5 tháng 11, 2014

THƯ GỬI BA!


Thư gửi Ba!
(49 ngày của Ba)



Ba ơi!
Trên lộ trình 144.000 phút (tức 2.400 giờ) quy về cõi tiên, Ba đã đi được đến “cảnh” thứ mấy của cõi Trung giới rồi ạ?

Con biết chắc chắn lắm, nên con không khóc đâu Ba ạ. Ba cũng không muốn con khóc phải không Ba? Ba vốn dĩ không thích những sự “nhùng nhằng”; và trong cuộc ra đi có một không hai của đời mình, Ba càng không muốn cứ mãi “âm chưa nhận, trần chưa dứt”, cho nên con chỉ khóc lúc biết tin… khóc lúc nhìn mặt Ba. Giờ thì con cắn răng, chỉ cắn chặt răng thôi, Ba ạ!
Con biết chắc chắn, ở cõi sống bên kia cửa tử, Ba của con sẽ chỉ gặp những “cảnh thanh bai” nhẹ nhàng và tốt đẹp, vì Ba vốn dĩ đã “sửa mình” ở cõi trần ai gần trọn một thế kỷ rồi cơ mà. Ba yên tâm đi ạ, con dám cá rằng, Ba của con sẽ không bị Đức Từ Phụ đánh đồng vào đám vong linh thô thiển đâu!
Lễ Chung Thất của Ba (Lễ cúng 49 ngày - Phong tục này được người Việt Nam dựa theo thuyết Phật giáo: Âm hồn sau khi đã qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Sau đó linh hồn phải đi qua 1 điện lớn ở âm ty, sau 7 tuần vong hồn sẽ được siêu thoát. Đây là quãng thời gian đưa linh hồn người chết lên nương nhờ cửa Phật. Vì thế nên lễ cúng giỗ rất quan trọng, nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, thương xót và tưởng nhớ của những người còn sống đối với người đã khuất); chẳng biết ông “Thầy” gọi và nói với Ba điều gì mà ra rả suốt buổi. Cũng chẳng biết có phải ông ấy gọi nhiều như thế để dù có giận dỗi con cháu bằng nào đi nữa, Ba cũng sẽ trả lời?
Còn con thì vẫn dùng theo cách của con, là lấy điện thoại ra, gọi cho Ba. Thật kỳ lạ là chuông vẫn đổ từng hồi, từng hồi. Chỉ có điều là, Ba ngủ say quá, nên không nhấc máy!
Con nhớ, hồi thằng cháu nói mua điện thoại di động cho Ba (thay chiếc điện thoại bàn con sắm cho Ba nhân một dịp thăm nhà), con còn dặn nó: Sóng điện thoại di động rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thần kinh, ông già rồi, chú ý không để điện thoại trên đầu giường. Điện thoại sẽ phá vỡ giấc ngủ sâu của ông. Nhưng cũng không nên để điện thoại quá xa, quá cao… để phòng mỗi lần con cháu gọi về, ông luống cuống… . Tính ông vẫn thế. Nhớ chưa!
Khi Ba đi xa, nó vẫn còn nhớ lời dặn ấy, nên để chiếc điện thoại ở ngang người Ba, ngay chỗ đôi bàn tay úp, trong áo quan. Sóng điện thoại thời hiện đại tốt quá, dưới ba tấc đất sâu, vẫn đổ chuông giòn như khi Ba nhấc máy: “A… lô… ! Lợi đấy à?”. Con biết, chiếc điện thoại dù có tốt đến mấy cũng không thể trường tồn như linh hồn Ba được. Nhất là nó lại nằm trong lòng đất, một ngày kia nó sẽ phải “hữu hoại” như phần vật chất của Ba. Nhưng Ba ơi, con vẫn sẽ gọi. Như khi xưa con vẫn gọi, Ba nhớ, khi nào thức thì Ba bắt máy nhé, và khi đó con lại được nghe giọng Ba: “A… lô… ! Lợi đấy à?”.
Vâng! Ba mệt rồi, ngót một thế kỷ rồi Ba nhỉ, Ba ngủ đi, một giấc thật sâu, thật dài mà Ba chưa từng được ngủ ấy, Ba nhé. Con sẽ vẫn gọi cho Ba thường xuyên để nghe giọng Ba a lô trầm dài và ấm áp. Trên dòng đời va đập, đôi khi, ước mơ của con chỉ đơn giản vậy thôi.
Ba là người Thái Bình, nhưng cũng là bộ đội tập kết. Ba không nhận quê, Ba nói giọng miền Nam, và chúng con không gọi Ba là thầy (bầm) mà gọi Ba là Ba (má)… . Những thứ đó luôn là sự “bí ẩn”, không chỉ đối với mẹ, với anh chị em con, mà cả với Ba(?)
Con nhớ, năm con học vỡ lòng thì phải, Ba bảo: “Tao chỉ cần sống đến năm thằng Lợi 18 tuổi, để chúng mày (các anh chị lớn) không bắt nạt được nó”. Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, năm nay con 43 rồi…
Con nhớ, năm con lên cấp hai, Ba bảo: “Nếu học để làm quan thì nghỉ đi!”. Ba vẫn thế, Ba muốn chúng con học để làm chủ cuộc đời mình, thế thôi…
Con nhớ, năm con lên cấp ba, Ba bảo: “Cả xóm còn lại mình mày, học cho ra con người, đừng có học cũng như không học, con ạ”.
Con rất nhớ, năm con thoát ly, Ba dặn: “Con nhớ kỹ điều này: Ra đường là ra chơ vơ, ra đường là ra thử thách. Cố gắng sống làm sao cho bữa ăn được ngon, giấc ngủ được yên!”.
Con cũng vẫn rất nhớ, năm con lấy vợ, Ba dạy: “Hạnh phúc của con là hạnh phúc của tổ tiên dòng họ”.
Con cũng vẫn rất nhớ, năm con sinh cháu đầu lòng, Ba dạy đi dạy lại: “Cứ lo cho các con của con khỏe mạnh, đầy đủ và ăn học bằng người, thế là báo hiếu!”
Ba ơi, còn bao nhiêu điều Ba bảo, Ba dặn, Ba dạy… bao nhiêu điều con nhớ mà con còn nợ Ba, nợ gia đình chưa thực hiện được. Cũng như hôm con khóc. Khóc vì mất Ba vĩnh viễn rồi, con còn khóc cho những điều con không làm được. Ví như: Con, vợ con con chưa nấu cho Ba được một bữa cơm đúng nghĩa (nuôi Ba)! Con, được tiếng là viết lách, mà đến cái Điếu văn cho Ba cũng không viết nổi. Có cuốn sách, Ba dặn mãi, cuối cùng thì con cũng chỉ mang về… đốt bên mộ Ba thôi…
Ba ơi, con xin lỗi!
Ba nhớ giữ gìn sức khỏe, để đi tiếp quãng đường gian nan, đến với cảnh giới phồn hoa tiên hạnh. Còn con, con sẽ mãi đinh ninh mà đi tiếp con đường tìm ra những “bí ấn” xung quanh cuộc đời của Ba, chí ít thì cũng là một cái đại loại như cái con đang viết, be bé, hôm nay.
Lễ Chung Thất của Ba, con dập đầu cầu nguyện cho linh hồn Ba được trường hằng, với tư cách là con trai của Ba. Con cũng dập đầu cầu nguyện cho linh hồn Ba nhẹ nhàng, siêu thoát trong vòng lục đạo luân hồi, để chạm tới cảnh giới an lành, đầu sinh nhân mạng… với tư cách của một đứa viết!
Ba hãy ngủ một giấc thật ngon đi ạ! Thỉnh thoảng con lại gọi điện về, Ba nhé!
Con tạm biệt Ba!

Con trại út của Ba
Nguyễn Đức Lợi


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét