27 tháng 12, 2014

NÀNG PA-CHÍA

 
        Những người đàn ông ngồi xoay dọc theo chiều dài ngôi nhà. Rượu tràn ra ngoài cửa sổ. Chuyện lan tới tận bìa rừng. Hoa pa-chía như tuyết, phủ trắng một màu sương muối, khắp núi rừng.

Không còn tiếng trâu phì trên những con đường mòn len lỏi giữa miền cây cỏ. Trâu, bò, dê, ngựa cũng được ăn cỗ. Những gác cỏ phơi vàng ruộm, như cất mật bên trong. Chỉ việc ghếch mõm lên xà chuồng mà rút xuống. Để rồi chỉ việc nhai khoan thai hết cả tháng uống rượu.
Những chỗ ngày thường là nương, là bãi mấy ngày trước đã được san sửa bớt thụt thõm, gập ghềnh. Từ trong sương, tiếng kèn lá, khèn bè dập dìu cứ như đã cố ý tách ra từng cặp, từng đôi, song tấu.
Nếnh ngồi thu lu bên cái chảo to như bồ thóc, đầy ắp thịt mỡ. Khói hắt từ đít chảo cay xè. Mẹ Nếnh bưng những bát nước canh nóng hổi, tiếp vào từng mâm. Chiếc muôi gỗ trên tay bà chẳng bao giờ khô. Xong một lượt, bà vào ngồi cạnh Nếnh:
- Việc nhà, việc bếp những ngày này là của gái có chồng. Mày năm nào cũng thế, cứ ngồi như bậc đá cũ vậy sao?
- Con muốn làm “nhìa đáng” (ma cửa) của nhà mình.
Mẹ Nếnh gào lên. Bà giấu chồng khóc rấm rứt. Bà hận mình kiếp trước ăn ở thế nào mà đẻ ra Nếnh như gái thánh, gái quỷ trong nhà. Bà muốn tống khứ Nếnh đi cho nhẹ nhõm, nhưng phong tục dân tộc bà không cho phép bà đi nỉ nê trai bản đến cướp con gái mình. Bà cũng đã tìm đến thầy ngải mà nhờ, nhưng thầy ngải bảo, bà mà xin bùa thì trai bản mê bà chứ không mê Nếnh. Bà chỉ còn biết nhìn con gái mà nuốt vào lòng những âu lo của người mẹ.
Nếnh vẫn im lìm. Bọn con gái tuổi Nếnh, đứa nào cũng chồng con cả, chỉ Nếnh là ở không như thế. Mẹ Nếnh bắt đầu càu nhàu: “Mày cứ sợ xem, sợ chơi, sợ nghe khèn, nghe sáo con trai thì sẽ thành gái nấu cao đấy”. Nếnh đi. Đi mấy ngày mà không cần ăn lấy một miếng, từ những mâm cỗ bàn đầy ngập mắt, mà bố cô sửa soạn cả tuần trước. Như mẹ đám trai khôn gái lớn là, những ngày hoa pa-chía nở, thanh niên no chơi và no nhau nên không biết đói. Nếnh thì khác, bụng réo cồn cào.
Nếnh đi vào rừng hoa pa-chía. Trắng ngập ngụa. Trắng ngổn ngang. Má Nếnh đối lập với nền trắng lung linh, ma mị. Nếnh chọn một chỗ ngồi, hoa phủ trắng xóa. Nếnh bật cười. Tiếng gõ vách đêm qua vẫn như cài ở trong tai. Nếnh cũng để tâm đến những tiếng gõ vách, nhưng có lẽ là sự để tâm thử nghiệm, theo kiểu, xem mình đã bị lãng quên chưa. Mà cô thấy mình cũng sắp đến thì quá khứ rồi. Thưa nhạt và chiếu lệ.

*

Tết năm nay nữa là Nếnh tròn 24 tuổi. Với Nếnh, những năm trước, dụng cụ làm nương, ruộng, đi rừng của Nếnh không mặc áo nghỉ. Nếnh là gái quỷ nên không sợ dao, cuốc ăn chân tay. Nếnh sợ đất, sợ nước. Mùa hoa pa-chía nở thì trồng gì cũng chẳng lên được. Trâu bò còn phải ở nhà lồng nhà trùm, nếu không muốn rét lấy hết máu. Nếnh sợ sự vu vơ, nhưng lại không sợ cái khắc nghiệt của đời con gái. Vào tháng này, Nếnh muốn đắm vào giá lạnh, vào cô tịch của núi rừng quê cô, và tổng kết xem có bao nhiêu loài cây bị lột tung rễ, củ để bán cho người bên kia biên giới thu mua dược liệu? Có bao nhiêu mảnh rừng, khe suối biến thành nương cứu rỗi cho những cuộc thiên di? Có bao nhiêu cây gỗ pơ mu ngàn năm tuổi, gần như chỉ có ở quê cô, bị đốn hạ?
Năm nay không còn ai đến gõ vách. Nếnh như người sống về đêm, sống ở cõi âm. Những gì Nếnh thấy thì người khác không thấy. Thế nên Nếnh thích những điều khiến cha mẹ cô sợ. Hồi cô học cấp 3 nội trú trường huyện, ai cũng bảo gian nhà kho có ma. Nếnh lại thấy ở đó có những người bạn. Người bạn lạnh lẽo và u huyền. Giờ cũng thế, chỉ có hoa pa-chía trong rừng thiêng là còn cảm giác lạnh lẽo và u huyền. Nếnh yêu sự cô độc. Nếnh không thích rượu, vì rượu là thủ phạm gây nên cảm giác mơ hồ mà mọi người thường chọn để làm kẻ đồng hành của sự cô độc. Nếnh thích tỉnh táo, hơn thế là sự sáng suốt cô độc.
Người đồng hành với sự sáng suốt cô độc của Nếnh là những giấc mơ. Chàng của Nếnh theo giấc mơ tìm đến. Chàng cũng gõ vách. Tiếng gõ vách mỏng như hơi thở. Nếnh cũng nín thở, ắng thinh. Hai sự nhẹ nhàng, hai sự thầm lặng, lặng lẽ quan sát nhau rồi lặng lẽ tan biến. Chỉ có cơ thể Nếnh là lên tiếng. Sự cựa quậy của giới tính, hay nói cảm xúc hơn là sự rung động của giác quan khiến Nếnh yêu mình hơn. Nếnh mang anh theo khắp ngõ ngách của rừng, và khắp cả ngõ ngách cuộc đời mình.
Bố Nếnh đã tính chuyện làm nhà riêng cho Nếnh. Mẹ Nếnh phản đối. Bà đề nghị ông làm một việc không tưởng, đó là công nhận Nếnh như là một thằng con trai. Bà phòng một ngày Nếnh đi xa, hồn Nếnh còn có một ghế ở gian bếp chính, khỏi lạnh lẽo. Bà thuyết phục ông thịt trâu làm lễ. Nhưng, chẳng thầy mo nào lại chịu làm cái việc thánh thần cũng chẳng làm nổi ấy. Con gái là con gái thôi. Ma con gái thì vĩnh viễn không vào được nhà bố mẹ đẻ, không có nhà chồng thì vĩnh viễn lang thang thôi. Chả thế mà khi xã gọi xuống nhận giấy khen làm ăn giỏi trong cuộc tổng kết công tác nông nghiệp, bố cũng đi tranh...
Với Nếnh, dù không được làm con trai trong nhà, thì vẫn xốc vác như một con trâu đực. Người ta bảo, đẻ con gái đỡ mẹ, đẻ con trai đỡ bố. Nhà có Nếnh, bố bớt đi nhiều phần cực nhọc.

*

Nếnh vẫn đi theo tiếng gọi của hoa pa-chía. Nếnh biết, giờ này ở nhà, bố mẹ đang chìm trong lời chúc tụng của dân bản. Nếnh thích cảm giác mình trắng xóa như hoa. Và vì thế, nhất định, Nếnh sẽ không tự phản bội bản thân mình. Trong đầu cô chưa bao giờ có khái niệm ăn lá ngón hay gì đó tương tự. Nếnh trở về nhà với bộ mặt phờ phạc vì đói rét và mất ngủ, nhưng mắt rực sáng như cô gái mới bị trai bản kéo đi. Mẹ Nếnh hỏi dồn dập:
- Là trai bản nào? Mày thể hiện tốt chứ? Bao giờ thì người ta đến nói chuyện?
Nếnh ắng thinh. Bà mẹ sốt ruột:
- Hay là người ta trả về không? Đúng rồi, thế là người ta không thèm mày rồi...
Bà ôm mặt khóc. Những giọt nước mắt giấu chồng lăn dài nhiều năm nay, giờ càng dài. Bố Nếnh say khướt, nằm vắt ngang ngưỡng cửa, mẹ Nếnh chẳng buồn đỡ. Nếnh liêu xiêu bước lại bên bố, xốc nách ông vào nhà. Nếnh xuống bếp, vét nốt miếng cháy khê khét, rồi vào giường, nằm quay mặt vào vách, ngủ bù. Trong mơ, cô nghe tiếng gõ vách, mỏng như tiếng thở. Cô nép mình vào hơi thở của mình, trốn anh.
Trong giấc mơ, cô nghe thấy bố mẹ cãi nhau:
- Ông chỉ biết say thôi.
- Không có con trai thì chỉ say thôi, bà hiểu chưa?
- Có con trai hay không cũng tại ông thôi. Nhà người ta không được đêm thì ngày, không được ở nhà thì ra lán nương, không được nằm giường thì lên rừng đứng…
- Hóa ra tại tôi không cố gắng à? Tôi sẽ cố gắng chết ngoài sân nhà bà!
- Ông đừng có cùn. Con Nếnh nó thành con trai rồi đấy.
Tiếng cựa mình của Nếnh làm đứt cuộc tranh luận không đầu không cuối. Cô còn nghe thấy cả tiếng vươn vai của mình; tiếng khoác vạy cày vào cổ con trâu đực đầu đàn; tiếng cô quát sang sảng lưng sườn núi và, cuối giấc mơ là tiếng hai đầu gối mình chạm đất. Cô được thầy mo cho phép cải nữ thành nam.

*

Đêm giữa tết, Nếnh chỉ nằm không ngủ. Tiếng gõ vách nhịp ba, giục giã. Nếnh dỡ tấm ván thưng chui ra ngoài. Lần đầu tiên Nếnh ra gặp tiếng gõ vách. Sương giữa đêm khiến bóng anh chập chờn như ma trơi. Anh đứng phăng phắc, giống một đứa trẻ dỗi. Nếnh đến bên, nắm chặt hai bàn tay anh:
- Đừng đợi em nữa.
- Nếnh khăng khăng thế sao?
- Em không thể khác được. Bố mẹ không có con trai, chết không người cúng giỗ sẽ thành ma lang thang trong rừng.
- Sang thế kỷ tiến bộ rồi, sẽ không còn chuyện như thế.
- Không, phong tục họ Giàng mình thế. Mà em cũng được mo công nhận là con trai rồi.
- Nếnh làm khổ mình! Nếnh làm khổ tôi!
- Em xin lỗi. Anh về đi, nhanh lên, mùa hoa pa-chía sắp hết rồi.
- Thế là em không làm con gái được nữa à?
- Đừng níu kéo em nữa. Em chỉ là Nàng Pa-Chía thôi, anh cứ nghĩ thế đi, nhé.
- Nàng Pa-Chía! Nàng Pa-Chía!

*

Sương giữa đêm lúc một đặc quánh, lấp dần bóng hai người bên bìa rừng. Tiếng đêm nấc xa xa. Trên rừng, hoa pa-chía nở nốt những chùm nụ muộn, như có ý chờ những người đến sau./

Dãy Pơ Mu, ngày rộ hoa pa-chía, 2014

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét