2 tháng 1, 2014

THÀ LÀM MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG...

ĐBP - Tháng cuối năm, như chuyện “đến hẹn lại lên”, hai cơ quan là Hội Nhà báo tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lại bận rộn với việc xét hỗ trợ sáng tác cho hội viên của mình. Riêng cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn có chương trình hỗ trợ xuất bản cho những đầu sách mà trước đó, tác giả đã tự bỏ tiền ra in. Xung quanh câu chuyện hỗ trợ, có bao nhiêu vấn đề đáng bàn...

Bà con vui văn nghệ trong ngày tổng kết dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Si La.

       Với Hội Nhà báo thế nào thì tôi không quan tâm lắm, nhưng với Hội Văn học Nghệ thuật, nói thực là rất phức tạp. Không chỉ năm nay mà nhiều năm đã qua, cứ sau khi kết quả xét duyệt được công bố, y như rằng có một số hội viên lên Văn phòng Hội phát biểu như “chan tương đổ mẻ” vào nhau. Chả nói thì ai cũng biết, thường đó là những người được hưởng mức hỗ trợ thấp, thậm chí không được hưởng kể cả mức thấp nhất do một trong những nguyên nhân nào đó (phạm quy chẳng hạn).
Năm ngoái (2012) do những “trục trặc” kỹ thuật nên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh không tổ chức xét hỗ trợ, đó là một sự thiệt thòi cho hội viên. Song nhớ lại “mùa hỗ trợ” 2011, giờ tôi vẫn còn nghe “tim đập chân run” vì một số hội viên “đòi” quyền lợi quyết liệt một cách... trên mức cần thiết (nói như Bộ luật Hình sự là Phòng vệ quá giới hạn cho phép). Nào thư đưa lên mạng, nào tin nhắn di động, nhất là đơn từ kiện cáo gửi đi nhiều cấp, nhiều ngành với những lời lẽ không mấy văn hóa. Tôi rất muốn chép vào đây mấy đoạn nguyên văn từ những lá đơn kể trên để làm bằng chứng, song e rằng nhiều bạn đọc không chịu nổi bởi cái sự tầm thường, chợ búa... của chúng.
Mà kể cũng lạ, nhiều lúc tôi cố đi tìm câu trả lời cho việc vì sao Điện Biên mình nhiều người làm thơ thế, nhưng chịu không thể tự lý giải nổi. Bằng chứng cho nhận xét tỉnh ta “lạm phát” số lượng các “thi nhân”, đó là thông báo kết quả lễ trao giải cuộc thi thơ của Hội Khuyến học Việt Nam, tổ chức ngày 03/9/2010, tại Thư viện Hà Nội. Theo đó, sau 7 tháng phát động trên phạm vi toàn quốc, cuộc thi đã thu hút 4.326 tác giả với hơn 12.000 tác phẩm tham dự. Bên cạnh giải thưởng chính thức (1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 25 giải tư và giải năm), Ban giám khảo đã trao một giải đầy tính phong trào, là dành cho những địa phương vận động được nhiều tác giả tham gia cuộc thi. Vượt lên trên định kiến là những địa bàn “mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn”, ba tỉnh: Lai Châu (1.302 tác giả), Điện Biên (818/4.326 tác giả, chiếm xấp xỉ 19%) và Hà Giang (514 tác giả), được vinh danh là những tỉnh đầu bảng về số lượng các “thi nhân” tung hoành trong cuộc thi này. 
Đúng vậy, nhiều người làm thơ nên đương nhiên ba tỉnh được Ban tổ chức khen ngợi, chuyện chả có gì mà... lắm chuyện. Nhưng khổ nỗi, như bạn tôi công tác tại một tờ báo dưới xuôi, kể rằng có ông bộ trưởng một ngành nọ tự dưng nổi máu làm thơ. Đều đặn tháng nào ông cũng gửi đến tòa soạn chừng mươi bài thơ, tiếc là chất lượng quá thấp nên không dùng được. Bạn tôi rất buồn, từng có lần gọi cho tôi, bảo: “Với cương vị bộ trưởng, ông ta cứ lo điều hành tốt cái ngành của mình đi, thế là quý lắm rồi. Đất nước cần thêm một bộ trưởng giỏi, chứ đâu cần thêm một “thi nhân” tồi?”. Tuy nhiên, bản thân ông bộ trưởng hoàn toàn không nghĩ vậy, bởi vì như ông ấy nói: “Tôi đưa thơ của tôi cho mấy em văn phòng đọc, ai cũng xuýt xoa khen hay. Có cô còn vừa đọc vừa xúc động khóc thút thít”... 
Thế có khổ không cơ chứ? Hay là bộ phận biên tập của tờ báo nọ không đủ năng lực thẩm thấu những bài thơ của cộng tác viên bộ trưởng? Nhưng rồi, sự thật là sự thật, thi nhân - bộ trưởng lặng lẽ gửi thơ của mình cho mấy chục tờ báo khác nhau, nhưng nửa năm sau vẫn không thấy tín hiệu hồi âm nào. Sau cú “trắc nghiệm” để tự xếp hạng thơ mình như thế, ông bộ trưởng bắt đầu ngộ ra rằng phải chăng thơ của mình không hay? Cũng là lúc các em nhân viên văn phòng bộ không hứng thú khi đọc thơ của thủ trưởng, đáng ghét nhất là cô nàng hay khóc hôm nào giờ cứ cười ngặt cười nghẽo...
Trở lại chuyện hỗ trợ sáng tác hàng năm ở Hội Văn học Nghệ thuật Điện Biên. Như chỗ tôi biết năm nào cũng làm đúng quy trình: Đầu tiên là từng thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật (bộ phận văn học) đọc tác phẩm độc lập, xếp hạng độc lập. Sau đó là lấy ý kiến ở cuộc họp Hội đồng nghệ thuật, tiếp theo là cuộc họp Ban Chấp hành Hội. Tại đấy, mọi người bàn bạc dân chủ, tranh cãi công khai ngay trước mặt nhau và cuối cùng là biểu quyết. Không chỉ với tác phẩm văn học mà mọi loại hình khác (dân gian, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, múa...) cũng đều làm như vậy cả. Ai cũng thấy cách làm như thế là công bằng, chỉ trừ mấy hội viên được hỗ trợ ở mức thấp mà thôi.
Và rồi, hầu như năm nào mấy vị cũng bảo: “Thơ của tôi hay thế mà sao mức hỗ trợ lại thấp?”. Xin hãy làm như thi nhân - bộ trưởng trên kia, thử gửi thơ của mình về các báo, tạp chí dưới xuôi xem sao? Đặc biệt là hãy tham gia các cuộc thi thơ (văn chương nói chung), rồi khắc có câu trả lời khách quan nhất. Chung quy lỗi tại một thời chúng ta kết nạp hội viên dễ dãi quá, xô bồ quá. Chỉ mấy câu nôm na hò vè mà cũng được kết nạp là “hội viên thơ”, rồi bạn bè quý nhau nên gọi “anh nhà thơ”, “chị nhà thơ”. Sau một đêm ngủ dậy, bỗng thấy mình thành “nhà thơ” mà không hiểu vì sao?  
Thà làm một người bình thường, còn hơn là “hội viên thơ” nhưng bạn bè nhớ mình không phải vì thơ mình hay, mà vì mình là “nhà thơ” rất hay đâm đơn khiếu kiện, động tí là kiện, chả đáng gì cũng kiện... 

Song Sơn

Xem bài trực tiếp trên báo theo các đường link sau:


6 nhận xét :

  1. “mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn” mà không lo học tập nâng cao dân trí, không lo lao động sản xuất để thoát khỏi khó khăn, lại cứ đi làm thơ thế này thì đúng là lũ "chập mạch" nặng rồi...

    Trả lờiXóa
  2. cái anh (chị) này ở đâu mà ngoa ngoắt thế nhỉ. làm thơ, nhất lại là "làm thơ không hay" âu cũng là một kiểu trời hành, giống như trời hành "...người điên không biết nhớ và người say không biết buồn" ấy. khổ lắm rồi, khổ lắm nói mãi!

    Trả lờiXóa
  3. Đấy như kiểu lúc Mùa vụ nông nhàn đấy mà. treo cuốc treo ách lên chẳng biết việc gì thì lôi ít chữ nghĩa dở dang từ hồi "sơ cua Tiểu học" ra khoe "Ta đây nào có thua ai". Vẽ chuyện, chán mớ đời. Tốt nhất các cụ đi tập dưỡng sinh với lại cờ quạt cho sướng, nhọc lòng làm gì tốn giây mực ba cái thứ chẳng ra hồn.

    Trả lờiXóa
  4. Nhà thơ quốc gialúc 16:25 27 tháng 1, 2014

    Bạn Song Sơn thân mến ạ!
    Ngược lại, mình rất khuyến khích những người làm thơ không chuyên nghiệp. Theo mình, không có những người làm thơ phong trào, thì khó mà có nhà thơ cấp quốc gia. Chính mình mới có quyết định là nhà thơ cấp quốc gia, cũng trưởng thành từ thơ phong trào, nên hơn ai hết, mình rất thông cảm với những ai đến với thơ bằng niềm đam mê, không vụ lợi và đại chúng.
    Mình thiết nghĩ, ta nên rộng lòng một chút khi phán xét. Địa phương nào không biết chứ với tỉnh Điện Biên, có nhiều cụ vì yêu thơ mà làm thơ. Đó là niềm vui tuổi già của họ, ta không nên “xúc phạm”. Được biết mới đây, để chào mừng xuân Giáp Ngọ 2014, chính các cụ ấy đã tự bỏ tiền túi ra in một tập “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” rất hoành tráng, gồm nhiều bài thơ rất sáng giá... Thử hỏi, không yêu thơ, say thơ, nặng lòng với thơ, thì làm sao các cụ có những việc làm rất văn hóa - văn nhân như thế...?
    Có lẽ bạn Song Sơn nên tìm đọc tập thơ “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” để cập nhật thêm đời sống thơ ca sôi động của tỉnh nhà. Chào thân ái. Chúc bạn năm mới hạnh phúc và có những bài thơ hay như những bài thơ trong tập “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” của các nhà thơ cao niên tỉnh Điện Biên.
    (Bút danh: Nhà thơ quốc gia - 27.01.2014)

    Trả lờiXóa
  5. NHÀ THƠ ĐỊA PHƯƠNGlúc 19:08 27 tháng 1, 2014

    Bạn “Nhà thơ quốc gia” thân mến!

    Trước khi có ý kiến “trái chiều” với bạn, tôi thành thật xin lỗi vì chúng ta chưa thành bạn, đã lại thành…! Một lần nữa, mong bạn thứ lỗi!
    Tôi nghi ngờ tính xác thực trong comments của bạn, nói về các “lão thi”, của Điện Biên, rằng: “… các cụ ấy đã tự bỏ tiền túi ra in một tập “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” rất hoành tráng…”. Lý do tôi nghi ngờ là:

    1 - Thi đàn: Hiểu nôm na là sân chơi thơ phú - nơi một nhóm người làm thơ quây quần, hội tụ lại để sáng tác, trao đổi và thưởng thức… Như vậy, nếu là tập thơ “Thi đàn…” (in giấy) nghe có vẻ hụt hẫng thế nào ấy. Chẳng thà là một trang Web, Blog, Fcebook, hay chí ít là một cái bàn gỗ mộc mạc kê cố định ở sân làng, bờ ao hay ngoài cánh đồng… sẽ khả dĩ hơn chăng?

    2 - Thi đàn Hoa niên: Tức là sân thơ của bọn trẻ con (hoa niên - tuổi hoa), của các cháu thanh thiếu niên chứ sao lại của các cụ? Các cụ “lão thi” Điện Biên toàn là các đấng bậc giả thức, nói năng bình phẩm thơ văn sang sảng như gõ đít chảo, chả có nhẽ đến “hoa niên” hay “lão niên” mà lại chẳng phân biệt được ư? Thiết nghĩ, bạn đừng nên “gắp lửa bỏ tay các cụ” như thế mà tội nghiệp cho các cụ.
    Nếu bạn không tin vào cách giải thích (Hán - Việt) này, xin mời bạn tham khảo các định nghĩa về “hoa niên” của người Tây (Đức, Anh…) trong đoạn văn sau của tác giả Son Hung: “Tuổi hoa niên theo như định nghĩa của người Đức có ghi trong bộ luật dân sự đàng hoàng (Bürgerliches Gesetzbuch, BGB) là từ 14 đến 17 tuổi, tức là lúc mà con gái sáng trước khi đi học chải tóc không dưới 20 phút và con trai giọng bắt đầu ồm ồm đổi sang tông “cờ” như … cứng đầu, như. .. cãi bướng, gọi với từ chung hay sài là tuổi “teenager”.
    Teenager có nguồn gốc từ tiếng Anh, tức là tuổi giữa 13 (thirteen) và 19 (nineteen) vì các con số từ 13 đến 19 trong tiếng anh đều kết thúc bằng chữ “teen”… ”

    + Kết luận: Tập thơ “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” mà bạn dẫn tít, đích thị là một “sản phẩm bịa đặt” vì không thể có chuyện các cụ “nhà thơ địa phương” ở Điện Biên lại ngớ ngẩn vào lộ cộ đến mức ấy (như phân tích ở trên).

    + P/S: Nếu bạn không chấp nhận kết luận bạn bịa đặt, đề nghị bạn đưa ra dẫn chứng chứng mình. Thân!

    Trả lờiXóa
  6. Đồng ý với bạn NHÀ THƠ ĐỊA PHƯƠNG. "Bịa đặt" ra cái tập thơ “Thi đàn Hoa niên Hương xuân” chẳng như xúc phạm thẳng vào mặt các nhà thơ lão niên Điện Biên còn gì!

    Trả lờiXóa