9 tháng 5, 2013

CÔNG DÂN PHÁT SINH

T
iếng súng bục lên một cách khó nhọc. Ông già không ngáp để cho sự kết thúc được có hậu, được thuận lòng người, thuận đất, trời! Hai hàm răng cắn chặt. Cơ mí cứ kéo trợn trừng lên, lí trí ông lại đè xuống, cho nhắm nghiền, cho khỏi ai thương tiếc!

Tất cả những người có mặt trong đám tang của ông một cách bất đắc dĩ, chỉ lát nữa sẽ làm nốt cái việc mà loài người bày đặt ra, là chôn cất ông, như để bố thí cho kẻ không còn được sống một chút thương xót cuối cùng!
Đúng như ông dự liệu, một ngôi mộ đá được xếp lên giữa đỉnh đồi trọc, nắng ném lửa trọn ngày như trừng phạt. Sự trừng phạt còn thê thảm hơn, thể hiện bằng cuộc đưa tiễn lặng câm.
          Ngọn đồi chìm vào quá khứ đen ngòm. Đêm xâm chiếm cả vào giác quan của những người sống. Họ không cầu cho một cuộc siêu thoát nào. Vì thế mà giải thiên hà, chắc chắn chẳng bao giờ có một ngôi sao lang thang đi tìm cho mình chỗ đứng.
Cuộc chinh phạt những ước mơ, chinh phạt cả cái lương tâm bất kham chấm hết luôn cả chốn định cư vất vơ của một linh hồn!
        Ngôi nhà mới của ông trở về với sự ắng lặng rùng rợn. Ông muốn được nghỉ ngơi. Thực sự là ông đã quá mệt mỏi. Chỉ có như thế ông mới được nghỉ và nghĩ theo ý mình. Ông sẽ được thấy mọi thứ bằng cái nhìn của người không thở.  
Bên hàng xóm, luôn có một cô gái nhòm sang. Cô là người quen của ông? Sự thật là suốt mấy chục năm qua cô vẫn theo ông không sót một bước. Cô và ông vốn đồng trang lứa. Cô bị mặc định mãi mãi ở tuổi mười tám, không như ông già bây giờ, được bảy mươi. Nếu gặp, chắc không anh em mà ông cháu.
.
Ông già và cô đều là người của bộ tộc mà người ta nhầm tưởng là một dân tộc lớn, đã xuất hiện ở đất này gần ngàn năm rồi. Một bộ tộc di cư trọn vẹn cả cuộc lịch sử. Đất ở đâu tốt, trời ở đâu lành là đến. Chín mười lần khai sơn phá thạch. Kết quả chỉ thu về hai tính từ mạnh và độc đoán vào loại bậc nhất từ điển tiếng Việt, đó là “Đói” và “Khổ”.
Mẹ cô gái vốn hai mươi năm làm người đàn bà không trứng. Bà được Phạ chỉ đường đến một đỉnh núi cao che khuất cả bầu trời, để xin một phôi thai. Bà khóc lóc van lạy tộc trưởng và dân làng bỏ nhà cửa, mùa màng sắp thu, cùng đi tìm đỉnh núi. Theo quan niệm, bỏ thu hoạch là bội bạc và khước từ, mùa màng sẽ không đến nữa. Vì thế họ ra điều kiện: ngay sau khi sinh được con, mẹ cô phải tự thiêu để cầu xin Phạ ban trả những mùa màng ấm no khác.
Bố cô ở vậy nuôi cô bằng sữa chó và cháo bột lá rừng. Ngọn núi được bố cô đặt là Khuất Trời, vừa có ý nghĩa che khuất, vừa để tưởng nhớ sự khuất bóng của mẹ cô. Ông bạn già của cô gái cũng có một định mệnh gắn với đỉnh núi đó. Phạ dạy, sẽ chỉ có duy nhất một người, của một bộ tộc được làm Vương nếu sinh ra đúng vào lúc giao thừa ở cái phần đất chạm trời, sinh khí vũ trụ bao la hòa quyện.
Họ thì thế, nhưng còn bộ tộc Không Có Thật - nghe như sự một mơ hồ, vất vưởng và luôn ở thì cuối của sự mong manh kia, thì vẫn cứ phải bồn chồn không yên! Tất nhiên là không dưng, bộ tộc lại đặt cho mình cái tên như một hư từ thế. Lý do được tính từ hai phía. Bản thân bộ tộc tự nhận thấy mình không có thật và người ngoài nhìn vào bộ tộc cũng cho rằng không có thật. Bộ tộc chỉ là một dạng giả danh, hoặc là một dạng cơm độn ngô, người Thái lẫn người Kháng.
Cô gái không biết mình là người gì, ở xã nào, huyện nào, tỉnh nào, nước nào; thậm chí là đang ở dưới đất hay trên trời. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã từng săn lùng bộ tộc. Nhưng do sự tồn vong, bộ tộc phải cắm cổ chạy đua với con đường mưu sinh, nên không ai kịp. Có khi các thợ săn văn hóa vừa nghe tin con mồi ở ngọn đồi này, dòng suối kia… tìm đến nơi thì chỉ còn những cái lán đổ một màu vàng úa cả chân trời.
Ông bạn già của cô gái được ví như “con kiến Khổng Minh” loay hoay trên hòn sỏi giữa hồ nước. Ông được trời phú cho tài năng làm được tất cả những việc của một quốc vương, trừ việc tìm ra danh tộc. Mười tuổi ông đã biết xếp đá chắn ngang núi để hứng màu, nâng tuổi thọ của nương rẫy từ ba mùa lá vàng lên mười bốn mùa. Mười hai tuổi biết bắt con nước dữ trèo núi, trèo cây bằng cách bẻ nó vào thung lũng không có đường ra. Nước quay cổ lại nhấn chìm đầu nguồn, bộ tộc tha hồ ao, ruộng.
        Hồi ông chưa ra đời, mỗi khi cần nói, bộ tộc chỉ chụm đầu vào cãi vã. Miệng nào phát ngôn, tai nấy lĩnh hội. Cô gái nhớ như khắc vào não bước tiến hóa vĩ đại nhất trong lịch sử bộ tộc, đó là việc ông già phát minh ra người cầm chịch, đặt tên là “Trưởng nghe”, sau nhiều lần sửa đổi bổ sung, thêm tiếp “Trưởng nói” và “Trưởng kết luận”. Họp hành dần đúng nghĩa và có chất lượng cao, lại phát minh ra “ghế”: “Tổng hợp ý kiến Họp viên”. Ông già chính là “Trưởng nghe”, “Trưởng nói”, “Trưởng kết luận” khóa một.
Thời gian qua đi, các chức danh trên lại một lần nữa được sửa đổi. Đây là lần du nhập văn minh đầu tiên, đúng kiểu quản lí hành chính, học lỏm từ các bản dân tộc khác trên con đường giao lưu văn hoá và thương mại. Trưởng bản Không Có Thật ra đời thay thế cho “Trưởng nghe”, “Trưởng nói”, “Trưởng kết luận” bộ tộc Không Có Thật. Trưởng bản Không Có Thật vốn tên cúng cơm vốn là A Vọt. Cái tên A Số Một là do dân bản tôn vinh.
.
Cô gái mười tám nhìn chòng chọc sang bên hàng xóm. Bên ấy thật tối tăm. Cái tối tăm đúng như sự tăm tối của bản cô từ thời bộ tộc đến khi gần chạm ngưỡng được công nhận là một dân tộc độc lập. Không chuyện gì được để ý hơn chuyện tìm ra mình. Cứ vài ngày, các bô lão lại mở tiệc họp bàn. Các ý tưởng nổ giòn như súng săn.
Giới hạn ngoại giao của bộ tộc Không Có Thật trước vốn chỉ dám mon men tới các bản làng người Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú… . Nay A Số Một được bản Không Có Thật đầu tư cho vươn vòi vượt qua cung cách bang giao của một “nước nhỏ”, xâm nhập xuống vùng thấp với người Kinh. A Số Một không biết chữ, nhưng biết cách đi đường ngắn nhất vào các ủy ban nhân dân, mà theo các dân tộc khác tiết lộ, đó chính là các cấp Chính phủ địa phương, cai quản các dân tộc. A Số Một gần như biết tất cả tiếng bồi của các dân tộc khác, mỗi khi có dịp ngang qua. Cũng thế, A Số Một học tiếng Kinh nhanh như bản năng săn thú.
A Số Một hùng hồn kết luận:
   - Bụng no thì chân mới khoẻ, mà chân khoẻ thì mới tiến xa được. Phá bớt nương sắn nương ngô đi, trồng cây thuốc phiện.
   - Đúng rồi. Có thuốc phiện là có vương quốc.
        Cô gái chưa bao giờ thấy sự đồng thuận nào cao đến thế. Tất cả những thứ này phải để người Kinh giải quyết. Người Kinh là vật trung gian đa mưu và lợi hại nhất. Với người Kinh, chuyện vô lí như kéo trời xuống ngồi, lột đất lên đội đầu, họ cũng làm được. Họ chế cái nhà có đầy đủ bàn ăn, giường ngủ, chỗ đi ỉa đi đái… bay ầm ầm trên trời. Họ bắt khẩu súng to như gốc cây trưởng rừng, bay từ trái đất này sang trái đất khác, bùm một phát là người chết hàng loạt… . Vài người có trí hiểu biết bập bùng, cự nự. Đấy không phải sản phẩm của người Kinh mà của người Tây. Ôi dào, Kinh và Tây là một. Làm rất giỏi, nghe nói ăn đầu nhau càng giỏi.
        Cô gái chưa biết người Kinh là giống vật gì, nghe lỏm từ cuộc họp rằng, người Kinh giỏi mọi thứ nhưng đi bộ rất kém. A Số Một lệnh cho cuốc ròng rã ba năm, xong một con đường cho người Kinh đi ngựa sắt lên. Người Kinh kích cầu bản năng săn bắt thú rừng, nhất lại là thú trong sách đỏ. Người Kinh biến tất cả nam phụ lão ấu thành lâm tặc, quét sạch rừng Pơ Mu. Người Kinh đưa văn hoá lai căng lên… . Dân bản mừng mừng tủi tủi!
        Cô gái không hiểu vì sao A Số Một biết chắc chắn, chẳng mấy nả, bản Không Có Thật sẽ tan hoang như một bãi trâu đằm, vậy mà lặng câm. Mặc kệ cánh rừng này tàn, A Số Một lại ẵm con dân Không Có Thật tìm đến cánh rừng khác. Cái cột mốc kỷ lục định cư mười bốn năm trên đỉnh Khuất Trời bị coi là mông muội và vô cùng ấu trĩ. Một công cuộc du canh du cư hiện đại vào loại bậc nhất lịch sử của bản được hình thành. Cứ đi, cứ phá. Phá, đến khi nào núi rừng Tây Bắc không chịu đựng nổi nữa, kháng cự bằng những cơ lở vỡ điên cuồng. Vật trung gian người Kinh nhìn xa, thấy rộng nên biết hết, nhưng vì ai cũng muốn giàu hơn, sướng hơn người khác nên lặng câm. Họ là bậc thầy trong việc nuôi giấu. Đố ai biết trên đời này có bản Không Có Thật tồn tại và làm giàu cho họ.
Cô gái chiếu vào vách ván thước phim xảy ra đúng vào ngày mưa đầu mùa năm ấy .

*

Bản viên A Kà đặt bẫy được một con rắn đen, đầu có bông hoa hồng, bốn mươi cân. Thằng con trưởng A Kục xuống núi mời người Kinh. Gã này trả con rắn năm mươi ba triệu, rồi khiêng đi. Đúng lúc có bốn cán bộ mặc áo xanh, lâm hàm cũng xanh, ập đến. Họ đọc lệnh, lập biên bản thu giữ và giải gã lái rắn ra khỏi nhà A Kà. Đi một đoạn rừng, họ dừng lại trao đổi. Gã lái rắn đưa bọc tiền nhiều gấp bốn lần số tiền A Kà bán con rắn. Cán bộ cầm đầu bảo:
   - Vẫn còn thiếu!
   - Đủ rồi mà anh.
   - Thiếu suất của thằng dân tộc bán rắn.
   - Em tưởng tiền ấy anh phạt nó.
   - Phạt nó, lần sau nó có dám bắt rắn hổ mang chúa bán cho mày nữa không?
   - À! Vâng vâng… . Em hiểu. Em xin gửi nốt.
        Bốn cán bộ bàn giao tất cả giấy tờ vừa lập cho gã lái rắn, rồi nhanh chân lẻn vào rừng. Đi một đoạn núi nữa, cán bộ cầm đầu hô:
   - Anh em chú ý! Trên đỉnh Khỉ Phơi Nắng có tiếng xẻ gỗ, chia hai mũi tiếp cận, tiến!
   - Rõ!
        Tiếng đạn rôm rốp lao đi. Cô gái mười tám lúc ấy mới chỉ lên mười, đứng nép vào gùi rau lợn, xem như trẻ con vùng thấp xem phim hành động Mỹ, chẳng hiểu gì cả. Trên đỉnh Khỉ Phơi Nắng, kịch bản cũ diễn lại. Sau đó, mọi chuyện trở về vẻ thanh bình như vốn chỉ núi, rừng, mây và gió.
.
Cô gái và rất nhiều phụ nữ, trẻ em khác ngồi co ro trong góc nhà, nhìn xuyên qua vần tối lòe nhòe ngoài gian chính. Cuộc họp khẩn cấp, nhưng không phải do A Số Một triệu tập như thông lệ, mà là từ các bô lão ban ra:
   - Đây là những đồng tiền cuối cùng, bản ki cóp cho mày. Chúng ta không thể ở mãi mà không biết gì về mình.
   - Cho mày quyền được làm “Trưởng nói” lần cuối, nghe mày phát minh lần cuối, không quan trọng là bao nhiêu năm, nhưng phải trăm phần trăm được.
   - Nếu không thành công, mày hãy làm con ma đi, để cho trẻ con lên thay.
   - Không làm được thì thành con ma đi…
   - Thành con ma đi…
   - (…).
          Nguyền rủa nhao nhao đổ vào A Số Một. Tan họp, A Số Một ra đầu núi Không Chân ngồi phóng tầm mắt thẳng như nòng súng kíp xuống vùng thấp. Bao nhiêu phát kiến đều thất bại thê thảm. Đỉnh núi Khuất Trời giờ trở thành đỉnh núi Lộ Trời. Trời cởi truồng dưới con mắt của những ai biết xấu hổ. A Số Một rơi vào bế tắc hoàn toàn. Lời nguyền của bộ tộc đã phát đi, chỉ có việc đổi mạng. Luật tục rồi!

*

        Những cơn ác mộng cứ rúc qua vách quan tài làm bằng gỗ chậm trắng màu xương ống. Não ông già dường như đã trốn xuống tới gót chân. Lúc sống, ông càng lao đầu vào thì các thợ săn văn hóa càng kết luận là ông chạy trốn (để biện minh cho cái dự án mẻ của họ). Có lẽ vì não nằm dưới gan bàn chân nên ông già thấy mình sáng suốt và thông hiểu mạnh mẽ. Sự thông hiểu cứ như của một vị giáo sư danh tiếng. Hoặc là, như những gì hồi còn sống ông nghe được từ thầy mo, rằng khi chết đi, người ta được thay kiếp sang một dạng vật chất khác. Hy hữu có người vẫn làm người, nhưng não được xếp lại, có khi xuống mông, có khi nằm ở ngoài như đào lộn hột…

*

Mười chín nóc nhà tuyển ra được bốn thiếu niên do đích thân A Số Một dẫn sang bản người Kháng gửi làm con nuôi, lấy hộ khẩu để đi học chữ, thực hiện chiến lược lâu dài là luồn sâu vào trong bụng Chính phủ địa phương. Dự định, hai đứa con gái có lợi thế xinh đẹp là A Dung và A Dinh phải cài vào được uỷ ban nhân dân xã. Còn hai thằng hổ con A Sầm và A Sập thì cho đi bộ đội, học chiến đấu để biết cách bảo vệ bộ tộc.
        Hôm chia tay vợ con, bảo đi rất xa và rất lâu đấy, là lần đầu tiên A Số Một tìm đến nơi ở của cô gái. Cô ra, hôn nhẹ lên má thay cho lời chúc phúc, an lành và thành công. A Số Một lầm rầm: “Vì ta mà hai đứa hai núi, hai đường, hai nhà, hai cái nghĩ. Ta định không bao giờ ra đây… . Chuyến này có thể là không trở về. Ở lại thì làm ma thiêng núi, thiêng rừng…”.

*

        Cô gái bất chợt nấc lên cho cái ngày định mệnh. A Tằng đến gõ vách. A Số Một thì đã tiến xa hơn: cậy vách. Vách nhà cô làm bằng gỗ khỏe, đóng đinh cọp già, khó cậy. Nhưng khó cậy hơn là vách lòng cô, thì cô đã mở cho A Số Một vào. Hôm ấy, nhà A Số Một có việc nên hai giờ sáng mới tới. A Tằng đã ở đó. A Tằng thổi kèn lá ma mị. A Số Một phải cậy vách bằng tay, nhưng tiếng kèn lá của A Tằng làm cho tất cả cửa khoá, vách cài bung lả tả. A Số Một thấy thế quay về. Nhưng đàn ông miền núi là thế, phàm cái gì không giải được là không ngủ, không ăn. Sớm sau, A Số Một hùng hục lôi cô ra rừng:
   - Mày là đồ chim cái! Mình hai đường đi, hai nơi sống. Mình hết sạch từ nay!
        A Số Một mang khuôn mặt hể hả về. Còn cô, tự ái và bồng bột đã mặc định ở cái tuổi mới chỉ biết một người cậy vách bằng tay và một người cậy vách bằng tiếng kèn. Hôm nay, trước khi A Số Một đi xa, A Số Một đã đến và đã nói lời muốn nghe.
.
        Cô gái lò dò sang. Ông già nằm thiêm thiếp. Mảnh chiếu rách đắp mặt không phập phồng. Thế giới này không có khái niệm ngày đêm và thời gian. Lâu lâu, nhớ nhớ, là thập thò, thế thôi. Ông già bị đánh thức. Ông nhìn cô bằng con mắt toàn lòng trắng. Rồi ông hỏi bằng một thứ tiếng mà lần đầu tiên ông nói:
   - Để cho ông yên!
   - Ông…, anh có còn nhớ vách gỗ khỏe đóng đinh cọp?
   - Cháu…, à em là…?
   - A Lau mà.
        Ông già muốn bật dậy. Dây guột rừng dai như da trâu, lại là bọn thanh niên tay rắn như gỗ nghiến quấn, không vùng ra nổi.
        Cô gái ra hiệu cho ông già nằm yên:
    - Một trăm ngày dây mở. Người có tội như anh phải một nghìn ngày.
.
Ông già gục xuống lết bết như một cái xác. Cô gái đọc được từ trong suy nghĩ, ông đang đứng trước một cuộc đấu tranh giải thoát. Ông rơi vào tuyệt vọng nhưng cô lại không thể giúp, cho dù đó chỉ là một cái vịn tay chông chênh.
A Số Một của cô giờ như một thằng ăn mày nơi quê lạ. Nghe nghe ngóng ngóng. Rình rình mò mò. Chẳng nhìn thấy gì ngoài những tấm gỗ phần giống người phần giống ma và, vô vàn những con giun ngoằn ngoèo xanh, trắng, đỏ, vàng… mà người Kinh gọi là chữ. A Số Một cố gượng hỏi mới biết là biển quảng cáo. Không hiểu. Người ấy giảng:
   - Nó chính là thứ mày không biết thì dạy cho mày biết; mày không tin thì bắt mày phải tin; mày không theo thì kéo mày theo… cúng ma cũng không cưỡng nổi.
   - Ai làm ra thứ thần tiên ấy?
   - Họa sĩ.
A Số Một vào hiệu in chữ trình bày nỗi thống khổ và sự bế tắc. Gã thợ dò xét:
   - Có tiền không?
   - Có rất nhiều.
   - Kiếm đâu ra lắm thế?
   - Bán núi, rừng và thuốc phiện.
          Gã này mắt sáng như sao:
   - Muốn gì?
   - Muốn dân bản tin là ta đã kéo được “chỉ đạo” lên núi.
   - OK! Cứ có tiền thì bảo tao ăn bã nôn cho mày cũng OK!
          Hai ngày sau A Số Một quay lại, vác biển về đóng lên cây to đầu bản. Dân xô nhau xem xanh, đỏ, tím, vàng. Thằng A Sầm võ vẽ đọc: “Hãy đợi đấy, rồi cán bộ sẽ lên!”. Cả bản hôm ấy thịt một trâu, hai lợn và mười chín gà. Rượu lá rừng, say, núi nghiêng hai ngày. Hôm sau A Số Một lại treo tấm biển: “Đổi tên bản Không Có Thật thành bản Có Thật”. Dân bản thịt hai trâu, bốn lợn và ba tám gà. Rượu lá rừng, say, núi nghiêng bốn ngày. A Số Một lại mang nhiều biển về, lần nào cũng bảo làm theo chỉ đạo của cấp trên, bản nào cũng thế, toàn quốc giống nhau. Cả bản lại nhẩy lên hò reo. Núi say nghiêng ngả:
   - Mình là công dân Việt Nam rồi. Đúng là công dân của tỉnh, huyện, xã,.... rồi. Ôi Phạ ơi, sướng quá! Sướng muốn điên lên quá!
.
Tính từ hôm chào cô gái, gần bảy mươi năm cuộc đời, lần đầu tiên A Số Một biết thế nào là thị xã.
Thị xã tái thành lập. Sầm uất còn chưa kiến thiết. Vẫn chỉ nhà cấp bốn, nhà tạm nâng cấp theo hệ tư duy tịnh tiến. Hơn mười năm kể từ ngày thị xã chuyển đi xa, rồi lên thành phố, thị xã cũ tái lập người ta mới có được hai ngày hội lớn. Ngày hội thứ nhất ra mắt thị xã mới. Ngày hội thứ hai là bầu cử. Người ta mở hội bầu cử vì hy vọng vào những đổi thay và một chu kì sự thật.
Vùng cao, sương nhoèn nhoẹt đến trưa. Phóng viên ôm máy ngồi chờ từ sớm. Một tấm ảnh chụp băng rôn chạy dòng chữ “Tổ bầu cử số 19…” đủ để làm cái tin về công tác bầu cử “phường 135”, vậy mà chẳng tấm nào rõ chữ. Băng rôn giăng ngang hai thân muỗng rừng, đen kịt như tang cây. Hòm phiếu cũng đen, giống cái hộp đựng cưa máy hay đựng mìn thỏi, sương bảng lảng như khói, xì từ trong ra, muốn nổ.
Tổ bầu cử chỉ đông người phục vụ. Cử tri rải rác, đến sớm về sớm còn đi ăn nương, ăn rừng. Tay thợ cắt chữ sau khi nhai ngập răng tiền, đã mách nước cho A Số Một lóc cóc từ thị trấn lên thị xã. Vẫn với khuôn mặt ngô ngố mà gã thợ tạo hóa thiên vị khi nặn người bộ tộc Không Có Thật đã cố tình kéo cái trán ngắn lại, các khoảng cách giữa mồm - mũi - mắt thì lại dài ra như không có điểm mút, nên nhìn nó cực kì quái nhân vô lý. Riêng với A Số Một, cái vẻ kì nghịch chỉ hiện ở mặt phẳng một của không gian, chứ trong đôi mắt sâu hun hút kia, hằn chứa cả một tầm vóc.
Thì đúng thế, thái độ và hành vi luôn là anh em và ngay tức thì, A Số Một xin ứng cử làm lãnh đạo. Tay tổ trưởng bầu cử mặt nghệt như mặt vịt phỗng nghe tuyên ngôn, luýnh quýnh chạy ngược chạy xuôi, hội ý tổ, rồi xin phép. Tỉnh trả lời xuống thị, thị trả lời xuống phường, phường trả lời xuống tổ, tổ trả lời A Số Một:
   - Không được! Vì tính công bằng… . Mà cái ngữ ông thì hiểu thế đéo nào được. Cơ cấu đâu vào đấy rồi, nghe chưa!
   - Ta không biết những thứ đó. Ta chỉ biết, kiểu gì thì kiểu ta phải được làm cấp trên.
          Mặt tổ trưởng bầu cử, sau khi được cấp trên bổ túc, đỏ phừng phừng. Anh ta lôi A Số Một ra, trần tình, giải thích; tay chém bão ào ào. A Số Một đuối dần, rồi nhụt, nhưng ruột vẫn sôi như bị nướng. Không thể thua từ tóc xuống chân được. Phải được bầu cử.
   - Đã có công dân chưa?
   - Chưa!
   - Làm gì có chuyện chưa?
   - Chưa thật!
   - Thế sống trên trời à?
   - Gần trời, nhưng vẫn có đường xuống.
   - Đi mấy ngày?
   - Nửa quăng dao.
   - Thế thì sao mà không công dân, vớ vẩn. Công dân chính hãng rồi, hiểu chưa!
   - Chưa thấy ai gọi tên trong cái giấy vàng.
   - Đơn giản, ghi vào là có. Tên gì? Bản nào…?
Tay tổ trưởng bầu cử mặt lại nghệt ra như mặt vịt, lấn bấn gọi điện lên phường, phường gọi lên thị, thị gọi về tỉnh, tỉnh trả lời:
   - Cậu linh động ghi đại một cái tên bản, thuộc phường nhé.
   - Báo cáo sếp, nhưng lão ở tận giáp ranh… lại không có thẻ cử tri?
   - Cậu không hiểu từ linh động là thế nào à, không làm được xuống tổ viên, nhé!
        Tay này rón rén đặt ống nghe xuống, không một tiếng cạch, quay sang A Số Một quát ông ổng:
   - Năm năm nữa lấy giấy vàng. Giờ chỉ là công dân phát sinh thôi, nghe chưa! Ở đây chỉ sợ không đủ phiếu chứ không sợ thừa, bỏ thì bỏ, không thì cút!
   - (…).
.
       
Cô gái biết, trong cuộc chiến với cái tộc danh, có lẽ đau đớn, giày vò A Số Một nhất vẫn là cái “dự án” pa nô áp phích, phi lí và cực kì vớ vẩn mà gã thợ in phát minh ra. Gã bảo cấp quản lí vĩ mô chuyên làm thế. Không có biển bảng, các quan chính sách về, hạch nạt một hồi rồi đi ngay, chấm hết ngay. A Số Một đã phải trả cả gánh tiền cho gã, để gã làm cho một sê ri khẩu hiệu, lừa dân bản: Mỗi cặp vợ chồng không đẻ quá 2 con gái, 1 con trai; Ốm đau đi viện, chết hẳn cúng ma; Chăm học để làm trưởng bản tốt; chăm làm để thành nhân dân tốt toàn quốc giống nhau.
Nhưng rồi mãi, rồi nhàm, nhất lại là khi thằng A Tốt vác tiền xuống mua một cái xe máy về chở gỗ lậu và thú quý hiếm đi bán. Trên đường bị cảnh sát giao thông bắt, hỏi giấy xe, giấy người đều không có. Theo chỉ dẫn của cảnh sát, muốn làm được giấy xe (đăng ký xe) thì phải làm giấy người 2 (bằng lái) bên Sở giao thông. A Tốt sang Sở giao thông xin làm cái giấy chết tiệt ấy thì họ đòi phải có giấy người 1 (chứng minh nhân dân). A Tốt vào làm giấy người 1, họ hỏi giấy nhà (sổ hộ khẩu), A Tốt không có, họ không công nhận là người của mặt đất.
A Tốt hạch hỏi A Số Một. Cả bản hạch hỏi A Số Một. A Số Một lặng câm. Thanh niên bản trèo lên giật những tấm biển xuống, đập hết. Tấm biển Đổi tên bản Không Có Thật thành bản Có Thật” là bị họ đập cho nhừ tử nhất. A Số Một biến thành viên đạn nằm trên đầu liều thuốc súng. A Số Một hầm hầm lao xuống thị trấn, chỉ quả đấm vào mặt gã thợ in:
   - Mày đúng là bọn Kinh. Nói thì thơm, làm thì thối.
Gã này lại lôi A Số Một vào quân sư cho kế đi lên thị xã, lên tỉnh ứng cử làm lãnh đạo…

*

A Số Một lếch thếch ra đường. Lang thang qua từng quán rượu, từ thị xã về thị trấn. Say mèm. Con ma men lần đến hiệu thợ in. Gã ta văng ra tràng cười đốn mạt:
   - Vẫn còn nhiều võ khác nữa!
   - Thôi, tao mỏi rồi.
   - Sao mỏi sớm thế. Làm chính trị mà dễ đầu hàng thì làm thế đếch nào được!
   - Tao hiểu rồi, người Kinh chúng mày có câu “nuôi béo để thịt”, tao vừa nghe được từ mụ chủ quán phở, bảo một con gà trống già ngu si như thế. Tao muốn làm hai cái biển nữa, thế thôi, tiền đây, mày ăn nốt đi.
   - OK!
        Gã thợ in bung ra điệu cười khốn nạn.
A Số Một lại lang thang đi tìm trùm ma tuý Gấu Đen. Không bao giờ gặp nữa. Hắn đã bị tử hình. A Số Một như một chủ nợ bị tất cả các con nợ xù, chỉ biết mỗi đường quay lại hiệu in, đợi vật vã để được vác biển về. Lần này A Số Một không treo ở bản, mà mang tấm biển Chặt phá rừng là chặt đầu vợ; hút thuốc phiện là hút máu con” đến cửa cánh rừng duy nhất còn sót lại của Tây Bắc, đóng vào một cây cổ thụ mà chắc chắn người dân Không Có Thật sẽ đến đây, chặt cây ấy đầu tiên.
        Xong xuôi, A Số Một xuống đất ngồi vê thuốc rê, ngắm tấm biển bằng con mắt ni vô của những gã thợ. Khói thuốc rê như con rắn độc, bò lên quấn quanh tấm biển bé hơn, đóng ngay bên dưới: “Đừng đợi nữa!
        A Số Một không còn đường đi nữa. Rừng và muông thú bị cái mưu kế mồi nhử của A Số Một phá tan hoang. Không biết bao nhiêu người biến thành ma quỷ vì bài toán trồng thuốc phiện để dắt cán bộ lên bản của A Số Một.
Sự thực thì cán bộ đã lên núi, nhưng chỉ tịch thu thú quý hiếm, tịch thu gỗ, tịch thu thuốc phiện… mang về. Chắc chắn là họ đã nhìn thấy mười mươi, nhưng lại không lần nào phát hiện ra bộ tộc Không Có Thật.
Người Kinh đã làm nên một chuyện ngoài tầm kiểm soát của A Số Một rồi. A Số Một lật đật đi tìm khẩu súng săn vốn tin cậy như vợ của mình…
.
Dười đáy mộ, A Số Một nhờ người bạn gái nhìn thấu tương lai xem hộ hai thằng hổ con Sầm, Sập có đi được bộ đội không? Hai con bé Dung, Dinh có luồn vào được ủy ban nhân dân xã không? A Lau rút đáp án từ cặp cam mê ra “nhãn quỷ”, nhìn xuyên lên từ ba thước đất, bảo, hai thằng Sầm Sập đi được bộ đội, học được chiến đấu, nhưng bảo vệ được bộ tộc không thì mắt cô chưa chạm tới! Hai con bé Dung Dinh do giỏi, được chọn đi học trên thành phố, biến thái thành người Kinh rồi, không thèm vào ủy ban xã mà đi bán dâm…
A Số Một nút lại nắm giẻ vào miệng, mà người sống chủ trương nhét khi đem chôn!
  
Cao sơn, 09.12.2012 -
Trại VNQĐ Sa Pa 07.05.2013

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét