29 tháng 1, 2013

TIẾNG KHÈN TỪ BẢN MỚI


(Tặng đồn biên phòng 281 Giào San)

Có cô gái người Mông di cư
   trở về từ bên kia biên giới
      qua con suối Pênh - Hồ nửa này là nước mẹ.
Cô hồn nhiên tắm
   trên vai hằn những vết sẹo áo cơm.

Khi lên bờ.
Cô không quên chiếc lu cở đựng đầy củ nâu mà cô đã địu cả một 
   quãng đường dài vì sợ về nhà lại đói !

Cô bỗng nhớ
   ngày cha cô đẩy đổ nhà đi theo Vàng Chứ học làm vua
      cô bèn theo cha, hy vọng ngày mai sẽ trở thành công chúa  của
Vương Quốc Mông tự trị.
Hai cha con cùng đoàn người lạ
   vượt biên đi về phương Bắc
      gặp núi đạp núi
         gặp suối tát suối
            gặp rừng đốt rừng
dựng nhà
  trỉa rẫy.
Đến khi rừng hết
   nước lũ
      đất mòn
         nhà trôi
   đoàn người lại đi tìm khu rừng mới.

Đói kém vì nổi nênh
   dốt nát vì mất học
      bệnh tật vì mục đích tự trị xa trời.
Để vớt vát
   người ta bầu cha cô làm vua và bầu cô làm công chúa
      vì khi mộ đạo bọn sứ giả đã nói: Nếu là người Vàng Chứ sẽ
được chia đất trên trời
              lúc đói kém người đắc đạo nhất (Vua) sẽ có phép biến cỏ cây  
      thành lúa ngô, đất đá thành trâu bò, núi đồi thành nhà cửa.
Bây giờ không có đất ở trên trời
   người ta kéo đến bắt cha cô phải trả nợ đời cho họ!
Cô - gái 17 sau cơn nhiếp chính thay cha đã già như bà lão 70!
   đạo không biết
      nhà không biết
chữ không biết
   chỉ biết đói rách vì di cư
      cô bắt đầu đi tìm bất kỳ nơi nào có bản
có bản là có các  chàng trai...

Sáng cô đi múc nước lúc có nhiều người múc nước
   trưa cô đi rửa rau lúc có nhiều người rửa rau
      chiều cô đi tắm lúc có nhiều người đi tắm
và gặp ai họ cũng gọi cô bằng bà, bằng mẹ!

Duy có một chàng trai người Kinh
   ban ngày mặc áo xanh, ăn cơm trắng, nói tiếng phổ thông
      ban đêm mặc áo chàm, ăn củ nâu, nói tiếng Mông
anh là lính Biên Phòng kiêm thầy giáo và kiêm thầy thuốc
   anh dạy chữ cho cô
      chữa  được bệnh của cô
vì anh nghe tiếng kèn lá cô thổi và biết cô mới 17 tuổi.
Anh gọi cô bằng: Em!
   rồi mời cô và mọi người về nơi ở cũ - nơi ngày xưa cô đã ra đi
      mà hôm nay trong ký ức cô không phải là rừng hoang thì 
cũng là đất trọc.

Vậy là mặc cho con ma rừng ăn xác
   cô quay về theo sự mách bảo của con tim...
Chiếc lu cở củ nâu bỗng trở nên nặng trĩu khi cô nhìn thấy
    những thửa ruộng bậc thang xanh mướt ở chính cái nơi khô
        cằn cha cô đã bỏ.
Cô không còn thấy gió lạnh thấu xương khi mắt gặp phải
   những mái ngói đỏ tươi.

Từ đầu bản
   hai hàng người mặc áo xanh sao giống nhau như sinh cùng lúc
     miệng ai cũng cười
tay ai cũng bắt chặt
   họ đón dân về!

Ngay đêm đó
   anh lính ăn củ nâu, nói tiếng Mông, đã làm giáo viên rồi còn
      kiêm thầy thuốc
nghe thấy trong gió có tiếng sáo dụ tình
              lát sau
      nghe thấy cả tiếng khèn gọi bạn...
                                                                               Ma Can - Phong Thổ, 21.5.2003

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét