27 tháng 4, 2013

CÁC CUỘC THI NÊN "NÓNG" HƠN NỮA


Tác giả Nguyễn Đức Lợi (thứ 2 từ phải sang) nhận giải nhì của cuộc thi



LTS: Cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2011- 2012 đã khép lại với nhiều dư âm. Đặc biệt, trong số 18 tác giả đoạt giải, có 8 tác giả trẻ, đó là: Thu Trân, Nguyễn  Đức Lợi, Chu Thùy Anh, Phạm Thanh Thúy, Uông Triều, Vũ Thị Thanh Huyền, Nhụy Nguyên, Chu Thị Minh Huệ.
Văn nghệ Trẻ xin trân trọng giới thiệu những tác giả trẻ đã vượt qua hơn 1000 tác giả dự thi với gần 3000 bản thảo, để đăng quang xứng đáng trong cuộc thi lần này.

Các cuộc thi nên “nóng” hơn nữa

“Các cuộc thi văn học đã khuấy vào cái hồ lớn. Đó là động lực để giới văn nghệ thêm chất xúc tác, cảm hứng để cầm bút. Các cuộc thi nên “nóng” hơn nữa. Nếu làm tốt có thể tạo ra cả làn sóng mới. Can đảm và ủng hộ cái mới, có thế nền văn học mới tiến lên được”.

VNT phỏng vấn Nguyễn Đức Lợi (giải nhì), Uông Triều (giải khuyến khích)

Đến với cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ, điều có ý nghĩa nhất đối với các anh là gì?
Uông Triều: Điều có ý nghĩa nhất đối với tôi trong cuộc thi này là động lực, cảm hứng để viết. Đôi khi thấy mình mệt mỏi, chán chường, muốn quăng bút đi. Tham dự một cuộc thi, dù không kì vọng quá lớn nhưng có thêm chất kích thích để viết. Tôi đã viết được 5 truyện trong cuộc thi này, cũng đáng kể đấy chứ.

Nguyễn Đức Lợi : Đây là lần thứ 2 tôi tham gia dự thi truyện ngắn trên Tuần báo Văn nghệ. Lần trước tôi được in 1 truyện và được lọt vào tốp cận giải, in trong “Tuyển tập truyện ngắn hay và được giải”. Lần này may mắn hơn, được ban giám khảo trao giải nhì, tuy nhiên “thành công” ấy, theo tôi, chỉ là “khoảnh khắc” chớp nhoáng. Cái được lớn hơn, lâu dài hơn chính là tác phẩm, là sức chiến đấu (chiến đấu ở đây, kẻ thù là sức ì sáng tạo bản thân), là dám vượt qua “ngọn núi” chính mình. Giá trị ấy, đơn thuần không chỉ đoạt giải mà có, không chỉ may mắn mà có, vì nó là hiện thân của sự trường kỳ, sự vĩnh cửu trong phong cách, trong sức viết và trong đột phá.

Anh Uông Triều có thể chia sẻ đôi điều  về tác phẩm đoạt giải: “Trong đám tang của mình”?

Uông Triều: Tôi nhớ khi vừa về cơ quan mới thì phải đi dự liền 3 đám tang. Đây là lần đầu tiên tôi đi dự đám tang ở Hà Nội. Đám tang không tổ chức ở nhà riêng mà ở nơi công cộng. Thủ tục, phong cách tương đối khác ở quê tôi (tổ chức ở gia quyến). Nhất là những người đến viếng. Nhìn họ, tôi hiểu ra được nhiều điều. Một hôm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương bảo tôi: “Này, nếu một ngày mình bỗng chết đi thì những người đến đám tang sẽ thế nào nhỉ?” Tôi nghĩ về câu nói đó. Sẵn cảm hứng, bối cảnh, tôi viết “Trong đám tang của mình”. Truyện nói về người sống, không phải về người chết. Truyện tàn nhẫn nhưng không ác. Tôi cũng viết theo một cách khác, hiện đại và khiêu khích. Nếu đọc theo lối thông thường khó mà cảm được. Vì truyện ngắn này tôi còn phải tranh luận với nhiều bạn văn khác  khá vui và... nảy lửa.
Thông điệp của tôi trong truyện ngắn này là đưa ra một câu hỏi chung cho tất cả mọi người: Nếu mai mình chết đi, ai sẽ đến dự đám tang mình nhỉ?

Còn “Ma núi rắn” đầy li kì huyền bí, nhưng cũng rất hiện thực đã được anh Nguyễn Đức Lợi viết như thế nào?

Nguyễn Đức Lợi : “Ma núi rắn” là một tác phẩm khá của tôi (chưa phải tác phẩm tôi thích nhất đến thời điểm hiện tại, tôi thích nhất truyện ngắn Gia đình thợ mộc, dự thi ở Tạp chí Văn nghệ quân đội 2005 - 2006, không được giải). Tuy nhiên, thật may mắn ban giám khảo lại thích “Ma núi rắn” và cho tôi cơ hội để thêm yêu mến văn chương, thêm sức mạnh để nối dài văn chương. Không có nguyên mẫu cụ thể, nhưng tất cả những thân phận trong truyện lại đều có thật. Sự ma mị thần bí của rắn chúa. Số phận bầm dập do hủ tục của hồng nhan. Sự bàng quan vô cảm của xã hội đối với người của lịch sử. Thậm chí có lắm chứ sao không cả thói chơi ngông cuồng của những đại gia giàu có, bằng mọi giá muốn bắt cho được đôi dị nhân về để làm... sinh vật cảnh thay vì nuôi cọp hay chó ngao(?) Tất cả được cấu trúc thành một câu chuyện có thể không làm vừa lòng những người kể sử.
            Tôi viết truyện ngắn này bằng những trải nghiệm thực tế. Thứ thì mắt thấy, việc thì tai nghe. Nếu có thông điệp nào đó từ truyện, tôi chỉ dám nghĩ thế này. Ai đang định ác, ai đang định vô cảm, ai đang định ngông cuồng... thì xin hãy rung rinh một chút lòng trắc ẩn.

Tác giả Uông Triều (thứ 3 từ trái sang) nhận giải khuyến khích của cuộc thi


Tham dự cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ, kéo dài suốt 2 năm, những tác giả nào các anh  thấy ấn tượng nhất ?

Nguyễn Đức Lợi : Ấn tượng tác giả nào thì phải tiếp xúc trực tiếp với tác giả đó, tôi thì lại chủ yếu biết họ qua tác phẩm. Tôi ấn tượng Hoàng Hải Lâm qua “X- quang cho một tâm hồn”; Chu Thuỳ Anh qua “Hàng xóm”... . Tôi thực sự thú vị “thợ hàn” Lê Thanh Kỳ, bởi cái vẻ nhỏ nhẻ khác biệt với sức vóc to lớn văn chương của anh.
Uông Triều: Tôi không có thời gian đọc được nhiều. Có nhiều người viết hay nhưng tôi chưa kịp đọc. Trong những người tôi đã đọc, tôi thích Phùng Hi về cái giọng tưng tửng, tự nhiên trong “Phương Nam”.

.Theo ý kiến cá nhân, các anh thấy cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ lần này thành công nhất  ở điểm nào?

Nguyễn Đức Lợi : Tôi chưa đủ tầm và thực sự cũng không muốn phát ngôn gì rộng lớn đến thế - nhất lại là khi tôi được giải - nhưng tôi thiết nghĩ chẳng có cái gì hoàn hảo cả. Tôi từng nghe được ý kiến (tất nhiên là của người đủ tư cách phát ngôn) rằng, cuộc thi này có mặt bằng cao hơn nhiều cuộc thi truyện ngắn gần đây của Tuần báo Văn nghệ. Tôi cũng đọc được điều người ta phân vân: “... người cầm bút khi lựa chọn “vấn đề” - tức là viết về cái gì, đồng thời cùng giải quyết câu hỏi “viết như thế nào?”. Nếu không, tác phẩm văn chương chỉ đáp ứng bạn đọc ở thời điểm hiện tại và khi thời sự, thời thế thay đổi, nó không còn giá trị và chẳng khác những bài báo cũ, bắt buộc phải nhường chỗ cho bài báo mới.
            Nghĩa là giải năm nay sẽ phải đi vào con đường các giải trước đã đi qua, đó là chờ đợi sự phân định của vị giám khảo cuối cùng - vị giám khảo thời gian.

Uông Triều: Thành công lớn nhất của cuộc thi theo tôi là sự tham dự của những người trẻ. Người trẻ tham dự nhiều và có được những thành tựu đáng nói. Cuộc thi cũng tạo được những rung chấn nhất định trong đời sống văn học có vẻ tương đối im lìm.

Những cuộc thi văn chương - theo các anh - có vai trò như thế nào trong đời sống văn học nước nhà?

Nguyễn Đức Lợi : Sẽ có mấy cái được:
+ Cái được thứ nhất là sự đa dạng của đời sống văn học cả về tác giả và tác phẩm - như diễn văn tổng kết cuộc thi của nhà văn Khuất Quang Thuỵ - văn học đã tiến sâu vào từng ngóc ngách của cuộc sống, tiếng xa đến mọi vùng miền, tiến ra hải đảo mông mênh vào tiến ngược cả về lịch sử sâu thẳm.
            + Cái được thứ hai là sự mạnh dạn bứt phá của các tác giả trẻ. Bằng chứng là trong tổng số 18 tác giả đoạt giải thì tròn nửa số đó là các tác giả trẻ. Như vậy là nhờ có cuộc thi mới có tác giả trẻ đoạt giải. Có tác giả trẻ đoạt giải tức là có sức văn trẻ; mà có sức văn trẻ rồi sẽ có sự kế thừa xứng tầm.
            + Cái được thứ ba là sự lựa chọn phong phú của bạn đọc. Ở thời buổi văn hoá hội nhập, người đọc tiếp nhận thôi thì thập cẩm bà giằn, các cuộc thi văn chương có thể sẽ tạo thêm cho họ một sự lựa chọn mang tính cạnh tranh có nâng cấp. Trước giờ chỉ có thói quen đọc văn ngoại thì khi ấy thử hấp thụ văn nội xem thiên hạ ầm ĩ ra sao, và biết đâu đấy, người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt thì có vấn đề chứ người Việt ưu tiên đọc văn Việt (để ngày thêm yêu thương nhau) chẳng đáng quan tâm lắm sao?

Uông Triều: Các cuộc thi văn học đã khuấy vào cái hồ lớn. Đó là động lực để giới văn nghệ thêm chất xúc tác, cảm hứng để cầm bút. Các cuộc thi nên “nóng” hơn nữa. Nếu làm tốt có thể tạo ra cả làn sóng mới. Can đảm và ủng hộ cái mới, có thế nền văn học mới tiến lên được.

PVVNT thực hiện

. Nguyễn Đức Lợi , sinh năm 1972. Viết văn, làm báo tự do.
. Uông Triều, tên thật: Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977. Trước khi viết văn, anh là giáo viên dạy ngoại ngữ tại Quảng Ninh. Hiện anh đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.


Văn nghệ Trẻ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét