như rau muống. Dúm cành lơ phơ trên đỉnh
thân trơ trụi cành, trông giống như những chiếc ô cây. Dân kĩ thuật gọi là tán
dù. Cà phê tán dù là cà phê ngấp ngoải, không còn sức kinh doanh. Hầu hết người
dân đã bỏ về bản.
Tôi xô cửa bước vào một
chiếc lán tanh bành như mớ giẻ rách. Có người ở, nhưng dường như đã vài ngày
không về. Bã mọt phủ rờn rợn. Bếp lửa xô xệch vài thanh củi tăm, hầu như chẳng
có gì để nấu. Hoàng hôn bắt đầu tắt. Tịnh không một tiếng chim. Chỉ có gió là đông
đúc. Mùa này, đến mây cũng chỉ còn đong đưa vài sợi lạc lõng xâm vào khối ưu
tư, đang sôi ùng ục trong não.
***
Tôi co ro trong tấm
chăn cáu sờn sặc mùi nước đái chuột. Một ngày no mồ hôi, nhưng đói quay quắt. Lúc
chập tối mò được vài quả cà bao tử, ấn cả nhựa chát xít vào bụng, năng lượng tiêu
xèo một cái, như không. Ngó quanh quất, thấy dưới thung thấp thoáng vài cây đu
đủ không quả, lá cũng bị lóc lên tận búp. Ngắt nốt mấy cái sự sống ấy, đặt lên ngọn
lửa cho xì bớt nhựa, khỏi nạo ruột. Ngoài chái, cái máng nước nứt vênh như vỏ đỗ.
Đã lâu rồi nước không về, cắn vôi khô tróc như môi nẻ. Cạy mấy hạt muối bám như
keo trong đáy cái bát mẻ, rắc vào búp đu đủ vừa thiêu héo, rồi nhồi xuống cổ họng.
Đắng như cờ - lo - xít. Nhựa đu đủ sót, nạo sồn sột vào dạ dày.
Nằm mãi. Đầu óc nổi bồng
bềnh trong không gian chật chội và hôi hám. Bụng như bị xước, xót giãy lên từng
cơn. Suy tư cũng xót giãy. Mắt xót trừng trừng. Đêm đỉnh núi, vẫn chỉ có gió
hoang hoải, miệt mài thổi. Nhưng hình như lẫn trong gió, có cái gì đó như bước
chân. Thú thì sạch bóng rồi. Chắc là ma. Tôi rón rén ém mình vào nách vách.
Cánh cửa xô mạnh. Tiếng phì phì sát sạt. Mồi lửa lơ lửng lóe lên, đủ nhận ra
dáng dấp của một ma nữ. Bộ mặt đen đúa, nhăn nhúm như tấm da thú phơi khô, nẻ
nác.
Như có thần giao cách cảm,
Đảo biết có người lạ, nhưng không hoảng. Cuộc sống của em vốn dĩ đã buông rồi.
Cho dù có là đạo tặc, dâm tặc hay sát nhân thì cũng mặc. Cảm giác, thậm chí em đang
cầu một sự kết thúc! Em muốn chấm dứt. Muốn đoạn tuyệt, dù cho em đã từng hi vọng
mãnh liệt. Tôi từ sau cánh cửa bước ra cạnh em, em không một lần nhìn lên. Em
im lặng, sự im lặng song hành với im lặng của tôi. Hồi lâu, em cộc cũn:
- Cần gì?
- Chả cần gì cả!
- Chả cần gì thì vào
đây làm gì?
- Vào xem em có cần gì
không?
- Không cần!
- Không cần mà em sống
như này đấy hả?
- Sống như này là như
nào? Chả nhẽ tôi nên treo cổ!
- Em thực sự không cần
biết tôi là ai?
- Là ai thì cũng như
nhau cả thôi. Tôi tiền không. Gạo không. Tình cũng không. Chỉ có con đàn bà.
Lên giường đi!
- Tôi không cần thứ em
có. Tôi cần em thay đổi cuộc sống này!
- Anh là giống gì thế? Biết tôi là ai không? Một con tởm đầu đàn! Một loại dịch bệnh nhây nhớt! Anh
cần lây không?
- Tôi cần thì sao?
- Thì anh là thằng điên!
- …!
***
Đảo nhìn sâu thẳm vào chân
trời. Bình minh như một kẻ đồng lõa, vẽ nên bức tranh theo trường phái ma thuật,
đảo lộn tất cả các giá trị thị giác, cảm giác về đường nét, hình thái, màu sắc…
não nuột. Tôi nhìn ngược bình minh. Cảm nhận không gian, không khí bằng thứ cảm
xúc nghịch chiếu. Nó giống như hai thế giới, tách biệt nhau. Tôi rất muốn cất vấn
Đảo. Hình như Đảo cũng đang chờ. Nhưng tôi lại ngồi im, như thể quyền riêng tư
của mình, vào lúc này, là quyền tử thủ!
Đảo mất kiên nhẫn, đứng
lên buông cụt cỡn: "Đợi tôi!", rồi em đi về phía tối qua em đã đến.
Chừng ba mươi phút, em quay lại với một nắm cơm nguội ngắc, đã rắc sẵn vài hạt
muối trắng: "Ăn sáng đi!". Tôi trẹo hàm nhai cơn đói. Ăn xong, tôi
đưa cho em năm trăm ngàn, bảo xuống núi mua gạo, muối và đồ dùng cho hai đứa… .
Em cầm tiền mà mặt không biến sắc: "Đợi tôi!". Vâng, tôi sẽ đợi! Mấy năm ròng chờ đợi, nghiện rồi!
Gần trưa thì Đảo về. Ngoài những thứ cần mua, Đảo còn mang về một cây
kéo và một bộ dao cạo. Quẳng đồ xuống sạp, Đảo lại cộc cũn: "Đợi
tôi!". Em đi về phía khe núi, theo hướng máng nước. Mươi phút sau nước đã
chảy tồ tồ. Đon củi và mớ rau rừng về theo Đảo. Nấu nướng xong, Đảo kêu tôi ra
máng nước. Đảo cắt tóc, cạo râu và tắm cho tôi. Qua chậu nước trong như nước mắt
của trời, tôi mới lại nhìn thấy tôi sau dăm sáu năm. Đảo bảo cắt tóc cạo râu để
khỏi bị bắn nhầm. Đảo cũng bảo mùi tôi như mùi nước đái dúi, đảm bảo lội ra rừng
là… đòm! Tôi cười nhệu nhạo. Cái lễ cười lâu lắm rồi tự dưng bộc ra, ỏn ẻn. Đảo
cũng cười. Hai đứa cười như hồi mới tán nhau. Rồi thì cười như điên. Một đôi
điên!
Tối ấy, tôi vẫn nằm cạnh
Đảo như hồi nào. Đảo trở mình liên tục. Cuối cùng rồi Đảo cũng lên tiếng:
- Anh vẫn không động
vào em?
Tôi ấp úng. Đảo dồn:
- Anh chê em là gái
Thái, ngu và bẩn à?
- Đảo đừng nói thế mà rếch
rác quan điểm. Anh rất yêu và thích Đảo. Nếu không anh đã không đi tìm, kể cả
khi Đảo lấy chồng.
- Vậy sao anh để em đi
lấy chồng?
- Anh nghĩ là do Đảo. Đảo không thích anh, không yêu anh nên mới đi lấy chồng.
-…?
Chúng tôi nằm im lặng như
hai đứa tượng. Lát đã thấy Đảo chìm vào giấc ngủ "trâu chết". Hồi đi
làm thuê cho Núi, Đảo bảo nông dân phải ngủ như trâu chết, mai mới có sức cày.
Tôi không tài nào chợp mắt. Cái buổi đầu tiên tôi gặp Đảo trong bữa rượu ở
trang trại nhà Núi ùa về. Đảo hỏi tôi: "Anh đã được ngủ trong tiếng mõ
trâu, tiếng chó trèo thang, tiếng nước giã gạo chưa? Ngủ trong tiếng chim gù, lợn
ủn ỉn, ngựa gõ máng, cú gọi hồn… chưa? Chưa thì về ngủ nhà Đảo nhé?"…
Đảo bây giờ không thuần khiết, mà
chai sạn, vô cảm và bất cần. Tôi cứ nằm bên cạnh nghe Đảo ngáy rầm rầm đến
sáng. Hết đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba, thứ tư… . Đến một sáng, Đảo bảo tôi lánh
tạm vào rừng, lão đến. Lão là ai? Đảo bảo nói sau. Tôi tọt vào rừng. Chừng ba mươi phút
sau, ông già người Thái, quắc thước, trán cao, da đỏ, mắt sáng rực như mắt thú,
đến. Ông ta ở lại
rất lâu. Căn chòi rung như có gió. Thỉnh thoảng, tiếng hai người vẳng ra, nhễu
nhão. Gần trưa thì ông ta về. Tôi chui ra với bộ mặt sưng vù nốt muỗi. Gạo
vương khắp nhà. Chăn đệm xệch xạc. Mặt Đảo, nếp nhăn cũng xệch xạc. Áo váy xệch
xạc. Chỉ có đôi mắt là no nê. Đảo thủng thẳng:
- Anh
về đi. Đảo nợ năm trăm ngàn, mai sau sẽ trả!
Tôi lặng
im. Đảo ra rừng đá có cây đu đủ cụt ngọn ngồi như ngôi mộ sống. Tôi nhằm hướng
đường mòn đi về phía ông già người Thái đã đến. Một căn nhà sàn năm gian, gỗ
quý, dầu toan phả bóng lộn sang cả mảng đồi trước mặt. Tôi ngầu nghĩ bước lên thang.
Ông già ngồi như tượng thần giữ của giữa nhà, bên cạnh là con dao quắm sáng rợn.
Lưỡi dao trong veo thế kia, sắc còn hơn cả tia gamma. Ông ta gằn từng tảng:
- Đến rồi à?
- Vâng, cháu đến chào bác!
- Tao không cần chào. Kẻ thù chỉ gặp nhau bằng máu và
xác thôi!
Tôi rùng mình. Gặp phải dã phu rồi. Biết được tôi sẽ đến,
lại có khí ngôn như dân xã hội. Tôi cố sải những bước hiên ngang, nhưng vẫn nghe
rõ tim mình nhẩy loạn:
- Bác là chủ đồn điền cà phê?
- Tao là đầy tớ của thứ cây đó!
- À, dạ vâng, đầy tớ! Vậy bác là chủ của thứ gì?
- Tao là chủ tao thôi!
- Dạ, cháu đến chào bác, bác nghỉ, cháu xin phép về!
Tôi tìm cách lỉnh. Ông ta chém cái rầm xuống sàn. Lệnh
đanh như mìn nổ:
- Đã đến thì ở yên đi! Máu tao đang thừa, cần mày lấy đấy!
- Dạ, bác ơi! Là cháu đến để chào bác một tiếng rồi đi
ngay, chứ không đấu đá gì đâu ạ.
Tôi lẩy bẩy ra vỏ:
- Đi cũng được, nhưng xác nhận đã!
Lão ta giận run lên như bão. Tôi bủn nhũn người, nhưng
phải đổi chiến thuật, cố rặn ra tí đanh cứng:
- Mà liên can gì bác chứ?
- Liên can là tao sẽ phanh thây kẻ cướp ra!
- Cháu cướp gì đâu? Thăm bác sao thành cướp được?
- Mày cướp hồn Đảo, rồi lại bỏ Đảo! Tao muốn công bằng,
tao chết, hoặc mày chết!
- Ôi giời ơi là giời ơi (tôi bộc mánh lu loa của Núi)!
Bác nghĩ cái gì, làm cái gì mà dao với súng, máu với mạng thế? Cháu có bao giờ
lại làm bác giận đâu!
- Tao không giận, cũng không đòi công bằng cho tao!
- Vậy thì bác đang nói về ma quỷ mường nào thế?
- Đảo đấy! Ma Đảo, quỷ Đảo đấy!
- Bác nói thế thì Đảo là người của cháu trước, bác đến
sau là có lỗi với cháu, mà lại đòi giết cháu ư?
Tôi gào lên ăn vạ. Lão ngủng ngẳng:
- Tao cũng chỉ nghĩ thế thôi, không thì tao đã chém mày
như chém nước rồi! Nhưng là tao đòi cho Đảo. Đảo yêu mày, còn mày thì lạnh nhạt!
- Trời ạ! Đảo đâu rồi? Đảo ơi là Đảo ơi…!
***
Ông già tên Ngõng. Ông Ngõng có ba con trai, thằng cả làm
chủ tịch ủy ban nhân dân xã, hai thằng em chưa vợ, không học hành gì, đi chăn
bò và vợt tất cả những tiếng kêu, tiếng hót, tiếng bay, chạy, đào bới… của
muông thú, phần nuôi giải sầu, phần để cải thiện. Ông Ngõng coi Đảo như con bò,
còn hai thằng con ông coi Đảo như phân bò. Chính vì thế mà Đảo không có cửa về
nhà ông Ngõng làm bà Ngõng kế.
Sau cái ngày Đảo lấy gã mặt đầy lông lá, đánh bố Đảo đến phọt
máu vì bố Đảo đã ôm sổ đỏ của gã cắm ngân hàng, rồi vỡ nợ, thành ra Đảo phải lấy
gã để hóa giải hận thù. Tôi nhớ lúc Đảo hỏi tôi bao giờ
có thịt, rượu xin bố mẹ cưới Đảo? Tôi ngắc ngứ một hồi: "Anh không có tiền, phải đi làm thuê đã".
Hai hôm sau câu trả lời ấy, Đảo đi lấy chồng. Tôi gào lên, sao lại thế Đảo ơi…
. Về ở với gã chồng bằng tuổi chú, Đảo như một con cu li đền nợ cho hắn. Sau
khi bị ngân hàng tịch biên nhà, hắn nát rượu. Hết tiền uống rượu, hắn đi bắt rắn
bán. Bắt rắn vốn là nghề truyền thống nhà hắn. Hắn xua Đảo đi cùng, dần dà, Đảo
bắt được cả hổ mang chúa. Đảo miễn dịch nọc rắn, không chết nhưng cũng thập tử
nhất sinh. Đảo hôn mê. Đảo hoại tử. Đảo di chứng. Rồi Đảo vô sinh. Đảo nhăn
nheo, khô quắt và xám
xịt.
Rồi một ngày chồng Đảo chết. Hắn chết vì rắn, nhưng
không phải rắn cắn. Hắn gặp một cái hang rắn to ngoại cỡ, hắn đào, rồi túm cổ
lôi ra một con rắn béo nục nịch. Con rắn to như cây gỗ, nhưng dài chỉ hơn một
mét. Hắn vác lặc lè con rắn nặng gần năm mươi cân, có màu da sặc sỡ như màu của
cầu vồng về, rồi rao khắp trong tỉnh ngoài vùng nhưng vẫn không bán được con rắn
kỳ quái ấy. Lạ là, bất cứ ai tìm đến nhà hắn vì con rắn thì đều gặp nạn. Người
nổ lốp xe tự ngã đi viện. Người tai nạn lật ô tô. Người bỗng dưng bố mẹ, vợ
con… lăn ra ốm bát cửu phần tử. Cả hắn nữa, vốn khỏe như voi mộng, bỗng dưng
lăn đùng ra, sòi bọt mép. Cả đêm co giật, không thuốc gì hạ được. Đảo nhờ trai
tráng khiêng con rắn trả về rừng, chồng Đảo bật dậy uống rượu tì tì.
Ngày tháng trôi đi, rắn rồi cũng không còn. Nhà Đảo cùng
cực, bết tắc. Chồng Đảo điên cuồng quay trở lại hang của con rắn lạ. Lần này hắn
quyết sở hữu bằng được những rắc rối phù du mà theo hắn, chỉ là sự chùng lặp hi
hữu. Khi hắn lội qua con suối Huổi Khôm (Suối Đắng), hắn thấy một hòn đá bằng
phẳng, ai kê ngay giữa chỗ nước xoáy. Hắn lâng khâng giẫm lên hòn đá, hòn đá giật
mình phóng vụt ra vụng nước. Hắn giáng đầu vào đá, máu nhuộm đỏ ối một khúc
dài.
Chẳng còn hắn, chẳng còn rắn, Đảo lao vào dự án, đói
luôn một mạch đến giờ. Cả "Vùng kinh tế nông nghiệp cao cấp" mấy trăm
hộ, dần chỉ còn hộ lão Ngõng ở lại lập trại nuôi ngót ngàn con bò. Cả trăm héc
ta cà phê bỏ cỏ. Cỏ tốt như bón. Đảo được lão cho gian díu nên bám lại. Đảo biếu
lão tình dục, lão cho Đảo cơm. Khi nào con cái lão trong rừng về, Đảo tự nhiên
xéo về nơi Đảo ở. Cứ thế, dự kiến tiêu táng kiếp này!
***
Lão Ngõng phập con dao vào cột nhà! Tôi rủn mồ hôi.
Lão hơn bảy mươi nhưng sức lực vẫn như tráng sĩ. Thảo nào lão không thể thiếu
tình dục. Lão gầm gừ như con thú bị thắt ống tinh. Tôi ôm đầu ngồi như một kẻ bại
trận, chờ lão xuống tay. Lão lăm lăm con dao quắm sắc như tia sét, hết lượn
quanh tôi, lại ngồi phịch xuống sàn, vớ be lẩu sơ, nốc như nước lã. Lão thở phì
phì, mùi men phả ra đặc quánh như hơi trong nồi rượu. Lão nuốt òng ọc từng cục
hận xuống dạ dày. Lão nung chín mọi toan tính. Cuối cùng, lão vung dao lên:
- Nói đi! Nói hết ra đi!
- Nói gì cơ?
- Mày với Đảo giao phối chưa?
- Ôi, bác! Sao lại dùng từ í ạ!
- Có hay chưa, thế thôi?
- Dạ chưa!
- Vậy mày có con gà không? Vạch quần tao xem có con gà
không?
- Có, có, để cháu cởi quần ra…
- Ừ, đúng rồi, có rồi, to tướng là đằng khác. Vậy sao chỉ
nằm với Đảo như hai đứa anh em?
- Cháu đợi Đảo cho phép!
Lão Ngõng ném con dao rầm một cái xuống sàn:
- Phạ ơi, mày ngu hơn con thú! Con gái Thái không bao
giờ nói cho hay không. Nó không nói gì tức
là nó nhất trí, cứ thế mà lấy, cứ thế mà cướp. Cướp xong rồi thì thành của
mình, dù nó có thích hay không…
Tôi đổ sập xuống sàn, mà chả cần bị chém. Giời ơi là giời!
Vậy là tôi giết Đảo, tôi giết tôi ngần ấy năm trời. Cho đến giờ tôi vẫn chỉ chờ
Đảo cho phép được yêu, được cướp em về làm vợ, mặc dù, lần nào nằm bên Đảo tôi
cũng phải đè con quỷ đang điên loạn trong người tôi xuống.
Lão Ngõng cho phép tôi ngồi lên sập, nhắm rượu da trâu thối
nấu rọc khoai môn với lão. Tôi nốc như không còn gì để mà giữ. Khi lờ mờ tỉnh,
tôi hình dung có ai đó đang đổ vào miệng mình thứ nước đắng như mật công. Lát
sau thì tỉnh. Đảo ngồi bên. Lão Ngõng vẫn chung chiêng trên phản. Đảo bảo lão sai
con gọi Đảo đến chăm sóc tôi. Đảo bảo lão cứ ngồi uống như thế, ba ngày ba đêm
rồi.
Lão Ngõng gục xuống, rồi lại trồi lên, uống tiếp. Lúc sực
nhớ, lão đuổi sồn sồn tôi và Đảo về:
- Chúng mày xéo nhanh đi!
Đảo lôi tôi xềnh xệch xuống thang. Tôi vùng tay Đảo chạy
lên, túm tay lão gào lên:
- Còn Đảo?
- Của mày!
- Còn ông?
- Tao phối bò cái!
- Ông là đồ điên!
Lão ngửa cổ cười man rợ. Lão phóng con dao cắm phập vào cột
nhà, chửi thề!
***
Tôi nằm ôm Đảo trong vòng tay dư thừa cảm xúc. Tôi chỉ sợ
buông em ra, sẽ lại mất em. Kệ, nghe lão Ngõng, lần này thì tôi xấn lên, nhưng
Đảo khước từ:
- Khi nào thì anh lại đi, đi tìm Xa ấy?
- Sao em biết Xa?
- Em biết hết. Em biết cả cái tên anh đặt cho cô ấy:
Thỉ Xa (hoa thỉ xa!)
Tôi lặng đi. Hồi Đảo lấy chồng, tôi tuyệt vọng bỏ xứ.
Tôi gặp Xa rồi yêu nhau say đắm. Nhưng sau đó, tôi lại lần nữa bỏ đi. Bên Xa,
tôi không thấy hạnh phúc như bên Đảo…
Tôi rủ Đảo bỏ vùng kinh tế cao quí, về núi Mây với
tôi, ở trong cái lán cũ của bạn tri kỉ Người Ngu của tôi, vay một cặp bò, thả
và chăm sóc phần mộ cho ông ấy và bà Ban - người vợ hứa hôn cách mặt trên trần,
nhưng đoàn tụ dưới âm của ông nữa. Đảo bảo tôi, Xa đang sống ở căn lán đó. Xa bỏ
ngôi nhà trong rừng Đin Phăng (Đất Vâng Lời) vì ngoài loài hoa thỉ xa và dị ức về
tôi ra, chẳng còn ai để mà lo toan nữa. Xa về bên đôi mộ của Người Ngu và bà
Ban - hai bề trên tinh thần của Xa, ý chừng cũng là để đợi!
Đảo bảo tôi, Đảo
đã thuộc về lão Ngõng, tôi đi tìm Xa đi…
Tôi thấy mình như cơn gió. Mà đã là gió thì làm gì có
tim và có máu. Đảo bảo gió có máu. Máu gió màu đen và có vị rất đắng. Máu Đảo
cũng rất đắng, Đảo nếm thử rồi. Máu tôi không biết có đắng không, vì tôi chưa từng
thử. Nhưng Đảo cả quyết, máu tôi còn đắng hơn máu của Đảo.
Ừ, mà máu của gió thì chỉ có đắng thôi!
Gió vẫn năm này qua năm khác, leo mãi lên cao gieo mầm!
Núi Mây, 11.2017
Chúc mừng nhà văn Nguyễn Đức Lợi!
Trả lờiXóaMình nhớ không nhầm thì đây là lần thứ 3 Đức Lợi có truyện ngắn được bình chọn vào tốp “10 truyện ngắn hay nhất năm”. Trong thời gian 1 năm, Tuần Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đăng tải hàng trăm truyện ngắn, do đó, thật vinh dự cho những tác giả nào có tên trong tốp “10 truyện ngắn hay nhất năm”. Mình biết không ít tác giả cũng có truyện được đăng trên tờ báo này, nhưng chỉ mong có một lượng bạn đọc tương đối thôi đã là khó. Đằng này, nói như bình luận bóng đá, Nguyễn Đức Lợi 3 lần được bình chọn thì cái đó là “đẳng cấp” chứ không chỉ là “ăn may”.
Một lần nữa xin chúc mừng. Chúc cho nhà văn Nguyễn Đức Lợi thành công hơn, viết được nhiều hơn, hay hơn và nhiều lần nữa có tên trong tốp “10 truyện ngắn hay nhất năm”.
(Trương Hữu Thiêm - 02.02.2018)
Cháu cảm ơn chú nhiều ạ!
XóaCháu thực sự đã cố gắng rất nhiều trong suốt quãng đời văn chương đã qua, như từng hứa sẽ không làm chú thất vọng, mỗi khi chú cháu nói chuyện văn chương, hay trên mỗi chặng đường chú cháu rong ruổi trên chiếc xe minsk ngày nào...
Cháu cảm ơn chú và cháu cảm ơn ông trời đang đem chú cháu mình đến với nhau! Suốt hai mươi năm qua chỉ có vui chứ chưa từng có buồn, và chắc chắn rồi, sẽ chẳng bao giờ có một chuyện buồn nào xen được vào giữa chú cháu mình, chú nhỉ!
Cháu vẫn hứa, cháu sẽ còn cố gắng hơn nữa, nhưng không vì cái gì cả, không vì phải thành gì cả, chỉ cố gắng có được những tác phẩm thực sự khiến người đọc muốn đọc ạ.
Năm mới đến rồi, cháu cũng đã bắt đầu sang bên kia sườn dốc sức khỏe, còn chú thì đã sang rồi, vậy nên, điều cháu cầu mong duy nhất là chú cháu mình có thật nhiều sức khỏe, và khi đó, chú cháu mình sẽ có tất cả ạ!
Cháu kính thư!
Cháu: Nguyễn Đức Lợi
Dào ôi, khen anh Đức Nợi thì có nghỉ phép mà khen. Anh Đức Nợi làm gì cũng giỏi, làm truyện ngắn, làm thơ, làm cà phê, làm tảo xoắn đều giỏi. Đặc biệt anh ấy làm thế nào mà có 2 đứa con gái lớn rồi trai bé. Thật tài.
Trả lờiXóaKhi nào Thị Mầu em lấy chồng, em bảo chồng em đến học anh Đức Nợi trong việc "sản xuất giống nòi" mới được... Hi... hi...hi...
Anh Lợi nhà văn Việt Nam
Trả lờiXóaNhưng anh lại bận đi làm kinh tê (tế)
Thỉnh thoảng anh bị vợ chê
Bỏ ra đống củi ngồi ủ ê một mình
Nhà văn cũng bị thất tình...