4 tháng 6, 2013

TRUYỆN NGẮN CỦA VĂN THÀNH LÊ - VŨNG TÀU

Vá lại ngày đã qua
Đại biểu nhân dân 09:06 | 27/04/2013


1. Ông viết thư vào.
Trong thư ông kể đang ngồi lai rai cuối ngày với mấy ông bạn già thì biết tôi đoạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Tới đây đề tài sẽ được đi báo cáo tại hội nghị sinh viên thế giới với vấn đề môi trường toàn cầu. Sở dĩ ông biết là nhờ tờ nhật báo dùng để đựng mồi nhậu.
Tôi tưởng tượng. Tôi xuất hiện khi cuộc nhậu đã sắp tàn. Đúng hơn là tôi ở đó từ đầu, nấp dưới mấy xị rượu và khô mực nướng. Tôi thò mặt ra vào thời điểm đất trời nhá nhem, gà chuẩn bị lên chuồng. Tấm hình anh phóng viên chụp tôi khá nét, nụ cười tươi, và sáng. Nhưng tôi trước mặt ông với bộ dạng cười nham nhở, lấm lem tương ớt rơi vãi và vết cháy đen của mực nướng quá lửa. Chắc rất nực cười!
“Dẫu mắt hơi kèm nhèm vì tuổi cao, lại lâng lâng vì uống tới độ, ông vẫn ngờ ngợ là cháu. Vì đôi mắt không lẫn vào đâu được. Lúc đọc xong những dòng tiểu sử thì ông đã úp cả tờ báo có cháu vào mặt. Và khóc”. Thư ông kể vậy.
Cuối thư ông mong ba mẹ đưa chị em tôi về nhận lại anh em họ hàng. Ông và mọi người đã sai. Nếu không được thì hãy cho chị em tôi về. Ông muốn được thấy chị em tôi, bằng xương bằng thịt. Tuổi ông giờ như ngọn đèn trước gió. Ông trời cho thêm ngày nào là lãi ngày ấy. Không biết rồi sẽ bị gọi đi lúc nào. Ông nói đời ông chưa bao giờ xin ai điều gì. Giờ ông xin được gặp hai đứa cháu, sau bao nhiêu năm đằng đẵng.


Minh họa của Đặng Hồng Quân

Mẹ cầm lá thư. Nước mắt lã chã rơi.
Ba ngồi bất động. Nhìn chiều đăm đăm. Mà như không nhìn gì.
Ba chị em tôi quay qua nhìn nhau.
Không gian như muốn vón cục.
Bỗng dưng mọi thứ ngày xưa như thước phim chạy chậm trở về.
2. Rét tháng ba bà già chết cóng. Vậy mà người ta lại đặt cho nó cái tên rất đẹp: rét nàng Bân. Tôi chẳng rõ chân tay mặt mũi nàng Bân thế nào, xấu đẹp ra sao? Mà tôi cũng chỉ nghe nói cái rét ấy chỉ có ở xứ Bắc thôi. Là lớn lên biết vậy. Ai dè năm ấy tháng ba rồi trời còn đổ đốn ra mà rét. Hồi ấy tôi tám tuổi. Chỉ thấy rét. Và đói.
Tôi bế cu em, muốn vẹo hông, đi dặt dẹo trên đường làng hai bên đầy hoa cỏ may. Cu em vừa đái ướt quần nên phải cởi quần ra. Chim tím tái vì lạnh, sun lại như quả ớt chỉ thiên bị sâu. Nhưng cu em vẫn chẳng mảy may. Chăm chăm đưa ngón tay cái lên miệng ngậm mút. Tôi nhắc. Rút ngón tay nó ra khỏi miệng mấy lần. Vẫn đâu vào đấy. Bỗng đập vào mắt tôi là mấy củ khoai lang trùn bằng đầu ngón tay. Trên thân ruộng đã thu hoạch xong. Khoai này người ta thu hoạch không thèm lấy hoặc là bỏ sót, bị mưa nên lộ ra. Tôi sà xuống. Nhanh như sợ chúng biến mất giống trong giấc mơ của nàng lọ lem cổ tích.
- A! Ai cho chị em nhà mày lấy khoai hợp tác? Đồ con nhà bán nước! Này thì trộm! Này thì bán nước!
Vừa nói con bé vừa nhảy bổ từ trên đường xuống ruộng. Nó giằng lấy mấy củ khoai lang trùn của tôi. Là những dây khoai lang mới có dấu hiệu phình ra mà chưa thành củ thì chính xác hơn. Cu em đang nhai nhồm nhoàm bị nó bóp miệng, bắt khạc ra. Tôi lao vào. Phản ứng túi bụi. Rồi tôi thấy mọi thứ ù đi. Tỉnh lại chỉ còn thấy cu em ngồi phơi chim ngằn ngặt khóc, tím tái.
Ngày ấy. Bất cứ đứa trẻ làng nào cũng tự cho mình cái quyền vênh mặt lên mạt sát chị em tôi. Chúng xua đuổi chị em tôi như xua đuổi những con hủi. Đã có lúc tôi gồng mình lên đáp trả. Kết cục nhận được càng bi thảm hơn. Không sứt đầu cũng mẻ trán.
Duy có Minh là khác.
Lần tôi bị “đấu tố” hội đồng, Minh lớ ngớ đứng ngoài. Chờ cả bọn xét xử xong, kéo nhau đi chỗ khác chơi, Minh chạy đi kiếm lá cộng sản nhai nát đắp lên vết thương cầm máu giúp tôi.
- Mày ngu lắm! Đông thế đánh sao lại mà cứ ương! Minh nói.
- Nhưng tức!
- Chỉ thiệt thân mình.
- Để cho chúng lấn tới mãi à? Mà sao mày không đi chỗ khác chơi? Ở đây bọn chúng biết lại không cho chơi nữa.
- Kệ! Tao với mày chơi chọi cỏ gà đi.
Từ đó Minh bị cả bọn tẩy chay thật. Can tội đồng bọn với con nhà bán nước.
Mẹ Minh biết, xách tai Minh lên, nói “Tao cấm tiệt”.
Không chỉ “khóa một chiều”, bà còn gặp tôi, lên lớp sa sả. “Khôn hồn thì tránh xa con bà ra”. “Thiên nga chẳng bao giờ chơi với quạ”. “Mâm son làm gì có chỗ để đựng đũa mốc”.
Tôi chẳng hiểu gì. Thiên nga với quạ. Đũa mốc với mâm son. Kể lại với Minh. Minh lại nói: “Kệ! Tao với mày chơi chọi cỏ gà đi”.
Nhờ Minh, tôi có được những khoảnh khắc vui hiếm hoi trong mớ hỗn độn tuổi thơ nghèo nàn nhếch nhác của mình.
3. “Nhà này, từ ông nội mày, ai cũng một đời chiến đấu để đến mày thì làm ô uế chẳng còn gì. Thà mày cứ ỉa vào mặt tao còn hơn”. Ông nội nói thế với ba tôi. Và ông tuyên bố từ ba tôi. Hai bác cũng từ ba tôi. Với một gia đình có truyền thống cách mạng thì ba tôi như một tội đồ, như cái nhọt làm mọi người nhức tới óc, cần nhể bỏ, đoạn tuyệt.
Nhà tôi sống trong sự ghẻ lạnh của cả làng. Nhưng sợ nhất là sự ghẻ lạnh và vô thừa nhận của anh em họ hàng.
Chỉ bà nội là còn qua lại nhà tôi. Nhiều lần tôi thấy bà và mẹ ôm nhau khóc trong buồng.
Thi thoảng bà lại mang sang nhà tôi vài lon gạo, hoặc ngô, hoặc khoai lang. Bà vẫn bế cu em về nhà ông bà chơi. Tôi thì không bao giờ bén mảng tới đấy nữa. Thật ra trước đó tôi có qua. Bà vẫn lấy cơm hay hoa quả trong vườn nhà cho chị em tôi ăn. Mặc tiếng ho khan hay chửi đổng của ông. Lúc ấy tôi còn quá bé để biết đấy là tín hiệu gì. Vả lại, miếng ăn luôn đủ sức che lấp tất cả, nhất là với trẻ em thời đói khát ấy. Đến lần ông hắt cả ca nước vào mặt cu em thì tôi tự nhủ không bao giờ bước vào ngôi nhà ấy nữa.
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Ăn xong quả chuối, cu em đòi nước. Bà lấy nước cho cu em xong thì đi xuống bếp. Uống hết cu em lại đòi nước nữa. Ông đi từ sân vào. “Đòi gì mà đòi lắm thế!”. Dứt lời quát. Một ca nước vào thẳng mặt cu em. Cu em giật mình. Ngơ ngác. Khóc rống lên. Tôi quay lại. Sững người. Gặp ánh mắt trợn ngược của ông. Tôi bế xốc cu em chạy về nhà. Vừa chạy vừa khóc. Cảm giác có cục nghẹn mắc kẹt ở cổ, không nuốt xuống được. Nước mắt tự nhiên trào ra.
Ngày bà mất. Ba mẹ dắt chị em tôi qua. Đến đầu ngõ gặp bác cả cầm dao chạy ra. “Cút! Ba nói rồi. Cấm tiệt nhà mày. Vợ chồng mày mà bước vào tao chém”. Giọng bác gay gắt.
Mẹ tôi rú lên. Khóc.
Ba tôi mím môi. Mắt vằn đỏ. Khuỵu xuống.
Cả nhà tôi quỳ xuống trước ngõ, chắp tay bái vọng vào nhà.
Phải tới đêm của ngày hạ huyệt, ba mẹ mới dẫn chị em tôi ra mộ bà. Ba mẹ buộc khăn tang cho chị em tôi. Khăn tang được làm bằng cách xé cái màn trong nhà. Ba mẹ khấn gì đó tôi nghe không rõ. Nén hương trên mộ bà bốc cháy bùng bùng. Mẹ ôm lấy mộ bà khóc vật vã. Ba ngồi bất động như tượng tạc. Nghĩa địa làng đen đặc bóng đêm. Nghe ri rỉ tiếng côn trùng pha trong tiếng ếch và tiếng gió lùa thông thống.
4. Cả tuần không khí trong nhà căng lên như dây đàn, chực đứt. Tôi không thấy mặt ba. Ba rời khỏi nhà từ khi tôi chưa ngủ dậy. Ba trở về thì tôi đã ngủ từ lâu lăng lắc rồi.
Mẹ cấm chị em tôi đi chơi trong làng. Chỉ được quẩn quanh trong nhà ngoài sân. Thậm chí không được ra đến ngõ. Mẹ ít nói hơn. Cứ cùi cũi vào ra làm việc như cái máy. Một cái máy rệu rã. Nên mẹ đụng đâu cũng có chuyện. Mẹ băm rau thì đứt tay. Gánh nước thì vấp ngã. Đun nước thì sôi cạn nước muốn cháy ấm… Mẹ siêng thắp hương trên bàn thờ bà nội hơn. Những vòng khói quẩn quanh bàng bạc, bay lờ đờ như chính ánh mắt hay thất thần của mẹ. Những que hương cháy đến đâu là cuộn vòng lại thành hình dấu hỏi. Cứ vậy. Hết nén hương này đến nén hương khác. Số dấu hỏi ngày một nhiều lên.
Một khuya. Mẹ thức tôi dậy. Mẹ bế cu em, giục tôi đi theo. Tôi lơ ngơ, ngái ngủ, hỏi:
- Đi đâu vậy mẹ? Ba đâu mẹ?
Mẹ bịt miệng tôi lại, thì thầm:
- Ba đang đợi mẹ con mình ngoài kia. Con đi theo mẹ, không được hỏi gì nữa.
Trời tối đen như mực bút Hồng Hà. Tôi nắm chặt tay mẹ, bước theo. Được lúc mẹ đỡ tôi xuống một hố sâu, và đi dưới ấy. Tôi nhớ ngay đến cái hào còn sót lại thời chiến tranh sẽ dần ra đường lộ, sang bên đầm phá ngoài biển. Cái hào trước giờ bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Ban ngày lũ trẻ, dù tò mò, không dám xuống vì sợ rắn rết. Lúc mới xuống hào tôi hơi rùng mình. Thoáng chốc nỗi sợ rắn rết bay biến, chỉ lo cố gắng bước theo mẹ.
Khi chân tôi bắt đầu mỏi thì đôi tai nghe có tiếng sóng nước. Và gió. Và lạnh hơn. Đứng một lúc. Ba tôi đến. Ba đến thật gần tôi mới phát hiện ra. Thêm nhiều gia đình khác nữa. Mỗi gia đình co cụm lại một góc bên bờ đầm phá hay ở bụi cây nào đó. Những cặp mắt căng lên. Đau đáu. Nhìn về phía biển. Dẫu chẳng thấy gì, ngoài màn đêm đen kịt.
Ba tôi tiếp tục đi với mấy người đàn ông khác, để mẹ con tôi ở lại. Mẹ ôm chị em tôi vào lòng. Lồng ngực mẹ đập mạnh. Và nóng. Hơi nóng phả sang người tôi. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại run. Không phải vì lạnh. Vì một điều gì đó, vô hình, không biết được. Người tôi chỉ muốn khuỵu xuống. Ngủ một giấc dài, thật dài, rồi tỉnh lúc nào cũng được, hay không tỉnh nữa cũng được. Ý nghĩ ấy vừa lóe lên. Bất chợt, ánh đèn loe khắp bãi. Có tiếng hô “Lộ rồi”. Từng cụm người nhấp nhô loang loáng dưới ánh đèn loe qua loe lại. Mẹ bế em cu đứng như trời trồng. Có bước chân người chạy ngang. “Chạy thôi. Thân ai nấy lo. Đừng chờ anh ấy nữa. Thoát rồi tính sau”. Tiếng la của cô nào đó như một luồng điện làm mẹ chợt tỉnh. Như một nguồn năng lượng thì đúng hơn. Mẹ nắm chắc tay tôi. Và chạy. Chạy thất thần. Tôi cắm đầu cắm cổ theo để không bị mẹ kéo lê đi.
Tôi thấy mình như đang bay đi chứ không còn chạy trên mặt đất nữa thì đổ ập vào một đống lá dừa. Một người tốt bụng kéo mẹ con tôi vào, phủ kín lá dừa lên trên. Mẹ bóp miệng cu em để không bật ra tiếng khóc. Tôi ngồi im thin thít. Người run cầm cập. Lần tay xuống chân. Đôi dép đã rơi ở đâu, lúc nào, không biết. Tay tôi chạm vào nước, ươn ướt. Hóa ra không phải. Máu. Lúc này tôi mới thấy đau, nhưng tôi không dám rên lên tiếng nào.
Tới sáng mẹ con tôi lần về xóm. Qua nhà. Đã thấy người khác vào ở. Lại hay tin ba tôi bị bắt. Đúng lúc ấy ông nội qua, sa sả chửi.
Ngay chiều ấy mẹ con tôi tìm đường lên nhà dì trên Đà Lạt. Vừa ra đến lộ, tôi nghe có tiếng gọi tên mình. Ngoái lại. Thằng Minh. Minh dúi vào tay tôi mớ cỏ gà, thêm một củ khoai lang nướng dở.
- Cho mày khi nào buồn mà chơi, còn củ khoai ăn đi đường. Lớn lên tao sẽ đi tìm mày.
5. Dì thương mẹ con tôi. Nhưng nhà dì chẳng thuộc loại khá giả. Cũng cảnh chạy vạy đắp đổi qua ngày. Mẹ bắt đầu học dì làm hàng gia công, bỏ cho các mối quen.
Niềm vui không kéo dài được lâu. Công việc làm hàng bắt đầu ì ạch. Các mối tiêu thụ chững lại. Đúng lúc ấy mẹ tôi gầy rộc đi, xanh xao, hay hoa mắt chóng mặt. Bụng mẹ lùm lùm đội áo nhô lên. Tôi biết, chị em tôi chuẩn bị có em nữa.
Dượng ban đầu dễ chịu. Sau hay nói ra nói vào. Nhất là từ khi hàng họ ế ẩm. Mẹ lại ốm nghén chẳng thể giúp được bao nhiêu. Tần suất phản ứng xung đột giữa dượng và dì tăng lên mỗi ngày. Chất xúc tác không gì khác ngoài mẹ con tôi. Đỉnh điểm là khi dượng bóng gió đòi ly dị.
Quẫn quá, mẹ kêu hai chị em tôi lại và bảo:
- Hai đứa có thương mẹ không?
- Dạ, có.
- Khổ quá! Giờ ba mẹ con mình uống nước này nhé. Uống xong sẽ hết khổ.
Vừa nói mẹ vừa nấc. Nước mắt mẹ chảy ràn rụa. Mẹ ôm chị em tôi rất chặt. Không hiểu gì, nhưng thấy mẹ khóc tôi cũng khóc theo.
Tôi ấp úng:
- Mẹ để con uống trước.
Tôi vừa cảm nhận được mùi hăng hắc đậm đặc của thứ nước trong chai đưa lên ngang miệng thì dì xuất hiện. Dì giằng ngược lại.
Hôm ấy dì đến trễ chút nữa chắc mẹ con tôi và em bé trong bụng mẹ đã đi theo chai thuốc sâu rồi.
Ngay sau đó ba lên Đà Lạt tìm mẹ con tôi. Cả nhà tôi xuôi về Sài Gòn. Ba nói Sài Gòn là mảnh đất luôn chấp nhận tất cả các hạng người, chỉ cần cố gắng và quyết tâm là sống được.
Trong ký ức tôi, Sài Gòn những ngày ấy là căn nhà được quây bằng mấy thứ giấy dầu, nylông, phibờrô ximăng, nắng chiếu phía này mưa ướt phía kia.
Ba tôi xin được chân bốc vác dưới bến sông, bắt đầu đi làm. Thi thoảng kiêm thêm quét vôi, kẻ vẽ khẩu hiệu cho xóm, cho phường vì khéo tay, chữ đẹp. Mẹ tôi nhận làm đồ hàng mã, hàng gia công. Tất tật những gì có thể kiếm tiền mà không bị pháp luật đụng tới.
Tôi và hai đứa em bắt đầu được đến trường. Càng học lên càng muốn bỏ học đi kiếm tiền phụ ba mẹ. Nhưng ba mẹ cương quyết không. Tôi sợ bạn bè dè bỉu, trêu chọc. Không thì lại sợ sự thương hại. Tôi dần biết xù lông, mọc gai để tự bảo vệ mình, bảo vệ hai đứa em. Ba mẹ bày cho chị em tôi, cách hay nhất để trả thù những lời trêu chọc về “con bé ở xóm nước đen” là chúi mũi vào sách vở.
Khi nhà tạm ổn định, mẹ giấu ba viết thư về hỏi thăm ông và mọi người ở quê. Mỗi năm hai lá thư, dịp Tết và ba mươi tháng tư. Đều đều vậy. Dẫu chẳng lần nào có hồi âm.
Tôi chưa bao giờ nghe ba nhắc đến ông, anh em họ hàng và quê quán. Dù mỗi khi rảnh rỗi, ngồi nhậu xong, lại thấy ba  quay đầu hướng Bắc, nhìn xa xăm và mông lung.
6. Sau này lớn lên tôi mới được mẹ giải thích cho nghe tại sao gia đình tôi lại bị ông nội và họ hàng từ mặt. Từ đấy dẫn đến cảnh sấp ngửa chênh chao lang bạt tứ xứ.
Nhà tôi là cộng sản gộc. Cụ nội là lớp người kháng Pháp đầu tiên ở quê. Cụ bị tù và hy sinh ngoài chuồng cọp Côn Đảo. Ông nội được đưa ra Bắc học tập. Trước khi đi ông bà đã kịp có hai bác tôi. Khi vào Nam lại, ông nội theo hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Ba tôi là kết quả của một lần ông về qua nhà duy nhất. Sau này hai bác tôi cũng lên rừng theo quân giải phóng. Tất cả đều sau năm 1975 mới về.
Ba tôi là người con đẻ rớt, còn nhỏ, nên ở lại nhà với bà nội.
Quê tôi thời chiến là vùng lõm, ở thế da báo, địch và ta xen kẽ. Ngày của địch. Đêm của ta. Bà nội và ba vẫn làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ nằm vùng.
Ba tôi đến tuổi bị bắt lính thì đêm định mệnh đến. Hai người thuộc quân cách mạng đột nhập vào nhà, gí súng kéo ba tôi đi. Một thoáng bất ngờ ba tôi đã chống trả, và thoát. Cuộc bắt cóc bất thành. Ba tôi hoang mang. Sao phía cách mạng lại muốn thủ tiêu mình? Hay ba và anh chị trên rừng có chuyện gì không phải? Ba tôi đã nghĩ vậy. Ba tôi không hề biết đây chỉ là màn kịch nhằm đưa ba lên rừng, tránh đi lính quốc gia, mà bà nội ở lại không bị liên lụy gì. Một màn kịch. Đáng lẽ diễn viên phải được tập, ít ra cũng phải nhận phân vai. Đằng này ba tôi không được biết. Trong khi bà nội nhiều lần bị quân quốc gia gây khó dễ vì có chồng và con theo cách mạng. Vậy là ba tôi theo lính quốc gia. Vì nghĩ rằng ở lại kiểu gì cũng bị thủ tiêu, và đi lính bà nội sẽ được yên thân.
Kết quả là sau này, ông nội không bao giờ chấp nhận một người con như vậy. Đau hơn ông còn nói “Không biết mày là con tao hay con ai? Vì dòng dõi nhà này không bao giờ có thứ yếu bóng vía như vậy”. Trong mắt ông và mọi người lúc ấy, hoàn cảnh không thể biện minh cho sự sợ hãi và nhát gan, phản quốc.
Nhiều năm trời, chị em tôi lớn lên cùng với những ánh mắt khinh bỉ bủa vây xung quanh. Bất cứ ai, kể cả lũ trẻ cùng trang lứa hoặc nhỏ hơn, đều có thể tự cho mình cái quyền chỉ tay vào mặt chị em tôi và nói “Đồ con nhà bán nước” rồi lấy đi những thứ chúng tôi có trong tay, nếu chúng muốn.
Đỉnh điểm của mọi sự là cuộc vượt biên bất thành của gia đình tôi, sau đó là nhiều cuộc thiên di như đã kể.
7. Vậy mà bây giờ lại có thư của ông.
Ba nói đã từ rồi. Không bao giờ về nữa. Đã đi là không trở lại. Trước giờ ba tôi vốn ít nói. Nhưng đã nói là làm. Không lay chuyển được. Ba nói rồi ngồi yên. Như tượng.
Mẹ lại khóc. Nói phải về. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ phản đối ý của ba. Dứt khoát và thẳng thắn.
Ba chị em tôi lẳng lặng ngồi sang phía mẹ.
Dù gì tôi cũng muốn tận mắt nhìn mảnh đất mà ba mẹ đã lớn lên, chúng tôi có những tháng ngày tuổi thơ ở đó, dẫu là cay đắng và tủi cực. Tôi muốn nhìn bằng ánh mắt của một người chuẩn bị bước vào tuổi trưởng thành. Kể ra cũng đã xa lâu quá. Tưởng chừng như không buồn nhớ mọi thứ nữa. Những tháng ngày cũ kỹ và rách nát. Kỷ niệm rách nát.  Nhưng lúc này thì tôi nghĩ, cái gì rách cũng nên vá lại, kể cả tháng ngày. Tôi muốn nhìn lại ruộng khoai ngày nào tôi và cu em bị mất miếng ăn khi đã đưa lên miệng. Tôi muốn nhìn lại cái hào dẫn ra đầm phá cửa biển. Và Minh nữa. Cậu bạn duy nhất dám chơi với tôi, với từ “Kệ!” và những bông cỏ gà. Không biết cậu ấy còn nhớ lời hứa khi lớn sẽ đi tìm tôi? Hay đã để quên lời hứa ấy lại bên những vạt cỏ may hai bên đường làng?


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét