Truyện
rất ngắn
Hắn mắc bệnh đi làm muộn, làm về muộn
mãn tính. Chẳng có cuộc họp hay hội nghị nào mà cả cơ quan không phải đợi hắn.
Gọi sôi điện thoại, nhiều khi hắn chẳng thèm bắt máy, lãnh đạo báo phải cử lái
xe riêng đến tận sân đón hắn. Đường đường là một trưởng phòng mà hắn tồn tại
như một sự hư vô. Nề nếp à? Thông cảm một văn nghệ sĩ lớn! Đ ạo đức lối sống có
vấn đ ề? Bỏ qua đi, nếu muốn văn nghệ sĩ phát huy được tối đa tài năng và trí
tuệ! Nhưng uy tín của hắn là uy tín của một cấp trên, của một cơ quan, không thể
mang ra mà làm trò...? To tát mà làm gì, chẳng ai thèm chấp văn nghệ sĩ đâu!
Hắn xuất thân là một họa sĩ. Thần
tượng của hắn là bác Behrman trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn
Mĩ O'Henry. Chân lý hắn có lẽ là của Behrman. Năng lực lãnh đạo thì ai cũng
biết rồi, còn khả năng chuyên môn thì như hắn từng nói, hắn khao khát vẽ nên
một kiệt tác nhưng lại chưa bao giờ bắt đầu. Hình mẫu bác Behrman như khắc vào
khát vọng của hắn. Hắn giống hệt thần tượng của mình: “…uống rượu gin lu bù,
và vẫn nói tới kiệt tác sắp đến…”. Khối óc và hai bàn tay sạch nhẵn như bàn
tay văn phòng. Vài năm liền, hắn chẳng có tác phẩm nào được dăm lạng, một ký
ngoài vài cái minh họa vớ vẩn cho một tờ tin, ảnh cấp tỉnh ngành. Nhưng hắn có
một biệt tài là thấy trên họa báo, hay bất cứ trang sách nào có những họa phẩm
đỉnh cao là hắn tìm cách cắt, chụp, tốc chép… để về “tái sáng tạo”. Hắn làm
những việc ấy lén lút, thường vào giờ thứ 9, khi mà nhân viên cơ quan đã mau
mải ra về. Và rồi chỉ vài ngày sau, hắn tung ra một tác phẩm mình gà, chân lợn,
đầu bò. Bởi hắn cóp của mỗi người một ít, nên các tác phẩm của hắn cũng được
xem như là kì quái, ít nhất cũng đáp ứng tiêu chí mới lạ(!) Cái mà bác Behrmen
làm được là kiệt tác “chiếc lá thường xuân trên tường”. Bình thường về nghệ
thuật, nhưng lại hết sức nhân đạo, hết sức cứu tinh. Bác đánh đổi sự sống của
mình cho vị Thần Viêm Phổi để lấy lại mạng sống cho cô họa sĩ trẻ - hắn líu lô
bình luận. Hắn đang ấp ủ cho một kiệt tác đại loại như thế chăng?
Hắn là
lãnh đạo phòng, kiêm họa sĩ thiết kế và phóng viên ảnh của tòa báo. Thỉnh
thoảng hắn cũng có một tấm ảnh đẹp hơn của đồng nghiệp, bởi vì khi các phóng
viên gửi ảnh về, hắn lập tức bắt được cái thần ở các tấm ảnh quí, và hắn ngồi
tìm ra những khiếm khuyết về ánh sáng, về bố cục… rồi lập tức đến đúng địa chỉ
ấy, đúng góc máy ấy, chờ cho ánh sáng đẹp nhất (theo ý hắn). Nếu không có gì
mới về nội dung thì hắn vẫn yên tâm bấm máy, đã có phô-tô-sốp. Vài ba cái ô tô
chạy trên đường, một nhóm người cặm cụi gặt hái trên cánh đồng hay, một đoàn du
khách tham quan một di tích… đối với kỹ thuật chỉnh sửa ảnh của hắn, đều là
chuyện nhỏ.
***
Ở tòa soạn ấy có một gã nhà báo gàn.
Gã này chuyên viết phóng sự, ghi chép ở chuyên mục Đời sống nên có vẻ tỉnh táo
lấn át hết chất văn nghệ sĩ. Gã ghét đắng những kẻ giả danh văn nghệ sĩ, rồi
khuệnh khoạng mỗi chân một hàng. Một hôm, gã tiếp một nhóm “độc giả” hy hữu.
Nhóm ấy chính là những đồng nghiệp, ở cả Phòng biên tập và Phòng phóng viên của
tòa báo. Do không chịu nổi cái thói ăn cắp của tay họa sĩ nữa, nên tìm đến căn
phòng trọ chật hẹp, ngụ trên phố Đường Đỏ, phía Đông thành phố, phàn nàn với gã
về việc làm thế nào để lật tẩy hành vi suy thoái đạo đức nghề nghiệp kia của
tay văn nghệ sĩ trưởng phòng.
- Phải phơi cái hành vi đê tiện ấy
ra ánh sáng!
- Đúng, vạch hắn ra khỏi miếng giấy
đạo đức mà hắn vẫn đắp lên mặt!
-…
Gã nhà
báo không nhếch mép:
- Ông là cây đề của tòa soạn, ý
kiến ông là khối lượng, trọng lượng. Kỳ họp giao ban này tôi cháy chậm, ông nổ
đùng, đoàng…?
Gã nhà
báo có vẻ chăm chú nghe hơn, nhưng vẫn im lặng. Xem chừng nói mồm không xong,
nhóm đồng nghiệp công kênh gã ra quán bia đầu phố, coi như chi dọn giọng. Gã
ngồi nhâm nhi vại bia, nhìn bong bóng ga nổ lép tép:
- Thế nào, uống bia của bọn này rồi
cũng phải cho một nhời chứ?
Gã nhà
báo miệng như đổ bê tông. Một đồng nghiệp điên tiết:
- Khốn kiếp, hay là lão muốn làm
một chân gì đó nên giữ phương đi lại? Lão mà rụt đầu, bọn này kinh tởm lão!
Kì họp giao
ban tuần ấy, cả người nhận nhiệm vụ cháy đến các “khối nổ” khác đều câm lặng.
Thủ trưởng cơ quan khi nhắc đến hắn, vẫn một lời rào chắn: “Hôm rồi, đoàn đại
biểu văn nghệ sĩ Trung ương lên, khen tạp chí ta có hình thức đẹp. Tất cả nhờ
có tài thiết kế của trưởng phòng biên tập đấy, trưởng phòng ạ. Thay mặt cơ
quan, xin thưởng nóng cho đồng chí hai triệu gọi là của ít lòng nhiều, mong
đồng chí nhận như nhận tấm lòng biết ơn của cơ quan…”
Tan buổi
họp, trong khu vực dành cho mọi người giải quyết nỗi buồn, phóng viên ban thời
sự nói với đại diện ban văn hóa:
- Sao chẳng ai lên tiếng đập cho
cái thằng cha khốn nạn ấy một phát nhỉ?
- Chẳng ai dại gì đâu.
- Thật là một lũ sợ chết! Tôi mà có
ai nổ trước, tôi… đùng cho gã một phát liền.
- Thôi, cái bồn cầu không muốn nghe
chính trị. Giao ban luôn đề cao tính… đấu thì lại ngại va không nỡ… chiến. Gã
nhà báo gàn hứa viết một cái bình luận, dạy dỗ xa xôi mong hắn ta nắn sửa nhân
cách, nhưng rồi cũng mất hút…
***
Nửa
tháng trôi qua, không thấy gã nhà báo gàn đi làm. Nhóm bạn đồng nghiệp tìm đến
căn nhà trọ cũ nát của gã:
- Mẹ kiếp! Chỉ vì ngại lên tiếng mà
giả ốm đến nửa tháng vậy sao?
Gã nhà báo chậm rãi rút
tờ báo Văn nghệ trong ngăn kéo ra, quăng lên mặt bàn. Nhóm đồng nghiệp vồ lấy:
- Truyện ngắn! Ông viết truyện ngắn
cơ à? Nhưng sao ông lại kí bút danh là Vim?
Gã nhà báo không
hé răng, chỉ lẳng lặng quăng tiếp ra bàn quyết định sa thải nhân viên hợp đồng
của Phòng biên tập. Đoạn, gã đứng lên khoác chiếc túi bố quần áo, sách vở đi ra
bến, bắt xe về quê. Bên vành tai đã chai lì và trơ chẽn, văng vẳng tiếng vợ con
gã gào rít: “Đồ ăn hại! Cả đời chẳng làm nổi việc gì cho ra hồn!”
***
Cuối
giờ chiều hôm ấy, cơ quan sửng sốt khi nghe tin gã nhà báo gàn bị tai nạn ô tô.
Những người có mặt tại hiện trường láo kháo, gã say rượu, cứ đu người ra cửa
xe, phụ xế đuổi thế nào cũng không chịu vào. Lần cuối cùng họ nhìn thấy gã
nguyên vẹn là lúc gã cố tình vuột ra khỏi tay chắn của anh phụ xe, nhào xuống
đường. Nhóm bạn thân cốt đứng ớ người. Một phóng viên điều tra vỗ vai phóng
viên môi trường:
- Tôi vẫn không hiểu vì sao gã lại
ký tên là Vim trong truyện ngắn Văn nghệ sĩ?
- Gã là hóa chất tẩy rửa cực mạnh,
bởi tay họa sĩ kia là vi khuẩn cứng đầu!
- Ra thế! Anh ấy mới đúng là văn
nghệ sĩ đích thực!
Một
tay khác nói trong đầm đìa nước mắt:
- Sao anh ấy không khuệnh khoạng
lấy một lần nhỉ?
Hội VHNT Điện Biên, 28.09.2009
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét