Một người bạn
(mạn phép được gọi như thế vì, tuổi tác thì là cha chú, nghiệp viết thì là bậc
thầy, còn “thủ trưởng” thì ở nấc… thủ trưởng của các thủ trưởng), hôm nay bỗng
gửi cho tôi tấm ảnh; mà nói theo nhiều người là, đến một lúc nào đó, anh (chị)
sẽ tự “nhai”
mình(!)
Là thủ trưởng gần như suốt một đời công tác, từ tỉnh lên đến TƯ, già rồi, hé
khẽ hai con mắt đã mờ đi vì cống hiến nhìn ra, chắc thấy ngứa?
Không
riêng ai, một lúc nào đó, chợt quan sát lại mình rồi hỏi, có khi nào mình tập
tọng “thói thủ trưởng” không nhỉ? Người nhìn ngập đời như ông, chắc có lẽ chỉ
một gợn mày là đã thấy ngay thói này, thói kia ở ngóc ngách cuộc sống.
Thằng
ranh con, mới vuốt đuôi kinh doanh được mấy năm, về thăm nhà đã kê chiếc
giầy da cá sấu lên đầu gối, gảy gảy trước mặt ông bố ngót trăm
tuổi đã nhìn đời mòn vẹt cả con ngươi. Ông bố xòe môi: “Nó tập
tọng thói đại gia!”.
Bạn
tôi có bà cô, chị của bố (quê bạn tôi gọi chị ruột bố bằng cô). Cả đời ăn ở
ngược đạo, chồng cô từ mặt cô; các con cô từ mặt cô; các cháu cô cũng từ mặt
cô. Chỉ còn bạn tôi là miễn cưỡng. Mồng 3 tết Tân Mão vừa rồi, cô bỗng xách gói
gia tài, nhẹ nhàng sang nhà bạn ở. Cô bảo cô xem bói, thầy phán cô hợp với vợ
chồng bạn. Trong bữa ăn, cô khoe, đời cô chỉ chơi với cỡ… xóm trưởng trở lên, dân
quèn cô khiếu. Hai vợ chồng đứa dân quèn nhìn nhau. Ông thông gia sang, nhìn
thấy con mình không đâu phải báo hiếu bà cô vợ bậc thầy lừa lọc, bậc thầy ăn
vạ, bèn rặn ra một tiếng: “Thói ăn cướp!”, rồi về.
Chị
bạn dân viết đến chơi nhà phàn nàn, thằng nhóc nhà chị vừa nứt mắt đã học đâu
ra cái thói nịnh nọt thế. Chỉ nháy mắt là y như rằng, nó “chiếm” gọn cái thứ nó
thích, đang ở trong túi mẹ. Cái sự nỉ non đến não lòng ấy, tất nhiên, chưa lần
nào “bắn trượt” thái độ nguyên tắc đến chủ kiến của chị. Chị sợ sau này con chị
thất đức!
Tôi
tìm đến một ông bạn già. Ông bạn là Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm. Chẳng
làm gì ngoài câu cá và đánh cờ. Tôi đồ rằng, ông đừng ham chơi mà chú tâm vào
sáng tạo thì nhất định, ông phải trở thành một cây bút trứ danh, một đại diện
sáng giá cho nền VHNT nước nhà và thế giới. Ông bạn già có vô vàn khái niệm
danh phong. Mà ông đặt tên gì, cho hạng nào nghe cũng khoái lắm. Con chó nhà
ông cứ hoắng lên mỗi khi ông cầm miếng cơm cháy khét như cái đũng quần, ông mắng
nó là: “Đồ lứng thực!”. Có một bà chợ búa, cứ hễ buồn buồn là lại đứng trước
cổng huyện chức năng chửi sang sảng vào, ông bình phẩm: “Quan bự hẽm, bà to
Phèo!”. Vợ ông nói trống với ông, ông nhắc nhở: “Ăn nói gió háng!” (Kiểu không
mặc quần, gió thích lùa chỗ nào thì lùa - ý không đầu không cuối). Thằng con
trai thích ngông, tết rồi mượn xe máy đẹp, gây tai nạn, vừa nát mặt, vừa đền
xe, ông nhiếc: “Đã ngu còn du côn!”…
Ông
bảo, thói thủ trưởng khó động vào lắm, nó như lông bọ lẹt, vừa đau vừa ngứa
nhanh nhách. Tôi cãi, các thủ trưởng thường được bố tôi lôi ra như một tấm
gương, với bao nhiêu là nết tốt: chững chạc, đàng hoàng, quảng đại, kiên định,
chủ kiến, trách nhiệm, nhìn xa trông rộng… Bố tôi còn kể, hồi chiến tranh, có
một vị tướng vốn thét ra lửa trên chiến trường, một dịp đi công tác, tạt về
làng thăm bố (Ông chú thích: Tướng thời chiến tranh còn oai hơn cả lãnh đạo Nhà
nước). Vậy mà về đến đầu làng, ông tướng ấy xuống xe, tháo súng lục, thay quần
áo cận vệ, bỏ đoàn tùy tùng lại đầu làng, rồi một mình lóc cóc cuốc bộ về.
Bố mẹ ông tướng vẫn gọi ông là “thằng chăn trâu”: “Vậy là mày vẫn còn là mày!”.
Ông
già ham chơi nghe xong vỗ đùi cái đét: “Đấy, thấy chưa, căn bản là trước khi
làm lãnh đạo, người ta vẫn giống nhau, chỉ là một mớ quân quèn. Phong thái quan
trọng, nhưng nết ăn ở phải giữ được nguyên gốc quân quèn, thế mới gần, thế mới
thiện… Dễ bề lãnh đạo lắm thay!.” Tôi không nhất trí: “Tác phong xộc xệch như
một thằng lính thì làm gì còn khoảng cách (lãnh đạo - nhân viên), làm gì có uy
nể?”. “Cậu non xanh lắm, uy nể là do chuyên môn, do tài năng, do phẩm hạnh… mà
thành, chứ không do đường bước khuệnh khoạng, nói năng hách nạt, thái độ lênh
khênh!”. Tôi cứng họng, nhưng vẫn cố cãi: “Thì vẫn cứ phải phong độ chứ, mà
phong độ một chút thì người đời lại ngứa mắt, gọi là thói này thói nọ.”. “Phong
độ không dung kiểu chắp tay kẻ cả, khuyệnh khỉnh, cửa ỷ, thây kệ, ngoa nguyền,
vô lương, vô sỉ, bàng - tham - tắc - cẩu!”. Ông nói một tràng, kệ tôi nghe thế
nào thì nghe, hiểu thế nào thì hiểu. Tóm lại là xấu xa hết mức.
Rồi
ông bỗng lộn lại câu chuyện tôi kể. Cảm giác đứa con vẫn ngoan ngoãn như ngày
nào tràn đầy hai cặp mắt già mãn nguyện. Làng xóm khen hai cụ khéo dạy con, làm
đến cấp tướng rồi mà vẫn mang tác phong của một thằng “ngắm đít trâu” về
làng: "Gần gũi lắm thay! Hạnh phúc lắm thay!"
Đào
trại, 23.02.2011
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét