8 tháng 8, 2013

TRUYỆN NGẮN DỰ THI CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ - HÀ NỘI

(Ảnh Công Thế)
---------------------

Ông thủ từ làng Vẽ
VNQĐ số 776, đầu tháng 7.2013 

Nghe lá đa khô vỡ lạo xạo trên sân đền, ông Phúc biết từng bước khoan thai như thế, không ai khác ngoài người ấy. Vớ vội ống điếu rít một hơi thuốc lào, ông lơ đãng nhả khói, vờ như không biết có người đang đi vào đền.
- Chào ông!
- Ai đấy?
- Tôi đây mà.
- Bà Xoan đấy ư? Hôm nay bà lên đền lễ Thánh!
- Vâng. Tôi lên nhờ ông kêu cho thằng Dũng đây.
Ông Phúc ngồi thẳng lưng lại, quay hẳn về phía bà, giật giọng

- Nó làm sao?
- Hình như nó đi buôn chứng khoán ông ạ.
- Chứng khoán là gì?
- Tôi không biết. Tuần trước, nó cứ nằng nặc đòi bán mảnh đất của bố nó ở gần xóm mới, để lấy tiền gom hàng. Nó còn nói: “Sang năm con sẽ đập  nhà cũ xây nhà ba tầng thoáng mát cho u ở dưỡng già”. 
Ngẩng lên, ông chạm phải cái nhìn của đôi mắt ấy. Đôi mắt đang ngân ngấn nước ở bờ mi dưới. Giọng bà Xoan vẫn êm êm từng tiếng một, nghe gần đấy mà lại như xa lắc.
- Bây giờ tôi rối trí quá, nhỡ nó nghe kẻ xấu đi buôn cái thứ chết người thì tôi chỉ có nước chết.
- Đừng nghĩ quẩn. Nó đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, được làm ở một ngân hàng lớn nhất nước, không dại gì nó lại đánh đổi tất cả…
Ông rót chén nước đưa cho bà Xoan. 
- Bà dùng chén nước vối cho ấm, chờ tôi đi thay bộ áo lễ.
Nhìn theo ông Phúc, bà Xoan thở dài. Ông càng cố đi cho bớt tập tễnh trước bà, từng bước lại càng tập tễnh hơn. Ông vẫn mặc trang nhã như ngày xưa. Quần ghi tối với áo sơ mi màu ghi sáng, không là nếp nhưng vẫn sạch sẽ tinh tươm. Chỉ những ngày lễ lớn ông mới đem bộ quân phục ra mặc. Dạo này quần áo của ông như rộng ra, ông sọm đi nhiều quá. 

*
*    *

           Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Đến bây giờ bà vẫn thầm trách ông về cái vụ ở cánh đồng Vẽ. Công ty nọ đã đưa nhân công tới xây hàng rào, san lấp ruộng, ông còn cố ôm đơn đi kêu các cửa làm gì kia chứ… Hôm ấy nếu bà không đi thăm đồng, chưa chắc ông đã còn đến hôm nay.… Rạng sáng, vừa qua cổng làng, chợt bà nhìn thấy có người còng queo, mặt úp sấp trên mé ruộng gần đấy. Hốt hoảng, bà hô hoán mấy người đang rẽ sang cánh đồng phía sau đình. Họ xúm đến nâng người bị nạn lên bờ mới nhận ra đấy là ông Phúc. Bác sĩ ở bệnh viện nói, chỉ chậm chút nữa là không cứu nổi.  Giá ông mặc xác cái bọn móc ngoặc với ban dự án để ăn bớt tiền đền bù của dân, có khi ông đỡ còm cõi. Đằng này, đã tàn tật lại còn lo cho cái sự bất công, hết lên huyện rồi lại lên tỉnh, kêu cho thôn trên chưa xong, lại kêu cho xóm dưới. Chúng nó giấu mặt đánh cho lên bờ xuống ruộng. Đúng là: “Chờ được vạ thì má đã sưng.” Khốn khổ! Ông có tấc đất nào ở đấy đâu. Chẳng những thế ông còn bị chỉ trích: “là người cầm đầu mọi sự kiện cáo của xã.” Đến nay cánh đồng Vẽ vẫn trắng phớ giữa trời đấy thôi. Bây giờ con em của những hộ mất ruộng chẳng có việc làm đâm ra lêu lổng. Không biết ông còn đi kêu tận đâu nữa. Xót ông, có lần bà đã nói: Chúng nó ăn tiền của dân, sẽ có ngày phải trả lại từng đồng một. Không đời này trả, thì đời sau phải trả. Không trả bằng tiền thì phải trả bằng phúc đức. Ông cứ lọ mọ một mình cho cực cái thân. Ông chẳng nghe bà, cứ đấu tranh mãi, đến lúc bất lực, lại thu mình trốn trong cái cơ thể tàn tạ kia, trốn vào nhang khói trong đền… Bà Xoan hít một hơi dài rồi thở hắt ra, như trút cho nhẹ bớt những ý nghĩ về ông Phúc. 
Hôm nay không phải ngày tuần, đền Thánh tĩnh lặng quá. Tĩnh lặng đến nỗi ngồi cách nhau cái bàn, bà Xoan vẫn nghe rõ từng tiếng rít khan trong lồng ngực ông thủ từ. Bà nghe rõ tiếng gió lay lay chùm rễ đa va vào nhau ràn rạt ngoài cổng, nghe rõ cả từng chiếc lá đa rụng xuống sân đền vọng lên từng tiếng khô xác.
Con Mực bốn mắt của ông Phúc đang nằm gác mõm lên hai chân trước, cứ liếc mắt nhìn trộm bà. Ánh mắt con vật nhìn con người cũng tinh quái lạ. Hình như con Mực thấy rõ từng ý nghĩ của bà, hình như nó biết bà đang cảm thấy có tội với chủ của mình.

*
*     *
Ngày ấy, Xoan đẹp nhất trong các cô gái của xã. Đôi mắt đen tròn của cô lúc nào cũng như có nụ cười đang ú tim ở trong. Chưa kể thân hình thon gọn tròn lẳn, thì đôi mắt với cái miệng cười ấy cũng đủ làm cho đám trai làng mê mệt. Trong số đám trai làng ấy có hai chàng thân nhau từ nhỏ, lại cùng học với nhau từ cấp một đến cấp ba. Cả hai cùng yêu Xoan. Đấy là Mẫn và Phúc. Mẫn cao ráo, anh có nét mặt của cậu tú phố huyện hơn trai đồng làng. Mẫn hoạt khẩu, trong những cuộc vui anh thường là đầu trò. Ngược lại Phúc im lặng nhiều hơn nói, anh tầm thước da bánh mật, trông rắn chắc khỏe mạnh. Đối diện với đôi mắt màu nâu đen của Phúc là cái miệng ít khi cười, nhưng mỗi khi cười khuôn mặt của anh rạng rỡ hẳn. Trong những cuộc họp đoàn Phúc thường chọn cho mình một góc khuất, góc ấy có thể ngắm được Xoan dễ hơn.  Xoan vẫn đằm thắm trước Phúc và Mẫn, nhưng Phúc biết trong sâu thẳm của đôi mắt đen tròn ấy, sự nồng nàn đã dành cho Mẫn. 
Mẫn cưới Xoan. Đêm ấy sau tất bật giúp bạn cả ngày, khách vãn gần hết Phúc mới bỏ các bạn ra bờ sông ngồi lặng một mình. Nỗi buồn lúc này của Phúc chỉ có trời biết đất biết. Anh im lặng mà như đang bộc bạch muôn lời. Có tiếng bước chân đang chạy đến gần.
- Phúc ơi! Các cụ bô lão về rồi, bây giờ đến lượt các cậu dốc chén chúc mừng chúng tôi, tất cả bạn đang chờ, sao cậu lại ra đây.
- Ừ, cậu về trước, tôi sẽ về ngay. 
Mẫn quàng vai Phúc ngồi bệt xuống bên cạnh giọng trầm hẳn.
-  Tôi biết cậu cũng yêu Xoan, nhưng lấy nhau nó là cái số…
Không muốn Mẫn nói thêm, Phúc cười váng kéo bạn đứng dậy.
- Tôi biết rồi, Xoan chọn cậu là đúng số đấy. Thôi, ta về kéo mọi người chờ. 

*
*    *

Mùa xuân 1972. 
Sau ngày Mẫn cưới không lâu, quê Xoan sôi sục chuyện tổng động viên ra tiền tuyến. Chồng Xoan và những người trai khác đã đành, Phúc là con một cũng xung phong nhập ngũ.Từ độ đám trẻ trai ra trận, đường thôn ngõ xóm như thưa vắng hẳn. Quanh làng còn lại toàn người già, phụ nữ cùng trẻ con. 
Thời tiết báo bão, Xoan cùng tốp nữ dân quân đang gặt lúa chạy bão giúp dân, chợt nghe tiếng còi ô tô, nhìn lên đường các cô thấy lũ trẻ vừa bám theo chiếc xe zep của quân đội đi vào làng vừa hò reo ầm ĩ. Tất cả theo Xoan vứt bỏ liềm hái đổ xô lên bờ chạy về. Anh Phúc. Các cô dạt ra hai bên cửa xe để người lính chững tuổi đỡ Phúc xuống.
Một mảnh đạn xuyên qua xương chậu, khiến Phúc không thể tiếp tục tham gia chiến đấu được nữa. Về quê, tuy là thương binh, Phúc vẫn như “mỳ chính cánh” trước đám con gái chưa chồng, nhưng anh không cợt nhả với bất cứ cô nào. Có cô mạnh dạn ngỏ lời, Phúc lại cố làm ngơ để cô ta chán mình.
Xoan cùng làm việc với Phúc trên xã. Cô là cán bộ Đoàn, Phúc là thường trực ủy ban. Chuyện xảy ra vào đêm trung thu trước giải phóng một năm. Đoàn xã tổ chức vui chơi cho các em thiếu nhi ở sân đình, gần khuya mới tan. Gió từ sông Cái trườn qua cánh đồng đình đổ rạp trên thảm lúa đang thì con gái. Gió lay vạt áo của Xoan. Những chấm hoa trên áo như lung linh hơn trong ánh trăng. Đêm yên ả. Nếu không có những bản tin về chiến sự mỗi ngày, thì không ai nghĩ, ngay đêm ấy đất nước vẫn đang còn bom rơi đạn nổ, vẫn đang sống trong chiến tranh, chia cắt. 
Chỉ một ngả rẽ nữa là về đến thôn Thượng, hình như có người đi phía sau, ngoảnh lại, Xoan thấy Phúc đang bước theo mình.
- Anh Phúc, sao lại về lối này?
- Khuya, tôi sợ Xoan đi một mình.
- Không sao đâu, anh quay lại đi.
- Đến lối rẽ về nhà Xoan, tôi sẽ quay lại. 
Xoan im lặng.  Phúc rảo bước đi sát bên cô. 
- Dưới con mắt Xoan, tôi có phải là kẻ bỏ đi không?
Quay sang nhìn Phúc, cô định nói: “Cả xã ai chẳng biết anh bị tàn phế, nên không được ở lại chiến đấu.” Nhưng cô đã kịp ngăn mình lại.
- Anh nói lan man gì đấy, ai dám bảo anh là kẻ bỏ đi nào, về hậu phương cũng ối việc nhọc nhằn đấy thôi.
Không hiểu sao, lúc ấy Phúc cố dẫn dắt người nghe đến những điều mình muốn nói, nhưng lại ngô nghê chẳng đâu vào đâu. Anh muốn nói cho Xoan hiểu: Cả thể lực lẫn trí tuệ của anh không kém cạnh gì lũ con trai xã này, càng không kém Mẫn chồng cô, nhưng bây giờ anh đã thành kẻ tàn phế, thành một kẻ yếu, trước con mắt mọi người, trước Xoan. Hai người cứ sóng bước trong im lặng, Xoan cũng không cố vượt lên trước. Đã gần đến chỗ rẽ, Phúc đánh liều nắm lấy tay Xoan.
- Xoan có biết tôi đã thầm yêu em từ lâu rồi không? Yêu từ lúc em chưa thuộc về Mẫn cơ.
        - Này, anh không nghĩ Mẫn là bạn thân của mình ư? Thôi anh về đi, kẻo ai thấy lại đồn thổi thì khổ lắm.
        - Tôi biết, nhưng đêm nay hãy cho tôi được bộc bạch hết tình mình, tôi xin em đấy…
Mùi da thịt của Xoan làm Phúc rạo rực, anh quên bẵng cái khoảng cách cần phải giữ. Chẳng hiểu sao giây phút ấy anh chỉ nghĩ: đây là người con gái mình đã yêu thầm nhớ vụng từ lâu… Bất chợt một tay Phúc luồn qua eo Xoan, tay kia vít bờ vai ngả lưng cô xuống vệ cỏ. Mặc cho Xoan chống cự, Phúc vẫn úp mặt mình vào giữa đôi vú săn chắc ấy. Lúng túng anh không biết làm thế nào để cởi được cúc áo của Xoan. Cơ thể anh như có lửa, như sắp chết ngạt…
...Cho đến hôm nay bà Xoan vẫn không thể quên cái phút ấy. Hình như sự khao khát ái ân của thiếu phụ trẻ tràn trề sinh lực đã bị ém lại lâu ngày bỗng  trỗi dậy. Xoan nửa muốn đẩy Phúc ra, nửa lại muốn bứt tung áo quần khỏi thân thể mình. Phúc vẫn loay hoay đến khổ sở. Hình như trong lúc kháng cự mãnh liệt với  Phúc và với cả chính mình, Xoan đã thúc đầu gối vào bộ phận sinh dục của anh. Cô nghe Phúc kêu: “Ối!”. Tiếng kêu thốt ra không bình thường. Chắc Phúc đau lắm. Anh nằm vật ra, đôi mắt nhắm nghiền, từng ngón tay quờ ngang ngọn cỏ, như tìm cái gì đó vừa mất. Xoan bật dậy bối rối… Ánh trăng rằm trung thu năm ấy sáng quá, sáng đến mức cô nhìn rõ từng nét méo mó vì đau đớn trên khuôn mặt của Phúc. Cô đang vừa muốn kéo Phúc dậy vừa ngại, thì nghe anh nói rất khẽ, như thể ngoài hai người còn có người thứ ba đang đứng ở đấy vậy.
        - Xoan về đi. Tôi xin lỗi em.
Xoan xoay người, bước nhanh như chạy, đến chỗ ngoặt về thôn cô mới ngoái lại. Trăng phủ một làn sáng mỏng như lụa lên người Phúc. Anh nhoè trên vạt cỏ úa dưới màu trăng. Xoan quay lại. Cô nhón chân, bước từng bước một. Phúc vẫn nằm ngửa, hai tay úp lên mặt. Lần đầu tiên Xoan thấy đàn ông khóc. Tiếng khóc khiến vồng ngực cô nặng trĩu. Có gì đó vô hình đã ghìm chân Xoan lại, cô muốn tiến thêm mấy bước nữa để nói với anh một vài lời, cũng không được, giật lùi vài bước để quay đầu chạy trốn khỏi chỗ ấy cũng không được. Xoan nhích thêm một chút về phía anh.
- Anh đau lắm phải không? Lúc ấy chỉ là phản ứng tự nhiên… Em xin lỗi.
- Không! Tôi không khóc vì đau. Tôi khóc vì cái thằng tàn tật trong tôi cứ trỗi dậy đòi sự công bằng trước cuộc đời. Tôi khóc vì phút chốc không giữ nổi mình, đã hành động như một kẻ đốn mạt. - Giọng anh bỗng nghẹn đi - Khóc vì thấy có tội với Mẫn.

*
*    *

Phúc cố tình tránh Xoan từ đấy, mãi đến ngày Mẫn phục viên anh mới đến nhà cô thường xuyên. Phúc đã vùi tình yêu đơn phương của mình xuống tận cùng kí ức, quyết không thổ lộ cùng ai.
Mẫn không bị khập khiễng như Phúc, nhưng anh trở về với một mảnh đạn còn găm dưới góc phổi. Sức khỏe của Mẫn giảm sút hẳn, gần sáu năm sau hai vợ chồng Mẫn mới có con. Hạnh phúc bên chồng cùng niềm vui được làm mẹ đứa con trai khôi ngô, Xoan quên hẳn cái vụ đêm trăng trung thu hồi nào. Nhưng oái oăm thay, ngày cu Dũng đầy tháng, hai người đàn ông cùng yêu Xoan bê hũ rượu đầy ra sân. Họ ngồi với nhau ở giữa trời đêm. Trong lúc tỉnh tỉnh say say, không hiểu Phúc đã nói với chồng cô những gì mà Mẫn nổi đóa với bạn. Choang. Bình rượu vỡ lênh loáng dưới chân hai người. 
Nhiều năm sau, Phúc biết Mẫn còn ngấm ngầm ghen với mình, nhưng anh vẫn đến nhà vợ chồng Xoan như bình thường. 
Chẳng thấy Phúc lấy ai. Mãi đến ngày anh nghỉ việc xã, bà dì họ dẫn một phụ nữ quê tận trong Thanh về gá cho cháu mình. Nghe đâu chị ấy bị lỡ dở. Nhưng, ở với nhau chưa đầy tháng, chị ấy bỏ đi không quay trở lại nữa. Mọi người trong làng cứ đoán già đoán non. Chắc bị mất khả năng đàn ông nên người ta mới bỏ…
Thấm thoắt con trai Mẫn đã lên phổ thông trung học. Nó trọ học ngay trên phố huyện. Mỗi tuần về bao giờ cu Dũng cũng vào bác Phúc, có khi cơm canh no rồi mới về nhà mình. Tuần trước nhìn hàng rào đổ, nó bảo: chủ nhật này cháu chặt tre cành mang sang dặm lại một lúc là xong ngay, bác đừng làm cho mệt. Lưng buổi sáng chẳng thấy thằng bé sang, Phúc tự làm vậy. Anh vừa tập tễnh vác bó tre cành về đến cổng, chợt  Mẫn ào tới mặt mày xanh tái, nói không ra hơi. 
        - Nguy rồi! Thằng Dũng bốc đồng đua nhau cá độ trận đá bóng đêm qua. Thua. Bọn đang giữ nó nhắn rằng: đem hai mươi triệu lên phố huyện nộp, chúng mới thả người. Khổ thân mẹ nó, có đồng nào dồn tất vào thuốc thang cho tôi rồi… 
Nghe đến đấy, Phúc vứt bó tre cành xuống sân. Chẳng kịp rửa mặt, anh chạy vào nhà một lát, trở ra vừa đưa gói tiền cho Mẫn vừa nói như ra lệnh.
- Đây là số tiền thương tật tôi dành dụm từ lâu, vẫn còn thiếu nhưng tôi sẽ vay người bạn ở trên huyện. Cậu lấy xe đạp trong kia chở tôi lên đấy ngay.
Chẳng biết người bạn cùng đơn vị của Phúc, hiện là huyện đội trưởng đã can thiệp thế nào mà cu Dũng kịp về học buổi chiều, tiền cũng không phải trả.
Người ho hen gò lưng chở người què chân trên đường về làng, cả hai đang ríu ran chuyện. Một chiếc xe máy tạt ngang đầu xe đạp, khiến Mẫn cùng chiếc xe đổ kềnh đè ngang bụng Phúc. Mọi người đi qua đỡ họ dậy mới hay ống quần Phúc bết máu. Mẫn gửi xe đạp lại một nhà gần nhất, anh mượn cái xe ba gác đẩy Phúc đến trạm xá. Vì chỗ xây sát ở gần bẹn, nên Mẫn phải cởi hết quần ngoài lẫn quần trong của Phúc để xử lý vết thương. Phúc nhất định không đồng ý, y tá nói mãi anh mới chịu. 
Ối trời! Mẫn thảng thốt kêu lên khi nhìn vào bộ phận sinh dục của Phúc. Trên vết sẹo dúm dó, chỉ có một mẩu thịt rất ngắn được ghép vào để đi tiểu. Mẫn khuỵu hai chân, gục đầu xuống ngực thằng bạn thân nhất. Chết lặng. Phúc quay mặt sang một bên nói nhỏ: “Xin cậu, Cậu đừng cho Xoan biết.” 

*
*    *
Cuộc sống vất vả hàng ngày đã truội đi sự day dứt âm thầm trong Xoan. Con trai còn dại, chồng lại mỗi ngày một yếu. Cái mảnh đạn nằm ở góc phổi trái không để anh sống bình yên. Mỗi năm đôi ba bận Xoan lại phải đi chăm chồng trên quân y viện. Cứ ngỡ cái di vật của chiến tranh sẽ chung sống hoà bình trong cơ thể Mẫn cho đến cuối đời, nhưng nó đã ngấm ngầm tàn phá lá phổi của anh, tàn phá sức đề kháng của một người trai năm xưa vốn rất khoẻ mạnh. Mỗi khi mưa gió giao mùa, Mẫn lại đau đớn rúm ró thân hình vì những cơn ho kéo dài. Mấy ngày cuối cùng ở viện, Mẫn tỉnh táo hẳn. Mẫn nắm bàn tay Xoan đang cầm cốc nước cam, mắt anh lại nhìn vợ đăm đắm. Xoan chưa bao giờ thấy chồng nhìn mình như vậy, cô mỉm cười, đôi mắt cười theo, hai gò má chợt ửng hồng. Nụ cười thời thiếu nữ thoáng hồi sinh trên gương mặt đang phôi phai. Xoan rưng rưng cảm động. 
- Bố em, nhìn gì lạ vậy?
Mẫn không trả lời, anh đang mải theo ý nghĩ của mình. Từ ngày yêu nhau, đến khi thành vợ chồng, Mẫn thấy mọi sự kiện của cuộc đời đến với anh lúc nào cũng vội. Vội có được Xoan. Vội cưới. Vội ra chiến trường. Ngày trở về lại vội lao vào cuộc mưu sinh. Có lúc nào tĩnh tại để ngắm kỹ vợ mình đâu. Lúc này anh mới thấm được từng nét của cô Xoan xinh đẹp nhất xã một thuở, thì cái thân anh đã tàn tạ mất rồi. Anh lại sắp phải bỏ người đàn bà anh yêu thương kia mà ra đi. Chả nhẽ cuộc ra đi lần này cũng vội thế ư. Cố làm ra vẻ đã khoẻ cho vợ yên lòng, chứ Mẫn biết tình trạng bệnh tật của mình lắm. Chắc khó trụ được lâu nữa…

*
*    *

...Cứ nhìn ông Phúc, bà Xoan thấy thời gian trôi qua rõ nhất. Thoắt, đã bằng ấy năm. Cái bóng của ông cứ nhỏ dần, mỗi bước đi càng lệch hẳn về một phía. Cái bóng cô đơn cùng con người cô đơn bên nhau gần trọn một kiếp người. Cái bóng ấy cứ tập tễnh đi ngoài cuộc đời bà. 
Từ hồi được cử ra trông coi đền Thánh, bà thấy ông khác trước nhiều. Hình như càng gần cõi hư, ông càng xa cõi thực. Ông chẳng chuyện trò với ai ngoài chồng bà, cũng chẳng gần gụi đứa trẻ nào ngoài cu Dũng. Trong sâu thẳm, bà Xoan muốn nói với ông nỗi day dứt của mình, nhưng cái khoảng cách giữa hai người càng rộng hơn từ khi chồng bà mất. Trừ ngày giỗ Mẫn ra, ông không bao giờ đến nhà bà. 
Ở trong Đền bước ra, hình như ông Phúc nghe thấy tiếng thở dài của bà Xoan. Ông đứng lặng sau lưng bà một lúc rồi mới đánh tiếng.
- Tôi lễ rồi, xin rồi, bà vào tạ Thánh đi, tàn hương ra đây tôi bàn với bà việc thằng Dũng.
Ông lại cầm cái điếu cày châm lửa, ông rít liền điếu nọ đến điếu kia. Ông biết mình mà. Cứ mỗi lần nghĩ về bà Xoan, ông lại mượn thuốc lào để dẫn tỉnh vào trong mê, rồi dẫn mê về với tỉnh. Ông thương cô Xoan ngày xưa một, ông thương bà Xoan bây giờ gấp mười lần. Đẹp nết đẹp người nhường ấy mà khổ. Có thằng chồng lại bị thương, quặt quẹo suốt năm này đến năm khác. Người như thế mà phải chịu cảnh góa bụa. Còn cái thằng yêu bà như ông, lại chỉ dám đứng ngoài nhìn vào. 
Có lẽ, cho đến lúc ông Phúc theo Mẫn về thế giới bên kia, bà cũng không thể biết, trước ngày mất không lâu Mẫn đã nói những gì với ông:
“…Cái mệnh của tôi chỉ còn tính bằng ngày. Xin cậu hãy thay tôi  chăm lo cho mẹ con Xoan. Tôi biết cậu vẫn yêu cô ấy lắm. Cậu thuận đi cho tâm tôi được yên, lúc nhắm mắt được thanh thản...”. Chiều bạn mà lặng lẽ gật đầu, chứ ông biết mình phải sống độc thân suốt đời rồi.
Bây giờ thằng Dũng là tất cả đối với ông. Một nửa nó là của người bạn trai thân nhất, một nửa là của người đàn bà ông vẫn thầm yêu. Ông kèm cặp nó học từ những năm nó còn bé. Có lộc Thánh hay món ăn nào ngon, ông đều để dành cho nó. Cứ ngắm cái miệng với đôi mắt giống mẹ nó, ông càng không muốn xa nó chút nào. Bây giờ, chưa biết nó sinh sự gì ở thành phố, nhưng nhìn nét mặt rầu rầu của bà Xoan, ông không chịu nổi.
Chẳng biết có phải cay vì khói nhang, hay bà Xoan khóc, mà đôi mắt và hai cánh mũi kia mòng mọng. Ông đẩy cái túi vào trong để bà ngồi xuống ghế. Con Mực xoay hẳn ánh mắt về phía bà Xoan, rồi lại đảo cái nhìn về phía ông Lễ như dò xét, như muốn đọc ý nghĩ của cả hai người. 
- Tôi tin thằng Dũng không phải là đứa hư hỏng. Tôi sẽ nhờ người trông đền vài hôm để lên thành phố, sẽ đến thẳng cơ quan của nó xem hư thực ra sao. Cứ ở làng nghe người ta nói hơn nói thiệt, sinh ốm ra lại khổ.
Bà Xoan nghẹn ngào ngẩng lên nhìn ông.
- Vâng! Giờ đây tôi cũng chỉ biết trông cậy ông thôi, xin ông đừng lạnh lùng…
Câu cuối cùng cứ nhỏ dần nghèn nghẹn trong vồng ngực bà, nghẹn sít sang cả lồng ngực ông.

Trại sáng tác VNQĐ - Sa Pa 2013
N.T.N.H


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét